Kết nối bạn đọc

Kỳ 69: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

DDVN • 23-04-2019 • Lượt xem: 14377
Kỳ 69: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

Đây cũng là lần đầu tiên tôi có dịp đi xa cùng với cô bạn Thanh Lan, lúc đó cũng mới bước chân vào làng nhạc trẻ. Còn Ngọc Minh thời gian đó cũng mới bước vào nghề nên còn tỏ ra nhút nhát khi đi cùng với bọn nhạc trẻ chúng tôi, được coi như ở trong một thế giới riêng biệt. Những buổi cùng nhau ngồi ăn sáng trên sân thượng khách sạn, những buổi tối sau buổi trình diễn, cùng nhau cười nói chọc ghẹo nhau đến bây giờ vẫn còn hiện rõ trong trí nhớ của tôi.

Khi trở lại Sài Gòn thì tôi chỉ còn chừng 2 tuần để sửa soạn cho buổi tổ chức “Hippies À GoGo" đầu tiên tại “Chez Jo Marcel”. Việc quảng cáo thật ra rất dễ dàng, chỉ cần rỉ tai một vài tay chơi để nhờ phổ biến ngày giờ là xong ngay. Chẳng cần in poster dán tùm lum hoặc phát “flyers” đầy đường làm chi cho tốn sức. Buổi đầu tiên bắt buộc phải làm cho xôm tụ bằng cách mời một lúc 4 ban nhạc trình diễn luôn một lèo từ 2 giờ trưa cho đến chiều tối, trước khi trả lại sân khấu cho chương trình ca nhạc của Jo Marcel tại đây. Buổi “Hippies À GoGo” đầu tiên đã diễn ra vào tuần lễ đầu tiên của tháng 01 năm 68 đã đánh dấu một thời kỳ quan trọng cho nhạc trẻ Việt Nam, bắt nguồn cho rất nhiều những chương trình nhạc trẻ khác diễn ra những năm sau đó cho đến biến cố tháng 4 năm 75.

 

Sài Gòn với quần ống loe, cuối thập niên 60

 

Mới hơn 12 giờ trưa, xe gắn máy cùng với người ngợm đã đứng ngồi lẩm nhẩm trước cửa vũ trường nhỏ xíu “Chez Jo Marcel” trên đường Nguyễn Huệ. Tôi và Hướng đã từ trên phòng khách sạn xuống từ rất sớm để xếp đặt đồ nghề, phân phối công việc cho nhân viên cũng như soạn thảo chương trình. Người bán vé, người bán nước uống cũng được xếp đặt đầu vào đó.

 

Jo Marcel thì mồ hôi, mồ kê điều chỉnh lại cái “echo” của anh ở phía sau vũ trường, chỉ sợ “echo” bị tịt ngòi bất tử thì chỉ có nước mất mặt với danh hiệu “phù thủy âm thanh”! 4 ban nhạc được mời - mà tôi chỉ còn nhớ được tên 3 bạn là The Shakers, The Papa’s và The Rising Sun - đã được đưa vào ngã sau trước đó. Đàn địch, chiêng trống khiêng theo lỉnh kỉnh với giây nhợ tùm lum như ngày hội. Anh nào, chị nấy hứng khởi ra mặt khi thấy cảnh các “fan” chờ đợi lổn nhổn trước cửa và ùa vào trong ào ạt khiến cái vũ trường xíu như muốn vỡ tung, để cuối cùng còn đến hàng chục mạng không còn chỗ đứng phải ra đứng ngoài đường hoặc tụ tập nhau ở ngoài hành lang khách sạn Catinat để nghe tiếng nhạc vọng ra đỡ ghiền.

