Kết nối bạn đọc

Kỳ 8: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

DDVN • 20-02-2019 • Lượt xem: 17166
Kỳ 8: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

Thời gian liên hệ tình cảm của tôi với Loan chỉ kéo dài hơn một năm trong một tình trạng rất... thánh thiện và lành mạnh cho đến khi nàng đi... lấy chồng! Tôi thẫn thờ như người mất hồn sau khi nhận được thiệp báo tin V.Loan lên xe hoa.

Nhớ lại, thấy “cải lương”, giống tiểu thuyết của Bà Tùng Long hết sức nhưng sự thật là vậy. Theo sự điều tra riêng, tôi được biết sự “ôm cầm thuyền khác” của nàng hoàn toàn do sự ép buộc của gia đình, còn đối với tôi, nàng vẫn “một dạ sắt son”. Ấy, sự đời nó éo le đến như thế. Lại cũng giống như tuồng cải lương không chịu được. Lúc đó, chẳng biết hư thực ra sao, tôi đành tự an ủi như thế cho chắc ăn! Nói thì nói vậy, nhưng trong lứa tuổi còn lắm mộng mơ, mới phiêu du vào thế giới tình cảm, mới biết yêu lần đầu đâu có thể nào không buồn bã ủ rũ cho được...

Ban nhạc The Rolling Stones

 

Tâm trạng của tôi ngày nàng lên xe hoa đúng y boong những câu thơ của Nguyễn Tất Nhiên sau này: “Ngày nhà em pháo nổ, anh cuộn mình trong chăn, như con sâu làm tổ, trong trái vải cô đơn”. Buồn rả rích, buồn lê thê ai oán, buồn không sao tả nổi. Tuy đã tự an ủi là nàng chỉ đi lấy chồng vì bị gia đình ép buộc, riêng đối với tôi, tình cảm của Loan vẫn không hề sứt mẻ. Nhưng thật tình tôi vẫn đau như... hoạn, tối ngày chỉ cầu sao cho tên chồng của nàng bị... xe đụng chết phứt đi cho rảnh nợ để đôi ta... tiếp tục chương trình! Tuổi trẻ có những lúc hay nghĩ ngợi và tưởng tượng vớ vẩn, nhất là đối với một anh chàng thất tình như tôi thời đó. Nhưng tên chồng của nàng nhất định không chết mà vẫn sống phây phây. Vài năm sau, chỉ có tôi đã... chết lặng người khi đọc cáo phó thấy tên nàng đã lìa đời, bên dưới ký tên chồng của nàng rành rành. Tôi không ngờ cuộc tình đầu đời của mình lại ly kỳ hơn cả tiểu thuyết. Có mùi mẫn, có ngang trái, éo le, lại còn thêm cả màn chết chóc với khăn tang và hoa phúng điếu.

Ban nhạc The Animals

 

Chuyện tình này quay “xi la ma” phải là hết xẩy, hơn cả “Love Story” là cái chắc. Thời điểm đó vào khoảng năm 71, khi tôi bắt đầu khởi xướng phong trào Việt Hóa nhạc trẻ, cổ động các nhạc sĩ trẻ quen biết đặt lời Việt cho những nhạc phẩm ngoại quốc. Ngay sau khi đọc cáo phó về sự ra đi của Loan, tôi đã cảm xúc soạn ngay lời Việt cho nhạc phẩm “Five Hundred Miles” với tựa đề “Tiễn em lần cuối” với những câu chả ăn nhập gì đến nội dung bài hát chính: “Trời lạnh giá, bước chân buồn bã, đưa hồn em đến nơi xa vời, đoàn xe tang tiễn đưa em về vùng trời xa xôi”. Lại có cả “Còn gì nữa, mắt em vội khép. Thôi còn đâu, tóc em phai mầu. Nụ hôn xưa lấp sâu trong mồ chìm vào hư vô”. Tôi rất đắc ý với những lời lẽ lâm ly, bi ai; thảm thiết này và dự định sẽ cho phổ biến bằng cách nhờ một ca sĩ bạn hát thu băng để kỷ niệm mối tình đầu.

Cuộc sống nước Mỹ - Lễ hội nhạc Rock trên bãi biển 

 

Tôi đã nhớ đến Duy Quang một thời chuyên trị những nhạc phẩm soạn lời Việt của tôi, ngoài những bản  bài do ba anh là Phạm Duy làm lời. Quang mà hát bản này chắc chắn là không có chỗ chê. Hai hôm sau, đang lúc cùng nhóm bạn sửa soạn đăng báo chia buồn thì được biết tin nàng sống nhăn, mà chẳng biết sao tên chồng quái ác của nàng lại bày trò cho nàng chết trên... báo trong mục cáo phó của tờ Chính Luận.

 

Thế mới ly kỳ và rùng rợn! Nhờ quen biết với một số bạn của Loan nên tôi được biết cuộc hôn nhân của nàng không được hạnh phúc (tôi thấy... mừng thầm trong bụng!) vì tên chồng của hàng là một tay cờ bạc có hạng, tối ngày gây gổ, kiếm chuyện với nàng. Xém chút xíu đăng báo chia buồn thì không gì quê bằng. Cũng vì thế, bài “Tiễn Em Lần Cuối” không hề được phổ biến trên băng nhạc, mặc dù có in trong tập Tình Ca Nhạc Trẻ của tôi, xuất bản vào năm 72. Cũng trong năm này, tôi được tin nàng đã ly dị chồng sau khi bị chết... trên báo và cũng là thời gian nàng đang đi làm cho hãng thông tấn quốc tế Reuters. Gần 7 năm sau khi Loan lấy chồng, tôi không hề gặp lại nàng. Trong suốt những năm đó tôi đã có những sinh hoạt rầm rộ với bạn bè trong lãnh vực nhạc trẻ.

