Kết nối bạn đọc

Kỳ 28: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

DDVN • 13-03-2019 • Lượt xem: 9089
Kỳ 28: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

Trong khi chờ đợi kết quả của ban giám đốc, chúng tôi thường hay tụ họp vẽ vời ra đủ mọi màn ngoạn mục nếu Đại Hội Nhạc Trẻ được thành hình. Nơi tụ tập thường xuyên của chúng tôi thời đó là phòng trà Tự Do trên con đường cùng tên, trong những giờ bán giải khát và nghe nhạc chết mỗi cuối tuần.

Ta không đi nhẩy đầm vào ban đêm cũng dựa hơi khoe nhắng lên là thường ngồi ở Tự Do cho bảnh chọe. Vào đây với một ly nước, một ly cà phê hay một chai bia “33”, ta có quyền ngồi lì đến khi nào tê cái chỗ để ngồi mới thôi. Đúng hơn chỉ là đến để thuê chỗ ngồi tán láo, đấu hót mà chỉ tốn có vài tì. Những đàn anh lớn hơn chúng tôi thì thường đóng đô La Pagode, Givral. Brodard hay Thanh Thế, Kim Sơn là những nơi vài năm sau tôi cũng đã có dịp ngồi lê, ngồi lết. Không những Tự Do vào những buổi chiều là nơi để tụ họp, tán phét mà còn là nơi để các nhóm này nhóm nọ khoe quần khoe áo và thỉnh thoảng “kên” nhau, nhưng hiếm khi nào xảy ra tình trạng cố tình đả thương chí mạng lẫn nhau.

 

Cà phê Brodard

 

Những bộ mặt du đãng, dữ dằn ít khi nào xuất hiện ở những giờ giấc có vẻ hiền hòa này. Cứ từ 2, 3 giờ chiều thứ Bẩy trở đi, việc lui tới Tự Do trở thành một thói quen. Hôm nào túng bấn, thiếu “địa” không ra được, cảm thấy ngứa ngáy vô cùng. Chỉ cần đủ tiền mua vài điếu thuốc lá lẻ nơi xe thuốc lá của chị Bẩy trước cửa cùng vài tì uống nước là đã có được một buổi chiều cuối tuần thoải mái. Hôm nào rủng rỉnh bèn hùn hạp nhau lại đi ăn cơm ở mấy tiệm ở Chợ Cũ, như cơm thố hoặc cơm Tây bình dân tại Mekong hoặc Chí Tài. Có những lúc xui xẻo, gặp mấy chị đào nhí nhún nhẩy đi ngang, hứng chí mời vào chiêu đãi. Đến lúc cả bọn đực rựa kiểm điểm tài chính thấy không đủ khả năng để trả nên nhất định phải có anh “ngồi đồng” trong khi mấy tên khác kiếm cách xoay sở. Phải tiến hành cho khéo, mấy “ghế” biết được hẳn là phải “bể mặt bầu cua”! Vất vả nhất là phải “ngồi đồng” chờ đồng bọn chạy ngược, chạy xuôi để xoay cho đủ số tiền phải trả.

 

Nói hết chuyện này qua chuyện khác, hết cả nước bọt, khô ran cả cổ nhưng nhất định không dám kêu thêm nước uống, dù là thứ rẻ nhất là trà đá – mà vẫn phải gân lên giữ sĩ diện để đấu hót với các nàng. Có lần tôi đã lâm vào cảnh “ngồi đồng” mấy tiếng đồng hồ, ngồi “câu giờ” với mấy “ghế nhí” trong khi mấy thằng ông mãnh khác bôn ba đủ nơi để cứu vãn nền kinh tế bị suy sụp một cách bất ngờ bằng sự mời mọc để lấy le với các đấng nữ nhi. Trước kia nơi tụ họp thường là ở nhà tôi, sau khi ông nội tôi qua đời vào năm 63. Ông nội tôi mất đi đã khiến cho tôi trở thành tên đực rựa duy nhất trong nhà, thiếu hẳn đi một đồng minh vĩ đại. Các chương trình chèo cổ Bắc Việt hay Tao Đàn đã mất đi một thính giả trung thành, thay thế vào đó là những chương trình tân nhạc và nhạc ngoại quốc được phát ra ồn ào từ chiếc radio trên bàn mỗi khi có mặt tôi ở nhà. Không ai lên tiếng phản đối trước sự làm mưa làm gió của cậu cả Kỳ. Mặc dù ông tôi ít nói nhưng cũng rất chịu chơi, không hề tỏ vẻ khó khăn với đám bạn bè của tôi. Nhưng hình như nơi ông toát ta một vẻ uy phong nào đó nên lũ bạn tôi cũng hơi e dè. Lợi dụng thời cơ, sau khi ông tôi qua đời một thời gian ngắn, tôi rủ rê bạn bè về nhà tụ họp, nhiều khi còn ngủ lại la liệt ở phòng khách. Xe đạp và xe gắn máy chen chúc ngoài sân.

 

Cà phê La - Croix du Sud.

