Kết nối bạn đọc

Kỳ 61: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

DDVN • 15-04-2019 • Lượt xem: 11382
Kỳ 61: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

Chương trình “Teen À GoGo” đầu tiên đã quy tụ được một số khán giả kỷ lục (gồm những người mua vé và những “người quen”), đứng ngồi chật ních Watusi Club, tràn ra cả ngoài cửa.

Điều này đã khiến các ban nhạc và ca sĩ trình diễn quá sức hăng hái trong cái không khí nóng nực và ngộp mùi thuốc lá. Nóng đến nỗi Robert Tarzan cởi phăng cả áo, ở trần trùng trục hát hò trên sân khấu trước sự vỗ tay và hét hò như sấm của đám khán giả phía dưới. Chiếc áo “sơ mi” của Robert đầm đìa mồ hôi, khi anh cầm vắt chặt lại có thể thấy rõ từng giọt rơi xuống loỏng toỏng. Ban nhạc thì hứng thú không kém nên tay “lead guitar” bị đứt dây đàn vài lần khiến chương trình phải ngưng lại để nhạc sĩ thay dây. Từ đó tôi có kinh nghiệm, luôn dặn dò ban nhạc phải mang theo dây đàn phòng hờ, cũng như tay trống phải mang theo và cặp đùi để “thủ”. Lỡ chẳng may khi “bốc” quá đứt bố nó cả dây hay gãy cả dùi trống thì khó lòng cứu gỡ. Cẩn tắc vô áy náy, những lần sau tôi đã thủ một số dây đàn và vài cặp dùi trống để sẵn trên sân khấu phòng khi bất trắc. Không khí vui nhộn và tưng bừng của chương trình “Teen 2 GoGo” đầu tiên đã khiến cho những tay đàn giọng hát ngồi tham dự phía dưới nóng máy. Chả cần mời gọi, người nọ kẻ kia ráp lại với nhau thành một ban nhạc hỗn hợp để cùng lên sân khấu phố diễn tài năng, vì trước đó hiếm khi nào có được dịp gần gũi với đám khán giả trẻ như vậy.

 

Jo Marcel

 

Trong số những ca sĩ trình diễn hôm ấy, nổi bật nhất là Prosper Thắng, sau đó trở nên rất nổi tiếng khi thay phiên cộng tác với nhiều ban nhạc trẻ khác nhau. Prosper Thắng sẽ hát rất hay với một điều kiện: phải nốc ba, bốn ly whisky trước đó. Khi đã thấm giọng và cảm thấy ngà ngà, anh cất giọng khàn khàn đặc biệt lên hát những ca khúc tình cảm ngoại quốc thì không chê vào đâu được, chẳng hạn như “When A Man Loves A Woman” hay một số nhạc phẩm Pháp. Prosper Thắng mang quốc tịch Pháp, con nhà khá giả, nhưng sống một cách quá buông thả nên ngoài vấn đề rượu chè uống như hũ chìm, còn vướng vào vòng ma túy một cách nặng nề. Sau khi rời khỏi Việt Nam, anh sang sống tại Paris. Tại đây, Thắng có một thời gian đi hát trong những cabarets dành cho người Pháp và trở thành một giọng hát được dân Tây ưa thích. Nhưng cũng do ảnh hưởng của rượu và ma túy càng ngày càng tăng “đô”, nên vào khoảng giữa thập niên 90 Prosper Thắng đã vĩnh viễn ra đi khi chưa được đầy 50 tuổi.