Áp phích phim 007 đầu tiên

 

Và con tim tôi cũng đã bớt rung động mỗi khi nhớ đến mối tình đầu để đến với những cuộc phiêu lưu tình cảm khác. Nhưng tôi không ngờ Loan đã xuất hiện lại ở căn phòng số 21 trên khách sạn Bồng Lai, đường Nguyễn Trung Trực là nơi một thời được dùng làm “đại bản doanh” nhạc trẻ của tôi. Tôi sững sờ khi thấy nàng xuất hiện. Vẫn nét mặt thông minh và mái tóc cắt ngắn đó, vẫn nụ cười hiền hòa và đôi mắt dịu dàng đó, nhưng tôi không hề thấy xao xuyến như thường tưởng tượng được gặp lại nàng. Hai đứa nhìn nhau khựng lại vài giây để sau đó là màn trao đổi qua lại những câu xã giao.

Cuộc sống nước Mỹ những năm 1960

 

Hôm đó V.Loan đến gặp để phỏng vấn tôi về phong trào nhạc trẻ cho hãng Reuters nàng làm việc. Sau hơn một tiếng, chúng tôi chu toàn nhiệm vụ người phỏng vấn và người được phỏng vấn. Trước khi chia tay với Loan, tôi tặng nàng bài “Tiễn em lần cuối” và kể cho nàng nghe nguyên nhân đã viết lời như vậy. Tôi thấy mặt nàng rướm lệ, sau đó quay ra cửa thật nhanh. Chỉ một lần đó rồi thôi, tôi không bao giờ gặp lại Loan nữa. Lần này đúng là “tiễn em lần cuối” để sau đó được tin nàng rời bỏ Việt Nam, tiếp tục công việc trong ngành truyền thông. Không biết hiện nay nàng phiêu bạt nơi đâu. Nếu những dòng chữ này đến được với Loan thì hãy coi đây là những ghi nhớ về một kỷ niệm rất đẹp của thời tuổi trẻ.

Những Em bé trên nước Mỹ của thập niên 1960

 

Bây giờ trở lại quãng thời gian từ giữa năm 63 trở đi là thời gian phong trào nhạc trẻ Việt Nam đang thành hình báo hiệu cho một sự lớn mạnh sau này. Đó cũng thời kỳ nhiều biến chuyển. về mặt hội, văn hóa và chính trị trên thế giới với nhiều sự kiện đáng chú ý. Về ca nhạc, tại Anh Quốc, The Beatles đang tạo những loạt cuồng phong với những “Please Please Me”, “From Me to You”, “She Loves You” trước khi “xâm chiếm” Hoa Kỳ vào năm 64, theo sau là hàng loạt những đội quân tóc dài như The Animals, The Dave Clark Five, Herman's Hermits, Gerry and The Pacemakers, The Zombies, Billy J. Kramer & The Dakotas, The Rolling Stones...

Áp phích phim Cleopatra 1963

 

Áp phích The Beatles

 

Tại Hoa Kỳ, trong năm 63 vẫn là năm của loại nhạc Pop nhẹ nhàng với những tên tuổi như Bobby Vinton (“Blue Velvet”), The Chiffons ("He's So Fine”), Little Peggy March (“I Will Follow Him”), Kyu Sakamoto (“Sukiyaki”), The Four Seasons ("Walk Like A Man"), Paul & Paula (“Hey Paula”)... Joan Baez - nữ ca sĩ phản chiến nổi tiếng vài năm, sau khi cuộc chiến tranh Việt Nam leo thang - cũng chỉ mới tập tễnh bước vào làng ca hát với “We Shall Overcome”. Trong lãnh vực điện ảnh, loạt phim James Bond dựa trên những tiểu thuyết của Ian Fleming ra đời với “Dr No” được đưa lên màn ảnh lần đầu tiên với Ursula Andress. Bộ phim vĩ đại “Cleopatra” cũng được tung ra trong năm 63. Về mặt chính trị có rất nhiều biến cố xẩy ra trên thế giới. Căng thẳng giữa tổng thống Kennedy và thủ tướng Krushchev của Liên Xô. Đức giáo hoàng John XXIII qua đời, thay thế bởi đức giáo hoàng Paul VI. Nga phóng phi thuyền lên không gian với nữ phi hành gia đầu tiên. Đường giây điện thoại “nóng” giữa Mỹ và Nga bắt đầu hoạt động. Phong trào kỳ thị người da đen lên cao, khiến tổng thống Kennedy phải công nhận nước Mỹ đang gặp phải một sự khủng hoảng lớn về mặt tinh thần. Trong khi đó mục sư da đen Martin Luther King tuyên bố một câu để đời “I have a dream” trong bài diễn văn của ông trước 200 ngàn người ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn để tranh đấu cho bình đẳng và nhân quyền. Tại Anh Quốc, địa vị của thủ tướng Macmillan bị lung lay bởi vụ “xì căng đan” giữa bộ trưởng quốc phòng John Profumo với nàng “call girl” Christine Keeler để cuối cùng ông phải từ chức vào gần cuối năm.

(còn nữa)