Kết nối bạn đọc

Kỳ 57: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

DDVN • 11-04-2019 • Lượt xem: 11129
Kỳ 57: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

Tuy không sao bỏ được tật ham vui, nhất là trong khi nhạc trẻ đang hồi lên cao dữ dội với những lần theo chân các ban nhạc đến những club Mỹ hay vào những “sờ nách ba”. Nhưng may mắn thay tôi vẫn lò dò lết được lên năm thứ hai Luật trước sự rất ư phấn khởi của ông bố. Mọi sự kiểm soát của gia đình đối với một “ông” sinh viên năm thứ hai do đó có phần lơ là hẳn đi.

Đã là người lớn, đâu cần căn vặn, hỏi han những lần đi sớm về khuya. Căn vặn quá khiến ông ấy bực mình, giận không thèm học nữa thì phiền lắm. Ấy thế là lại được đà tung hoành thả cửa. Đôi khi cảm thấy lương tâm cắn rứt cũng cố gắng bù lại trường một tuần chừng 1, 2 buổi cho có mặt với người ta, hoặc những lần gần thi cử cũng cố gắng lôi sách vở bày trên mặt bàn tùm lum cho có vẻ chăm chỉ, khiến bà nội tôi tha hồ o bế, chỉ sợ thằng cháu kiệt sức vì học hành vất vả. Những lần như vậy, “ông” sinh viên được ưu đãi ê hề. Phở thì có người nhà mang tô ra tận phở Tầu Bay mua mang về còn nóng hổi, tái nạm gầu ngon quá xá cỡ. Ban đêm, xe “xịt tắc” đi qua chắc chắn sẽ được mời dừng chân để “cậu” bồi dưỡng. Lại còn hoa quả, lúc nào cũng có sẵn ở tầm tay. Thấy thằng cháu “đích tôn” chăm chỉ như vậy, bà nội tôi tỏ ra rất vui vẻ và luôn luôn canh chừng không cho những người trong nhà gây tiếng động ồn ào, có thể làm “cậu” chia trí! Không những thế có vài lần bà còn “vinh danh” tôi với bố tôi. Rằng là “Thằng Kỳ dạo này nó chỉ học lắm! Tội nghiệp thằng bé, thức khuya thức hôm như vậy không khéo... ho lao mất!”. Bố tôi cảm động quá chừng, tưởng như phép lạ đã xảy ra. Dĩ nhiên chẳng có phép lạ nào xảy ra hết ráo, vì cả nhà đâu biết rằng sách vở bầy biện ra như vậy chỉ là một cách ngụy trang để tôi ngồi rặn ra chữ nghĩa để viết báo, viết bổ vì đang cộng tác với 2, 3 tờ báo có chi nhuận bút đàng hoàng. Tiền này ta cất làm của riêng, để chi dùng trong những lần du hí, cống hỉ. Mặt khác vẫn nhận viện trợ từ gia đình, được “tăng lương” từ khi vào được đại học.

 

Bia Budweiser và chiếc zippo của nó

 

Thời gian này, tôi không hề có một chị “đào ruột” nào vì ngại cảnh đưa đi, đón về hoặc chầu chực trước cửa nhà các nàng lắm rồi. Thời giờ đó ta để viết lách hoặc theo các ban nhạc đi đây đó có vẻ vui hơn. Chẳng còn hơi sức và can đảm như những năm trước để lẩm cẩm với những màn “Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé” hoặc “Anh hẹn em cuối tuần, chờ em nơi cuối phố” hay “Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc”, “Em ơi, pháo vui như vô tình xé nát tim anh”... Tôi thấy mình thay đổi một cách bất thường, cho nên chẳng cần hẹn em nữa là xong, chẳng phải chờ em ở đâu hết ráo và em có mặc áo mầu gì cũng thây kệ, em có lấy mấy thằng chồng cũng mặc xác và pháo có nổ đùng đùng anh cũng cứ quay mặt làm ngơ. Chả bù chỉ vài năm trước đó, đã có những đêm cóc ngủ được vì nhớ nhung, phập phồng chờ đợi và thất thểu ra về khi em đến hẹn nhưng lại không lên. Hoặc tức đến ói máu khi tưởng tượng ra cảnh em “tham vàng bỏ ngãi”, đi theo một thằng cha cũng chú kiết nào khác. Sự đam mê của tôi về phương diện tình cảm trong thời gian này bỗng dưng tịt ngòi, chả còn thiết gì đến đào với địch hay nghĩ ngợi vẩn vơ. Nhưng thay vào đó là những màn ái tình chớp nhoáng như “mì ăn liền” với mấy em nhẩy “à gogo” hoặc bán “sờ nách ba” khi lui tới những chốn ồn ào náo nhiệt này. Chả cần phải tán hươu tán vượn, lại còn đỡ phải “cống hỉ” quà cáp. Nhiều khi lại còn được các em ngỏ lời ong bướm trước để nhất định “bắt” cho được một anh sinh viên nhà lành.