 

Vào lúc gần cuối giờ, tôi được người ở ngoài vào báo là có Jo Marcel muốn gặp. Tôi chưa tiếp xúc với Jo Marcel bao giờ, nhưng đã biết tiếng tăm anh từ nhiều năm trước, khi anh còn mang tên đi hát là Ngọc Minh, sau đó đổi thành Jo Marcel khi bắt đầu cộng tác với cabaret “La Galère” do người Pháp làm chủ. Từ những năm 65, 66 trở đi Jo trở thành một cây đinh của vũ trường Ma Cabane trên đường Trần Quý Cáp, góc đường Lê Văn Duyệt. Tại đây anh phối hợp với Như An thành một cặp song ca rất nổi tiếng với những nhạc phẩm êm dịu. Vào gần cuối năm 67, Jo từ giã Ma Cabane để đứng ra điều hành một vũ trường riêng lấy tên là “Chez Jo Marcel”, ở tầng dưới Hotel Catinat (tức khách sạn Phong Thành của ông dân biểu trẻ tuổi Trần Quí Phong). Tôi chỉ biết một số chi tiết về Jo Marcel như vậy, với những lời ca tụng của đám bạn bè lớn tuổi hơn, hay la cà ở các phòng trà, vũ trường. Tiếng tăm Jo lúc đó đã nổi như cồn, nay được anh tìm đến gặp là cả một hân hạnh. Jo Marcel được mời vào gặp và tự giới thiệu với tôi. Trong cái không khí quá sức ồn ào – mỗi khi nói phải vận dụng nội công thì người đối diện mới nghe được - Jo đã nói vắn tắt mục đích đến gặp tối ngày hôm đó. Được biết là phong trào nhạc trẻ đang lên và tôi là người đang được giới trẻ biết đến tên tuổi, nên Jo ngỏ ý muốn mời tôi về công tác để tổ chức những chương trình nhạc trẻ hàng tuần tại vũ trường “Chez Jo Marcel” của anh (sau này đổi thành “Đêm Màu Hồng” khi Jo bỏ địa điểm này để về thực hiện chương trình ca nhạc tại vũ trường Queen Bee). Cuộc nói chuyện chỉ kéo dài chừng 15 phút và Jo đã ra về sau khi mời tôi đến gặp anh tại “Chez Jo Marcel” khoảng một tuần sau đó để đi sâu vào chi tiết hơn. Vào năm 67, Jo Marcel chưa đầy 30 tuổi, nhưng đã tỏ ra chứng chạc như một người ra đời làm ăn từ lâu. Từ điểm đó tôi thêm nể phục anh, ngoài việc từng khâm phục anh với tài ca hát.

 

Nghe Jo Marcel hát bài Thôi

 

Vừa cùng anh em thu dọn chiến trường sau khi chương trình “Teen À GoGo” đầu tiên chấm dứt, tôi vừa miên man suy nghĩ đến lời đề nghị của Jo. Tôi kể cho anh em Tuấn và Cường nghe về lời đề nghị của Jo để xin giúp ý kiến vì không muốn một mình quyết định để bỏ anh em ngang xương, sợ bị cho là “tham vàng bỏ ngãi”. Hai anh em đã tỏ ra rất thông cảm với tôi và cho biết là tùy tôi quyết định, hơn nữa họ còn cho biết thêm là chưa chắc những buổi tổ chức nhạc trẻ như ngày hôm đó có cơ hội kéo dài vì tình trạng an ninh không cho phép, hơn nữa với giấy phép của một “Bar”, sợ rằng rất có thể sẽ bị làm khó dễ sau này.

 

Như thế tôi không còn bị vướng mắc gì nếu quyết định về hợp tác với Jo Marcel. Thực tế hơn nữa là “Chez Jo Marcel” ở một địa điểm rất tốt và thuận tiện cho các khán giả choai choai vì ở ngay trung tâm Sài Gòn, có vẻ “văn minh” hơn là ở tận Phú Nhuận.

 

Lòng tôi nao nao hơn lên khi có được một tên tuổi lớn thời đó mời cộng tác làm ăn. Điều này có vẻ phất rồi chăng? Để ăn mừng chiến thắng sau lần tổ chức đầu tiên, có bao nhiêu tiền lời thu được gom góp trong túi, tôi rủ anh em bạn bè kéo ra tiệm bò 7 món “Ánh Hồng” gần đó làm một bụng thỏa thích. Bao nhiêu tiền lời đi đoong hết ráo, nhưng lo gì, tuần sau ta lại có mấy hồi. Đến đâu hay đến đó.

 

 

(còn tiếp)