Kết nối bạn đọc

Kỳ 72: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

DDVN • 26-04-2019 • Lượt xem: 9915
Kỳ 72: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

Rồi cũng đến ngày tiệm Phở Jo Marcel khai trương trong sự hồi hộp của mọi người. Chúng tôi không ngờ là được sự ủng hộ đông đảo đến như vậy. Anh chị em nghệ sĩ cộng tác với chương trình Jo Marcel hầu như đều có mặt. Những ca nhạc sĩ nhạc trẻ quen biết với tôi cũng đến ủng hộ một cách nhiệt tình cùng với những khán giả choai choai quen thuộc của những chương trình “Hippies A GoGo” trước đó. Hôm đó Hướng bưng phở ná thở khiến tôi phải nhảy vào giúp một cách tận tình và dĩ nhiên không tránh khỏi cảnh vung vãi tung tóe đối với những tay bồi bàn tài tử.

Phải nói thật là phở Jo Marcel không phải là... phở, mặc dù có đủ những thứ cần thiết căn bản như bánh phở, thịt tái và chín cùng nước lèo. Hành trấn, nước béo cũng có luôn nhưng không hiểu sao tôi vẫn không... nhá nổi trừ khi khi nào đói đến vã mồ hôi, chân tay bủn rủn. Lúc đó tô phở Jo Marcel chỉ có nhiệm vụ... cứu đói mà thôi, không nên quan tâm đến mùi vị. Thịt thì như thịt bò luộc, bánh phở thì bở và nát, nước lèo nhạt nhách như nước ốc. Vắt chanh, thêm nước mắm cho cố cũng không cứu vãn được tình hình. Tội nghiệp cho những khách hàng đến ủng hộ trong tuần lễ đầu tiên. Anh nào, chị nào được hỏi cho biết ý kiến về tô phở cũng chỉ ầm ừ cho qua. Ai có sốt sắng và lịch sự để làm chủ quán hài lòng cũng phải trợn mắt, mím môi để trả lời một cách đau khổ là “ngon lắm! ngon lắm!” để sau đó không hề thấy quay trở lại. Chữa đi, chữa lại mấy phùa nữa mà tô phở vẫn chưa phải là tô phở. Khách khứa đông đúc trong tuần lễ đầu đã giảm sút hẳn đi khi tiệm phở Jo Marcel bước vào tuần lễ thứ hai.

 

Hình ảnh mang tính chất minh họa

 

Thấy có mùi không khá với món phở, phe ta đánh mạnh thêm vào món cà phê may ra cứu vãn được tình thế chăng. Tô phở có dở, nhưng sau đó làm một “phin” cà phê sữa đá cũng an ủi phần nào. Nhưng hỡi ơi, dù có chạy sang bên hiệu cà phê J.Martin ngon có tiếng trên đường Hai Bà Trưng ôm về những thứ cà phê thượng hảo hạng cũng không ra cái thống chế gì. Chẳng ai có nghề pha chế cà phê, cà pháo do đó nó cũng lỏng le, cho sữa vào thì có mầu đục đục thua xa lắc cà phê “bí tất” của mấy ông Tầu. Thế này thì hỏng kiểu trong khi khách khứa cứ thưa thớt dần dần. Muốn ủng hộ lắm, nhưng sự ủng hộ cũng có giới hạn, không thể nhăn mặt nhăn mũi nhét tô phở vào miệng. Qua đến tháng thứ hai thì tiệm phở Jo Marcel chỉ còn sống cầm cự qua ngày với một số khách lèo tèo đến ngồi tán dóc, nhưng nhất định không chịu nhá món phở. Họa hoằn lắm mới có mạng can đảm gọi một tô khi không thể nào chiu đựng nổi cơn đói. Jo Marcel chán nản quá sức, cứ leo lên phòng thở dài thườn thượt, phó thác cho chị Tuyết, Hướng và tôi muốn làm gì thì làm.

 

Thời gian này Jo cặp kè với một nàng người Mỹ xinh xắn và sexy tên Bobbie. Đây là một khuôn mặt quen thuộc với những ai thường theo dõi chương trình dự báo thời tiết trên đài truyền hình Mỹ ở Việt Nam trong những năm 67, 68. Với những nét trẻ trung và duyên dáng và cặp môi gợi tình, Bobbie đã một thời làm mê mẩn những chú GÌ xa đào địch, vợ con. Có một buổi sáng. không biết Jo đi đâu từ sớm, tôi bay vào phòng anh nằm, trùm mền kín mít làm một giấc. Đang mơ mơ, màng màng thì có tiếng mở cửa cùng với tiếng gọi của Bobbie: “Jo! wake up, honey” rất vui vẻ. Nàng tưởng là Jo đang nằm ngủ trên giường của anh, trong khi lại chính là thằng tôi, lúc đó chỉ mặc trần xì một cái “sì líp” có lủng vài lỗ, quấn mền kín mít trong căn phòng máy lạnh. Bobbie nhào tới lay lấy, lay để và miệng thì cứ liên hồi: “Hey Jo! Wake up! Wake up!”. Phiền quá sức, tôi cứ quấn chặt lấy mền, cố thủ không dám nhúc nhích, hy vọng nàng sẽ để cho nằm yên khi biết đang ngủ say. Thấy tôi im ru không cựa quậy, Bobbie thò tay vào trong mền khều khều bàn chân tôi. Nhột thấy bà nên phải trườn qua, trườn lại. Bobbie tưởng “Jo” cố tình đùa giai không chịu dậy nên đã ra sức kéo chiếc mền ra, còn tôi thì cứ một mực ra sức cuốn chặt vào người. Nàng mà kéo được cái mền và khám phá ra người nằm trong đó không phải là Jo Marcel của nàng thì không biết ăn nói làm sao, nhất là ở trong tư thế rất là tồng ngồng như vậy. Cuối cùng, trong một lúc tôi lơ là, Bobbie đã kéo phăng được chiếc mền ra và đã hét lên oai oái khi thấy một đống đen xì là thằng tôi nằm tình hình trên giường. Bobbie vụt chạy ra khỏi cửa trong lúc tôi lại vội vàng kéo chiếc mền đắp lên người, thù lù một đống. Lần sau gặp lại Bobbie, cô nàng còn cười cười và phát ngôn rằng cũng may cô nàng hôm đó chỉ khều khều bàn chân tôi, chứ khều vào chỗ khác thì chắc là ngượng lắm.

