Kết nối bạn đọc

Kỳ 26: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

DDVN • 11-03-2019 • Lượt xem: 9018
Kỳ 26: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

Từ đó trở đi, những phụ tùng dùng để lấy le với bạn bè và đào địch là những điếu thuốc lá có nhãn hiệu gồ ghề đã được ông tôi cất vào tủ khóa kỹ để phòng gian bảo mật, không còn để hớ hênh đầy vẻ khiêu gợi và hấp dẫn như trước. Cũng từ đó, đồng bào ta đành phải mua thuốc lẻ, linh đình lắm mới mua một gói Capstan (thường được đọc là “Cho Anh Phát Súng Tim Anh Nát”, đọc ngược lại thành “Nhưng Anh Tin Số Phận Anh Còn”!) làm cảnh trong những dịp... lễ lớn!

Chỉ dùng vào những trường hợp đặc biệt như dung dăng dung dẻ với đào đi nhẩy đầm hay tụ tập bạn bè đấu láo ở tiệm nước. Vào những năm 64, 65 chúng tôi ít bén mảng đến những vũ trường vào ban đêm. Thứ nhất là không đủ “địa” chi tiền nước, tiền rượu để bon chen với những tay chơi đàn anh, khi mình còn ở lứa tuổi nhí nhố. Thứ nhì, chỉ có biết điệu “sì lô” mùi làm chuẩn, lâu lâu hứng chí, phởn phơ mới ra lắc lắc tí ti vài bổn Twist. Cứ ngồi ì một chỗ sẽ rất là “cù lần lửa” hết chỗ chê. Sinh hoạt vũ trường ban đêm đối với chúng tôi còn là một thế giới xa lạ, một thế giới ăn chơi và có bề hơi... trụy lạc đối với lứa tuổi học sinh. Nếu có bày vẽ một chút sinh hoạt về đêm thì thỉnh thoảng mới bén mảng đến phòng trà Hòa Bình (gần bùng binh chợ Bến Thành, đối diện ga xe lửa, phía dưới là chỗ gửi xe đạp và gắn máy) để nghe ban nhạc The Hard Stones chơi nhạc trẻ với ca sĩ Jimmy Joseph Jr và Minh Huấn, được coi là một trong vài ban nhạc trẻ trình diễn trước công chúng rất sớm. Nhưng cái số “cả đời trà đình tửu quán” đã đưa đẩy tôi vào thế giới vũ trường này hai, ba năm sau đó trong một thời gian rất dài. Mặc dù không phải để nhảy nhót hay để cặp kè với những chị “ca ve” mà do những hoạt động về nhạc trẻ, được phát triển tại các dancing.

 

 

Áp phích của các nghệ sĩ

 

Mãi đến gần một tuần lễ sau tôi mới tìm ra cách “làm một cái gì” sau khi đã tiêu thụ quá nửa gói thuốc lá trong... cầu tiêu vào đêm trường khuya khoắt. Nhất là đã cẩn thận quạt lấy quạt để khói thuốc để phi tang! Tàn thuốc lá được dập tắt cẩn thận, gói ghém kỹ càng quăng vào thùng rác. Ngoài ra còn cẩn tắc vô áy náy bằng cách đốt nhang trị muỗi làm át mùi khói thuốc, lúc đó chỉ bập vào tôi lại phun ra, thuộc trình độ... “smoking for beginners”! Chưa tiến tới trình độ “advanced” cao cấp và điệu nghệ hơn là hít vào tận phổi, thở ra bằng mũi hoặc thở ra bằng mồm rồi lại hít vòng trở vào mũi hay là nhả khói thành những vòng tròn như Lucky Luke của Morris và Gosciny.

 

Ban nhạc Thăng Long

 

