Kết nối bạn đọc

Kỳ 18: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ (Chương II)

DDVN • 03-03-2019 • Lượt xem: 13177
Kỳ 18: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ (Chương II)

Một điều chắc chắn là nhờ qua lãnh vực báo chí tôi đã chính thức đến với những sinh hoạt nhạc trẻ. Khởi đầu từ 1964, khi tự phong cho mình là ký giả sau lần được ngài chủ nhiệm Quốc Phong chi cho 5 “bớp” đầu tiên trong cuộc đời viết báo. Dĩ nhiên là vẫn... ham vui như thường, tuy nhiên tôi cảm thấy có phần trách nhiệm hơn khi hàng tuần phải mang bài đến tòa báo nộp. Mỗi tuần phải rặn ra 3, 4 trang báo với hình ảnh đi kèm không phải là chuyện dễ thực hiện đối với một anh ký giả nhóc như tôi.

 

Tuy nhiên những lần đi phỏng vấn, chụp hình các ban nhạc và ca sĩ, được đãi ngộ một cách đặc biệt nên rất lấy làm khoái chí để ra sức viết cho ngon lành hơn. Chẳng thế mà một thời gian sau khi đã lôi hết các ban nhạc và ca sĩ lên mặt báo, tôi đã được ông chủ nhiệm giao phó cho nhiệm vụ phỏng vấn các ca sĩ tân nhạc là lãnh vực tôi còn cảm thấy xa lạ, chưa hề quen biết một nghệ sĩ nào trong giới này, mặc dù đều biết tất cả những tên tuổi quen thuộc vào thời đó. Khi được giao phó nhiệm vụ này, “đại ký giả” hơi rét vì nghĩ rằng làm sao viết lại những đàn anh “ký giả kịch trường”, “ký giả tân nhạc” kinh nghiệm đầy mình và lẫy lừng tên tuổi. Cục mặc cảm hình như đang có khuynh hướng lồm cồm bò dậy. Tôi nhủ thầm, mẹ kiếp! ãĐ lỡ tới, cho tới luôn. Không nhận lời thì yếu quá và nhất là cái nghiệp ký giả có cơ hội tàn trong ngõ hẹp. Thế là tôi oai hùng nhận lời, làm ra vẻ ngon lành như có ý cho ngài chủ nhiệm biết rằng: tưởng gì chứ chuyện đó là chuyện nhỏ. Dễ ẹc! Đúng nghề mà, đâu có ngán thằng tây nào. Nữ ca sĩ đầu tiên được tôi thăm viếng là Lệ Thu. Tôi cũng chẳng nhớ bằng cách nào đã “móc nối” để đến gặp Lệ Thu để làm một việc trịnh trọng là phỏng vấn. Chắc Lệ Thu cũng ngạc nhiên không ít khi thấy một anh nhóc phom phom cưỡi Suzuki vào trong ngõ hẻm gần phở 79 để rụt rè và e lệ xin được phỏng vấn. Lúc đó Lệ Thu mới 21 tuổi, nhưng đã có vẻ dạn dầy sương gió hơn anh ký giả thua có 3 tuổi nhiều. Cũng may phước, cuộc phỏng vấn đã được diễn ra thuận buồm xuôi gió.

 

 

Hai ba ngày sau đó, hì hà hì hục sửa tới sửa lui cho văn vẻ, đúng điệu nhà nghề để mang tới tòa soạn với đầy sự hồi hộp. Bài viết về Lệ Thu sau đó đã là bài khởi đầu cho một loạt bài viết về ca sĩ tân nhạc. Nào là Phương Hoài Tâm, Phương Hồng Hạnh, Phương Hồng Quế, Thanh Thúy, Hoàng Oanh... được đưa lên tờ Kịch Ảnh, song song với “Trang Teenager’s” đã được mở rộng thêm nhiều. Cũng từ đó tôi lại có dịp quen biết với một nhóm nữ Gia Long mà “đảng trưởng” là Kim Dung, sau đó đã bước chân" làng nhạc trẻ, thường được anh em gọi theo hôn danh là "Dung Mập”. Gia đình Kim Dung cư ngụ ở số 12 đường Phan Thanh Giản, gần cầu xa lộ. Phía trong hẻm là gia đình ông Đinh Văn Lang, thân phụ của nữ ca sĩ Xuân Thu và 3 anh em Đinh Văn Thông, Thắng và Thịnh, một thời gian sau trở thành ban nhạc trẻ nhi đồng ĐVT. Căn nhà của Kim Dung chẳng mấy chốc đã là nơi tụ họp của các hội viên đực rựa của “Teenager's Club” đến “giao duyên” với nhóm bạn gái “yeyé” của nàng. Nào là Mai, Châu, Lan, Đào, Huyền Trân... Cô Mai đeo kính là một người khó tính, khó nết nhưng cũng dễ thương, chẳng thế mà tôi đã từng... ngỏ lời ong bướm và “cống hỉ” ra gì. Châu thì có mái tóc và cặp môi như Sylvie Vartan, cũng từng khiến cho một nhạc sĩ chết mê, chết mệt. Còn Lan, Đào, Huyền Trân thì mỗi người một vẻ, ai cũng duyên dáng, mặn mà khiến cho các hội viên đực rựa của Teenager's Club điên đảo.

