Kết nối bạn đọc

Kỳ 38: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

DDVN • 23-03-2019 • Lượt xem: 12489
Kỳ 38: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

Bây giờ trở lại với căn nhà của tên “Hải Heo”. Nhà có người giúp việc đã quen mặt, quen tên các “cậu”, nên ta cứ việc đẩy xe vào trong là yên chí đã có chị Ba coi chừng dùm, không hề sợ bị gỡ đồ phụ tùng, như hai má bằng nhựa của xe Suzuki hay Honda gắn hai bên bình xăng mà có một thời gian đã trở thành phong trào.

Một lần bị ông cụ “chơi” cho một vố nặng nề hơn cả là vào một cuối tuần, lũ lâu la đẩy đầy xe gắn máy vào trong nhà để rủ nhau đi “bùm” bằng “xế hộp” của mấy tên bạn khác cho nó hách. Ít ra cũng có đến cả chục xe gắn máy dựng sát nhau gần hết cả căn phòng phía ngoài. Đến khuya trở lại nhà tên bạn “Hải Heo” lấy xe thì thấy một tờ giấy to tướng nhét dưới mặt kính của chiếc bàn kê ngoài căn phòng sát mặt đường. Trên đó có thông cáo như sau, vỏn vẹn có mấy chữ: “Nhà Tôi Không Phải Là Nhà Chứa Xe”. Thằng nào thằng nấy hoảng hồn, rón rén đẩy xe ra cửa, dông một mạch, không dám hé hé gì. Ba ngày sau đó, không có tên nào dám bén mảng lại “trụ sở”. Cùng một lúc dùng “vô tuyến truyền tai” thông báo cho các tên khác về tình trạng báo động này. Có lẽ thấy... nhớ và tỏ ra hối hận về bản thông cáo ngắn gọn trên nên ông đã nói với “Hải Heo” triệu hồi chúng tôi trở lại để tụ họp như xưa! Thế là đâu lại vào đó, những trục trặc kể trên đã không bao giờ xảy ra nữa.

 

Bảng quảng cáo

 

Căn phòng sát mặt đường ở Trương Công Định đó đã trở thành một địa điểm quen thuộc của những ca sĩ và ban nhạc trong thời kỳ sau Đại Hội Nhạc Trẻ Taberd và cũng là nơi soạn thảo những chương trình Đại Hội Nhạc Trẻ Taberd kể tiếp trong thính đường của trường cho đến năm 68. Nhiều khuôn mặt nhạc trẻ quen thuộc của những ngày đầu từng đặt chân đến căn nhà này đã vĩnh viên ra đi, nhưng vẫn còn để lại nhiều kỷ niệm nơi bạn bè. Minh Huấn với chiếc răng khểnh, thời đó được mệnh danh là “Herman's Hermits” của Việt Nam đã qua đời từ khi còn rất trẻ, trong khi đang được biết đến tên tuổi với những nhạc phẩm như “Im Into Something Good”, “Mrs Brown You've Got A Lovely Daughter” hay “Im Henry VIII”. Hình ảnh vỗ chiếc “tambourine” quen thuộc của Huấn vẫn còn hiện rõ mồn một trong trí nhớ tôi. Minh Huấn trong thời kỳ đó “cặp bồ” với Trang - em gái của Hồng Ngọc, vợ đầu tiên của Elvis Phương - cũng đã từng sinh hoạt nhạc trẻ trong một thời gian ngắn – thành một cặp đào kép “yéyé” rất dễ thương. Tay bass của The Teen Sound, mà ông bầu là Henri Thưởng, thân nhụ nữ ca sĩ Ngọc Hương - là Khanh vài năm sau đó cũng đã tử nạn trực thăng sau khi gia nhập binh chủng Không Quân. Nam ca sĩ Robert “Tarzan” lai Pháp, đẹp trai như tài tử xi-nê – một thời gian sau thành hôn với nữ ca sĩ nhạc trẻ Mỹ Hằng, em ruột tay trống Huỳnh Hiểu và là một giọng ca soul nổi tiếng trong các Club Mỹ cũng đã lìa đời trong một vụ xô xát. Còn Mỹ Hằng sau đó không còn hoạt động gì, cho đến nay không còn nghe nhắc nhở đến tên. Tay trống Tony Cẩm – tục danh “Cẩm Bồi” – của ban Les Tridents, được coi là mất tích sau năm 75 cũng là người thường tới lui căn nhà này với chiếc Lambretta láng cóong. Ngoài ra còn có Billy Shane cũng là một khuôn mặt rất quen thuộc của “trụ sở” trong những năm tháng đầu tiên của nhạc trẻ Việt Nam.

