Kết nối bạn đọc

Kỳ 16: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

DDVN • 01-03-2019 • Lượt xem: 15200
Kỳ 16: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

Một hai tháng đầu, tôi học hành chưa vô nổi vì còn liên tưởng đến những ngày “bụi đời” tại Đà Lạt, Vũng Tàu. Nhớ đến nàng Quyên với nụ hôn đầu đời mê mẩn, nhớ những buổi cùng nắm tay nhau dung dăng dung dẻ trên sân Cù, nhớ những đêm khuya khoắt nằm trên ghế bố nhìn ra biển đen thui hoặc ngó lên trời nhìn những đám mây bay, tưởng tượng ra đủ mọi thứ hình thù, mặc cho đầu óc tưởng tượng phong phú của tuổi trẻ lôi đi đâu thì đi. Phải chi thay vì ngồi nuốt không nổi những bài toán hay Physique, Chimie khô khan thấy mồ tổ, mà được làm một phùa “tang bồng hồ thỉ nam nhi trái” thì sướng mình, sướng mẩy biết bao.

Thế cho nên thay vì chú tâm nghe giảng bài, tôi luôn luôn lén xuống cuối lớp cùng với Billy Shane bàn chuyện ca nhạc và tìm cách “phát huy” Teenager's Club đang trong thời kỳ tiến nhanh tiến mạnh với sự tham dự của một đám nữ sinh Gia Long. Chả biết hứng tình thế nào tôi nảy ra ý định tập tành làm ký giả, với tên tuổi được đăng trên báo dưới một cái tựa đề láng coóng thì ôi thôi, thật là hạnh phúc biết bao (câu này “cọp” của một cha ở nhà thờ, dùng cho phần kết thúc một bài giảng). Ừ nhỉ, tại sao mình không thử thời vận một lần xem thế nào. Lúc đó nhạc trẻ đang lên cao, chưa có ai viết về phong trào này, vậy còn chờ gì nữa. Nhờ có một lợi điểm là đã quen biết hầu hết những ca sĩ cùng những tay trống tay đàn ở Sài Gòn thì quả là thuận tiện.

 

Đã có ý tưởng sẵn trong đầu cộng với cái thú khoái đọc sách báo, nên tôi viết phom phom, chữ nghĩa tuôn ra xối xả và lênh láng. Chẳng mấy chốc đã ngoáy xong 5, 6 trang giấy được đặt một cái tựa rất xôm là “Sài Gòn Bão Nhạc 64”. Viết xong cũng vừa giờ tan học buổi chiều, tôi nhờ tên bạn Vũ Thế Truyền tự “Truyền Mập” (hiện cũng đang hành nghề “tu bíp” ở Mỹ, ngoài ra còn kiêm luôn chức chủ tịch y sĩ ở Louisianna, người đã cùng tôi đoạt phần thưởng giáo lý đồng hạng!) chở bằng chiếc xe Mobylette mầu vàng lại tòa soạn báo Kịch Ảnh của ông Quốc Phong trên đường Phạm Ngũ Lão. Trong bụng cầu xin Chúa (những lúc này là những lúc nhớ đến Chúa nhiều nhất!) mong sao cho tòa báo chịu đăng “tác phẩm” đầu tay của mình. Nếu được như vậy cũng... thật là hạnh phúc biết bao. Nhưng đến nơi thì Kịch Ánh đã cửa đóng then cài, chẳng biết làm sao hơn đành phải nhét đại “tác phẩm” vào trong khe cửa cầu may, để tối hôm đó về... cầu nguyện tiếp.