 

 

Riêng Kim Dung, tính tình ngổ ngáo như con trai, anh nào cũng rét nên không dám nhào vô để “nối vòng tay lớn”. Sau này có Billy Shane si tình nàng như điếu đổ, mặt mày thẫn thờ mỗi khi được nàng ban phát cho một nụ cười. Chàng ca sĩ có mái tóc như sư tử là Johnny Sơn của The Daltons từng một thời ngất ngư con tầu đi vì Kim Dung. Đó là chưa kể đến gia đình của Dung toàn là chị và em gái như Chu Kim Long, Chu Kim Giang, Chu Kim Quế, Chu Kim Quỳnh, v,v... đã thu hút được sự thăm viếng của một số lượng đông đảo khách tình si. Thành ra lúc nào căn nhà số 12 Phan Thanh Giản cũng dập dìu tài tử giai nhân. “Bà già” Kim Dung tuy bề ngoài có vẻ “đáng ngại” vì cái dáng dấp phục phịch và bệ vệ của bà, nhưng không ngờ lại rất dễ chịu với đám ma mãnh chúng tôi, đứng ngồi lổn nhổn tùm lum trong nhà. Nhất là thường hay nhẩy nhót, làm đủ điệu bộ mỗi khi bà... lên đồng trên căn gác xép, phía sau nhà.

 

Cúng vái xong là cả bọn được một chầu ăn uống thỏa thích, mặc dù trước đó có tên đã lẻn lên lầu “chôm” vài miếng thịt gà, đớp lia lịa trước khi cúng vái. Bà cụ lại còn hành nghề bói nên có lần tôi đã tẩn mẩn nhờ cụ bói cho một quẻ xem số phận ra Sao. Xào bài, rút bài một hồi, bà cụ phán rằng: “Số cậu phè lắm, nhưng giầu có chẳng thấy đâu, tuy nhiên được cái không vất vả gì lắm”. Tôi chợt nhớ tới lá số tử vi bố tôi nhờ một ông thầy bói ở chợ Đồng Xuân giải đoán khi tôi mới khóc oe oe chào đời. Ông thầy phê ngay trong lá số nguyên văn là “Số này trọn tuổi hoa niên ngày tháng rong chơi thanh nhàn, cả đời trà đình tửu quán”. Nhớ lại một thuở ham vui, thấy ông thầy này nói đúng phóc. Bây giờ nếu ông còn sống, gặp lại ông chắc chắn tôi sẽ đãi ông một chầu... trà đình tửu quán cho thỏa chí tang bồng. Chắc bố tôi thấy lời phê của ông ấy trên lá số tử vi của tôi chắc cũng thất vọng và buồn lắm, cả đời “trà đình tửu quán” thì còn giờ đâu mà học luật theo ý muốn của ông.

Nhưng cái số nó vậy, chạy trời cũng không khỏi nắng. Có vẻ tin tưởng nơi khả năng giao du nhiều của tôi nên Kim Dung đề nghị tôi làm... bầu cho cô. Chưa biết bầu bì ra sao, tôi cũng nhận bừa cho hách. Từ đó trở đi Dung gọi tôi là ông bầu, sau khi đã giới thiệu cô vào cộng tác với một vài ban nhạc như Les Tridents và The Daltons để trở thành một trong những nữ ca sĩ đầu tiên của làng nhạc trẻ, cùng thời với Francoise Hằng và sau Helena một thời gian.

 

 

 Lần đầu tiên tôi làm bầu vào cuối năm 64 khi được một ông bầu thứ thiệt tên Anh Nghĩa đến... dụ dỗ, rủ rê cùng ông tổ chức một Đại Hội Kích Động Nhạc. Nhiệm vụ tôi là đi mời một số ban nhạc để trình diễn trong chương trình này tại rạp Văn Hoa Đa Kao. Chỉ nghe ông Anh Nghĩa nhờ cậy một việc quan trọng như vậy đã sướng phồng cả mũi, tha hồ “nổ” với anh em, nên đã nhận lời ngay, chẳng hề đòi hỏi điều kiện. Tôi “chiêu mộ” được một số ban nhạc trong đó có The Daltons, Les Faucons Noirs, Les Tridents, V.V... Anh em chưa bao giờ trình diễn trước một số khán giả đông đảo của đại nhạc hội nên cũng hăng hái nhận lời mà cũng chẳng có ai mở miệng hỏi tiền thù lao.

(còn tiếp)