Kết nối bạn đọc

Kỳ 31: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

DDVN • 16-03-2019 • Lượt xem: 11384
Kỳ 31: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

Vé của ngày Đại Hội Nhạc Trẻ Taberd 65 được tiêu thụ nhanh như chớp. Không đầy một tuần sau khi tung ra đã không còn một vé. Ngoài hơn 100 vé mời dành cho các ban nhạc, ban giám đốc trường và ban tổ chức, gần 1000 vé khác đã không đáp ứng nổi sự đòi hỏi quá sức mạnh mẽ của giới học sinh. Đối với chúng tôi, đó là một điều dĩ nhiên vì tin tưởng chắc chắn là sẽ rất đắt hàng. Trái lại, sư huynh Vial thì lúc nào cũng bồn chồn lo lắng, chỉ sợ ế chảy ra thì quỹ Trường Mù La San chẳng có thêm được đồng xu teng nào, trái lại còn sợ quỹ của Taberd bị thâm thủng.

Nhưng sau khi biết được không còn một vé để bán, mặt sư huynh tươi rói hẳn lên. Nhưng ngài vẫn còn hồi hộp về vấn đề chương trình, vấn đề kỹ thuật âm thanh, trật tự. Chỉ sợ sơ xẩy một chút là hỏng việc, chả bõ công đốc thúc ban giám đốc chấp thuận đề nghị táo bạo của nhóm ông mãnh chúng tôi. Trước sự lo âu và lo lắng của ngài, chúng tôi luôn tìm cách trấn an mỗi khi được hỏi về sự tiến triển trong vấn đề tổ chức. Phần các ban nhạc tham dự thì khỏi có lo, nhận lời đầy đủ hết rồi nếu không muốn nói là phải hứa hẹn đủ điều với những bạn không có dịp tham dự. Còn âm thanh thì “frère” cứ yên trí lớn, ông Lâm Hào sẽ đảm trách từ đầu đến cuối.

Phong cách thời trang của phụ nữ Sài Gòn những năm 60

Ông  ấy không dám để xấy ra những trục trặc đâu vì đây là dịp để ông ấy chào hàng, chào họ. Do “bản năng sinh tồn”, sức mấy ông ấy dám bê bối, lỡ xẩy ra chuyện gì thì chỉ có nước chảy dài mặt ra sau đó. Còn các nhạc phẩm trình bày, “frère” cũng khỏi lo luôn, Bảo đảm sẽ không có bài nào có những lời lẽ... xâm phạm thuần phong mỹ tục hay những động tác quá ư kích động hết sốt cả. Sư huynh Vial có vẻ yên lòng và tiếp tục... cầu nguyện để mọi sự diễn tiến một cách suôn sẻ. Chỉ còn một điều ngài còn áy náy và chúng tôi chỉ dám hứa sẽ cố gắng chứ không dám bảo đảm là vấn đề... y phục phụ nữ! Ngài đã tha thiết và... khẩn trương nhờ chúng tôi năn nỉ với các nữ ca sĩ tham dự không nên ăn mặc hớ hênh và cũn cỡn quá! Điều này đối với chúng tôi quả là khó khăn vì biết được rằng tất cả các chị em ca sĩ tham dự đều đã hăng hái sắm sửa thời trang với đủ thứ kiểu cọ cùng các đồ phụ tùng rất bắt mắt. Mà thời trang lúc đó không gì khác hơn là những chiếc mini-jupe cao quá đầu gối rất mát mẻ. Bố bảo không thằng nào trong chúng tôi có đủ can đảm xâm phạm quyền tự do trang phục của chị em. Mà đưa ra đề nghị như vậy sẽ bị chị em coi là quê mùa, cục mịch. Chả lẽ yêu cầu chị em mặc váy đầm xòe như “đầm hái nho” thì coi sao đặng, có vẻ... tiền chiến Tây Phương quá sức mình. Hơn nữa sẽ chẳng còn vẻ gì là nhạc trẻ mà lại giống như... country music, trông chẳng giống ai.

Trang phục của phụ nữ Sài Gòn 1960

Tuy nhiên chúng tôi cũng đã mạnh miệng hứa bừa với sư huynh Vial là đã thông báo cho tất cả các chị em được biết về điều kiện này và được hứa sẽ chấp hành nghiêm chỉnh. Cứ hứa bừa cho xong chuyện, đã đến nước này cứ thế mà làm tới luôn. Chả lẽ chỉ vì một vài phân dài ngắn của chiếc váy phụ nữ mà quan trọng đến nỗi phải dẹp ngày đại hội hay sao. Có một thằng ông mãnh trong chúng tôi đưa ra lập luận rất hay ho là bà E-Và lúc trước đâu có gì che thân thì cũng có sao đâu. Hoặc cùng lắm, nếu hôm đó có chị nào ăn mặc cũn cỡn quá, ta cứ đổ tội cho cặp giò của chị ấy dài chứ nhất định không phải là chiếc váy nó ngắn.

