Kết nối bạn đọc

Kỳ 30: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

DDVN • 15-03-2019 • Lượt xem: 12486
Kỳ 30: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

Đã ở trong thời kỳ học sinh, sinh viên ở Sài Gòn hẳn không ai không biết đến những món ăn vặt độc đáo trên. Những năm 60, với sự phát triển về văn hóa, âm nhạc thì nền “quà vặt” cũng phát triển không thua kém nên đã để lại một ấn tượng sâu xa nơi những người đã trải qua tuổi hoa niên trong thời kỳ này.

Sau gần một tháng trời chờ đợi ban giám đốc trường Taberd cho biết kết quả về việc xin tổ chức một Đại Hội Nhạc Trẻ đầu tiên tại thính đường của trường để giúp quỹ Trường Mù La San, gần như chiều nào sau khi tan lớp cũng rủ nhau quây quần bên mâm phá lấu, bên chiếc xe đu đủ bò khô của Ông Áo Đen hoặc xe bò viên để bàn việc đại sự. Đó là chưa kể đến những buổi chiều cuối tuần họp đại hội ở Tự Do để phân chia công tác một khi bắt tay vào việc tổ chức. Phải sắp xếp chương trình ra làm sao, mời mọc ban nhạc và ca sĩ như thế nào, chọn người nào giới thiệu chương trình. Ôi thôi đủ thứ, cứ vẽ ra cho sướng, chả may không được chấp nhận thì ta chờ dịp khác. Đời còn dài lo gì. Vào một buổi sáng, trong khi làm lễ chào cờ, tôi thấy sư huynh Vial nhìn tôi nháy mắt với một vẻ mặt tươi tỉnh hơn thường lệ. Tôi cảm thấy ngay là có điềm lành nên vội đi tìm ngay ngài trong giờ ra chơi cùng với 2 “phụ tá”.

 

Đúng y bóc như tôi tiên đoán là đề nghị của chúng tôi đã được chấp thuận. Sư huynh Vial hẹn ngay chúng tôi chiều hôm ấy lại để cùng ngày làm kế hoạch tổ chức. Tin tức được loan truyền nhanh như chớp, ngay hôm đó gần như cả trường đã được “vô tuyến truyền tai” về biến cố chưa từng xảy ra này. Ai cũng hoan hỉ ra mặt khi thấy tinh thần “chịu chơi” của các sư huynh có tiếng là bảo thủ này.

 

Một tiệm đàn trên phố Nguyễn Thiện Thuật

 

Công tác được phân chia như sau: Sư huynh Vial đảm trách việc liên lạc với bên Trường Mù La San để thông báo về việc tổ chức, cùng một lúc lo mọi vấn đề liên quan đến thủ tục giấy tờ. Phần chúng tôi, khoảng 5, 6 mạng dĩ nhiên được giao cho phần mời ban nhạc, ca sĩ và soạn thảo chương trình trình diễn cho ngày Đại Hội Nhạc Trẻ, được ấn định vào khoảng cuối năm. Lâm Hào là nơi được chọn để mướn ampli, trống, đàn. Đây là dịp để ông Lâm Hào khoe hàng, khoe họ nên đã tỏ ra rất hồ hởi để tính một giá cho mướn rất “từ thiện”. Bao nhiêu “ampli” và micro loại chiến đều được lôi ra sử dụng cho một hệ thống âm thanh được coi là tối tân và hiện đại nhất thời đó. Không những chỉ có Lâm Hào, những tiệm bán đàn, trống khác cũng được các tay nhạc sĩ tài tử chiếu cố một cách tận tình như tiệm Văn Trang trên đường Lê Văn Duyệt, tiệm Đức Thắng trên đường Nguyễn Thiện Thuật cũng tấp nập kẻ ra, người vào đặt hàng. Không hề có một ban nhạc nào từ chối trình diễn tại đại hội nhạc trẻ này, nếu không muốn nói là chúng tôi chỉ chọn lọc khoảng 10 ban để mời tham dự. Dĩ nhiên chẳng hề có sự đòi hỏi thù lao vớ vẩn. Những ban khác tỏ ra tiếc rẻ vô cùng, nhưng thời gian không cho phép nên chúng tôi đành chịu thua, phải an ủi ráng chờ đến năm sau mặc dù chưa biết có được chấp thuận cho phép tổ chức nữa hay không. Tên nào trong chúng tôi cũng cầu nguyện đừng xảy ra một điều gì đáng tiếc trong ngày đại hội. Chỉ một màn uýnh lộn xẩy ra, chỉ một cử chỉ hay lời ăn tiếng nói “xâm phạm thuần phong mỹ tục” được bắt gặp là đừng có hòng được tổ chức một lần nữa. Hồi hộp thấy bà. Đang hồi sung mãn, hung hăng mà lại được dịp gần gũi đàn bà, con ghế trong một không khí nhộn nhịp, trẻ trung của đàn ca, hát xướng thì sự lo ngại của chúng tôi rất là chính đáng.