 

Nhưng dần dần ngôi chợ chồm hổm Da Bà Bầu phát triển một cách mạnh mẽ, cho đến năm 65 thì đã đầy rẫy những sạp bán đủ mọi thứ hàng họ kéo dài từ ngã ba Nguyễn Duy Dương đến đầu đường Nguyễn Tri Phương. Sự di chuyển trở nên khó khăn đối với bạn bè tôi vô cùng. Phải xuống xe dắt bộ len lỏi giữa những hàng thịt, hàng cá, hàng bún, hàng phở mới đến được căn nhà số 43. Anh em phản đối quá sức nên cuối cùng phe ta dời nơi tụ họp ra Tự Do cho có vẻ văn minh hơn. Hàng Xóm cũng như các thím Tư, dì Bẩy, ông Năm, bà Sáu bán buôn trước cửa nhà chắc cũng đã thở phào khi thấy bỗng nhiên mất dạng cả lũ lâu la, tuy rằng hẳn cũng tiếc rẻ mất đi những khách hàng “xộp” của những món cháo lòng, bún riêu, bún ốc... được “order” thường xuyên. Hôm nào ngồi Tự Do mà không còn chuyện gì để tán hươu tán vượn cả bọn lại kéo ra đường Pasteur làm một chầu đớp hít linh đình. Ông Ba Tầu bán “phá lấu” ngay gốc cây trước cửa xe nước mía Viễn Đông là mục tiêu được nhắm tới đầu tiên.

 

Cà phê La-Pagode

 

Cái mâm “nhôm” tròn của ông ta chứa đầy những tim, gan, mề, lưỡi - bóng lưỡng và ướt át, hấp dẫn không chê vào đâu được. Mỗi miếng lớn hơn ngón tay cái đều được cắm một cây tăm. Khoái miếng nào cứ việc thò tay vào nhón, phết lên tí tương đen, tương đỏ là ông thần khẩu hài lòng ngay. Tôi mê nhất là món ruột gà, cuốn vòng quanh một miếng mề, nhai vừa dòn, vừa béo ngậy quá sức tưởng tượng. Có một điểm đặc biệt nơi ông Ba Tầu bán phá lấu này là mặc dù lúc nào cũng bị vây quanh bởi khách hàng, bởi “hàng vạn cánh tay vươn lên” để sau đó xà xuống nhón tùm lum, thế mà lúc tính tiền không cách chi có ai... ăn gian nổi ông ta. Thật ra chính khách hàng bị ông ta qua mặt cũng không biết chừng. Ông ấy dùng đòn tâm lý là ai hơi đâu gân cố lên cãi nhắng vì mấy miếng phá lấu, nhất là bên cạnh có sát cánh một chị đào tơ mơn mởn. Mở miệng ra mà sửng cồ lên ăn thua vì một quả tim... gà thì nhất định sẽ mất đi quả tim của chị đào, lần tới sẽ có màn đi ăn phá lấu “solo”. Anh này chạp mấy miếng mề, cô kia đớp mấy gan, miếng lưỡi. Mặc dù giá cả có hơi khác biệt nhưng qua sự tính toán của ông Ba Tầu đều trở nên phân minh, đâu vào đó. “Còm-piu-tơ” chắc cũng phải chào thua.

 

Đường Tự Do

 

Có những hôm trời nắng gắt, dưới gốc cây nơi ông ta đứng tựa, xông lên mùi... “ammoniaque” khủng khiếp, nhưng khách hàng chẳng có nề hà, vẫn tiếp tục thò ra, thò vào cái mâm phá lấu đầy quyến rũ đó. Có tên đưa ra thắc mắc: không biết ông ấy đi... tè ở đâu giữa thanh thiên bạch nhật như vậy? Vớ vẩn! Thì tè ngay gốc cây đó chứ ở đâu bây giờ. Quần ông Ba Tầu không có “fermeture” nhưng ống quần ông ấy rộng thùng thình thì vấn đề giải quyết nhu cầu đó chẳng có chi là khó. Thắc mắc thứ hai: sau khi “ấy”, ông ta có rửa tay không?  Lại vớ vẩn nữa, làm đếch gì có nước mà rửa với ráy. Thi hành xong, cứ việc phết phết bàn tay năm ngón vào cái quần quyện mùi ngũ vị hương, tương đen, tương đỏ là xong ngay. Đó không phải là vấn đề của chúng ta. Có mấy thằng bạn tỏ ra giữ gìn vệ sinh, lắc đầu e ngại sợ... trúng độc, nhưng vẫn không có cách chi ngoảnh mặt làm ngơ mỗi khi đi qua mâm phá lấu. Biết đâu sự “tổng hợp” đủ mọi thứ bà dằn đó đã tạo nên được cái mùi vị độc đáo này. Cứ khuất mắt mà thấy ngon là “a-lê” cứ đớp, bỏ qua rất uổng. Như món bò viên cũng vậy, mà một trong những nơi sản xuất nhiều nhất ở trên đường Trần Quí Cáp.

(còn tiếp)