Nữ sinh Sài Gòn

Mấy đứa quỉ quái chúng tôi cứ đua nhau tán phét như vậy trong một sự rất ư hồ hởi và phấn khởi trước một sự thành công đang được hình thành một cách rõ ràng. Nhưng tán phét suông cũng chán, phải có gì nhâm nhi mới sướng, phải ngồi quây quần tại một nơi “trà đình tửu quán” hay đầu đường xó chợ nào đó mới hấp dẫn. Nhưng kiểm điểm lại vấn đề tài chính thì tên nào, tên nấy quá ư là “yếu địa”, góp lại cũng không đủ chi cho một chậu đớp hít rất bình dân và khiêm nhượng quanh các xe khô mực của các chú Ba.

Một tiệm may xưa

Các cụ nói rất đúng về trường hợp “bần cùng sinh đạo tặc”. Một tên “đạo tặc” trong nhóm chúng tôi đã “phát huy sáng kiến” một cách rất hay họ là làm “săng-ta” để bắt địa” sư huynh Vial. Hắn lý luận rằng, bây giờ mọi việc tổ chức đã được coi như đâu vào đó, ta cứ việc phịa đại ra là vào giờ phút chót có vài ban nhạc đã nhận lời tham dự, nhưng cũng rất “đọi” vì thiếu tiền mướn “ampli” hoặc trống để trình diễn nên yêu cầu ban tổ chức xuất tí tiền trong quỹ ra là xong ngày. Nếu không chắc chắn họ sẽ phải bỏ cuộc. Trước tình thế này bảo đảm sư huynh Vial sẽ phải “chi tại” ngay tức thì vì sợ nếu để tình trạng xảy ra như vậy sẽ bị thiên hạ cho là quảng cáo dối trá. Những đấng tu hành đương nhiên là không dám phạm “điều răn thứ 8” nên cách chi cũng phải giải quyết một cách ổn thỏa. Một tên khác hưởng ứng ngay và tự an ủi với câu “có thực mới vực được đạo”. Đành rành ta làm việc bất vụ lợi, nhưng cũng phải có tí đớp hít, chứ nai lưng ra làm cái việc “ăn cơm nhà vác ngà voi”, đói bỏ mẹ. Biết rằng làm việc bất vụ lợi, việc thiện sẽ được lên thiên đàng và sẽ được Chúa trả công như vẫn được giảng dạy trong những giờ giáo lý. Nhưng việc đó còn xa vời quá, mới có mười mấy tuổi thọ trung bình nếu được Chúa gọi cũng còn đến 5, 6 chục niên nữa mới lấy được “visa” bước vào cửa thiên đàng. Thế thì lâu quá, ta còn thiếu gì thì giờ để làm những việc từ thiện khác để... chuộc tội cho lần ăn gian nói dối này.

Nhà may Thiện Trường

Trong tình trạng đói kém và thêm nhiều nước bọt khi nghĩ đến những món ăn khoái khẩu, nên một tên khác tự bào chữa rằng: Tội này chả có đáng gì, nhẹ hều, đi xưng tội... là hết. Mỗi thằng phải đọc 50 kinh đền tội là cùng. Còn nhiều ý kiến khác được nêu ra để biện minh cho sự “bắt địa” này trước sự hưởng ứng kịch liệt của tất cả đám, dĩ nhiên là không thiếu tôi khi đang liên tưởng đến những hương vị đậm đà hoặc béo ngậy của đủ mọi thứ món ăn, được chiêu thêm một tí men nữa thì thật là tuyệt hảo. Với sự đồng ý một  trăm phần trăm cùng với sự dặn dò lẫn nhau là thằng nào ngứa mồm xì ra chuyện này sẽ... phạm tội trọng. Tên nào cũng gật đầu lia lịa, hứa sẽ nhất định không bao giờ để xảy ra tình trạng phạm tội hết trơn.

Nhà may Thiết Lập ngày nay

Có thể nói Thiết Lập và Thiện Thưởng là những nhà may lâu đời nhất nhì đất Sài Gòn nhà Thiết Lập chuyên với chiếc áo dài truyền thống, còn nhà Thiện Thưởng vang danh với những bộ Âu phục tân thời. Hai nhà may ra đời vào thập niên 50 của thế kỷ trước,

Từ năm 1953, ông Trần Khiêm và bà Nguyễn Thị Bắc đã rời quê hương miền Trung vào Sài Gòn lập nghiệp. Họ chọn một khu đất trên đường Pasteur cất nhà làm tiệm may lấy tên Thiết Lập. Hiện nay con cháu vẫn nối nghiệp trong và ngoài nước.

Ông Thiện Thưởng hơn 80 tuổi bùi ngùi kể lại :”Tôi học nghề ở một tiệm may Âu phục trên đường Catinat (nay là đường Đồng Khởi, quận 1). Sau một năm thì tôi ra nghề rồi về đường Trương Minh Ký (nay là đường Lê Văn Sỹ) mở tiệm may. Nhà may Thiên Thưởng nay đã đóng cửa do ông tuổi già, sức yếu. Công nghiệp may phát triển vũ bảo, con cháu không ai nối nghiệp.

(Còn tiếp)