Kết nối bạn đọc

Kỳ 71: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

DDVN • 25-04-2019 • Lượt xem: 9392
Kỳ 71: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

Buồn không thể tả trong cái không khí quá ư vắng vẻ, chỉ có tiếng máy lạnh chạy ì ì. Không biết làm gì trong khi bụng bắt đầu thấy đói, bèn lục tủ lạnh thì thấy những thức ăn chúng tôi sửa soạn cho dịp Tết còn nguyên si với giò chả mua ở Ngọc Hương, thịt nguội, ba-tê, xúc xích mua ở Chợ Cũ quá ư linh đình.

Nhìn lên kệ còn cả mấy chai rượu chát, mấy hộp bơ Bretel, bánh biscuit “Lu”, cùng những đồ hộp cao cấp mua ở Thái Thạch còn y nguyên. Thời này tiệm Thái Thạch trên đường Catinat làm trùm trong việc cung cấp rượu và thực phẩm nhập cảng nên những món hàng Tây ở đây được coi là thuộc loại thượng hạng, chỉ có những tay chơi sành điệu mới có thể bén mảng tới đây để bị “chặt” một cách nặng nề. Nhưng “chặt” cách chi mà được tiếng là xài đồ Tây vẫn cảm thấy thích thú vô cùng, khiến thiên hạ lác mắt.

 

Sài Gòn 1968 - Lê Lợi

 

Trong lúc buồn tình và bụng đói, không gì hay hơn là bầy biện ra bàn đủ thứ của ngon vật lạ, vừa Tây vừa ta để thưởng xuân một mình. Trong lúc ngà ngà sau khi đã làm hết một chai rượu chát, bèn nghĩ ngợi đến mọi thứ chuyện trên trời dưới đất. Lúc có hơi men, cảm thấy đầu óc tưởng tượng trở nên phong phú lạ lùng. Nào là ra Tết sẽ tổ chức thêm cái nọ, cái kia. Nào là phải làm một cái gì khác với thiên hạ cho hách, cho oai. Còn việc học hành sẽ như thế nào? Có can đảm nhá nổi cái bằng cử nhân không? Cái vụ này ngại quá đi thôi. Đã đi làm ăn và đang trên đà đi lên thế này chắc là khó khăn lắm. Cả năm nay bận bịu làm ăn chẳng còn thiết chi đến đào địch, chắc là ra giêng phải chú ý về khoản này. Nghĩ tới nghĩ lui, chỉ còn em Mỹ D., con của vị giám đốc văn phòng du lịch trên đường Catinat gần đây có vẻ duyên dáng và chịu chơi nhất. Các em D. (với một bộ ngực đồ sộ, được anh em tặng cho hỗn danh là D. “Vú Bò”) với các cô em M. và H. ở trong hẻm Cao Thắng gần quán Bẩy Hổ thì chỉ coi như các em gái văn nghệ được thôi, đi vào vấn đề tình cảm chẳng thấy rung động gì hết trơn, mặc dù em nào em nấy xinh ơi là xinh cũng như ăn diện ra gì. Thế này chung cuộc chỉ còn có em D. Vậy thì OK để đó, hạ hồi phân giải với một sự tin tưởng quá cỡ là chắc ăn.

 

Sài Gòn 1968 - Đường Hai Bà Trưng

 

Cùng một lúc lơ mơ với hơi men, tôi quay cu lơ ra ngủ thiếp đi lúc nào không biết, chỉ tỉnh dậy khi có tiếng mở cửa lách cách khi hai anh em Jo Marcel và Hướng bước vào. Mặt mũi tên nào tên nấy bơ phờ chẳng còn tí sinh khí. Chúng tôi nhìn nhau ngao ngán khi đã không thực hiện được những điều như dự tính. Cùng một lúc Jo buồn bã báo tin là chính quyền đã ra lệnh cấm các phòng trà và vũ trường hoạt động trong một thời gian vô hạn định. Lại nhìn nhau ngao ngán và thở dài thườn thượt. Jo mới chỉ đứng ra khai thác vũ trường của riêng mình trong một thời gian ngắn mà gặp phải tình trạng như thế này thì rất phiền. Còn tôi, mới bắt đầu “làm ăn” được có vài tuần lễ mà đã lâm ngay vào tình trạng thất nghiệp thì chỉ có nước chết. Điều này phải qui hồi cố hương ở đường Da Bà Bầu thì chẳng còn mặt mũi nào với gia đình và bà con lối xóm, trước đó đã được biết là “cậu Kỳ bây giờ nổi tiếng và làm ăn khá lắm”. Bổ khỉ! Thế này thì cuộc đời tôi đi vào ngõ cụt rồi hay sao. Bao nhiêu sự tưởng tượng đêm hôm trước đành phải “gửi gió cho mây ngàn bay” mất tiêu. Đào địch này nọ chắc cũng phải đi chỗ khác chơi. Anh thất nghiệp lêu bều, rách như cái mền làm sao có “địa” chi cho em đớp hít hay dẫn em đi dung dăng dung dẻ. Ối giời ơi, thế này thì chán quá sức, chả còn cái nước mẹ gì nữa. Mới tối hôm qua còn say men chiến thắng, sáng hôm sau, đã gặp phải một trận “tổng công kích” quá nặng nề nên mặt mày trở nên ỉu xìu xìu, ủ rũ như con gà chết khi nghe được cái tin như trời giáng của Jo.

