Kết nối bạn đọc

Kỳ 78: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

DDVN • 02-05-2019 • Lượt xem: 10832
Kỳ 78: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

Với người vợ Nhật xinh đẹp và thùy mị tên Hamada Tazuko, Jo Marcel tỏ ra rất hạnh phúc, lúc nào cũng “vinh danh” cô vợ này với bạn bè. Còn đối gia đình Jo, Tazuko cũng rất được quí mến và cho đến nay tuy ở Nhật nhưng chị vẫn thường gọi điện thoại qua thăm hỏi bà cụ và gia đình chị Tuyết.

Có hai kỷ niệm tôi nhớ mãi về chị, một lần ở Việt Nam và một lần ở Nhật. Vào cuối tháng 3 năm 75, con gái duy nhất của tôi tên Uyên chào đời tại nhà bảo sanh An Kỳ ở Tân Định trong khi tình hình Sài Gòn đang ở vào giai đoạn rất sôi động thì Tazuko và Jo Marcel đến thăm cháu ở nhà bảo sanh. Chị đã tỏ ra rất quyến luyến với gia đình tôi trước khi lên đường trở về Nhật sau đó. Chị đã đề nghị với Jo đứng ra trang trải mọi chi phí cho nhà bảo sanh, ngoài ra còn mua sắm cho cháu Uyên đủ thứ cần thiết trong khi gia đình chúng tôi đang ở trong giai đoạn khó khăn. Tazuko từ giã chúng tôi về Nhật và tôi không còn biết được tin gì về chị cho đến khi rời khỏi Việt Nam vào năm 79. Jo Marcel cũng đã ra đi vào tháng Tư năm 75, để đến hơn một năm sau chúng tôi mới liên lạc lại được với nhau, để rồi sau đó thỉnh thoảng tôi vẫn nhận được những gói quà của anh với những bao thuốc lá, những chiếc quần Jean và áo thun rất giá trị trong thời kỳ này. Tôi đến Nhật một mình vào năm 79 sau khi được chiếc tàu buôn của Tô Cách Lan tên “City Of Edinburg” cứu từ chiếc tàu dài 12 thước tơi tả vì 3 cơn bão sau khi máy bị hỏng ngay khi từ Nhà Bè ra đến Vũng Tầu.

Đó là chiếc tầu thứ 35 mới đáp lại lời cầu cứu của chúng tôi gồm tất cả 47 người đang ở trong tình trạng cực kỳ nguy ngập, coi như đã cầm chắc cái chết trong tay. Còn tôi, tôi không thể ngờ là mình có thể sống sót được sau khi nhịn đói 12 ngày ròng rã, trong khi trước đó chỉ phải nhịn ăn một bữa đã thấy muốn xỉu. Suốt 12 ngày trên biển chỉ cầm hơi nhờ nước mưa, đúng là “may mà có... mưa đời còn dễ thương”, nếu không đã nằm trong bụng cá mập. Lúc đó tôi mới biết rõ cái bản năng sinh tồn nó ra làm sao.

Vào một buổi sáng đang nằm ngáp ngáp trong trại tỵ nạn thành phố Omiya, sát cạnh Tokyo, thì nghe tiếng loa gọi từ phòng quản lý cho biết có người muốn gặp. Hết sức ngạc nhiên vì mới đến đây, chưa hề quen biết ai nên không ngờ được có người đến tìm. Tôi vội vã chạy ra, nhìn về phía văn phòng quản lý trại thì thấy một phụ nữ mặc áo dài Việt Nam đang đứng chờ đợi. Người phụ nữ dẫn theo một đứa bé quay lưng lại phía tôi nên tôi chưa nhận được ra là ai. Tôi hồi hộp hết sức và cũng rất lấy làm cảm động khi có một phụ nữ đến tìm mình trong khi đang ở trong cảnh lạc lõng, bơ vơ. Đúng lúc đó, người phụ nữ quay lại và tôi đã sững sờ khi nhận ra Hamada Tazuko gọn gàng trong chiếc áo dài Việt Nam. Chúng tôi chạy đến với nhau mừng rỡ vô cùng. Tôi không thể ngờ có được sự thăm viếng của một người mà tôi tưởng như khó lòng gặp lại. Thì ra được Jo cho biết tôi đã đến Nhật và cho Tazuko địa chỉ của tôi. Ngay sau khi biết được tin, Tazuko đã cùng với đứa con trai của chị với Jo, với tên thường gọi ở nhà là Go Chan đã lập tức tìm ra nơi tôi ở để đến thăm. Cảm động quá, nước mắt tôi như muốn tuôn ra trước sự chí tình này, nhất là tâm trạng đang ở trong một tình trạng hoang mang trong những ngày đầu ở một nơi chưa từng nghĩ là sẽ đặt chân tới.

