Kết nối bạn đọc

Kỳ 24: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

DDVN • 09-03-2019 • Lượt xem: 10921
Kỳ 24: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

Từ khi chuyển qua giai đoạn bán nhà nghề, một số anh chị em nhạc trẻ có vẻ khấm khá hẳn lên. Tiền bạ­c rủng rỉnh nên phần thời trang có vẻ tăng tiến thấy rõ. Dần dần quen biết với các người anh em Huê Kỳ nên anh chị em có thể gửi gấm mua hàng PX (một loại “Quân Tiếp Vụ” của quân đội Mỹ) với một giá rẻ rề. Thuốc lá Winston, Marlboro, Salem, Kool, Lucky... phì phèo thả cửa; bia rượu uống bí tỉ thả dàn, dầu thơm xức vung vít, nức mũi.

­­­­­Nhưng đáng nói hơn cả về phía các ban nhạc là có thể nhờ những người anh em đồng minh mua giúp những nhạc khí mà trước đó không phải là chuyện dễ dàng và giá cả còn quá đắt đỏ trong thời kỳ còn trong tình trạng chơi “chùa”, chơi “miễu” không nhận được một đồng xu teng, nếu không nói phải xuất tiền túi mỗi lần được mời đàn hát đó đây. Bây giờ rủng rỉnh có tí tiền còm, chơi bảnh một phát cho thỏa lòng mong ước bấy lâu nay. Thế là các cây guitares điện thứ thiệt như Fender, Gibson, Hofner... bắt đầu xuất hiện trong các ban nhạc cùng với những bộ trống hiệu Ludwig, Pearl và các ampli đàn mang nhiều nhãn hiệu danh tiếng, nhưng phổ thông nhất lúc đó vẫn là Fender. Nhưng không phải vậy mà các nhà sản xuất nhạc cụ “lô can” như Lâm Hào, Viễn Phương, Đức Thắng bị ảnh hưởng, mà trái lại còn đắt khách hơn trước vì không phải ban nhạc nào cũng có tiền sắm đồ bảnh của ngoại quốc.

 

Mỗi nhạc sĩ đã có riêng cho mình một ampli, không còn cảnh “share” ampli với nhau như thời kỳ đầu tiên. Mỗi lần đi show, mạnh ai tay xách nách mang, khệ nệ ôm đàn và ampli lên xế hộp do chính ông bầu chở đi đến nơi trình diễn kiếm chút cháo. Các đĩa nhạc thịnh hành bắt đầu có mặt qua các cửa hàng PX, cùng với các báo chí về ca nhạc như Billboard, Hit Parader, 0.K Hit Songs, Circus. Sau đó vài năm còn có sự ra đời của tờ Rolling Stone, cho đến nay vẫn là một tạp chí ca nhạc giá trị được giới trẻ đọc nhiều nhất, một tạp chí luôn đề cao nền văn hóa “pop” tức “Pop Culture” trong lớp trẻ.

 

 

Ban nhạc The Rockin’Stars

 

Vấn đề theo dõi nhạc thời trang thịnh hành Hoa Kỳ đã không còn khó khăn như trước. Hơn nữa còn thêm một đài FM của Mỹ tối ngày phát thanh nhạc đủ loại, được những tay yêu nhạc hoan nghênh kịch liệt. Cũng nhờ đó, Trang Nhạc Trẻ trên tuần báo Kịch Ảnh do tôi phụ trách được tăng cường lên hai trang với nội dung phong phú hẳn lên. Nào là những bảng sắp hạng “Top 10”, “Top 20” hay “Top 40” mới nhất cùng với những tin tức nói về các ban nhạc trẻ quốc tế, dịch không hết từ những tạp chí Mỹ, nhờ mua qua cửa hàng PX. Không những vậy, sinh hoạt của các ban nhạc trẻ Việt Nam cũng được nhắc nhở đến với nhiều chi tiết hơn, cùng một lúc với sự ra đời của một số ban nhạc mới như The Vendetta, The Sunshine, The Fourty Six, The Teen Sound The Rising Sun, Les Demi Sels, Les Milans, The Thunderbirds The Ants, Les Canaris, Les Cavaliers, The Starling Show, The Regent, The Beats, The Souls... thêm vào số lượng của gần 20 ban trước đó. Đó là chưa kể đến một số ban nhạc được các ông bầu chắp vá, ráp nối tứ tung để lấy đại một cái tên nào đó đi làm trong các club Mỹ. Tay “lead” của ban này, phối hợp với tay bass, tay trống của các ban nọ, ban kia trở nên một thành phần hỗn hợp 4, 5 mạng là có thể đi hành nghề một cách khuây khỏa. Có những bạn nhạc chẳng bao giờ thấy tên tuổi được nhắc nhở đến trong các đại hội nhạc trẻ sau này nhưng đã có một thời kỳ đi lưu diễn đó đây.

