Kết nối bạn đọc

Kỳ 20: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

DDVN • 05-03-2019 • Lượt xem: 15425
Kỳ 20: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

Sự kiện nhạc Pháp được ưa chuộng nhiều và lâu dài trong giới trẻ Việt Nam đã nói lên được ảnh hưởng nặng nề của nền văn hóa “Phú Lang Sa” sau 100 năm ông tây, bà đầm có mặt tại Việt Nam, cùng với sự hiện diện của rất nhiều trường dạy chương trình Pháp. Cùng một lúc với sự hâm mộ nhạc Pháp, giới trẻ Việt Nam trong những năm 64, 65 cũng đã bắt đầu làm quen với nhạc Mỹ, nhất là từ khi có bóng dáng những chàng GI Huê Kỳ xuất hiện tại đất nước này với những chương trình phát thanh và truyền hình ca nhạc.

Văn hóa Hoa Kỳ bắt đầu đến với Việt Nam từ đó, nước ngọt Coca Cola, Pepsi Cola cùng với kẹo chewing gum trở nên quen thuộc và hợp thời trang hơn những chai “limonade” của hãng BGI hay kẹo Nougat của Tây. La-de hiệu Con Cọp hay “33” dần dần bị các nhãn hiệu như Budweiser hay Coors lấn át. Chỉ còn những hiệu Cognac như Hennessy, Remy Martin, Courvoisier, Martel của ông Tây còn có khả năng chống chọi với những loại Whisky của con cháu chú Sam, không được các bợm nhậu ưa thích lắm. Các câu lạc bộ giải trí dành cho những cố vấn, những sĩ quan và quân nhân Huê Kỳ, thường được gọi là những “Clubs Mỹ” được thành lập rất nhiều, khởi đầu trên những đường Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ. Những năm kể tiếp “Club Mỹ” có mặt tại khắp mọi nơi có những lính Mỹ đồn trú như Long Bình, Lai Khê, Biên Hòa, Đà Nẵng Cam Ranh, Nha Trang... Để đáp ứng cho nhu cầu này, rất nhiều ban nhạc trẻ được thành lập tại Việt Nam những năm kế tiếp mà vẫn không đủ cung cấp cho sự đòi hỏi, mặc dù đã có tới hàng trăm ban nhạc Phi Luật Tân đổ xô vào Việt Nam cùng một số ban nhạc của Hồng Kông, Đại Hàn, Singapore...

 

Nhóm nhạc nữ đầu tiên ở Sài Gòn: Blue Stars

 

Sự xuất hiện của ban nhạc phái nữ Mỹ có tên là The Pretty Kittens tại rạp Rex ở Sài Gòn vào khoảng giữa thập niên 60 đã tạo nên một sự thích thú mãnh liệt trong giới trẻ. Ai nấy đều cố gắng mua được vé đi xem tận mắt một ban nhạc Mỹ mà tài nghệ chỉ ở thường thường bậc trung, nếu không nói là còn quá yếu kém. Nhưng cái nhãn hiệu “USA” của ban nhạc này đã đánh trúng tâm lý tò mò, thích của lạ nơi giới trẻ, do đó những buổi trình diễn của The Pretty Kittens đã không còn một chỗ trống. Bốn con mèo con này đã là nguồn hứng khởi cho một số thiếu nữ đang mang mộng ước thành lập một ban nhạc nữ. Ngoài ban nhạc nữ đầu tiên của Việt Nam là The Blue Stars, sau đó có thêm sự ra đời của một vài ban nhạc gồm toàn liền bà, con gái khác, trong số có ban The Rabbits và The Phoenix, gồm một số nữ sinh Trưng Vương. Sự tồn tại của những ban nhạc phái yếu này không kéo dài được bao lâu sau khi chưa gây được tiếng vang gì đáng kể.