 

Ca sĩ Elvis Phương và Ban Vampires, thập niên 1960

 

Tôi mong sao cho mau đến ngày thứ Năm để mua báo với hy vọng bài của mình được chiếu cố, nhất là đã nói thành, nói tướng với bạn bè và đào địch. Rồi ngày thứ Năm cũng đến, hồi hộp lật từng trang để Tôi thất vọng ê chề. Tuần lễ sau cũng vậy, chả thấy tăm hơi “Sài Gòn Bão nhạc 64” đâu hết trơn. Tôi đã thật sự chán nản sau khi chờ đợi dài người cả 3 tuần lễ mà chẳng thấy “đại tác phẩm” của mình được đoái hoài. Đúng là ông chủ nhiệm không có mắt trước một thiên tài đồ sộ như tôi. Mộng trở thành nhà báo kể như tiêu tùng. Chị đào nhí của tôi cũng bắt đầu tỏ ra thờ ơ lạnh nhạt, khinh khỉnh ra mặt. Còn mấy thằng bạn cùng lớp thì luôn tìm cách đá nhẹ vào vết thương lòng của tôi. Nhưng đến tuần lễ thứ tư thì... lạy Chúa tôi! Tôi không thể tưởng tượng được bài của mình lại được đi ngay chính giữa tờ báo một cách ngon lành. Cái tựa đề “Sài Gòn Bão Nhạc 64” sao coi oai vệ và quan trọng thế không biết. “Văn tài” của tôi chắc đến hồi phất đây! Bà bán báo đã tỏ ra hết sức ngạc nhiên khi thấy tôi dốc túi ra mua một lúc 10 tờ báo để sau đó vào lớp phân phát cho mấy thằng bạn để trả thù đời cho bõ tức… Chúng mày biết tay ông, đứa nào lộn xộn tao vác lên báo... chửi cho đã! Chị đào nhí dĩ nhiên cũng được tôi thân tặng một tờ. Khi thấy tên tôi chình ình trên báo bèn tỏ ra rất cảm động, pha lẫn một sự hãnh diện có anh kép nhóc tì là một ký giả đại tài. Ngay trưa hôm sau, trong giờ cả nhà ngủ trưa và tôi vẫn còn đang say sưa đọc đi đọc lại “tác phẩm” của mình thì anh tổng thư ký Vân Sơn của Kich Ảnh lóc cóc chạy xe Mobylette đến tận nhà tặng cho 5 tờ báo và nhắn lên tòa soạn gặp ông chủ nhiệm Quốc Phong. Ngay trong lần gặp đầu tiên, tôi đã được giao phó nhiệm vụ đi phỏng vấn để viết bài về các ban nhạc trẻ đang hoạt động. Nhà đại ký giả hơi... teo vì thấy nhiệm vụ nhận lãnh có vẻ quan trọng quá sức vì chưa từng phỏng vấn, phỏng việc ai bao giờ! Thôi thì cứ lôi mấy bạn nhạc mà thành phần có một hai tên học ở Taberd trước để phỏng vấn là chắc ăn.

 

Nữ sinh Gia Long xưa, trước 1953 nữ sinh trường này mặc áo dài tím

 

Ban nhạc được tôi lôi ra viết bài đầu tiên là Les Tridents, kế đến là Les Fanatiques... là những ban nhạc có mấy tay đàn địch học cùng trường. Dần dần quen với việc phỏng vấn, tôi lân la đến những ban nhạc khác để “hành nghề” như The Teddy Bears, Les Faucons Noirs (thường bị chọc là ban nhạc “Phao Câu Đen”!), Les Demi-Sels, Les Vampires, The Rockin' Stars, The Black Caps, The Blue Stars, Les Daltons... Trong 4, 5 tháng liên tiếp hầu như tất cả các ban nhạc có mặt thời đó đều được tôi lôi lên báo tuốt luốt. Và cũng từ đó tên tuổi của đại ký giả bắt đầu được anh em ở Taberd biết đến.

 

Từ ngày tự phong là... ký giả, tôi cảm thấy mình quan trọng hẳn lên mặc dù những bài phỏng vấn, giới thiệu ban nhạc theo tôi cũng chẳng có gì hấp dẫn lắm. Nhưng đối với ca nhạc sĩ trong làng nhạc trẻ, những bài viết đó lại được theo dõi một cách tận tình. Được nhắc nhở tên tuổi trên báo sướng thấy mồ. It ra mỗi anh, mỗi chị cũng mua 5,7 tờ tặng bạn bè, đào địch để được nở mày nở mặt với thiên hạ. Trong những năm đầu tiên, chỉ được hát được đàn là đã khoái tỉ, được trình diễn trước những khuôn mặt trẻ tuổi mê nhạc như điên đã là một điều hạnh phúc, chẳng bao giờ nghĩ đến tiền bạc. Về phần khán giả choai choai thì không còn gì thích thú cho bằng được tham dự những buổi đàn ca xập xình với những ban nhạc rập khuôn theo những ban nhạc thần tượng của Pháp hay Anh, Mỹ. Nhất là tuần nào báo Kịch Ảnh lại đi kèm theo vài ba cái hình ban nhạc, ca sĩ nhạc trẻ Việt Nam thì bảo đảm số tiêu thụ nơi các đấng này tăng tiến hơn là cái chắc.