 

Hộp quẹt Zippo thời chiến tranh

 

Cũng từ sự giao du với những nơi đó, tôi bắt đầu đua đòi tập tành hút thuốc lá và uống bia. Trước kia chỉ “cảo dược” trong những lần cặp kè đào địch cho ra vẻ, hoặc làm chừng một chai bia đã thấy lảo đảo, ngả nghiêng. Khởi đầu với những Salem, Marlboro, Winston hay Lucky, Pall Mall do các em thân tặng ê hề tại các clubs hay các bar, nhưng muốn... khác người, tôi chuyển qua để chỉ hút thuốc Craven “A”, thường được gọi là thuốc “Con Mèo”, và chỉ hút loại hộp giấy 10 điếu không đầu lọc, và phải là “Made In England” đàng hoàng cho giống “Ăng Lê”. Còn bia, trước đó thỉnh thoảng mới làm một chai nhưng sao thấy đắng nghét, nhưng dần dần cái vị đắng đã trở nên ngọt ngào và mát rượi lúc nào không biết. Lần uống chai bia đầu tiên trong đời là vào lúc mới khoảng 10 tuổi, khi đi theo bà cô và ông kép vào một tiệm ăn. Có lẽ không muốn có “kỳ đà cản mũi”, ông kép của bà cô – tôi gọi là chú Khánh – đã dụ dỗ tôi nốc hết một chai “33” để rồi sau đó tôi mê man đi chẳng còn biết trời đất gì.

 

Ngày hôm sau dậy không nổi mà còn chóng mặt vô cùng. Từ đó cứ ngửi thấy mùi bia là tôi né, và cương quyết không bao giờ dám đụng tới một giọt. Nhưng bây giờ lớn rồi, không biết uống bia thì kỳ quá, chẳng giống ai. Thế là lại bắt chước người lớn tập tành làm quen với chất men. Muốn làm người lớn, cần phải chịu khó một chút, đâu phải muốn là được. Thời gian đầu, nhiều khi chỉ phì phèo một hai hơi cho ra vẻ, lâu lâu cầm lên rồi lại bỏ xuống vì thật sự mùi khói khó chịu thấy bà. Bia thì rót ra ly, nhấm nháp vài ngụm nhỏ vì đắng không chịu được. Nhưng dần dà, cảm thấy thiếu thốn khi không có điếu thuốc trong tay, nhìn bạn bè chung quanh phì phà hơi khói, lại còn thổi ra được những vòng tròn mới hách, mê quá sức. Mình không làm được như vậy, đúng là quê một cục. Hút thuốc lá mà mồi bằng diêm quẹt, quê lắm. Bởi vậy ta phải sắm hộp quẹt “Zippo” hay “Ronson” mới là tay chơi, quẹt vào quần jean để bật lửa mồi mới là dân sành điệu. Chuyện này cũng nhỏ thôi, PX Mỹ bán thiếu giống, nhờ các em cung cấp mấy hồi. Thế là dần dần tôi có được một bộ sưu tập “Zippo” khá đầy đủ, nhét túi nay kiểu này, mai kiểu khác. Được voi lại đòi tiên khi thấy những đấng đàn anh xài những hộp quẹt “gaz” thứ dữ như Dunhill hoặc Dupont mà phát thèm.

