Kết nối bạn đọc

Kỳ 33: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

DDVN • 17-03-2019 • Lượt xem: 11179
Kỳ 33: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

Từ khi tôi theo học vào năm 58, và dĩ nhiên là từ khi thành lập, chưa bao giờ trường Taberd lại có không khí nhộn nhịp và tưng bừng như trong buổi Đại Hội Nhạc Trẻ 65 hôm Chủ Nhật đó. Không phải trước kia Taberd chưa từng có những tổ chức quy mô và lớn lao, quy tụ đông đảo người tham dự. Trái lại đã có nhiều cuộc tập hợp được tổ chức rất lớn như những đại hội thể thao hàng năm, những buổi đón tiếp những nhân vật cấp cao của dòng La San, của hàng giáo phẩm hoặc những nhân vật vai to, vế lớn trong chính quyền. Có lớn lao và tưng bừng thật, có ban nhạc kèn Tây thổi um xùm trời đất, nhưng vẫn nằm trong một khuôn khổ có vẻ trang nghiêm và kỷ luật chặt chẽ.

Mặc đồng phục trắng tinh, xếp hàng đầy sân trường để nghe những huấn từ, những bài “đít cua” dài thoòng loòng để rồi sau đó vỗ tay lia lịa (mà phần lớn là chẳng hiểu nội dung ra sao), rồi lại ngáp dài cả cổ chỉ mong cho chấm dứt càng sớm càng tốt. Chờ đợi lâu quá thì tìm cách phá phách nhau cho đỡ buồn ngủ, trong sự đề phòng những cặp mắt dò xét như... công an của những sư huynh mặc áo dòng đen, cắp tay sau lưng, đi tới đi lui. Chộp được một tên... phản động nào đó, có âm mưu phá hoại nền trật tự và an ninh quốc gia thì chỉ có chết. Không bị “consigne” cũng bị nhéo đến rách tai hoặc lãnh những cú đá như... kick boxing của Thái Lan.

 

 

Nhưng ngày hôm đó thì vui thật là vui với sự xuất hiện của trống kèn, đàn địch kéo vào đầy sân, phía nhà chơi bên phải, ngay từ buổi sáng. Có thể nói một cách chắc chắn đây là lần đầu tiên Taberd ở trong tình trạng âm thịnh, dương suy. Dĩ nhiên với những sinh hoạt của Taberd, không hề bao giờ có bóng dáng liền bà, con ghế. Họa hoằn lắm mới có bóng dáng của phái nữ là mẹ hay chị của các học sinh đến văn phòng gặp “frère préfet” để “bảo lãnh” cho những thằng ông mãnh bị ghi tên vào số đen sửa soạn...  lãnh án, như bị đuổi học hoặc bị cho điểm hạnh kiểm xấu vào “bul letin” trong kỳ tam cá nguyệt về đủ mọi thứ tội. Đại khái như tội phổ biến... văn hóa đồi trụy như tôi đã từng bị kết án khi phân phối hình ảnh của Brigitte Bardot và Marilyn Monroe đến các hội viên Teenager's Club trong giờ học.

 

Brigitte Bardot

 

Đến bây giờ tôi còn nhớ rõ khuôn  mặt giận dữ của sư huynh Vitalis khi bắt gặp quả tang “ông hội trưởng” đang lén lút chuyển mấy tấm hình trên cho thằng bạn ngồi sau, là một hội viên thuộc loại VIP, rất chăm chỉ đóng tiền nguyệt liễm! Chỉ tội nghiệp cho BB và MM bị xé nát bét như tương, giống như bị tứ mã phanh thây, voi dầy ngựa xéo thảm thương vô cùng! Lần đó “ông hội trưởng” bị “consigne” hai tuần liên tiếp vào ngày thứ bẩy, mất cả tụ họp, đàn đúm với các hội viên cũng như dung dăng, dung dẻ với chị đào nhí đang trong thời kỳ thú vị tình thâm.