Được phép của ban quản lý, Tazuko sau đó đã đưa tôi đi thăm viếng Tokyo và Yokohama. Chị tíu tít hỏi thăm tôi đủ thứ kể từ sau ngày chị từ giã Việt Nam. Chị cho biết đã sang California thăm Jo hai lần và thường xuyên liên lạc với anh qua điện thoại. Tazuko cho biết Jo đang mở một garage, nhờ rất thích máy móc mà khi ở Việt Nam hay mây mó và tẩn mẩn tháo tung máy những chiếc xe của anh ra để nghiên cứu. Tôi đã có dịp thấy một Jo Marcel mồ hôi mồ kê nhễ nhại như thường lệ cùng với mặt mũi, tay chân và quần áo lem luốc vì dầu máy tại một garage nhỏ của anh ở vùng Little Saigon trong lần gặp lại ông bạn và cũng là người anh quí mến của mình vào năm 82, sau 7 năm cách xa.

Ngay từ ngày đầu tiên tôi đã được Tazuko chỉ dẫn tổng quát để tìm hiểu về người Nhật, lối sống của họ cùng với những phong tục khi giao tiếp cũng như vấn đề ăn uống. Mãi cho đến tối chị cùng cháu Go Chan mới đưa tôi trở về trại Aikogakuen, để rồi còn đến thăm tôi vài lần sau đó. Lần nào gặp, chị cũng tâm sự với tôi là rất còn thương Jo Marcel, mặc dù biết được trong thời gian ăn ở với chị, ông Jo nhà ta lại có thêm một người vợ khác! Tuy chúng tôi gặp khó khăn về vấn đề ngôn ngữ – Tazuko chỉ nói được tiếng Anh lõm bõm trong khi tôi thì “mù chữ Nhật một trăm phần trăm – nhưng qua sự diễn tả đã có thể thông cảm được nhau. Sau ngày “sayonara” nuớc Nhật ra đi, tôi không còn gặp lại Hamada Tazuko mà chỉ biết được tin tức chị qua Jo hoặc chị Tuyết.

Người vợ khác của Jo mà Tazuko đề cập tới ở trên là một thiếu nữ mang hai dòng máu Pakistan và Việt Nam tên Tú Anh cũng xinh đẹp ra gì. Tú Anh không ai xa lạ mà chính là cô của nữ ca sĩ Lâm Thúy Vân của trung tâm Asia. Sau khi Jo và Tazuko rời Việt Nam, kẻ qua Mỹ, người về Nhật, Tú Anh vẫn thường đến căn nhà chúng tôi mướn số 251 Hai Bà Trưng chơi và trở thành thân thiết cho đến ngày cô rời khỏi Việt Nam, hình như vào năm 78. Qua những lời tâm sự của Tú Anh, cô cho biết cũng rất thương yêu Jo mặc dù bị gia đình ngăn cấm và nhất là mấy người anh của cô luôn hăm dọa nếu Jo không buông tha cô thì sẽ có ngày bị lấy tí huyết. Bất chấp sự ngăn cản của gia đình, Tú Anh vẫn một mực đi lại với Jo.

Sau khi gặp lại nhau bên Mỹ, hai người cũng đã chia tay. Một thời gian dài sau đó, Jo Marcel lại... bước thêm bước nữa! Lần này với một thiếu nữ Trung Hoa vào khoảng đầu thập niên 90, trong thời gian anh đang làm việc cho USCC, là nơi đã từng có rất nhiều nghệ sĩ Việt Nam là nhân viên như: Kiều Chinh, Lê Quỳnh, Hoàng Thị Thao, Tùng Giang, Minh Phúc... Dĩ nhiên tôi không thể vắng mặt trong tiệc cưới này với phần đài thọ vé máy bay của “ông bầu Jo Marcel”. Bà cụ của Jo thì dĩ nhiên là không có mặt, trong khi gia đình chị Tuyết, cô em gái Hồng Loan đều đến tham dự... như thường lệ. Họ thường nói đùa với nhau sau một thời gian thấy Jo “án binh bất động” không thấy đả động gì đến việc... cưới xin, là: “sao lâu quá không thấy Jo... lấy vợ!” Tưởng rằng Jo sẽ “dừng bước giang hồ”, tưởng rằng anh hùng đã thấm mệt sau khi chia tay với Jenny Hứa, nhưng gần đây người ta lại thấy ông bạn Jo của tôi sống chung với một nàng người Mễ để “cho có bạn khi về già” như lời Jo nói trong lần gặp gỡ tại vũ trường Majestic nhân dịp đêm “Hội Ngộ Nhạc Trẻ” vào tháng 11 năm 99. Lần đó anh có giới thiệu tôi với nàng, nhưng ồn ào qua tôi nghe không rõ tên, nên đến bây giờ vẫn chẳng biết cô nàng tên họ là chi. Tổng kết tình hình thì thấy Jo quả là cao thủ quốc tế với những bà vợ đủ mọi quốc tịch: Việt, Tầu, Mỹ, Mễ, Nhật, Hồi đầy đủ cả!

(còn tiếp)