 

Sài Gòn 1968, bến xe Petrus Ky

 

Trước tình trạng nguy ngập này, phe ta bèn phải ngồi lại với nhau tính kế thoát hiểm. Bàn đi bàn lại một hồi, Jo đưa ra ý kiến là dùng vũ trường “Chez Jo Marcel” để mở... tiệm phở! Hướng và tôi giật mình vì cả 3 tên đâu có biết bếp núc nó ra sao. Hơn nữa nấu phở phải có nghề, nấu vớ vẩn thiên hạ ăn vào sỉ vả cho mà phải biết. Jo cho biết là sẽ mời chị ruột là “Chị Hai” Tuyết về nấu phở, tôi làm quản lý và Hướng làm bồi bàn! Trên con đường cùng, nghĩ ra cách này cũng hay. Hơn nữa Jo còn tin tưởng nơi tên tuổi của mình, nếu lấy tên mình làm tên tiệm phở thì hy vọng sẽ được anh em trong giới nghệ sĩ ủng hộ. Jo cũng hy vọng nơi tên tuổi của tôi sẽ kéo được một mớ khách choai choai đến thưởng thức cái món quốc hồn quốc túy này.

 

Sài Gòn đường Tự Do, 1968

 

 Anh em quen biết trong làng báo chí được mời tới để làm một chiến dịch “lăng xê” cho tiệm phở lấy tên là Jo Marcel. Chỉ một tuần sau người ta đã được đọc những quảng cáo trên một số báo chí ở Sài Gòn về tiệm phở Jo Marcel “với sự cộng tác của Trường Kỳ”. Tôi không ngờ cuộc đời mình từ những sinh hoạt nhạc trẻ rầm rộ, um xùm nay lại trở thành một anh bán phở, mặc dù đó là món tôi rất ưa thích. Chị Tuyết từ ngày được giao phó cho nhiệm vụ nấu phở cũng tỏ ra lo lắng quá sức, tối ngày nghĩ cách chế biến liên miên cái nồi nước lèo. Tôi biết chị có tài nấu nướng, tuy nhiên chưa được ăn phở do chị nấu bao giờ nên cũng rất lo ngại khi ngày khai trương gần kề. Có thể chị chỉ nấu phở ngon khi nấu cho gia đình thưởng thức, nhưng khi nấu cho nhiều người ăn cho một cửa tiệm thì cũng đáng nên nghi ngờ. Hướng thì cứ than thở vì phải làm bồi bàn, ngượng với đào địch quá sức. Tôi an ủi hắn sẽ cộng tác trong việc bưng tô, bưng đĩa này. Đến nước này còn ngượng ngập mẹ gì nữa, may ra kiếm được chút cháo sống qua ngày cũng đã là may mắn. Phần tôi đang được trả lương hậu hĩnh với những chương trình “Hippies À GoGo” càng ngày càng ngon trớn, bây giờ trong tình trạng này còn ngửa tay lấy tiền hay sao mặc dù Jo cho biết là không để cho tôi thiệt hại. Nay trước kế hoạch bán phở qua ngày, đành phải cật lực làm việc để có rủng rỉnh chút cháo để khỏi quay về xin xỏ bố già hay bà nội, nhất là đã từng hách xì xằng tuyên bố rời nhà đi lập nghiệp làm ăn với đời.

(còn tiếp)