 

Thời trang Hippy Sài Gòn cuối thập niên 60

 

Tôi thật sự cảm động khi lên trước micro lảm nhảm vài lời cám ơn để sau đó đi ngay vào chương trình. Có thể coi đây là lần đầu tiên tôi đảm trách vai trò MC (thời đó đúng ra chỉ là người giới thiệu chương trình) cho một chương trình đặc biệt, trước một đám khán giả đông đảo, nhiệt thành với nhạc trẻ nên cũng hơi... teo teo. Tuy nhiên sau đó được vỗ tay quá xá nên đã bớt hẳn đi sự hồi hộp để trịnh trọng giới thiệu thành phần của ban nhạc đầu tiên, làm như mình đã trở thành một Ed Sullivan hay một Dick Clark của Mẽo! Vào thời đó, giới thiệu một ban nhạc không có gì khác hơn là ai chơi solo, ai chơi trống, ai sử dụng bass, anh hay chị nào là ca sĩ chứ không có thêm thắt, lòng thòng gì hết trơn. Cuối cùng lên giong một tí để hô lên: “Và thưa các bạn, đây ban nhạc The Shakers”. Vừa dứt câu là trống đàn nổi lên loạn xạ, trong khi đó Hướng hai tay nhá đèn chớp đủ mầu lia lịa, xôm tụ hết sức. Chương trình cứ như thế kéo dài liên tục cho đến gần 7 giờ. Ngay từ 6 giờ Jo Marcel đã giục tôi: “Cậu cho chấm dứt đi chứ, để tôi cho nhân viên dọn dẹp để sửa soạn chương trình buổi tối. Kéo dài mãi thế này biết đến bao giờ cho xong!”. Đã mấy lần tôi nhắc nhở các ban nhạc trình diễn bớt lại, họ chỉ ừ ào cho qua để lại tiếp tục say sưa với tiếng đàn, tiếng hát. Mấy lần định lên tuyên bố chấm dứt chương trình nhưng thấy quí vị choai choai đang hăng hái nhẩy nhót nên cũng chịu thua, nhất định không dám làm cụt hứng. Cuối cùng không biết cách nào khác bèn bầy mưu tính kế với Hướng vào phía sau rút cầu chì ra để kiếm cớ bị cúp điện mới thoát nạn.

 

Tôi và Hướng thở phào nhẹ nhõm khi thấy các cô, các cậu luc tục và hậm hực ra về vì chưa được nghe nhạc và nhót cho đã đời. Sau khi thanh toán tiền thù lao cho các ban nhạc, tôi và Hướng chạy lên phòng thở dốc trước sự thành công đáng kể của lần tổ chức đầu tiên. Thành công thì phải khao quân nên tôi và Hướng kéo một vài tên bạn quan trọng các ban nhạc ra ngay quán cóc ở gần Tổng Nha Ngân Khố làm một trận quên chết với những món ốc leng xào dừa, vịt lộn, nem nướng ê hề. Quán cóc của mấy chú Ba này đã là nơi tụ họp thường xuyên của anh em chúng tôi mỗi khi chấm dứt một chương trình nhạc trẻ hàng tuần tại “Chez Jo Marcel” cho đến khi chương trình được dời về những địa điểm khác sau đó. Thật ra cái quán nhỏ nằm ngay ở một góc đường Nguyễn Huệ này chỉ bán bia và rượu, còn những đồ mồi thì do những bạn hàng bu quanh đó cung cấp với đủ món khoái khẩu, bắt bia và rượu không chịu được. Điểm tôi ghi nhớ nhất nơi quán cóc này là cái... toilette rất lâu đời của nó, chỉ đủ chỗ cho một anh đực rựa đứng tè (chị em phụ nữ vào đây chỉ có nước chết! Có lẽ vì vậy nên chẳng bao giờ thấy bóng dáng chị em ngồi trong cái quán cóc này). Đặc biệt là cái mầu vàng khè kinh niên bám nơi cái bồn xập xệ, có thể rớt ra bất cứ lúc nào, toát ra một mùi khai quá sức nồng nặc phế thải từ các tay bợm nhậu thay phiên nhau vào ra. Tuy cái mùi xú uế đó có một nồng độ “ammoniaque” rất là sặc sụa, tuy nhiên nhờ phảng phất nhiều hơi thơm của bia, của rượu nên tương đối cũng khá dễ chịu một cách đặc biệt. Tôi từng lang thang ở nhiều quán cóc khác, nhưng dám bảo đảm là chưa ở đâu có cái toi lette với một mùi đặc biệt như vậy.

(còn tiếp)