Kết nối bạn đọc

Kỳ 62: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

DDVN • 16-04-2019 • Lượt xem: 11143
Kỳ 62: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

Hình như ngôi sao “nhạc trẻ” nơi tôi có vẻ phất thật. Hai ngày sau, đang miên man suy nghĩ về chương trình “Teen À GoGo” tổ chức vào tuần kế tiếp với những ban nhạc nào, ca sĩ nào thì thấy có một người mặc “com lê, cà vạt” chỉnh tề lấp ló trước cửa nhà. Tôi chạy ra hỏi và được người khách lớn tuổi có vẻ là người Tầu cho biết muốn gặp để bàn chuyện làm ăn. Ôi giời ơi, thế này thì quan trọng quá, mới tí tuổi đầu mà đã có người đến bàn chuyện làm ăn thì hách làm sao. Mới mấy hôm trước là Jo Marcel, bây giờ đến phiên ông khách tên Phoóng đến thảo luận về “business” thì quả là quan trọng. Ông Phoóng đại ý cho biết là muốn nhờ tôi mời một số ban nhạc nơi các clubs Mỹ mà ông đã thầu được ở căn cứ quân sự Mỹ tại Lai Khê và Long Bình.

Ông Phoóng đúng là một “businessman” thứ thiệt. Ông hỏi han và tâng bốc tôi đủ điều và tỏ ra rất cần sự hợp tác của tôi. Được thiên hạ khen tặng, anh nhóc 21 tuổi sướng phồng cả mũi và thấy mình quan trọng quá cỡ. Ông Phoóng chỉ nói sơ qua mục đích của ông như vậy, chưa đề cập vào chi tiết vì muốn mời tôi đi ăn tối vào ngày hôm sau để có nhiều thì giờ bàn luận hơn. Đúng là dân Tầu, bất cứ chuyện làm ăn gì cũng phải ăn uống trước đã. Trong bàn tiệc rượu ê hề, những điều kiện có vẻ được thông qua một cách dễ dàng hơn. “Dĩ thực vi tiên”, đớp cái đã, tính gì thì tính. Vốn khoái đớp hít, hơn nữa lại được một tay làm ăn mời mọc một cách trang trọng nên nhất định không dám từ chối.

 

Tối hôm sau, ông Phoóng đi một chiếc xế Mercedes đen láng coóng tới đậu chình ình trước cửa nhà tôi vào lúc chợ Da Bà Bầu đã tan hàng, do đó ông ta không phải đậu xe ở tuốt ngoài đường Nguyễn Tri Phương để len lỏi lội bộ vào như ngày hôm trước. Trong lúc đó thì tôi đã sửa soạn tươm tất, đâu vào đấy. Bỏ chiếc quần jean để thay thế bằng chiếc quần “tergal” thẳng nếp, khoác vào người chiếc áo sơ mi ca rô” vải “boussac” rất ngon lành với 001 giây được đánh “cirage” bóng lưỡng. Diện vào cũng bảnh chọe lắm, nhưng nếu diện “com-lê” thì sẽ chững chạc biết chừng nào, đúng điệu làm ăn hơn nhiều lắm. Nhưng tôi lại chúa ghét “com lê, cà vạt”, ngột ngạt không chịu được và nóng bỏ mẹ! Được ông bố sắm cho hai bộ “com-lê” và hai sợi giây thòng lọng thắt cổ từ mấy năm trước, nhưng họa hoằn lắm tôi mới chịu “lên bộ” vài lần, như là trong những dịp Tết nhất chẳng hạn hoặc trong trong dịp phát giải thưởng cho những ca sĩ trúng giải của Teenagers' Club cách đó vài tháng. Hồi còn bé không còn gì khoái tỉ bằng ngày mồng một Tết, được theo bố đi mừng tuổi họ hàng và những người bạn “xộp” của bố với mục đích hết tiền lì xì đầy túi. Sau vài câu mừng tuổi, chúc “sống lâu trăm tuổi”, “sức khỏe dồi dào”, “làm ăn phát đạt” lỉnh kỉnh là đến giây phút hồi hộp khi nghe phán “Gớm, cháu giỏi quá! Lại đây bác mừng tuổi cho nào!”. Thế là bẽn lẽn, làm ra vẻ thẹn thùng nhưng mắt không quên theo dõi những “nạn nhân” đang hí hoáy mở hầu bao lôi ra một bao lì xì đỏ chói. Trong bụng thì “tiên đoán thời cuộc” xem sẽ hốt được bao nhiêu. Với Bác A bảo đảm là sẽ cầm chắc 5 bớp, bác B dĩ nhiên sẽ là 3 bớp. Còn bác C thì keo lắm, chắc chỉ được vài chịch lấy hên. Nhưng không sao, có còn hơn không, tom góp được chừng nào hay chừng nấy. Dĩ nhiên trong đầu đã vẽ vời ra những “projects” sẽ làm gì với những món tiền này. Nào là mua cái áo này, sắm đôi giầy hay chiếc quần kia và sẽ trích ra một món để cùng bạn bè rủ nhau đi đớp hít linh đình. Nhưng càng lớn lên, nhất là sau khi đã vào đại học thì ngày mồng một Tết không còn sức quyến rũ tôi với những phong bao lì xì đỏ chói. Ta đã kiếm được tiền rồi mà cứ lẽo đẽo theo bố đi “lạc quyên” coi sao đặng. Sau những nghi thức đối với họ hàng và những người thân thuộc, tôi chỉ mong sao mau qua ngày 2 Tết để tự do tung hoành với đám bạn bè, đào địch, nhất là được cởi phăng bộ “com-lê” ra cho nó khỏe khoắn, thoải mái.