Giới độc giả trẻ lại còn thấy thích thú hơn khi có dịp làm quen với những tên tuổi mới, điển hình cho một phong trào đang trong thời kỳ thịnh hành trên khắp thế giới. Ai không biết đến tên anh ca sĩ này, chị ca sĩ nọ hay ban nọ, ban kia để bàn ra, tán vào trong những câu chuyện thường ngày thì đúng là... nhà quê, không hợp thời trang chút nào. Nhớ lại những bài viết của mình quanh đi, quấn lại cũng chỉ là thành phần có những ai, người nào chơi “guitare solo” (tức lead guitar, nói theo kiểu Mỹ bây giờ), chơi “guitare basse”, chơi “guitare accord” (rythm guitar) hay chơi “batterie” (trống). Ban nhạc nào có thêm được một nhạc sĩ thổi kèn saxo như The Rockin' Stars với “Tòng Saxo” (hiện ở Vancouver) hay Les Tridents với Tân Tiến (hiện ở Virginia, đã bỏ nghề... thổi) được coi là rất gồ ghề.

Xe mobylette, 1962

 

Thời kỳ đầu tiên chưa ban nhạc nào có người sử dụng đàn orgue (organ), cho ý đến khoảng 65, 66 trở đi mới xuất hiện một vài nhạc sĩ chơi nhạc khí này, được coi là một loại xa xỉ phẩm đối với những ban nhạc tài tử. Tay organ tiên phong nổi tiếng nhất vào thời đó là một nhạc sĩ trẻ mang hai giòng máu Việt và Phi Luật Tân tên Mario Cruz. Cho đến khi rời khỏi Việt Nam nhiều năm trước tháng 4 năm 75, Mario vẫn được coi là tay đàn organ vô địch của nhạc trẻ Việt Nam, từng cộng tác với nhiều ban nhạc nổi tiếng như The Teddy Bears, The Spotlights, The Vibrations... Anh là con nhạc sĩ Phi Luật Tân nổi tiếng tại các vũ trường ở Sài Gòn là Benito Cruz, một trong những nhạc sĩ đầu tiên đã du nhập nhạc Jazz vào Việt Nam. Mario ngoài tài nghệ sử dụng organ xuất sắc còn là một tay chơi... Cognac và Whisky tài tình không kém. Sau vài ba ly lấy trớn, tiếng đàn organ của anh trở nên bay bướm và lả lướt vô cùng, điển hình với nhạc phẩm “A Whiter Shade Of Pale” của Procol Harum vào thời đó.

 

Sau chuyến sang California thăm bạn bè vào giữa thập niên 90, Mario đã đột ngột qua đời, mà theo anh em trong  giới thì nguyên nhân gây ra cái chết của anh không gì khác hơn hai tên Cognac và Whisky. Nói về rượu, không thể nhắc tới tay “guitare solo” Văn Thái của Les Vampires, nổi tiếng là một con “sâu rượu”, ngày nào không có hơi men là y như rằng mặt mày ủ dột, mặt mũi lừ đừ. Nhưng sau khi nhấm nháp vài ba hớp rượu là y như rằng tươi tỉnh hẳn lên để xuất thần tung ra những ngón đàn tuyệt diệu. Trong lần trình diễn tại Đại Hội Nhà Trẻ đầu tiên trong thính đường của trường Taberd, với vai trò một trong những người tổ chức, ở phía sau sân khấu tôi đã phải tiếp sức cho anh bằng vài hớp men trước khi anh bước ra sân khấu để làm say mê khán giả với những nhạc phẩm của The Shadows!

(còn tiếp)