Kết nối bạn đọc

Kỳ 32: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

DDVN • 17-03-2019 • Lượt xem: 14356
Kỳ 32: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

Lại một lần nữa tôi được giao cho nhiệm vụ làm “săng ta” với sư huynh Vial. Với một bộ mặt rất ư quan trọng, cộng thêm vẻ thiểu não, lo lắng, sợ sệt cho tiền đồ của ngày đại hội, tôi đến gặp ngài để trình bày vấn đề. Tội nghiệp cho sư huynh Vial đã phải sợ toát mồ hôi hột trước báo cáo của tôi vì chỉ còn chừng một tuần nữa là đến ngày tổ chức.

Thấy sự lo lắng của ngài, có lúc tôi đã muốn xiêu lòng và cho biết là sẽ giải quyết được vấn đề này một cách ổn thỏa. Nhưng sự cám dỗ của các mùi vị thơm tho từ các món ăn ngon lành cùng với sự tưởng tượng ra bộ mặt tiu nghỉu của những tên bạn đang chờ đợi một chầu đớp hít thỏa thuê nên đành để cho niềm ân hận nằm yên một xó. Cầm số tiền mấy trăm đồng từ tay sư huynh Vial mà sao ngượng ngập và ngột ngạt quá, tự nhủ lòng sẽ có dịp chuộc tội. Trước đó cả bọn đã đồng ý “chặt” một số tiền vừa phải, đủ để khao quân một chầu nhè nhẹ. Không nên “chặt” nặng quá sẽ bị áy náy vô cùng, còn nhẹ quá thì không đủ... “đã”! Thế là thuyết trung dung được mang ra áp dụng triệt để. Với số tiền rất... trung dung đó, cả bọn kéo vào Ngã Sáu làm một chầu nghêu, sò, ốc, hến linh đình quanh một chiếc bàn chữ nhật nhỏ, vây quanh bởi những chiếc ghế thấp lè tè.

 

Đây là một địa điểm trên đường Nguyễn Tri Phương rất quen thuộc với tôi vì ở cách nhà tôi trên đường Da Bà Bầu không xa. Đã có nhiều lần, vào những buổi tối trăng thanh gió mát từng rủ rê vài tên bạn gần nhà ra đây quất mấy thau nghêu đậm đà tình dân tộc, với những chén nước mắm pha chế quá sức ngon lành. Đây là nơi được coi là trung tâm nghêu lớn nhất nước, trải dài từ đầu đường Nguyễn Tri Phương, sát bùng binh, đối diện hiệu phở Tương Lai cho đến ngã tư đường Vĩnh Viễn. Lề đường trắng sát vì những vỏ nghêu tích tụ lâu ngày như được trải đá trắng phau. Trước khi thưởng thức nghêu, ta nên chơi hai, ba quả vịt lộn gọi là khai vị. Kế đó cứ việc cầm con nghêu, dùng vỏ múc nước mắm húp chùn chụt ăn “non stop”, ít ra phải đến 2 thau mới hết thòm thèm. Tối hôm đó bà bán hàng nghêu “trúng mánh” trước sự tấn công như vũ bão của mấy đứa chúng tôi, đang hồi sung sức, lúc nào cũng cần “bồi dưỡng”. Tổng cộng có đến gần 20 thau nghêu, hàng chục quả vịt lộn và 3, 4 lít rượu nếp than được thanh toán một cách gọn ghẽ và sạch sẽ. Sau đó khi chở nhau đi vòng vòng bằng Honda, Suzuki, Puchs... qua công viên gần nhà thờ Ngã Sáu, hay quanh sân vận động Cộng Hòa để ngắm những cảnh du dương của các cặp tình nhân đang hồi mùi mẫm trên ghế đá hoặc tựa vào những gốc cây thủ thỉ chuyện tâm tình.

 

Tiệm bánh mì Hòa Mã 1960

 

Đang cùng nhau xây lâu đài tình ái mà thấy đèn xe của mấy thằng nghịch ngợm chúng tôi chiếu vào thì y như rằng hoạt động của các anh chị em bị khựng lại. Đôi khi chúng tôi còn được thân tặng vài tiếng chửi thề như giặc của những anh kép có máu hung hăng con bọ xít. Thời đó, Sài Gòn có phong trào “bò lạc” rất thịnh hành. Trời xâm xẩm tối nơi các con đường vắng vẻ hay tại những công viên hoặc ở bến tầu có rất nhiều chị em phụ nữ nhàn du, rủ nhau 12 một phùa “à la mát” để tránh cái không khi oi bức thường ngày, chỉ để dung dang, dung dẻ cho vui chẳng có mục đích gì họa chăng trong lòng ao ước tìm được một người hùng lý tưởng, đáp ứng với sự rạo rực của tuổi xuân thì.