 

Sài Gòn - Chợ Lớn xưa

 

Lần này do... công việc làm ăn, đáng lẽ cũng phải lên bộ cho ra vẻ, nhưng nghĩ tới thấy có vẻ quá trịnh trọng so với số tuổi của mình, nên chỉ chơi một “y”, một “quẩn” và một đôi “hia” láng coóng. Ông Phoóng chở tôi phom phom vào Chợ Lớn bằng chiếc xế nặng ký nên thấy quan trọng ra gì, có vẻ ông chủ con lắm. Cũng đã từng theo chân bố vào những Đồng Khánh, Soái Kinh Lâm, Á Đông... ở Chợ Lớn trong những lần ông cho tháp tùng với đám bạn bè của ông. Nhưng những lần đó ăn uống không được thoải mái tí nào giữa một đám người lớn. Gắp thì rón rén, e dè trong một tư thế rất ư là bị động, không một chút tự nhiên, chán bỏ xừ. Lần này ông Phoóng đưa đến tiệm Bát Đạt, trong tư thế một kẻ được người khác nhờ cậy nên đã tỏ ra oai hùng và rất hiên ngang và làm như đã quen thuộc với tiệm này mặc dù mới chỉ vào đây có một, hai lần với bố.

 

Ông Phoóng dĩ nhiên là một tay lão luyện, rất sành sỏi trong việc gọi thức ăn với đủ món ê hề mà tôi thích nhất là món bồ câu quay béo ngậy đặt trên một lớp “sà lách xoong” xanh mát. Và cũng dĩ nhiên ông ấy mời tôi uống rượu. Ra vẻ sành điệu, dân chơi, tôi gọi một ly Hennessy vì đã được nếm qua một vài lần và thấy hợp khẩu nên nhân dịp này làm một phùa cho đã điếu. Nhưng không, ông ấy kêu nguyên một chai, cùng soda với hai chiếc ly cối đựng một miếng đá chặt gọn ghẽ, vuông vức cao đến tận miệng ly. Rồi thì nâng ly, cầm đũa và khởi đầu màn đớp hít bằng món bát bửu ăn chơi. Chỉ toàn nói chuyện trên trời dưới đất, chuyện gia cảnh linh tinh, kèm theo những lời khen ngợi của ông Phoóng mà chưa thấy đề cập gì đến chuyện làm ăn. Qua đến ly thứ 3, trong người đã thấy hân hoan quá chừng, quá đỗi mà ông ấy vẫn vui vẻ gợi đủ mọi thứ chuyện trong khi tôi bắt đầu phát ngôn vung vít. Sợ đi quá đà, tôi từ chối khi ông Phoóng rót thêm một ly nữa, nhưng “uống đi mà, tôi thấy cậu uống khá lắm, đâu có sao. Tuổi thanh niên thì vài ly đâu có thân tháp gì”. Được khen và cảm như bị khích, cộng thêm cái hương vị đậm đà của chai Hennessy XO nên “tuổi thanh niên” rút lại lời từ chối để có thêm một ly vàng óng và mát rượi. Lại nâng ly chén chú chén anh. Bây giờ ông Phoóng mới vào đề. Ông cho biết cần một số ban nhạc và ca sĩ để đưa vào làm tại các clubs Mỹ ông đã thầu được. Dễ ợt, tôi