Kết nối bạn đọc

Kỳ 34: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

DDVN • 19-03-2019 • Lượt xem: 13923
Kỳ 34: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

Ban tổ chức chúng tôi cùng với sư huynh Vial và vài sư huynh khác lăng xăng trong hội trường để sửa soạn cho giờ khai diễn vào lúc 11 giờ sáng. Hệ thống âm thanh đã được sắp đặt xong xuôi. Ban nhạc và ca sĩ đã đến đầy đủ và đứng ngồi lổn nhổn bên hông sân khấu. Cửa hội trường vừa mở là khán giả đã ào vào để chỉ trong một thoáng đã chật cứng, không còn một chỗ. Các bậc cấp giữa những hàng ghế trên lầu cũng đã không thể chen chân. Đó là chưa kể đến nhiều dáng choai choai đã phải đứng chen chúc ở hai bên cầu thang. Thấy số người đông đảo quá tự nhiên thấy... teo teo, chả may chương trình bị trục trặc gì hay vấn đề trật tự không được chu đáo thì nguy to.

Sư huynhVial hốc hác và bơ phờ thấy rõ. Đã phóng lao thì phải theo lao. Tới luôn! Ra sao thì ra, chỉ còn biết trông cậy vào Chúa. Tôi thì mồ hôi mồ kê nhễ nhại, kiểm điểm “quân số” ban nhạc và ca sĩ, năn nỉ hết anh này đến chị nọ là phải nhớ thứ tự tiết mục mình trình diễn. Có ăn uống hay đi toilette gì cũng phải làm cho lẹ lẹ vì sắp đến giờ khai mạc. Chưa hết, còn phải đi mượn dây đàn và dùi trống cho một hai ban quên mang theo. Năn nỉ một ban nhạc khác cho mượn ampli bass hay solo vì một vài ban nọ chưa có tiền sắm sửa! Hai thằng bạn lo việc kéo màn phải thủ ở vị trí, ấn định, cấm không được láo liên con mắt mà quên nhiệm vụ. Người giới thiệu chương trình cho buổi Đại Hội Nhạc Trẻ Taberd 65 đặc biệt do chị Mỹ Linh đảm trách.

 

Một ban nhạc tại Đại hội 

 

Chị Mỹ Linh cùng với anh Đào Duy (nhạc sĩ Đào Duy Tình) là hai nhân viên của đài phát thanh quân đội, từng thực hiện những chương trình “Nhạc Ngoại Quốc” và “Nhạc Ngoại Quốc Yêu Cầu” trên đời này, là những người đã nhiệt tình ủng hộ nhạc trẻ trong thời kỳ đầu tiên bằng cách phổ biến những đĩa nhạc mới nhất đến với thính giả. Cũng qua làn sóng của đài Quân Đội mà Teenager's Club và một số những club trẻ khác như Smiling Club (gồm toàn phái nữ, với vị hội trưởng tên Ngọc), Flashlight Club (với Jimmy Tòng, Danny Sơn, Berthe Ngọc Bích, Nicole Ngọc), Johnny Hallyday Club (với Johnny August)... đã có được những chương trình nhạc ngoại quốc đặc biệt khởi đi từ năm 1963. Những màn anh này tặng chị nọ, chị nọ tặng anh kia nhân dịp bằng những bản nhạc ngoại quốc trở nên rất thịnh hành trong thập niên 60. Nhớ em quá và thấy cô đơn hết sức thì viết thơ vào đài tặng em bổn để hỏi “Are You Lonesome Tonight”. Ngày em được đúng 16 cái xuân xanh thì bổn “Sweet Little Sixteen” sẽ được gửi tới em thay cho lời chúc mừng. Ngày em cuốn gói theo anh kép khác, bỏ lại anh bơ vơ giữa cái cõi đời ô trọc thì tống ngay cho em một quả “Bye, Bye Love” để thay lời than thở, dám khiến cho em làm màn “châu về hiệp phố” như chơi. Nhớ anh thấy bà, đêm đêm trằn trọc, cóc ngủ được thì phang cho anh bài “Tears On My Pillow” thì bảo đảm trái tim anh sẽ không ngủ yên. Mới cua đào, còn ở trong thời kỳ nịnh đầm, nên trìu mến trao về nàng “La Plus Belle Pour Aller Danser” hay “Elle Était Si Jolie”, “Chérie, Oh! Chérie!” hoặc “Only You” là ăn chắc.

 

 

Cần năn nỉ đào địch khi nàng có ý đồ đổi trắng thay đen thì không gì bằng nhờ Sonny & Cher cất tiếng hát "Baby Don't Go” hoặc Boney M với “Please Don't Go”. Trái lại bị nàng bám chặt quá sức, muốn gỡ ra không được mà lại kẹt vấn đề tế nhị không dám mở miệng thốt ra lời hãi hùng thì không có gì hay hơn là nhờ anh chàng Engelbert Huimperdinck năn nỉ dùm với “Release Me”, mà nội dung đại khái là: “Em ơi, làm ơn làm phước buông tha cho anh, để cho anh vọt tại vì anh hồng có thương em nữa đâu...” (“Please, release me let me go. 'Cause I don't love you anymore...”). Có anh kép nhí nào, sau khi ra tòa án thiếu nhi, chẳng may bị nhốt vào nhà tù; nhờ Elvis Presley gân cố lên hét bài “Jailhouse Rock” là anh kép nhí quên đi ngay nỗi buồn tù tội!