Tuổi trẻ hay bắt chước và thích làm người lớn. Đó là điều rất bình thường. Hút thuốc lá cũng vậy. Những điếu đầu tiên trong đời hút vào sặc bỏ mẹ. Nước mắt, nước mũi tùm lum nhưng vẫn nhất định tập tành cho bằng được để ra vẻ anh hùng hảo hớn. Đến khi nào hai ngón tay kẹp thuốc là ngón trỏ và giữa vàng khè vì khói mới là chì, mới là có nội công thâm hậu. Một người bình thường như tôi chẳng hạn, dĩ nhiên không sao tránh được màn bắt chước cho xôm trò, nhất là bạn bè đàn đúm quá nhiều khi mới lên 16, 17. Bắt chước dần dần thành thói quen, mà dù biết là thói quen không tốt lành gì, nhưng muốn bỏ thật khó quá đi thôi. Thói quen dần dần thành nhu cầu. Sau khi ních một tô nạm vè dòn, nước béo với ly cà phê sữa đá mà không có màn phu diễn một điếu Pall Mall” (“Phải Anh Là Lính Mời Anh Lên Lầu”) thì miệng mồm nhạt thếch, chán phèo. Tỉ tê tâm sự với người yêu lý tưởng bên cạnh ly cà phê đắng mà không có điếu thuốc cầm tay thì... trẻ con quá. Mặt mũi phải lim dim thả hồn theo làn khói thuốc để bàn chuyện tương lai mới ra vẻ chững chạc, lõi đời. Nào là đôi ta phải vượt qua những trở ngại của gia đình, đôi ta phải tranh đấu để cùng nhau xây cất lâu đài tình ái để hai trái tim hòa cùng một nhịp ở trong một túp lều tranh với hai trái tim vàng (nghĩ cũng thấy hơi phiền, đã ở túp lều tranh cách mướp, chắc chắn là sẽ phải hít thuốc... rê, làm chó gì có “địa” mà mua nổi Craven “A” hay Dunhill). Người yêu sẽ cảm động ra rít, nhỏ ra một đống “mắt lệ cho người tình” rất là ướt át, lâm ly bi đát để phát ngôn rằng: Em sẽ theo anh đi tuốt luốt đâu cũng được theo kiểu “đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam”. Ấy, những giây phút cảm động đó mà không có khói thuốc bay lởn vởn thì hỏi sẽ trơ trẽn làm sao? Nếu sau này em đi lấy một thằng ma mãnh nào khác (đó là điều tôi luôn tưởng tượng ra), chắc chắn anh sẽ “hận kẻ bạc tình”, hận người “đổi trắng thay đen”, “tham vàng bỏ ngãi” để anh đau đớn xót xa cho thân phận nghèo hèn (cũng lại luôn ví mình như một anh thư sinh rách mướp trong những truyện “Liêu Trai Chí Dị”của Bồ Tùng Linh). Thế thì anh buồn là cái chắc, buồn phát điên lên được. Dĩ nhiên anh sẽ đốt hết điếu này qua điều khác (nếu không đủ tiền mua, anh sẽ đi... cầm đồ kiếm chút tiền còm). Khói có làm mờ mịt buồng phổi anh cũng thấy kệ. Anh có họ sặc sụa, đã có thuốc “Neo Codeon”, nốc vô là hết ho mấy hồi. Anh có bị ho lao và “ngủm cù đèo” thì sẽ ca bài “kiếp này không được xum vầy, hẹn sang kiếp khác trọn bài tình ca” gửi đến em. Đó là những câu anh đã được một chị đào nhí trước em thân tặng mà anh lấy làm “phê” hết sức. Tôi cũng không ngờ là mình có một đầu óc lãng mạn đến như vậy.

 

 

Phòng trà Anh Vũ

 

Một phần do bản tính “nhân chi sơ tính lãng mạn”, nhưng chắc chắn một điều là cái tính lãng mạn đến từ sách vở, báo chí đủ loại mà tôi ưa thích nhất là những truyện tình lẩm cẩm, mùi mẫn đầy những oái oăm, ngang trái, chia tay, cách ngăn với những kết cuộc thảm thiết như “Đổi Thông Hai Mộ” chẳng hạn. Cái tính nhút nhát của tôi lúc còn nhỏ đã đưa đẩy tôi làm bạn với sách vở, thu mình vào trong một thế giới riêng với sách, với báo, rất ngại sự tiếp xúc. Nguyên nhân có thể là tôi sống và trải qua lứa tuổi nhi đồng trong một gia đình thuộc loại “âm thịnh dương suy”, đến 90 phần trăm là phái nữ, với bà nội, những bà cô và những đứa em gái bà con. Chỉ có ông tôi và tôi là đấng nam nhi thuộc thành phần dân tộc thiểu số trong nhà vì bố tôi không thường xuyên có mặt, ngoài những buổi cơm trưa và những lần đón đưa tôi đi học tại Taberd sau khi không còn đi xe đưa rước học sinh của chú Tư hay chú Bẩy.

 

Vũ trường Tự Do

 

Tôi lạc lõng trong gia đình mặc dù rất được cưng chiều như một ông vua con. Của ngon vật lạ, quần áo, đồ đạc đẹp và hiếm quí đều được dành cho tôi. Nhưng hình như trong tôi vẫn ẩn tàng một tư tưởng... cách mạng. Cách mạng ở chỗ là muốn tỏ ra cho mọi người trong nhà biết là mình có thể tự xoay sở lấy được, không cần ỷ lại vào ai. Lúc nào cũng “bị” săn sóc từng ly, từng tí; lúc nào người trong gia đình cũng cho mình là đứa một đứa trẻ con, chán quá! Từ đó tư tưởng cách mạng thành hình trong đầu để dần dần tôi trở nên bạo dạn hơn, nhất là kể từ khi mang đôi “săng đan” Bata sắm được bằng số tiền làm ra đầu tiên trong đời với nghề báo bổ mà tôi lết được đến ngày hôm nay.

