Kết nối bạn đọc

Kỳ 51: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

DDVN • 05-04-2019 • Lượt xem: 9504
Kỳ 51: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

Buổi phát giải thưởng dự định sẽ được tổ chức vào tháng 03 năm 67 và địa điểm là lầu nhà hàng Nam Mỹ trên đường Lê Thánh Tôn. Đây là một nhà hàng khá lịch sự mà khi trong túi rủng rỉnh, bọn chúng tôi thường hay ghé lại. Từ đó tôi nảy ra ý kiến sẽ xin “khứa lão” chi cho một quả đẹp gọi là để tổ chức sinh nhật, vì đó là tháng tôi sinh ra đời.

Nghe ông quý tử, nay đã là một sinh viên ngỏ lời đường mật dĩ nhiên là ông không bao giờ từ chối vì vẫn chi viện cho dịp này hàng năm để yến tiệc linh đình ngay tại nhà. Bây giờ đã lớn tồng ngồng, tổ chức ở tiệm ăn cho nó hách với đời. Đã vậy còn giao thiệp với nhiều “các anh chị sinh viên”, chỗ đâu mà chứa ở nhà. Ông bố nghe nói có lý quá nên gật đầu lia lịa. Nhân tiện vòi vĩnh thêm một bộ “com-lê” cho ra vẻ đứng đắn đàng hoàng, tuy rằng tôi chúa ghét mặc “com-lê, cà-vạt” vì không chịu được sự gò bó, nực nội, đi đứng không được thoải mái mất cả tự nhiên. Trước đó, ông bố đã sắm cho cậu cả hai bộ “com-lê, bằng vải “dacron” láng coóng, mặc vào cũng ra gì. Những bộ đó họa hoằn lắm mới được tôi khoác lên người như trong dịp tết nhất hay Noel là cùng. Mặc vào nóng nực toát mồ hôi hột, lại còn thắt thêm cái thòng lọng “cà-vạt” sao thấy nghẽn cần cổ quá chừng. Ta cứ quần jean và áo thun cho khỏe khoắn, tha hồ lê lết, đứng lên ngồi xuống chẳng phải giữ gìn.

 

Đến nay tôi vẫn còn thói quen như vậy, trừ những dịp cưới xin, lễ lạt mới phải bó mình trong bộ “com lê” cho phải phép. Với tiệc cưới, cứ khoảng sau vài món ăn chơi là tôi tự... giải phóng chiếc áo “vét”, vắt ra sau ghế. Còn “cà vạt” thường bị bỏ ở nhà chơi, mỗi lần nhoài người ra gắp phải đề phòng bị dính xì dầu, tương ớt, “mù tạc” bận bịu thấy bà. Nhưng với dịp trọng đại phát giải thưởng “Grammy An-Nam-Mít”, bắt buộc phải có bộ “com-lê” vì sẽ phải ra trước micro đọc “đít cua”, đít còng cho thêm phần long trọng. Đã có phải có cho ngon. Chém chết cũng sẽ ra ông Nguyễn Văn Phú chơi một bộ hợp thời trang. Ông này may quần áo “sur mesure” thì khỏi chê. Mặc dù là một “khứa lão”, nhưng có tài cắt rất khéo và trẻ trung. Trong lúc gian nan về việc kiếm “hiện kim” để tổ chức, bèn nghĩ ngay tới tên bạn thân là Tiến Chỉnh, khẩy bass trong ban nhạc The Spotlights cũng khóc oe oe chào đời vào tháng 3. Ta rủ hắn phối hợp chương trình luôn cho rậm đám. Trước đề nghị hợp tình, hợp lý như vậy, không thể nào hắn có can đảm chối từ. Dĩ nhiên Tiến Chỉnh đồng ý ngay, vì đây là dịp để hắn phô trương cho chị đào đang thời kỳ hắn ve vãn và tán tỉnh kịch liệt, thấy được sự giao thiệp rộng và vẻ gồ ghề của hắn.

 

Lead & Bass guitar

 

Và rồi tất cả đã diễn tiến như dự liệu không hề có một trục trặc nào. Liên tiếp trong 2 tháng, Kịch Ảnh đã đi “thông cáo” của Teenagers' Club về việc tổ chức cuộc bầu nam nữ ca sĩ xuất sắc và dễ thương nhất, mà giám khảo là những độc giả của Kịch Ảnh. Muốn bầu ai thì bầu, chẳng có danh sách ca sĩ để hướng dẫn độc giả gì hết ráo. Tự do bầu cử mà! Thông cáo cũng có vẻ rất “nhà nghề” với những căn cứ theo dấu bưu điện để làm bằng”, “không nhận phiếu viết bằng tay hoặc đánh máy lại” hay “hạn chót nhận phiếu là 12 giờ đêm” được cọp nguyên văn từ những bản thông cáo thăm dò ý kiến khác trên báo chí. Địa chỉ để độc giả gửi phiếu tham dự về không phải là tòa báo Kịch Ảnh mà là “trụ sở” chính thức tại đường Nhật Tảo (trước đó là Da Bà Bầu!).

