Kết nối bạn đọc

Kỳ 42: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

DDVN • 27-03-2019 • Lượt xem: 15773
Kỳ 42: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

Cùng một lúc với sự thịnh hành của tiếng lóng trong giới trẻ, khi có sự xuất hiện của nhiều quân nhân Mỹ ở Sài Gòn và các vùng phụ cận thì các “bar” (còn được gọi là “sờ nách ba”) cũng bắt đầu mọc lên nhan nhản khắp nơi, ngoài những club Mỹ đã có mặt trước đó. Và từ những nơi này bắt đầu xuất phát một sự giao lưu văn hóa Việt Mỹ rất đề huề.

Mấy anh Mẽo cũng như các chị em bán bar” đều mù tịt về ngôn ngữ của nhau, nên ra sức học những chữ thông thường nhất để sự giao tiếp được dễ dàng hơn, để khỏi phải dùng tay múa may loạn xạ. Nhất là các chị em bán “bar” chỉ cần lõm bõm vài chữ là có thể hành nghề được liền tút suỵt. Tiếng thông dụng nhất thời đó và cho đến bây giờ vẫn là “OK”. Đồng ý thì “OK”, không đồng ý thì “No OK”, thế là bảo đảm. Khi muốn biểu lộ một sự đồng ý và nhất trí hoàn toàn thì ta xài “OK Salem!”. Những "Hello”, “Hi”, “Thank You”, “Goodbye”, “See You", “Good Morning”, “Good Night”. Khi tỏ vẻ chửi thề thì thường dùng “God Damn!”... dĩ nhiên là ai nấy đều rành rọt. Đối với chị em bán Bar, tiếng Mẽo học dễ ợt. Hay “số dách” thì ta dùng “number one”, chế dở như hạch thì ta xài “number ten”, hoặc tệ hại hơn là “number ten thousand” chả có gì là khó khăn cả. “Không sao đâu” thì ta cứ dịch sát nghĩa từng chữ là “no star where” thì quá dễ đi chứ lị. Còn chửi “đồ gà chết” thì có khó gì đâu, cứ “you chicken die” thì không sai vào đâu được!

 

Các cô gái bán bar đang mời khách

 

Cũng từ đó danh từ “Saigon Tea” ra đời, thoạt tiên để đánh lừa mấy anh GI ngây ngô, muốn chuốc rượu cho chị em để dễ bề ngả ngớn. Mầu nước trà không khác gì mầu Whisky, nên khi được mời thì “bar man” thuộc phe ta rót whisky cho Mẽo và nước trà cho chị em, nên dù có uống mấy ly đối với chị em chẳng nhằm nhò gì, chỉ tội mất công đi tè. Trong khi đó thì anh Mẽo nhà ta say ngả, say nghiêng, chân tay quờ quạng, không còn biết trời trăng gì sau khi bị chị em gạ “Ê you, you number one, you buy me Saigon Tea, OK?” dài dài. Khi đối tượng đã say mèm thì cứ đổ phéng cái ly “Saigon Tea” đi cho được việc, rồi tiếp tục gạ một ly khác để đối tượng cứ thế mà chị đô la xanh hoặc đô la đỏ một thời gian sau đó lia chia.

Dãy nhà hàng, quán bar trên đường Đồng Khánh thập niên 60

 

Sau khi bị “bể mánh” thì “Saigon Tea” trở thành một thứ “ticket” để mấy anh Mẽo mua hầu được kề cận, gần gũi chị em. Chị em nào gạ được nhiều “Saigon Tea” dĩ nhiên trở nên “number one” với bà chủ Bar, dưới trướng có một đội ngũ rất đông đảo chị em. Gặp anh Mẽo nào xàm xỡ quá như muốn đòi “boom boom” chẳng hạn, thì chị em ta đuổi “You đi đi mau! 1 kêu MP bắt vou, OK? hoặc chửi toáng lên “Ê, you! You điên cái đầu! You number ten!” hay “Trời ơi! Đất ơi! Tổ mẹ mày! You very crazy, tao tell MP đánh cho mày die bây giờ!”. Nghe nhắc tới MP (Military Police) tức Quân Cảnh Mẽo là anh nào anh nấy xanh mặt, say cách chi cũng phải tỉnh, nếu không muốn bị tống lên xe Jeep đưa về nhốt vài củ. Trong những lúc “say xỉn”, không thiếu gì anh Mẽo mất cả “control” nên bị móc bóp dài dài.

Đường Paster 1960

 

Trước tình trạng này, bà chủ Bar (thường được lính Mẽo gọi là “Mamasan”) vì không muốn mất khứa khi bị một vài chị em thừa lúc khách sứa nặng, nên thường khuyến cáo: “You ai You, coi chừng mất bóp. Cái bóp you để đâu, girl nó lấy, I don't I know!”. Những tiếng “Honey” hay “Darling, I Love You” được sử dụng triệt để, nhằm sưởi ấm những tâm hồn lính Mỹ xa nhà, xa người yêu đỡ ghiền khi có được những “honey” và “darling” là những Tuyết, những Lan, những Mai hoặc những thị Xoài, thị Mít... ở dưới quê lên lập nghiệp trong thời kỳ “trăm Bar đua nở” ở Việt Nam.

