Kết nối bạn đọc

Kỳ 37: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

DDVN • 22-03-2019 • Lượt xem: 15991
Kỳ 37: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

Sự thành công của Đại Hội Nhạc Trẻ Taberd 65 đối với các sư huynh là một sự thành công về mặt... an ninh, trật tự. Trong khi đối với chúng tôi đó là một sự thành công về mặt phát triển của nhạc trẻ Việt Nam, mặc dù khởi đầu chỉ là một sự bắt chước những ban nhạc ngoại quốc thời đó đang ở trong một giai đọan bành trướng nhất.

Tưởng rằng Đại Hội Nhạc Trẻ Taberd sẽ không còn có đường tổ chức với những lý do đã nêu trên. Nhưng cuối cùng, một lần nữa chúng tôi đã thuyết phục được ban giám đốc cho phép tổ chức những đại hội này ngay ngoài trời, trên sân chơi rộng lớn của trường Taberd vào năm 71 và tiếp tục cho đến năm 73. Được chấp nhận cho tổ chức tại sân trường một lần nữa nói lên được tinh thần muốn trẻ trung hóa của ngôi trường lừng danh bảo thủ trước kia. Hơn nữa sự có mặt càng ngày càng nhiều các sư huynh trẻ cũng đã là một nguyên nhân đưa đến việc chấp thuận này, mà Đại Hội Nhạc Trẻ Hoa Lư tổ chức vào tháng 4 năm 71 với một sự thành công mỹ mãn đã khiến cho ban giám đốc không còn ngần ngại khi cho phép tổ chức Đại Hội Nhạc Trẻ Taberd vào sân trường vào cuối năm 71.

Sau thành công của Đại Hội Nhạc Trẻ Taberd 65 và được các sư huynh đãi đằng để mừng thắng lợi bằng một bữa ăn uống - không phải là ăn nhậu lành mạnh và no nê, nhưng không no say, chúng tôi cũng tự thưởng công bằng một chầu nhậu nhẹt linh đình tại nhà một tên bạn thân, sau đó đã trở thành một nơi tụ tập, tới lui của hầu hết những ban nhạc trẻ và ca sĩ thời đó.

Những ai có những sinh hoạt liên quan đến nhạc trẻ đều không thể quên được căn nhà có thể được coi như một “di tích” này vào khoảng giữa thập niên 60. Địa điểm này rất thuận tiện vì ở ngay vùng “dowtown” nên đi đâu cũng có thể ghé ngang vào tán dóc, không còn phải lặn lội dắt xe len lỏi qua những hàng quán của chợ Da Bà Bầu để đến nhà tôi như trước. Đó là căn nhà số 86 Trương Công Định, nằm giữa đường Nguyễn Du và Gia Long, cạnh mấy tiệm bán và sửa xe gắn máy. Tôi chưa từng thấy ai dễ dãi và hiếu khách với bạn bè của con cái như “ông bố”, “bà vịa” của tên Hải Heo là một bạn thân cùng lớp suốt trong thời kỳ trung học ở Taberd. Hai ông bà cụ là người miền Bắc, vào Nam lập nghiệp từ thời kỳ xa xưa, trông cậy vào một cửa hàng vải trong chợ Bến Thành, tần tảo nuôi tất cả 5 con nên người và lo cho tất cả vượt biên một cách gọn trơn. Nhìn vào bề ngoài bình dị nếu không nói là quê mùa của hai người, nhất là bà cụ – răng nhuộm đen, đầu quấn khăn – không ai có thể ngờ đó là những người âm thầm trong bóng tối, đóng góp không ít vào sự... chứa chấp những thằng ông mãnh nhạc trẻ chúng tôi.

Dĩ nhiên hai ông bà chẳng biết nhạc trẻ nó ra làm sao, chỉ biết chiều lòng con cái để cho bạn bè tự do lui tới tự nhiên, tuy nhiên đều coi chúng tôi như con cháu trong gia đình. Sự tương phản giữa chủ nhân và đám khách khứa choai choai nơi căn nhà này là một điểm rất ư đặc biệt. Bà cụ là người gần gũi với chúng tôi nhất và được anh em chúng tôi coi như hình ảnh của một bà mẹ Việt Nam thuần túy, ngoài việc bán buôn và đi lễ, chỉ biết cặm cụi chăm sóc con cái. Bà cụ thuộc tên từng người, biết sở thích của mỗi đứa để lụi hụi đi mua hoặc làm món ăn thích hợp cho chúng tôi đớp hít. Những lần có đến cả chục mạng ngủ lại, đều được bà cụ phát cho mỗi tên một cái gối và một chiếc mền để cùng nhau nằm ngổn ngang trên lầu. Sáng mở mắt dậy đã thấy dọn sẵn những món ăn sáng ở bàn ăn. Đến bữa cơm mà còn thấy tụ họp, bà đếm đầu người để âm thầm ra phía sau dọn cơm và gọi cả đám vào ăn. Ông cụ là một người vui vẻ, tuy nhiên tính khí có hơi bất thường, nếu không nói là hơi... gần gần như bà cụ thường nói với chúng tôi. Sáng sáng ông từ nhà đi bộ ra cửa hàng, chiều về xách xe Vespa ra ngoài bến Bạch Đằng làm một chai “la ve”, sau đó mới trở về nhà ăn cơm tối. Ngày nào cũng như ngày nấy, như một cái máy chạy đều đều. Lúc trở về nhà, thấy chúng tôi còn tụm năm, tụm ba, ông thường hỏi “Các anh hai đã ăn cơm chưa?” (ông thường gọi mỗi đứa chúng tôi là “Anh Hai” một cách thân mật mặc dù biết tên từng đứa). Nếu câu trả lời là “Thưa Bác chưa!” thì bảo đảm được mời vào ăn cùng với cả nhà, quây quần nơi chiếc bàn tròn, cạnh chiếc phản gụ mầu đen đã lên nước bóng lưỡng.