 

Phòng trà - vũ trường tại Sài Gòn.

Đến những năm cuối của thập niên 1950, hoạt động phòng trà – vũ trường ở Sài Gòn mới phát triển. Không ít ca sĩ đã rực sáng từ đó. Vào thời điểm này, các phương tiện nghe, nhìn còn rất hạn chế. Và công nghệ lăng xê vẫn còn rất xa lạ đối với công chúng. Do đó, hầu hết các ca sĩ tạo được tiếng tăm, chủ yếu dựa vào tài năng của mình. Ít người được đào tạo bài bản một cách chính quy. May lắm cũng chỉ thông qua các lò đào tạo một thời gian ngắn. Cái chính là chất giọng thiên phú, và đặc biệt chẳng ai hát giống ai.

 

Trước tiên, phải kể đến phòng trà Anh Vũ trên đường Bùi Viện.Ra đời vào khoảng cuối năm 1957, lớp ca sĩ tiên phong của phòng trà này sớm được người yêu nhạc biết đến là nam danh ca Duy Khánh, Việt Ấn và các nữ ca sĩ Nhật Thiên Lan, Lệ Thanh, Thanh Thúy, Minh Hiếu. Cũng tại phòng trà Anh Vũ, người nhạc sĩ tài hoa Nguyễn Ánh 9, lần đầu tiên đệm dương cầm cho ca sĩ Thanh Thúy biểu diễn rất thành công với tác phẩm đầu tay Ướt mi của Trịnh Công Sơn. Nhưng ấn tượng sâu sắc nhất mà phòng trà Anh Vũ đã để lại trong lòng công chúng là sự hiện diện hằng đêm của ca sĩ Thái Thanh và ban hợp ca Thăng Long (cùng với Hoài Trung, Hoài Bắc). Ngoài phòng trà Anh Vũ ra, vào thời điểm đó, Sài Gòn còn có phòng trà Trúc Lâm trên đường Phạm Ngũ Lão, nhưng chỉ tồn tại được một thời gian ngắn rồi đóng cửa vì vắng khách. Chỉ có phòng trà Hòa Bình, tọa lạc ngay tượng nữ sinh Quách Thị Trang, trước chợ Bến Thành hiện nay là có thể cạnh tranh được với phòng trà Anh Vũ. Người ta tìm đến đây để được nghe nữ ca sĩ Bích Chiêu (chị của ca sĩ Tuấn Ngọc) với bài Nỗi Lòng (Nguyễn Văn Khánh), nam ca sĩ Cao Thái bài Mexico, Trúc Mai chuyên trị Bolero-rumba và nữ danh ca Bạch Yến.

 

Năm 1963, sau khi Ngô Đình Diệm bị lật đổ, hoạt động phòng trà ở Sài Gòn càng trở nên sinh động. Lúc bấy giờ phòng trà đi kèm với vũ trường mọc lên như nấm sau mưa. Chỉ riêng khu vực trung tâm quận 1 thôi đã có đến mấy chục phòng trà. Điển hình như: Maxim, Khánh Ly, Tự Do, Queen Bee, Đêm Màu Hồng, Orchalet, Rex, Continental, Jomarcel, Thanh Thế, Kim Sơn, Olymya, Văn Cảnh, Tháp Ngà, Rizt, Baccara, Macabane… Khách đến đó vừa nghe nhạc vừa có thể nhảy đầm. Đây là thời điểm của Lệ Thu, Khánh Ly, Elvis Phương, Nhật Trường, Thanh Lan, Caroll Kim, Ngọc Minh, Lan Ngọc, Hồng Vân, Connie Kim, Cathy Huệ, Julie Quang…

 

Cũng cần phải nói thêm rằng, dạo đó ca sĩ Sài Gòn được chia thành hai nhóm. Một nhóm chuyên hát phòng trà – vũ trường như đã nói trên. Và một nhóm chỉ xuất hiện ở các đại nhạc hội và những chương trình tạp kỹ lưu diễn các tỉnh, như: Túy Phượng, Hùng Cường – Mai Lệ Huyền, Chế Linh, Thanh Tuyền, Giao Linh, Phương Hồng Quế… (bài viết của Đoàn Thạch Hãn)