 

Hình ảnh một tiệm đàn

 

Tin tức loan truyền rất nhanh chóng đến các trường học làm xôn xao giới học sinh yêu nhạc tại những trường J.J.Rousseau, Sait Paul, Marie Curie, Regina Pacis, Couvent Des Oiseaux, Fraternité, Phan Văn Huê, Les Lauriers... đến cả những trường Việt như Trưng Vương, Gia Long, Võ Trường Toản, Chu Văn An, Petrus Ký, Hồ Ngọc Cẩn, Hưng Đạo... Một phần vì sự có mặt của ít nhất là một ca, nhạc sĩ thành viên của một ban nhạc nào đó là học sinh của những trường trên. Đi ủng hộ gà nhà là một hành động bắt buộc. Phần lớn, nếu không nói là tất cả - những tay đàn, giọng hát sẽ xuất hiện trong ngày đại hội chắc chắn đều có một chị đào hay một anh kép theo học tại những trường đó. Bởi vậy những anh chị đó sẽ rất phấn khởi và hồ hởi tham dự với những bộ quần áo thời trang nhất để “giựt le” với thiên hạ. Có một anh kép đánh đàn, đập trống hoặc hát hỏng trên sân khấu không có gì nổi đình, nổi đám cho bằng.

 

Phố Nguyễn Thiện Thuật với nhiều tiệm đàn khác nhau

 

Cũng bởi vậy chị đào sẽ rủ rê thêm một đống bạn bè nữa đến chiêm ngưỡng tài nghệ của anh kép mình, khẩy đờn đâu kém The Shadows, hát hò chỉ thua The Beatles chút đỉnh. Chị nào có anh kép có tài “solo” trống cũng hách ra trò. Trong khi anh kép cong lưng, gân đít lên đê đập trống loạn xạ trên sân khấu thì chị đào ngồi dưới hàng ghế khán giả chắc chắn cũng gân cổ lên khoe nhắng nhít với bạn bè ngồi bên cạnh. Về phía anh kép, chắc chắn cũng sẽ phải ra sức tập dượt để mong được người đẹp ngồi dưới nể phục. Đây là một dịp may hiếm có để phô diễn tài năng, để có dịp thăng tiến về mặt ái tình. Bỏ qua rất uổng.

 

Nghệ nhân đóng đàn guitar Ba Đờn

 

Thế là gần như cả Sài Gòn sôi động hẳn lên với những âm thanh rầm rộ khắp nơi, qua những buổi tập dượt với sự tham dự đông đảo những ủng hộ viên, mong cho gà của mình tạo được thành tích đáng kể. Anh chị em hăng hái “sắm sửa bộ hành” một cách kịch liệt để mong chóng đến ngày hội lớn đã tấp nập ra vào những hàng vải, những tiệm may, tiệm giầy khiến các ông bà chủ tiệm tối tăm mặt mũi với những kiểu cọ rất hợp thời trang, còn được biến chế, thêm thắt do khiếu thẩm mỹ của từng người. Nhất là những ban nhạc tham dự còn tự tay vẽ kiểu những bộ đồng phục khác người, thêm hoa lá cành cho vui mắt...

 

Nghệ nhân đóng đàn guitar Tôn Thất Ánh

 

Nghề làm đàn ở quận 4: 

Ở quận 4, TP. Hồ Chí Minh, nghề làm đàn guitar (còn gọi là Tây Ban Cầm) đã hình thành, phát triển từ hơn nửa thế kỷ trước. Trải qua biết bao đổi thay của lịch sử, đến hôm nay, cái nghề độc đáo này vẫn đang tiếp tục tồn tại với những người thợ tâm huyết, như một giá trị văn hóa truyền thống giữa nhịp sống của một thành phố hiện đại bậc nhất Việt Nam.