Nhưng có một lần, có lẽ trong người hơi oải và tính khí bất thường trổi dậy, khi nghe thấy một đứa trong bọn trả lời là chưa ăn, liền bị ông phang ngay cho một câu: “Chưa ăn thì các anh hai về nhà ăn cơm đi chứ!”, khiến cả bọn chới với, quê cùng mình, nhìn nhau... á khẩu. Một lần khác, khi được trả lời là đã ăn rồi, ông cụ tỉnh bơ phán: “Ăn rồi thì các anh hai đi về để người ta ăn cơm chứ!”. Một lần nữa cả bọn nín khe, bẽn lẽn rút lui có trật tự. Mỗi lần nhắc đến chuyện này, cho đến nay đứa nào trong bạn cũng còn nhớ. Tuy nhiên qua ngày hôm sau, ông cụ tỏ ra... ân hận nên đã mời các “anh hai” ở lại ăn cơm một cách nhiệt tình, dù ăn rồi hay chưa ăn! Đây cũng là một nơi... gửi xe rất an toàn, mỗi lần muốn đi bát phố hay đi “xi la ma”. Chỉ vài phút đã ra tới Rex, Eden, Casino hay Vĩnh Lợi, Lê Lợi. Riêng rạp Lê Lợi và Vĩnh Lợi, những anh đực rựa nào đã từng vào đây, ít nhất cũng đã có một lần bị... sờ soạng tùm lum bởi những chàng đồng tính luyến ái. Thoạt đầu bàn tay năm ngón để nhẹ trên đùi, tưởng đó là một sự vô tình trong khi mê mải xem phim nên ta làm ngơ. Được thể tưởng là đã chịu đèn, bàn tay đó dần dần tiến tới vùng cấm địa. Thế này thì không được, bèn hất ra, thế là “chàng” lủi lủi chuồn qua một hàng ghế khác.

Mở ngoặc để làm một sự diễn tả sơ sơ về màn “ái tình xi la ma”. Những rạp xi-nê ở Sài Gòn thời đó, ngoài việc đến để thưởng thức nghệ thuật, còn là nơi mùi mẫn của những cặp đào kép đang hồi yêu thương nhau ra rít. Đưa đào về nhà tỉ tê thì không được, “giải” vào công viên thì... sáng sủa quá, lại còn bị nhòm ngó hay con nít chọc ghẹo. Chỉ có bóng tối của rạp xi-nê là lý tưởng không gì bằng. Những cái đầu chụm vào nhau, những bàn tay táy máy có cơ hội hoạt động âm thầm trong khi tài tử trên màn bạc tha hồ bắn súng, ẩu đả hoặc chửi nhau cũng thây kệ. Ông Django có bị quân cướp nó nổ cho vài phát tóe khói, hay Tarzan có bị sư tử nó tha cũng mặc xác, chả có gì ăn nhậu đến chuyện đôi ta hết trơn. Những rạp lịch sự trên phố thì tương đối những màn mùi mẫn trong bóng tối còn có vẻ nhẹ nhàng, thơ mộng và thanh cảnh. Những rạp thuộc loại bình dân như Đại Đồng, Kinh Thành, Thanh Vân, Long Phụng (chuyên trị phim Ấn Độ với “Chồng Người Vợ Rắn”, “Cô Gái Tóc Rắn” hay “Sữa Rừng Thay Sữa Mẹ”...) thì những màn mùi mẫn đó đã trở nên rất là hùng hục, hì hục và mạnh bạo. Chị Tư gánh nước mà gặp anh Sáu “xe ba gác” thì phải biết, tha hồ xối xả. Sylvie Lụa mà gặp Robert Cò trong rạp “vi la ma” thì trời cũng không cản nổi những màn cụp lạc diễn ra trong bóng tối mờ mờ ảo ảo. Phim cứ việc chiếu, ta cứ việc đóng phim. Nhất là gặp phim rùng rợn thì chị đào cứ rú lên mà ôm chầm lấy anh kép ra vẻ sơ hãi quá độ. Anh kép cứ thế mà ghì chặt lấy để ra vẻ chở che. Đóng ngoặc ở đây.

(còn tiếp)