 

Những bản nhạc lời Mỹ thuộc loại nhạc trẻ vào những năm 64, 65 đã bắt đầu được các ban nhạc đua nhau tập dượt mặc dù vấn đề ngôn ngữ còn ở mức sơ đẳng, tuy có những người từng theo học ở các trường chuyên trị Anh Văn như Dziên Hồng hay Khải Minh. Tôi cũng là một trong những anh nhóc ghi tên theo học thêm Anh Văn ở Khải Minh, trong một con hẻm trên đường Nguyễn Đình Chiểu trong thời gian gần hai năm. Ngoài việc “học hỏi” nơi... Cliff Richard (đã được Nữ Hoàng Anh phong chức “Sir” từ nhiều năm trước) qua gần như tất cả những bài hát của anh, qua những quyển Anglais Vivant khô khan hay quyển dạy Anh Văn theo phương pháp Assimil cổ lỗ sĩ, nay còn được “tăng cường” thêm những buổi học tối ở Khải Minh để làm quen với David Coperfield và Tom Sawyer.

 

Đĩa The Sounds Of Silent của nhóm Simon & Garfunkel

 

 

Học nhiều “môn phái” như vậy đã khiến tôi bị tẩu hỏa nhập ma, xài chữ lung tung không ra cái thống chế gì. Nhưng có cái an ủi là đã được dùng mớ căn bản của mình phiên dịch những bài hát cho một số anh em bạn. Thêm vào đó là phần… phiên âm cho những ca sĩ tài tử còn bập bẹ tiếng Anh. Ấy thế mà khi lên sân khấu, anh chị em cứ rống lên một cách rất hiên ngang mặc dù chả cần hiểu nghĩa ra làm sao. Ba chớp, ba nháng như thế khiến quý vị khán thính giả ngồi phía dưới cứ tưởng người đang hát có chứa trong bụng một bồ Anh Văn! Đại khái nhiên âm như thế này: “There is the house in New Orleans, they called The Rising Sun... (“The House Of The Rising Sun” do The Animals trình bầy) được phiên âm như sau: “Dè ì dờ hao ín niu bọc tìn, dấy con dớ rai dình sân” kèm theo chút ít ngân nga như bản chính là ăn tiền. Phương pháp phiên âm quốc tế hay phương pháp Dziên Hồng của giáo sư Lê Bá Kông chắc chắn cũng phải chào thua.

 

Đĩa Apache của ban The Shadows

 

Song song với những ca sĩ Pháp cùng những nhạc phẩm kể ở phần trên, những ca sĩ và ban nhạc Mỹ trong những năm 64, 65 bắt đầu có một chỗ đứng không kém gì nhạc Pháp trong thời kỳ đầu tiên. Nói một cách khác, nhạc Pháp trong những năm này vẫn là một nền tảng đã in sâu trong tâm hồn những người trẻ mà những thế hệ trước họ đã chịu ảnh hưởng nặng nề của nền văn hóa Tây, trong khi nhạc Mỹ mới đi tìm chỗ đứng tại Việt Nam, mặc dù những Frank Sinatra, Pat Boone, Doris Day, Patti Page, Ricky Nelson, Fabian, Johnny Mathis, The Everly Brothers, Marty Robbins, Duane Eddy (với nhạc phẩm độc tấu guitar Apache “toòng teng quần trắng đen treo toòng teng”, không ai không biết!) đã từng một thời được biết tới trong những năm cuối của thập niên 50 và vài năm đầu thập niên 60, thường là chỉ ở Sài Gòn hoặc vài thành phố lớn vì không được phổ biến rộng rãi. Đến giữa thập niên 60 thì nhạc Mỹ đã lan rộng tại Việt Nam hơn xưa rất nhiều, nên khó ai quên được The Beach Boys với “Fun, Fun, Fun”, “I Get Around”, “Help Me Rhonda”, The Supremes với “Baby Love”, "Where Did Our Love Go”, “Come See About Me”, “Stop In The Name Of Love”, The Ventures với "Walk Don't Run 64”, Roy Orbison với “Oh! Pretty Woman”, Sam The Sham & The Pharaons với Woolly Bully", Jay & The Americans với "Cara Mia”, The Righteous Brothers với "Unchained Melody”, “You've Lost That lovin' Feeling”, “Ebb Tide”, Sonny & Cher với “I Got You Babe", “Baby Don't Go", The Mc Coys với "Hang On Sloopy', James Brown với “I Got You” ( tức "I Feel Good”); Simon & Garfunkel với “The Sound Of Silence...

(còn tiếp)