 

Trước sự đi lên mạnh mẽ của nhạc trẻ, tôi đề nghị với ông chủ nhiệm Quốc Phong phải “làm một cái gì” để mọi người biết rõ hơn về nhạc trẻ, đừng dựa trên danh từ “kích động nhạc” để tưởng tượng ra đủ mọi thứ xấu xa và đồi trụy gán ghép cho nó. Trước sự đề nghị của anh ký giả nhóc tì - lúc này đã bạo dạn hơn trước rất nhiều, vì dù sao cũng đã chính thức viết lách được một thời gian - ông chủ nhiệm ưng thuận ngay. Chắc chắn ông ấy cũng chả cần biết tới nhạc trẻ là cái thống chế gì, nhưng thấy món này ăn khứa và đang hợp thời trang nên đã tỏ ra rất bênh vực cho món hàng này. Bàn đi, bàn lại nhiều lần để cuối cùng Kịch Ảnh quyết định tổ chức một buổi họp mặt đại diện một số các ban nhạc trẻ ngay tại tòa soạn.

 

Tôi dĩ nhiên được giao phó cho nhiệm vụ đi thỉnh đại diện các ban nhạc đến tham dự càng đông càng vui. Đông chừng nào thì sự “biểu dương lực lượng” được mạnh mẽ chừng nấy. Bỏ ra cả mấy tuần lễ đi năn nỉ, ỉ ôi với kết quả là thuyết phục được một số anh em nhận lời tham dự. Nghe đến họp hành, đến “tìm một hướng đi” hay “tìm một giải pháp” quan trọng ghê gớm nên thoại đầu anh em có vẻ e ngại. Đành phải hù là nếu không có được tiếng nói thì sẽ bị... đàn áp, lúc đó sẽ hết được đàn ca, hát xướng. Nghe đến sự hăm dọa rùng rợn như vậy, anh em hãi quá nên sắm sửa bộ hành đến tham dự rất ư là trịnh trọng.

 

 

Cuộc họp mặt đầu tiên đánh dấu cho một giai đoạn mới của nhạc trẻ Việt Nam được đặt một cái tên rất kêu là “Bàn Tròn Nhạc Trẻ” đã có sự tham dự của gần 20 mạng, đại diện cho các ban nhạc: The Daltons, The Rockin' Stars, The Teddy Bears, Les Faucons Noirs, The Hard Stones... ngồi chật cả chiếc bàn hình chữ nhật trong tầng dưới của tòa soạn trên đường Phạm Ngũ Lão, trên đó được bày biện vài đĩa bánh ngọt và mấy chai nước ngọt Con Cọp, lành mạnh vô cùng. Những vấn đề đặt ra trong buổi họp này đại khái là: Tên gọi Nhạc Trẻ có nên dùng để thay thế cho tên gọi Kích Động Nhạc? Định nghĩa Nhạc Trẻ là gì? Tìm một hướng đi cho Nhạc Trẻ Việt Nam...

 

Đề tài có vẻ quan trọng quá sức, như là một cuộc hội thảo về chính trị, chính em trong tình thế đất nước lâm nguy, khiến mặt mũi anh nào cũng thộn cả ra, mặc dù trước khi nhận lời đã tỏ ra hăng hái dễ sợ với những câu tuyên bố rất hách xì xằng như: “Đúng, phải làm một cái gì chứ, để thiên hạ hiểu lầm kích động nhạc như vậy đâu có được!”, “Phải đưa kích động nhạc lên cao cho thiên hạ biết tay, bị sỉ vả như thế này tức thấy mẹ?”, hoặc là “Phải bầu lên một ban đại diện cho kích động nhạc mới được! Phải có tiếng nói mạnh mẽ và đoàn kết lại mới được!”. Toàn là những “phải cái này”, “phải cái nọ” ghê gớm lắm, thấy nổi cả da gà, da vịt. Mấy phút nghiêm trang qua đi, sau khi ngài chủ nhiệm tuyên bố lý do và đưa ra những vấn đề bàn.. thì không khí bắt đầu trở nên ồn ào, loạn xạ với những đề nghị tuyên bố hăng tiết vịt. Sau hơn 2 tiếng đồng hồ, kết quả của “Bàn Tròn Nhạc Trẻ” được ghi nhận như sau:

- Đề nghị dùng tên gọi Nhạc Trẻ để thay thế cho Kích Động Nhạc của tôi được tất cả chấp nhận.

- Định nghĩa Nhạc Trẻ là gì đã được bàn cãi sôi nổi để cuối cùng tạm đưa đến một định nghĩa: “Nhạc Trẻ là loại nhạc thích hợp với những tâm hồn trẻ”. Nó không hẳn phải là nhạc ngoại quốc cũng chẳng phải là loại nhạc chỉ dành riêng cho những người trẻ. Nó dành cho cả những “ông bố, bà via” luôn, miễn là có tâm hồn trẻ trung. Nhạc trẻ cũng không nhất thiết phải là loại nhạc giựt gân hay thác loạn. Vì có rất nhiều nhạc phẩm êm dịu, tình tứ nhưng được rất nhiều người trẻ tuổi ưa thích. Cái định nghĩa chung chung và rất... ba phải ấy đã được toàn thể hưởng ứng vì chẳng ai có thể tìm ra được một định nghĩa nào kém... ba phải hơn!

 

(Còn tiếp)