 

 

Nhạc sĩ Đào Duy (Đào Duy Tình) từng làm MC tại đại hội nhạc trẻ Taberd 1965. Đầu hàng (từ trái) Đào Duy, Đan Thọ - ban Tiếng tơ đồng

Cái nền nhạc yêu cầu - nhất là nhạc ngoại quốc - hết sức thịnh hành trong những năm 60. Nó là sự truyền đạt những lời nhắn nhủ giữa những kẻ yêu nhau, phần lớn của những anh kép nhí và những chị đào tơ mơn mởn đang trong thời kỳ yêu nhau ra rít. Chẳng thế mà những chương trình này đã chiếm khá nhiều thời lượng, được phát thanh gần như vào mỗi buổi trưa trên đài quân đội. Đài phát thanh Sài Gòn một thời gian sau cũng đã có những chương trình tương tự, chưa kể đến những chương trình giới thiệu nhạc ngoại quốc mà tôi có dịp phụ trách trong một thời gian ngắn. Những chương trình nhạc yêu cầu còn được coi như một phương tiện quảng cáo cho những club trẻ, với những hội viên và hội trưởng non choẹt còn trong tuổi vị thành niên. Nghe những chương trình nhạc ngoại quốc yêu cầu đã trở thành thói quen của giới trẻ. Cứ buổi trưa trong giờ cơm là radio được vặn lên, trong lòng hồi hộp chờ đợi tên mình được nhắc đến với những lời thân tặng kèm theo. Nào là của Sylvie Thơm tặng cho Philippe Lúa nhân ngày sinh nhật, Tony Vọi tặng cho Marie Chua để kỷ niệm lần đầu tiên gặp gỡ, Andy Híp tặng cho Marguerite Tũn trên đường Hòa Hảo để kỷ niệm lần gặp gỡ trên chuyến xe buýt chạy đường Ngã Ba Vườn Lài…

 

Từ trái Nhạc sĩ violin Đào Duy Tình, nhạc sĩ Lê Vũ (Chấn), nhạc sĩ Sính (Saxo), Thiên Nga, Công Thành, Paolo, Hưng (guitare) tại phòng trà Baccara những năm 1966-1967

 

Được nhắc đến tên, sao thấy trong lòng nôn nao khó tả, đứng ngồi không yên vì được đài phát thanh nêu tên, nêu tuổi cũng hách lắm chứ không phải chơi. Ngang hàng với những nhân vật quan trọng đâu phải là bỡn. Ngày nào theo dõi, chờ đợi mà không được nhắc đến tên, trong lòng buồn vô hạn để cho rằng mình đã bị người đời quên lãng mất tiêu!

 

Những tiếng ồn ào bát nháo đột nhiên lắng hắn xuống khi sử huynh hiệu trưởng (nếu nhớ không lầm là sư huynh Bernard Bường hay Cyprien Gẫm) được giới thiệu lên sân khấu để tuyên bố về mục đích của buổi Đại Hội Nhạc Trẻ Taberd trước những người tham dự, mà hàng ghế đầu được dành cho ban giám đốc nhà trường và đại diện của trường mù La San. Kế đó là những lời ân cần khuyên nhủ về việc giữ trật tự trong buổi đại hội, dự trù kéo dài đến chiều. Trong khi đó thì ở phía sau hậu trường tôi cũng đang lên cơn sốt để thỏa mãn những yêu cầu, đòi hỏi ra trước, ra sau của ban nhạc và ca sĩ. Đã đồng ý bằng cách bắt thăm thứ tự trình diễn đâu vào đó mà vẫn không tránh khỏi những màn năn nỉ. “Để ban nhạc tôi ra ở giữa đi, ra mở màn mắc cỡ lắm!”. “Hổng được đâu, tui hổng ra trước đâu, để anh kia ra trước rồi tôi mới chịu ra”. Đến bây giờ, đã qua đến thế kỷ 21 mà trong những buổi tổ chức ca hát văn nghệ, vấn đề ra trước, ra sau vẫn là một vấn đề to tổ mẹ! Ai cũng thích ra... ở giữa hoặc ra sau, ít khi nào chịu ra trước. Ai cũng cho là ra trước không có sướng. Cứ để thiên hạ ra trước, mình từ từ ra sau mới đã, mới được khán giả để ý. Tôi từng là người đứng ra hòa giải cái vụ ra trước, ra sau này không biết bao nhiêu lần qua những kỳ tổ chức đại hội nhạc trẻ hay những chương trình “Hippies À GoGo”. Được anh em “bán cái” cho nhiệm vụ này để sau đó trở thành chuyên viên năn nỉ và dàn xếp những vụ đòi ra trước, ra sau. Nhiều lúc bực mình muốn bỏ quách để giải nghệ tổ chức cho yên tấm thân. Nhưng sau đó lại phải dùng ba tấc lưỡi để dàn xếp vấn đề này. “OK, lần này vì nể anh, em sẽ ra trước. Lần tới phải để cho em ra sau đó nghen! Anh mà có đẩy, em cũng nhất quyết không ra”. Thế là lại phải hứa nhắng lên cho xong chuyện. “Ối giời ơi, anh để cho em ra ngay sau một tên tuổi nổi tiếng như vậy thì anh hại em quá. Thôi cho em ra trước đi!”. Lại cũng phải thu xếp để chiều lòng. “Phải để tui ra ở giữa, nếu không thì tui khỏi ra luôn, hổng có hát luôn”. Bỏ mẹ, một tên tuổi thuộc loại “cốt sì tô” mà tuyên bố như vậy thì ta nhất định phải tuân lệnh, nếu không thì hỏng chuyện...

(còn tiếp)