 

Tuy nhiên “tình trạng kinh tế” chưa cho phép nên đành phải an phận với bộ sưu tập “Zippo” cũng khiến cho bạn bè lác mắt. Trong khi đó, dần dà mồm miệng thấy nhạt phèo nếu không có ngụm bia trước những đĩa mồi thơm phức. Lại còn thấy những đàn anh nốc cả chục chai bia mà vẫn tỉnh bơ, luôn miệng “Vô! Vô! Một trăm phần trăm?” rất điệu nghệ, bèn lấy làm nể quá sức. Vậy là tôi bắt đầu làm quen với Budweiser như đại đa số dân khoái bia thời đó. Đến ngay như hiện nay với sự tràn ngập của đủ mọi loại bia khác nhau, nhưng theo tôi Budweiser vẫn được dân Mít mình tiêu thụ nhiều nhất và được coi là một loại bia Mỹ phổ thông, nhập vào Việt Nam sớm nhất theo chân những anh lính Mẽo.

 

Ngẫm ra mới biết vấn đề bia hay thuốc lá trong thời kỳ niên thiếu đều do sự khoái bắt chước và đua đòi, dần dần trở thành thói quen lúc nào không biết. Riêng đối với tôi, có lẽ một phần do các chủ trương là phải đi và sống mới viết được một cách sống thực. Tôi không có tài viết văn vì óc tưởng tượng không được phong phú như những nhà văn sĩ. Trời nóng hừng hực chảy cả mỡ, cởi trần trùng trục ngồi viết mà cũng tả được những cảnh trời mưa, tuyết lạnh hay đáo để. Bị vợ nó hành như điên mà vẫn tưởng tượng ra những mối tình lâm ly bi đát và đẹp tuyệt vời. Có ông hiền như cục bột nhưng lại viết những tiểu thuyết giang hồ, có đấm đá, súng nổ, ăn chơi trụy lạc cứ như là thật. Tôi không có được cái tài như vậy, chỉ diễn tả được những gì chính mình thấy hoặc ghi nhận được từ những người khác nên có vẻ thích hợp với nghề báo bổ. Cũng do đó tôi có chủ trương phải đi và sống mới viết được một cách trung thực. Một phần vì vậy hút thuốc hay uống rượu cũng nằm trong chủ trương đó. Vì phải biết hút mới diễn tả được mùi vị của thuốc và cái “ép-phê” của nó trong những lúc buồn vui. Phải biết tí men mới biết cảm giác lâng lâng khi ngà ngà hoặc những lúc quá chén bị nó hành đến nôn, đến ọe.

 

Nhưng đó cũng có thể là một sự biện hộ cho sự đua đòi và bắt chước của mình chăng? Tôi yêu sự thật và sự chính xác, và điều đó đã giúp tôi rất nhiều trong những bài phóng sự trong những thập niên 60 và 70. Với sự xông xáo của tuổi trẻ và muốn tìm hiểu sự thật, tôi đã “đi và sống” với Hippies Sài Gòn trong một thời gian dài, “xâm nhập” vào thế giới “đồng tính luyến ái” hơn một tuần lễ để viết những loạt phóng sự đăng trên những báo Tinh Hoa, Sống... Tôi cũng đã từng thử nhiều loại ma túy, trong số có LSD, một loại ma túy cực mạnh thường được giới trẻ xử dụng trong thời kỳ phong trào Hippy lên cao. Tôi tưởng như đã “đi tong” sau khi làm nguyên một viên LSD nhỏ xíu (trong khi “đô” bình thường là nửa viên) để ngất ngư đến cả 3, 4 ngày sau mới lấy được quân bình. Nhưng nhờ vậy loạt bài phóng sự “Viễn Du Trong Thế Giới Ảo Tưởng” của tôi đã được ông Chu Tử đồng ý cho đi suốt một tuần lễ trên báo Sống của ông, một trong những nhật báo uy tín nhất thời đó.

 

(còn tiếp)