Kết nối bạn đọc

Kỳ 59: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

DDVN • 13-04-2019 • Lượt xem: 10782
Kỳ 59: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

Chương III : NHỮNG NGÀY THÁNG HIPPY

Trong lòng còn đang rạo rực và mê man với những diễn tiến vừa xảy ra tại đại hội nhạc trẻ “Monterey Pop Festival” thì cuốn phim “Pop Gear” được trình chiếu ở Sài Gòn, tại rạp Rex. Cùng thời gian đó, phong trào Hippy bắt đầu được nhắc đến qua hình ảnh của những mái tóc dài, những quần áo đầy màu sắc hoa hòe hoa sói vui mắt đã làm cho sự rạo rực nơi tôi trở nên sôi nổi một cách chưa từng thấy.

Với lòng háo thắng và sự đam mê của lớp tuổi 20, tôi đâm ra chán ngấy những quyển sách luật dầy cộm với trăm thứ bà dằn luật lệ, hiến chương, đạo luật... chẳng biết sau này dùng vào việc gì. Đi tán đào mà cứ ở điều khoản này, đạo luật nọ thì chắc là khó khá. Biết thế học Văn Khoa lại có lý hơn. Thơ thẩn, văn chương đầy một bụng thì kết quả trong việc chinh phục có chiều khả quan hơn là cái chắc. Còn may mắn đậu được cái bằng cử nhân Luật thì bảo đảm tôi chẳng muốn ra tòa cãi cọ, đôi co một tí nào. Bản tính tôi vốn không thích chuyện đôi co, cãi qua, cãi lại. Tên nào muốn thắng, ta cho nó thắng. Tên nào cho là mình có lý, cứ việc có lý. Ai muốn hơn, cứ việc hơn. Con đường ta, ta cứ đi, như thế khỏe ru. Chả cần lời qua tiếng lại lôi thôi, mất thì giờ lại còn bị căng thẳng đầu óc, không ra cái tích sự gì. “Định mệnh đã an bài” ra sao, ta cứ để cho nó làm vậy. Bởi tin tưởng một cách tuyệt đối nơi câu “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên” nên nơi tôi đã nẩy sinh ra cái quan niệm bị mọi người coi là gàn gàn và dở dở ương ương.

Một bộ phim về ca nhạc: Go Go Mania

Khi cuốn phim “Pop Gear” được chiếu ở rạp Rex, tôi dám tự hào là người đã đi xem phim này nhiều nhất: 7 lần! Đến lần thứ 7 thì đã thuộc làu làu thứ tự xuất hiện của những ban nhạc và ca sĩ trong phim cùng tựa đề những bản nhạc. Ngoài những phim ca nhạc với những tên tuổi lớn – cả Tây lẫn Anh, Mỹ – trước đó như “Blackboard Jungle”, “Rock Around The Clock”, “L'idole Des Jeunes”... hay những phim có mặt Cliff Richard và The Shadows hay Elvis Presley, thì cuốn phim “Pop Gear” đã khiến tôi thích thú nhất, thích thú vô cùng. Dạo đó còn được chiếu thường trực nên tha hồ ngồi lì trong rạp, gặm bánh mì để xem 2, 3 xuất liên tiếp khiến mắt mũi bị hoa, tai bị lùng bùng khi đứng dậy lừ đừ ra về. Phim này đã được thực hiện vài năm trước đó, khi thời kỳ được gọi là “British Invasion” (tức sự xâm lăng của nền ca nhạc Anh Quốc) nổ bùng tại khắp các quốc gia trên thế giới. Tuy cũ người, nhưng mới ta, do đó sự say mê không hề suy giảm. Trước đó chỉ được biết những ban nhạc và ca sĩ Anh Quốc này qua những  hình ảnh trên báo chí hoặc chỉ được nghe qua những đĩa nhạc, nay được thấy họ trên phim ảnh thật không còn gì thú vị bằng. Eric Burdon và The Animals với “The House Of The Rising Sun", Herman's Hermits với “I'm Into Something Good”, The Nashville Teens với “Tobacco Road”, Billy J. Kramer and The Dakotas với “Little Children”, The Zombies với "She's Not There"... thật sự đã khiến cho giới trẻ Sài Gòn như lên cơn sốt.