 

Những đấng nam nhi gọi đó là những “bò lạc”. Các tay “săn bò” cũng lợi dụng thời cơ để chờ đến lúc nhá nhem rủ nhau đi... săn tấp nập. Những lời ve vãn có cơ hội được tuôn ra xối xả. Có được dịp may chớp được một chi, bèn đưa vào chốn âm u để thủ thỉ và hú hí. Đôi khi việc săn đuổi “bò lạc” đã đưa đến những hành động quá trớn, khiến giới “phú lít” phải ra tay hành động. Các cô con gái nhà lành do đó rất tránh né đi vào những nơi nhá nhem như vậy.

 

Ngày hôm sau gặp nhau trong lớp, tên nào tên nấy đều bấm bụng cười mỗi khi nhìn thấy sư huynh Vial, “nạn nhân” trong một vụ lừa đảo của mấy thằng ông mãnh, được báo cáo là vấn đề đã được giải quyết ổn thỏa. Các ban nhạc đã cầm tiền để đi mướn nhac cụ xong xuôi, không còn gì phải lo ngại. Tuy vậy trong bụng đứa nào cũng phập phồng, chỉ sợ sư huynh Vial thăm hỏi khiến màn lừa đảo bị lộ tẩy thì không biết sẽ phải ăn nói làm sao. Cuối cùng cả bọn đi đến một giải pháp là quyết định dùng kế “ly gián” ngài với các ban nhạc tham dự, nhất định không cho sư huynh Vial có cơ hội gần gũi các ban nhạc nhận lời trình diễn.

 

Món nghêu hấp

 

Ngày đại hội gần kề thì việc học hành trong lớp chúng tôi càng trở nên lơ là. Đầu óc đâu mà học với hành cho nổi. Chỉ nghĩ đến ngày Chủ Nhật tới là đã thấy sướng rồi, nhét chữ nghĩa vào đầu làm chi cho mệt. Lũ mấy đứa trong ban tổ chức chúng tôi kiếm cớ để được “miễn dịch” một cách rất quang minh chính đại. Nào là cần phải có thời gian xếp đặt chương trình, phải thường xuyên liên lạc và “giao tế” với các ban nhạc và ca sĩ. Sợ sơ xẩy chuyện gì, họ giận dỗi mà không trình diễn thì phiền lắm. Lại còn phải lo việc trang trí sân khấu, treo “băng-đờ-rôn” cho xôm tụ, tập dượt kéo màn cho nhuần nhuyễn. Được sự can thiệp của sư huynh Vial, chúng tôi rất lấy làm khoái chí khi phịa ra những dịp để đi đó, đi đây, khỏi phải ngồi trong lớp ngáp ngáp như những thằng bạn... xấu số khác.

 

Ngã sáu Nguyễn Tri Phương

 

Ngày thứ bẩy là ngày thật sự bận rộn với chúng tôi vì ngày hôm sau đã đến ngày trọng đại với bao nhiêu mong chờ. Thời đó, liên lạc bằng điện thoại còn rất hiếm hoi. Họa hoằn lắm mới có nhà sử dụng điện thoại. Cho nên ngay từ sáng sớm đã phải rủ đồng bọn đến tận từng nhà trưởng ban nhạc để hỏi han sự tình, hẹn giờ hẹn giấc cho đúng. Một ban nhạc trung bình 4, 5 mạng đến giờ trình diễn mà có tên nào là phè không có mặt kịp thì quả là phiền. Cần nhất là phải căn dặn những nữ ca sĩ, cần “ma-ki-ể” và diện đồ cho sớm sửa để được đúng giờ, đúng giấc. Đến hôm đó mà còn có một vài ca sĩ chưa thuộc kịp lời bản nhạc, báo hại chúng tôi phải năn nỉ, ỉ ôi đủ điều, khuyến khích hết ga. Không những thế còn phải chạy ra tiệm may đốc thúc cho những bộ quần áo chưa may kịp, đến tiệm giầy ngồi trực để lấy về cho ban nhạc diện ngày mai.

 

Tiệm phở tương lai

 

Đúng là nguyên ngày thứ bẩy chúng tôi bị hành một cách dã man.  Bao nhiêu nghêu, sò, ốc, hến, vịt lộn, rượu nếp than của vụ “săng ta” trước đó cũng không thể nào đền bù cho xứng đáng. Về đến nhà đã khuya khoắt, lăn đùng ra ngủ vì ngày hôm sau phải dậy sớm trực chỉ đến Taberd. Tôi nghĩ không những sư huynh Vial tối hôm đó không ngủ được mà đến các sư huynh trong ban giám đốc cũng chập chờn, ngủ không an giấc. Dù sao ngày hôm sau cũng là một ngày đánh dấu cho một sự thay đổi lớn lao đối với ngôi trường Taberd, từ hàng chục năm trước đã nổi danh trên phương diện đạo đức và kỷ luật với một quan niệm rất ư bảo thủ.  

(Còn tiếp)