 

Trong cuốn “Những làng nghề thủ công truyền thống ở TP. Hồ Chí Minh”, ông Trần Văn Sô được coi là người đã khai sinh ra làng nghề làm đàn truyền thống của TP.HCM. Ông Sô sinh năm 1928 ở Nam Định, sau di cư vào Sài Gòn làm nghề mộc ở khu vực Tôn Đản, quận 4. Khoảng năm 1950, ông chuyển hẳn sang nghề chế tạo đàn guitar, đào tạo nhiều thợ làm đàn lành nghề nên trở thành làng nghề. Lúc đầu, các cố đạo, lính viễn chinh Pháp thường mang những cây đàn bị hỏng đến cho thợ người Việt có nghề mộc sửa chữa. Đàn guitar thời gian này còn hiếm, chỉ có thể đặt mua từ nước ngoài chuyển về nên phải chịu giá rất đắt. Người chơi đàn muốn có một cây để dùng mà không mua đàn được đã phải tự mày mò học, mua đàn cũ, hỏng, rồi tháo từng bộ phận để tìm hiểu cho rõ ngọn ngành. Từ đây, họ tự học hỏi lẫn nhau rồi biết sản xuất và sửa chữa đàn. 

 

Nhắc đến nghề làm đàn ở Tôn Đản, quận 4, không ai không biết danh ông Ba Đờn (tên “đờn” là cách gọi “đàn” của người miền Nam) - tên thật là Nguyễn Văn Trân, sinh năm 1947. Chính tên Ba Đờn của ông là một thương hiệu đàn guitar nổi tiếng được khách hàng khắp nơi biết đến. Trong con hẻm nhỏ ở đường Đoàn Văn Bơ, quận 4, ba đời gia đình ông Ba Đờn đã làm nghề đàn suốt nửa thế kỷ qua. Ông cho biết, cha ông trước gốc ở Bến Tre, lên thành phố lập nghiệp và gia nhập làng nghề từ những năm 60 của thế kỷ trước. Hiện tại, 7 người con của ông - 5 trai và 2 gái, thì cả 7 người đều theo nghề gia truyền này. Sau bao nhiêu năm mở cơ sở làm đàn tại nhà, ông Ba Đờn đã chuyển đến cơ sở sản xuất mới trên đường Nguyễn Văn Linh, huyện Bình Chánh.

 

Bên trong một cửa hàng guitar ngày nay

 

Quá trình sản xuất đàn ở đây bao gồm khoảng chục công đoạn: đóng hông, vào mặt (trước và sau), dán chỉ viền, ráp cần... Khâu cuối cùng là vào dây đàn. Sau khi dán xong một bộ phận, phải dùng dây buộc lại, phơi nắng chờ keo khô rồi mới tiếp tục công đoạn khác. Khó nhất và quan trọng nhất là đóng thùng đàn. Đàn tốt hay xấu, giá cao hay thấp phụ thuộc vào âm thanh; âm thanh tốt là do thùng đàn. Vì vậy, thợ đóng thùng đàn phải là người giỏi nhất, khéo tay nhất của cơ sở. Trong các công đoạn sản xuất, trừ khâu làm cần và sơn là có sử dụng máy móc, còn tất cả các công đoạn khác đều làm bằng tay và cần độ chính xác rất cao.


Nguyên liệu làm đàn gồm nhiều loại gỗ, mỗi loại gỗ sử dụng cho một bộ phận khác nhau của cây đàn. Nhưng quan trọng nhất là hai loại gỗ thông và hồng đào dùng để làm mặt trước, sau và hông đàn. Những cây đàn đắt tiền có khi phải nhập gỗ từ nước ngoài.

 

Ở TP.HCM, chỉ một quãng chừng hơn 1 km trên đường Nguyễn Thiện Thuật (phường 2, quận 3) đã tập trung 14-15 cửa hàng bán đàn. Do vậy, từ lâu con đường này còn được gọi là phố đàn Nguyễn Thiện Thuật, được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến. Các cửa hàng đàn ở đây hầu hết lấy hàng của những cơ sở làm đàn ở quận 4. Ngoài ra, sản phẩm đàn quận 4 được xuất đi khắp nơi trong cả nước, thậm chí còn được xuất sang thị trường các nước như Hàn Quốc, Malaysia hay châu Âu…

(Còn tiếp)