 

Cuối cùng Jo quyết định không khai thác tiệm phở thêm nữa mà để lại cho chị hai Tuyết quản lý để về sống với Như An trong căn nhà trên đường Nguyễn Minh Chiếu. Gia đình chị Tuyết sau đó với chồng chị là anh Đàm và các cháu Trinh, Thu và Tuấn, Thủy dọn lên chiếm cứ căn phòng của Jo ở phía trong, để tôi và Hướng cố thủ ở phía ngoài như trước. Chị Tuyết vẫn tiếp tục khai thác tiệm phở ở trong tình trạng ế chảy thường trực, lâu lâu mới có vài con nhạn là đà, lỡ dại bước vào để sau đó không bao giờ thấy lại mặt mũi. Trước tình trạng này tôi tụ họp một số ban nhạc trẻ qui tụ về đây gọi là để cùng nhau sinh hoạt, nhất là trong tình trạng các vũ trường và phòng trà bị đóng cửa, anh chị em cũng chả có gì làm. Đến đây sẵn đàn, sẵn địch nếu có hứng cứ việc nhào lên mà khẩy, mà dập cho đỡ ghiền. Thế là những Jimmy Tòng, Hiển “Dấm Bo”, Ringo Dần, Dũng Tây Lai, vv... của những bạn như Les Cavaliers, the Ants, The Shakers, The Rolling Sound, vv... ào đến đóng đô gần như cả ngày tại “Chez Jo Marcel” đàn ca, hát xướng với nhau. Cũng nhờ vậy tiệm phở mỗi ngày bán thêm được vài tô cho những thân hữu đi theo ban nhạc. Còn ban nhạc dĩ nhiên chẳng có thù lao gì ráo trọi, nhưng vì dẫn độ được một số khách khứa nên cũng được chiêu đãi phở gọi là để trả công! Tối đến còn tha hồ được chị Tuyết cho gặm “xíu quách” ê hề, nhờ đó bia rượu cũng được tiêu thụ theo. Những ngày đó thế mà vui lạ với những khuôn mặt quen thuộc như người trong nhà. Riêng phần tôi đã ớn phở đến tận óc, mặc dù là một tay mê phở có hạng và là khách hàng quen thuộc của những Tầu Bay, Tầu Thủy, Đông Mỹ, Quyền, Hòa, Công Lý...

 

Nhưng suốt mấy tháng phải nhá những tô phở không phải là phở này nên không sợ cũng uổng. Mỗi khi nghĩ đến phở vào buổi trưa là nổi da gà, da vịt. Nhất định ta phải đi tìm con đường đớp hít khác vào giờ cơm hàng ngày, không thể nào có can đảm tọng thêm phở ở tiệm Jo Marcel. Thế là tôi bắt đầu lê lết đến những nơi đớp hít quanh đó như trong hẻm có hiệu sơn mài Thành Lễ ăn thông từ đường Nguyễn Huệ qua đường Tự Do. Sau khi chán chê bèn đổi qua những tiệm ăn trong hẻm cạnh rạp Casino Sài Gòn với những món bánh tôm, búc ốc, bún thang, v,v... Chán chê với những món này thì lê la đến những Mekong, Chí Tài ở khu chợ cũ đế ăn cơm tây bình dân. Chán cơm Tây lại quay về với cơm ta trên đường Gia Long với những tiệm Ngọc Hương, Ngọc Sơn và những món như chạo nam, canh cá thì là, trứng đúc cua, đúc thịt, dưa chua. Chán cơm ta, lại mò đến tiệm cơm thố ở Chợ Cũ, không xa vũ trường Mỹ Phụng là bao. Leo lên lầu làm một chầu ê hề với đủ món như gà tìm, “hầm vĩ”, vịt quay thật là đã điếu, Ăn một thời gian, ta lại quay về với dân tộc ở cửa tiệm Bà Ba Bủng trên đường Thủ Khoa Huân với bún bung, bún mọc, bún ốc, bún thang và tùm lum mọi thứ bún. Sau khi tảo thanh gần như hết những tiệm ăn trong vùng “downtown” Sài Gòn, tôi bắt đầu thấy ngán vì quanh đi quẩn lại cũng có bằng đó món.

(còn tiếp)