 

Không phải nói phét, nhưng đây có thể được coi là cuộc thăm dò theo kiểu “People's choice” đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, mặc dù chỉ thu hẹp trong lãnh vực nhạc trẻ và độc giả của tờ Kịch Ảnh. Một tuần sau khi đăng tải đầu tiên bản thông cáo, tôi được cả bọn trông ngóng mỗi lần gặp tại “trụ sở” hội họp trên Trương Công Định để hỏi han về tình hình số phiếu nhận được. Cả một tuần đầu chẳng có ma nào hưởng ứng khiến cả bọn tiu nghỉu về cái sáng kiến vĩ đại dự định thực hiện. Qua tuần sau nhận được lèo tèo vài lá phiếu, trong đó có vài phiếu nhất định bầu cho cô... Thanh Thúy và Thanh Tuyền! Tuần lễ thứ ba nhận được thêm vài chục phiếu, trong đó có hai phiếu bầu cho ông... Duy Khánh!

 

 

 

Gần như tất cả đều do những độc giả trẻ tuổi gửi đến. Tình trạng này xảy ra, chẳng qua là không hề có một điều khoản nào trong bản thông cáo ấn định thế nào mới được coi là một ca sĩ nhạc trẻ. Do đó các độc giả trẻ khoái ca sĩ nào là cứ bầu ngay người đó. Hơn nữa, định nghĩa về nhạc trẻ vẫn còn mù mờ, độc giả - nhất là các độc giả ở tỉnh - chả biết đường nào mà mò. Nhưng quan trọng hơn cả là những ca sĩ hoặc những ban nhạc trẻ không có nhiều cơ hội trình diễn trước công chúng, cũng như chưa hề có một chương trình nào dành riêng cho họ trên đài phát thanh, ngoài vài lần trình diễn tại Đại Hội Nhạc Trẻ Văn Hoa vào năm 64 hoặc Đại Hội Nhạc Trẻ Taberd vào những năm 65, 66.

 

Nhạc Trẻ tuy phát triển rất mạnh, nhưng vẫn chỉ ở trong khuôn khổ các club Mỹ hoặc được biết đến nhiều nhất là trong giới học sinh, sinh viên. Số còn lại chỉ biết qua báo chí hay qua lời đồn đãi mà chưa hề thấy mặt mũi những ban nhạc trẻ hay những ca sĩ của phong trào này trình diễn bao giờ. Sự kiện đó đã đưa đến một số phiếu bị coi là... bất hợp lệ khi bầu cho những ca sĩ tân nhạc nêu trên. Số độc giả trẻ biết rõ ràng những tên tuổi của làng nhạc trẻ đại đa số cư ngụ ở Sài Gòn và vùng phụ cận nên đối với họ việc chọn lựa không có vấn đề, nhưng hình như chưa mấy quen thuộc với việc bầu bằng cách gửi phiếu chọn lựa qua bưu điện. Tổng số phiếu nhận được tính đến ngày cuối cùng chỉ khoảng độ hơn 400. Cả bọn tiu nghỉu vì trước đó nghĩ rằng sẽ có sự tham dự của hàng ngàn độc giả. Số phiếu tham dự khiêm nhượng như thế mà công bố lên báo thì mất mặt quá. Cả đám bèn phải tìm cách nghĩ ra một kế ma mãnh nào đó để giải quyết vấn đề. Kiểm phiếu chỉ có phe ta biết với nhau, chả có thừa phát lại chứng kiến gì hết trơn, thế tội vạ gì không... “gian lận bầu cử”, có chết con ma nào đâu.

 

Tuy nhiên phải giữ đúng tỷ lệ số phiếu đã được bầu cho từng ca sĩ, không được mập mờ đánh lận con đen theo phe đảng mà tăng số phiếu cho một người nào. Thế là việc... tăng số phiếu được tiến hành tức khắc. Theo tỷ lệ thì dễ ợt. Anh nào được 35 phiếu, ta thêm một con số “dê-rô” phía sau thành 350. Chị nào được 69 phiếu, ta cũng tăng cường thêm một con “dê-rô” sau đít là thành 690 phiếu. Anh nào hạng nhất vẫn nhất, chị nào bét vẫn bét một khi tỷ lệ thêm thắt được tôn trọng với một con số không đằng sau. Quả là một phát huy sáng kiến vĩ đại khi số phiếu được công bố trên báo là 4135 phiếu hợp lệ, chắc chắn là quá nửa số độc giả của tờ báo của ông Quốc Phong!

(còn tiếp)

 

ảnh:

-Ban nhạc Spotlights

-Lead & Bass guitar

-Nhạc công nhạc trẻ thập niên 60s

-rạp chiếu phim Palace_Trần Hưng Đạo 1967