Poster phim Pop Gear ở Anh và ở Mỹ

Có thể nói tất cả những ban nhạc và ca sĩ nhạc trẻ Sài Gòn đều đi xem cuốn phim ca nhạc thật sống động này. Và từ đó niềm mơ ước tạo dựng được tên tuổi thành hình. Đi trình diễn tại các club Mỹ là một chuyện, nhưng để tên tuổi mình được biết đến trong lớp khán giả trẻ Việt Nam là một chuyện khác. Cả năm mới có dịp trình diễn trước khán giả Việt Nam vài lần qua các đại hội nhạc trẻ Taberd và tại các chương trình đại nhạc hội tân nhạc, nên vấn đề được biết đến tên tuổi không thể được gọi là có “ép phê”. Tôi biết được niềm mơ ước này nơi những bạn bè trong giới nên đã nuôi ý định tổ chức những buổi trình diễn thường xuyên hơn. Ngoài ra việc được coi những ban nhạc trẻ Việt Nam trình diễn cũng là một sự ao ước lớn lao đối với giới trẻ, chỉ được biết đến tên tuổi những ban nhạc trẻ trên báo chí hoặc qua các “bùm”, các “bal de famille” thu hẹp trong một phạm vi nhỏ mà ít có dịp được thấy tận mắt.

Trong khi đó thì việc vào các club Mỹ để thấy tường tận là một điều không thể xảy ra, ngoài vài ba người thuộc “phe ta” có thể theo chân ban nhạc đế vào được những nơi này. Còn các “Sờ Nách Ba” có ban nhạc trình diễn thì không thích hợp với những cô cậu choai choai khoái nhạc. Phối hợp những yếu tố đó, tôi bắt đầu để ý đến việc tìm một địa điểm để có thể tổ chức những buổi trình diễn nhạc trẻ thường xuyên.

Đúng vào lúc đó tôi được hai anh em Tuấn và Cường trong ban nhạc The Rising Sun cho biết gia đình họ có một Club trên đường Nguyễn Minh Chiếu với sức chứa khoảng 200 người. Club này được thành lập với mục đích nhắm vào những khách Mỹ, đồn trú quanh khu Tân Sơn Nhất. Từ khi bắt đầu được thành lập, Watusi Club đã được khách khứa chiếu cố tấp nập, nhờ có chương trình nhạc sống với ban nhạc The Rising Sun, được thành lập vào khoảng năm 65, 66. Anh em Tuấn và Cường khi biết tôi có ý định tổ chức những buổi trình diễn nhạc trẻ, đã đề nghị tôi sử dụng Watusi Club của gia đình họ vào mỗi buổi trưa thứ Bẩy. Được lời như mở tấm lòng, không một chút chần chừ, tôi nhờ Tuấn và Cường đưa đến “tham quan” địa điểm để phác họa ra chương trình tổ chức mà tôi đang nôn nao muốn thực hiện cho bằng được. Chỗ ngồi thế này là được lắm rồi, sân khấu đặt ở đó cũng rất tiện lợi. Thật ra tôi chỉ ngó qua loa, trong khi muốn bắt tay làm liền cho nóng hổi. Còn điều kiện ra sao đây? Tôi thì dễ dàng lắm, sao cũng được, chẳng muốn bàn cãi lôi thôi, dù có chịu thiệt thòi một tí cũng chả chết ai. Thôi thì anh có địa điểm, ấn định cho thuê với một giá nào đó, tôi chi tiền cho ban nhạc và ca sĩ, sau đó vé bán được bao nhiêu, trừ đi chi phí thì ta “cưa” đôi. Xong ngay, không ai thắc mắc điều gì hết ráo. Nhưng vấn đề kiểm soát vé như thế nào. Cũng chả gì khó, bên anh một người, bên tôi một người ngồi bán vé, thế là xong. Còn nếu anh muốn bán vé cũng được, chả sao. Nói là bán được bao nhiêu vé cũng OK, chia chác thế nào cũng được, miễn là thực hiểu được điều tôi mong muốn là xong ngay.

Tôi thơ thới và hân hoan ra về sau khi mọi điều kiện đã được thông qua trong một thời gian kỷ lục, chẳng có giấy tờ, giao kèo gì hết ráo. Trong lòng tôi lúc đó vui như mở hội, rộn ràng hắn lên vì chẳng còn bao lâu nữa mình sẽ trở thành một ông chủ nhỏ, chuyên trị những chương trình nhạc trẻ hàng tuần đầu tiên của Việt Nam.

Pop Gear (ở Mỹ: Go Go Mania) là một bộ phim về ca nhạc của Anh, do Frederic Goode đạo diễn, được phát hành vào năm 1965. Bao gồm các cảnh quay trực tiếp biểu diễn của The Beatles, và một số ban nhạc (hát nhép) như The Animal, Herman's Hermits, The Columbia Teens, Peter and Gordon, Matt Monro, Billy J. Kramer và the Dakotas, The Honeycombs, The Rockin 'Berry và Spencer Davis Group).

(còn tiếp)