Phụ nữ Sài Gòn thập niên 1960

 

Thời kỳ này tôi cũng được mấy tay thầu ở các căn cứ quân sự Mỹ nhờ kêu ban nhạc trình diễn nên đã có dịp sống trong thế giới của chị em. Các chị em có tinh thần văn nghệ rất cao, mặc dù không ít những chị em tối ngày chuyên ca cải lương và xuống 6 câu vọng cổ rất mùi nên đã phục vụ anh em ban nhạc rất chu đáo. Mỗi chị em chọn một mạng để nhận làm “honey”. Thuốc lá được cung cấp đầy đủ, hít xì khói. La-ve và whisky chỉ sợ không có sức mà nốc. Đĩa nhạc mới hay posters của các ban nhạc Mỹ và ca sĩ không thiếu thứ gì. Muốn gì có nấy, chị em nhờ “honey” của mình mua và thân tặng lại mấy hồi. Lại còn được chị em cung phụng, nấu cơm dân tộc cho ăn vì không nhá nổi những hamburger, những “mashed potatoes” hay “fried chicken” khô khan và rất bứ ở cổ. Canh chua, thịt kho, mắm nêm, mắm ruốc cùng những món nhậu được những bàn tay khéo léo của chị em sửa soạn đầu ra đó, như trong gia đình. Không có sự giao lưu nào thơm tho và nhiều mùi vị cho bằng sự giao lưu giữa “Budweiser” Mẽo với gỏi gà, gỏi sứa, bò lúc lắc (được chị em dịch ra tiếng Mẽo là “beef over here, over there” hay “Beef Ding Dong”!) của Việt Nam ta.

Thời trang phụ nữ Sài Gòn những năm 60

 

Không những thế lại còn được nghe đủ thứ tâm sự, mọi thứ đoạn trường tân thanh như tiểu thuyết. Gặp người “đồng hương” ở một nơi toàn Mẽo với Mẽo ngay trên xứ sở mình, nên chị em đã tỏ ra hết lòng thương mến và giải bầy tình cảm một cách rất tự nhiên và chớp nhoáng đế quên đi “nỗi buồn gác trọ” ở các bar, nơi hành nghề “tiếc thay cây quế giữa rừng, để cho thằng... Mẽo nó sờ, nó lôi”. Đáng ghi nhớ nhất là lần đưa một ban nhạc đi trình diễn trong khoảng 10 ngày ở căn cứ quân sự Mỹ tại Lai Khê, mà chung quanh đó có rất nhiều Bar để quân nhân Mẽo giải khuây. Trong tiếng nhạc rầm rầm và ánh sáng mù mờ của những nơi đó, tôi đã có dịp tìm hiểu nhiều hơn về giới chị em hành nghề bán Bar, không kể những năm sau thường hay theo các ban nhạc lên thế giới đông đảo của chị em trên đường Nguyễn Văn Thoại, là nơi có thể coi là tập trung nhiều Bar nhất ở Sài Gòn thời đó. 10 ngày ở Lai Khê tôi đã nếm mùi pháo kích 3 lần với những quả pháo rót vào trong căn cứ đã làm náo loạn cả một khu vực rộng lớn, khiến lính Mỹ chạy nháo nhào, chui cả xuống gầm bàn, gầm ghế. Còn chị em thì chạy toán loạn và bát nháo, chửi thề ầm ĩ.

 

Trạm xe buýt gần chợ Bến Thành

 

Đi vào những nơi này mới thấm thía được nỗi nhớ nhà của các quân nhân Mỹ, chả thế mà khi nhạc phẩm “Detroit City” được cất lên, luôn luôn được tất cả hát theo rất cảm động. “Detroit City” là một bản nhạc gần như bắt buộc ban nhạc trẻ nào đi làm tại các club Mỹ đều phải biết chơi và phải biết thay thế “Detroit City” bằng “Saigon City”, trong đó có câu “Last night I went to sleep in Saigon City...” diễn tả tâm trạng của một kẻ xa nhà, mong muốn trở về với những câu “I wanna go home! I wanna go home! Oh, how I wanna go home”.

 

Qua nhiều Club Mỹ, hình ảnh của những anh lính Mỹ xa nhà, tay cầm lon bia, nghiêng ngả hát theo “I wanna go home” đã là những hình ảnh khó phai mờ đối với tôi. Đó là chưa kể đến những anh lính “babylac” (tên một loại sữa bột của trẻ em, có hình một em bé bụ bẫm in ngoài hộp) đã bật khóc nức nở khi nghe nhạc phẩm này. Niềm mong ước được trở về quê hương đó còn được thể hiện một thời gian sau khi nhạc phẩm "The Green Green Grass Oh Home” do Tom Jones trình bầy, diễn tả niềm vui mừng của một kẻ đi xa, trở về quê hương, từ xe lửa bước xuống được bố mẹ và người yêu ra đón và được gần gũi với mẫu cỏ xanh biếc của nơi chôn nhau, cắt rốn.

(còn tiếp)