nhận lời liền. Ông sẽ chi cho tôi một khoản tiền, tôi gọi ban nhạc và tùy nghi mặc cả để khi chi xong phần tôi còn lại bao nhiêu, ông không cần biết tới. Ban nhạc đòi giá rẻ thì lời nhiều, đòi nhiều thì lời ít. Ôi, điều kiện này ngon lành và ngon ở nên tôi nhận lời một cái rụp. Để mở đầu chương trình làm ăn, ông Phoóng cho biết cần 3 ban nhạc để chơi tại các căn cứ Long Bình, Biên Hòa và Lai Khê.

 

Chợ Lớn - nơi tập trung nhiều người Hoa sinh sống và cũng là nơi có rất nhiều nhà hàng, quán xá nổi tiếng

 

Trong đầu tôi đã nghĩ ngay đến những ban nhạc nào rồi, chẳng có gì khó khăn cả. Bây giờ bàn về giá cả. “Cậu mà nói với mấy ban nhạc quen biết thì chắc chắn là có được giá đặc biệt. Ai chứ, đối với cậu việc này đâu có vấn đề gì?”. “Tuổi thanh niên” sướng phồng cả mũi, chưa kịp xẹp xuống thì ông Phoóng lại tống thêm một phát Hennessy. Đến lúc này thì chuyện gì cũng dễ ợt và do đó tôi đã tỏ ra dễ dãi vô cùng nên phát ngôn một cách rất hách xì xằng là: “Ông cứ yên chí! Việc này không có gì khó khăn hết ráo. Tôi nói một tiếng là họ chịu ngay, nhiều khi còn không lấy tiền nữa là đàng khác”. Hứng chí quá nên nói phét, nhưng mặc dù đã lảo đảo nhưng vẫn biết là mình bị “hổ”. Hình như ông Phoóng cười cười và lại tống tiếp cho tôi một quả Hennessy với phụ đề: “Tôi biết ngay mà, với cậu thì quá bảo đảm rồi... Cậu đúng là người tuổi trẻ tài cao, có đầu óc làm ăn lắm, uống rượu cũng giỏi nữa. Số cậu sau này chắc chắn sẽ khá ghê gớm!

 

 

Người “tuổi trẻ tài cao” đến lúc đó đã thấy hoa mắt, mồ hôi toát ra dầm dề nhưng vẫn cảm thấy sung sướng vô vàn trước những lời tâng bốc. Tôi đưa đại ra một giá cả của một ban nhạc cho một buổi trình diễn, đại khái nghĩ là mình cũng còn lại chút đỉnh. Ông cần 3 ban nhạc để trình diễn tại 3 địa điểm, mỗi nơi từ một tuần đến nửa tháng. Ông Phoóng bằng lòng tức thì, và sau khi thấy tôi cương quyết từ chối làm thêm một ly nữa vì đầu óc đã bắt đầu quay cuồng choáng váng, đã lấy giấy bút để tôi ký nhận tiền sau khi đã tính toán phải chi cho những buổi trình diễn theo giá tôi đề nghị. Tôi nhét một đống tiền to tổ bố vào túi quần, cùng ông Phoóng ra về và đã được ông ta hộ tống vào tận nhà và hẹn sẽ đến gặp để làm thủ tục cho tôi và các ban nhạc để vào những căn cứ quân sự Mỹ.

(còn tiếp