 

Công viên Tao Đàn xưa

 

Những tên tuổi trên đã vĩnh viễn ra đi - trong số có vài người đến nay ít còn ai nhớ đến tên vì chỉ có mặt trong những năm đầu của thời kỳ phôi thai – nhưng dù sao cũng được coi là có ít nhiều đóng góp cho nhạc trẻ Việt Nam. Jimmy Joseph Jr dạo đó thường lui tới với chúng tôi nhiều nhất. Thời gian này anh là ca sĩ chính của ban nhạc The Hard Stones, trình diễn tại phòng trà Hòa Bình. Ban nhạc này được coi như ban nhạc trẻ trình diễm sớm sủa nhất tại phòng trà mặc dù chỉ trong một thời gian ngắn ngủi, trước khi đi làm trong các clubs Mỹ. Tay bass Hùng (tức “Hùng Cận”) của The Top Five, tay trống Hiệp San của Les Faucons Noirs, Đức Huy, Tiến Chỉnh, Hồng Hải của The Spotlights, Tiến Dũng (anh Tiến Chỉnh, một cộng tác viên đắc lực của Teenager's Club, một thời gian cũng viết báo bổ như tôi), tay trống Phùng Thuận của The Forty Six (gồm toàn những nhạc sĩ sinh trong năm 1946 như Thu, Diệu...), Johnny Sơn của Les Daltons; Jimmy Tòng, Dany Sơn của Les Cavaliers; Billy Hùng, Paolo của The Black Caps, Elvis Phương của The Rockin' Stars; Tuấn, Cường, Hưng của The Rising Sun, Võ Châu, Thảo của The Sunshine hoặc những ca sĩ như Julie, Kim Dung, Francoise Hằng, Ngọc Bích (sau đổi là Bích Trâm mà một dạo Billy Shane say mê như điếu đổ và có ý định xin phép gia đình “đưa nàng về dinh”!), vv... đều đã ít nhất lui tới căn nhà 86 Trương Công Định vài lần. Đó là chưa kể đến những bạn bè thuộc đủ các trường ở Sài Gòn, sau đó lên Đại Học hoặc gia nhập đủ binh chủng - nhiều nhất là Không Quân vì “Hải Heo” vài năm sau gia nhập ngành báo chí của binh chủng này với những bạn bè mang những hỗn danh như  “Hùng Đại Hàn”, “Hùng Hippy”, “Xuân Mũi Đỏ”, Bảo, anh em Hân - Hoan...  đã coi căn nhà này là một nơi thân quen. Một thời gian sau, em ruột “Hải Heo” là Chu Văn Hà tức “Prince Albert” gia nhập binh chủng nhẩy dù cũng lôi kéo nhiều “mũ đỏ” về đây tụ họp.

 

Xe ngựa ở Sài Gòn những năm 60

 

Đó là chưa kể đến những bạn bè tuy không phải là ca sĩ hay nhạc sĩ, nhưng là những tay cùng chúng tôi sát cánh trong việc tổ chức này nọ như Trần Nguyễn Báu, Khanh “Mắt Nhung”. Hoàn, Tân Tiến, Hùng “con” (khi anh em túng thiếu, thường chôm chỉa” nhiều thước vải tốt nơi cửa tiệm Phúc Thịnh của “ông bố” trên Chợ Cũ, “giải” đi lấy tiền... cứu nguy đồng bọn!), Lâm “Binh”, Vượng “lớp”, “Sáu Lùn” (một nhân vật rất đặc biệt, với một chiều cao dưới mức... standard”, từng một thời kề cận thân thiết với Johnny Sơn, Đức Huy và nhất là sau đó với chị em Khánh Hà, Lan Anh, Thúy Anh để đảm trách việc chuyên chở đến các vũ trường Sài Gòn), Thuận “Chó”(chuyên trị thịt cầy), Vũ Lê Cương, Bùi Kiến Quốc, Ái “Con” một thời đứng ra khai thác tiệm Spago Sài Gòn, cách đây vài năm), Đan Thành (trưởng nam nhạc sĩ Đan Thọ), Lê Trưng, Bội Toàn (tài tử phim Hè Muộn, cô nam ca sĩ Thế Sơn), Lê Kỳ Đồng, Dương Chí Định, Minh Ly, Quang Minh (nhà thuốc Thụy Lâm trên đường Gia Long)...

 

Xe ngựa chợ Lớn

 

Đó là chưa kể tới những bạn bè thuộc nhóm Trưng Vương (Minh Hạnh, Chu Mai, Dung, Lệ Quân, Lựu..), Gia Long (Dung, Đào, Lan, Quỳnh Mai...) và vô số các bạn ở các trường khác, không ai là không  biết căn nhà “lịch sử” này.

(còn tiếp)