 

Báo hại bố tôi phải lóc cóc tới năn nỉ ỉ ôi với sự huynh Désiré (thường được học sinh gọi bằng hỗn danh “Đầu Bò”!) để cậu quí tử không bị ghi điểm xấu trong học bạ. Cũng tại học bạ mà tôi đã bị kết án 2 lần về tội... giả mạo chữ ký. Hai lần đó vì bị xếp hạng bết bát quá - chỉ hơn một mình ông bạn Billy Shane, là người muôn đời bị đội sổ trong những lần xếp hạng... top 50 trong lớp - nên sau khi lĩnh “bulletin” về là hì hà hì hục bắt chước chữ ký của ông bố để mang vào lớp nộp. Lần thứ nhất thoát nạn, nhưng lần thứ nhì thì âm mưu bị bại lộ nên bị sa lưới nhà chức trách mặc áo dòng đen. Hậu quả dĩ nhiên là bi đát và thảm thiết, để một lần nữa bị bố tôi với bộ mặt chảy dài, giải giao vào văn phòng sư huynh giám thị.

 

Marilyn Monroe

 

Ngoài ra, có một số trường hợp khác thì phụ huynh thuộc nữ giới, đã bước chân vào Taberd với những vấn đề như nộp đơn này nọ, xin phép cho con được nghỉ vài ngày, đóng tiền học phí... Họa hoằn lắm mới có cơ hội thấy được hình ảnh của những vị nữ lưu thuộc với chị hay cô, dì của các học sinh bước vào trường.

 

Những lần đó thì các ông mãnh lớp lớn tha hồ ngoái cổ trông theo, nháy nhó với nhau rất là hồ hởi. Nhưng bố bảo cũng không anh nào dám phát ngôn những lời ong bướm hay có những hành động số sàng như cười hô hố hoặc huýt gió trêu ghẹo!

 

Có bóng dáng nữ giới nhiều nhất là những lần họp phụ huynh học sinh, nhiều lắm là vài chục vị. Chỉ thế thôi, ngoài ra Taberd là thế giới của đực rựa, dưới sự chăm sóc và kiểm soát của những vị tu hành khả kính, những nhà giáo dục đầy kinh nghiệm, dâng trọn cuộc đời mình trong việc dìu dắt những thế hệ đi sau, với mục đích đào tạo thành những nhân vật tai to, mặt lớn để đóng góp cho xã hội về đủ mọi lĩnh vực, trừ lãnh vực... nhạc trẻ!

 

 

Thế nhưng, trước giờ khai mạc Đại hội hôm Chủ Nhật đó, sân trường Taberd đã mang một bộ mặt mới mẻ vô cùng, với sự xuất hiện của hàng trăm “ghế” choai choai, trong quần là áo lượt với đủ kiểu cọ và mầu sắc. Đó là cả một sự tương phản chưa từng thấy: những chiếc áo dòng đen bị lạc lõng giữa những quần ống túm, những mini jupe ngắn cũn cỡn trên đầu gối. Những mái tóc cắt ngắn gọn xen giữa những mái tóc dài bờm xờm của các dân chơi Sài Gòn. Đặc biệt là những bộ mặt nghiêm nghị thường ngày của các sư huynh lớn tuổi hình như cũng tươi tỉnh hẳn lên trước biến cố chưa từng thấy trong lịch sử của các trường Lasan, trong đó có Taberd. Nhưng chắc chắn là những sư huynh thuộc lớp trẻ trong lòng cũng đã rộn rã hẳn lên trước cái không khí tưng bừng, nhộn nhịp này. Chẳng thế mà đến năm 73, đã có một ban nhạc gồm toàn những sư huynh “yéyés” được thành lập để mở màn cho Đại Hội Nhạc Trẻ Taberd, được tổ chức tại sân trường rộng lớn với sự tham sự của trên 5000 khán giả!

(còn tiếp)