Kết nối bạn đọc

Kỳ 81: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

DDVN • 04-05-2019 • Lượt xem: 9637
Kỳ 81: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

Về phần Dave, sau khi dọn ra ở riêng - vì Jo Marcel và tôi sẽ giã từ khách sạn Catinat để về khai thác những chương trình ca nhạc cũng như những chương trình “Hippies À GoGo” ở vũ trường Queen Bee đã kết hôn với với một nữ ca sĩ nhạc trẻ tên Carol Lan, từng đi hát một thời gian trong các clubs Mỹ. Họ sống với nhau rất hạnh phúc và có với nhau một con trai.

Vào khoảng đầu thập niên 70, Dave phải trở về Mỹ cùng với Carol Lan vì hết hạn phục vụ ở Việt Nam. Chúng tôi bùi ngùi chia tay nhau với biết bao kỷ niệm của một thời tuổi trẻ trong một tình bạn thân thiết giữa hai thanh niên khác mầu da. Chưa đầy một năm sau, tôi nhận được một tin thật buồn: David Mann đã qua đời vì đau tim tại ngay quê hương của hắn. Những người bạn thân trong giới nhạc trẻ Việt Nam của Dave đã rất xúc động khi biết được tin này. Riêng Linda đã khóc nức nở trước cái tin đau đớn này của một người tình trẻ tuổi đã sớm ra đi trong lứa tuổi hoa niên. Cho đến nay tôi không hề gặp lại vợ Dave là Carol Lan. Chỉ biết được rằng con trai của Carol với David giống hắn kinh khủng và hiện nay hai mẹ con đang cư ngu tại Florida.

 

Một thời gian ngắn tôi ở lại một mình trong một căn phòng rộng thênh thang nơi khách sạn Catinat. Không chịu nổi cảnh bơ vơ và trống trải quá sức này nên thường rủ bạn bè lên tụ tập cũng như ngủ lại qua đêm cho đỡ quạnh hiu, đơn chiếc. Thế là căn phòng lại trở nên nhộn nhịp khác thường. Từ căn phòng tôi ra đến piscine Catinat trong khuôn viên khách sạn chỉ có mấy bước, nên anh em lợi dụng thời cơ bèn rủ nhau tắm “chùa” một cách thoải mái, khỏi phải trả tiền vào cửa khi đi bằng cửa sau khách sạn trên đường Tự Do để vào hồ tắm. Thời đó phong trào tắm piscine đang thịnh hành, nhất là được tắm ở piscine Catinat mới là hách. Chẳng mấy chốc, căn phòng này đã trở thành nơi gửi quần áo để anh chị em nhẩy xuống vẫy vùng trong cái hồ tắm nằm ngay giữa “down town” Sài Gòn. Cũng tại hồ tắm này, tôi và Đức Huy đã có một kỷ niệm khó quên. Tối hôm đó mấy thằng ông mãnh, trong số có Đức Huy, Tùng Giang và Tiến Chỉnh – sau khi nhậu nhẹt say sưa đã tranh cãi rất hung hăng về một đề tài nào đó, hình như về “tâm lý ái tình” thì phải.

 

Từ trái: Phạm Duy (đeo kiếng),  Lê Hoàng Hoa

 

Đến quá khuya, cả bọn men theo lối đi băng ngang qua piscine để lên phòng trong khi vẫn hăng say bảo vệ cái lý của mình, chẳng ai chịu ai. Lúc đi ngang qua piscine, ông Đức Huy - lúc đó cũng đã xỉn xỉn – giựt phăng ngay cặp mặt kính của tôi liệng xuống hồ tắm. Tôi quờ quạng không biết đường nào mà mò như “hiệp sĩ mù nghe gió kiếm” trước tiếng cười hô hố của cả đám. Tôi chửi thề loạn xạ khi chỉ thấy chung quanh mình những bóng mờ mờ, ảo ảo, bực mình hết sức vì thiếu đi cặp mục kính là vật bất ly thân. Chơi tôi một số như vậy, Đức Huy khoái chí hết sức, tuy nhiên sáng hôm sau đã rủ mấy tên khác nhẩy xuống piscine mò mẫn, vớt lên được báu vật của tôi. Các khán giả trẻ của “Hippies À GoGo” – đại đa số là nữ sinh – thấy món tắm piscine hấp dẫn ra gì, cũng rủ nhau lên phòng “anh Kỳ” chơi, sau đó rất tự nhiên đua nhau thay đồ tắm rồi chạy ra nhảy tùm xuống hồ bơi một cách thoải mái. Còn “anh Kỳ” thì tha hồ ngắm đủ mọi thân hình, từ đẫy đà, nõn nường đến mập thù lù đủ kiểu, đủ cỡ. Tắm táp thỏa thuê xong, chị em chạy lên phòng khiến nước nôi chảy tèm nhem, ướt sũng cả căn phòng. Có những lúc “anh Kỳ” mặc trần xì một cái “si líp” nằm tênh hênh trên giường cũng chả khiến các cô ngượng ngùng gì ráo trọi. Thay quần áo xong cũng bay lên nằm cạnh, không cần biết trời trăng. Chỉ có “anh Kỳ” là ngượng, với tấm drap cuốn chặt lấy người, trong khi các cô cứ tỉnh queo, lại còn phá lên cười trước cảnh “gươm lạc giữa rừng hoa” này. Cũng như ở lủi thủi một mình và ở sự hiện diện của cái piscine cùng những chương trình “Hippies A Go”, tôi đã có dịp quen biết được vô số nữ khán giả trẻ.

 

Sự bạo dạn của các cô đã khiến tôi không ngờ, mà nếu có kể ra đây có người sẽ cho là ba xạo. Sự giao tiếp như vậy đã mang lại cho tôi nhiều khám phá mới về quan niệm “yêu cuồng sống vội” của lớp trẻ trong thời kỳ chiến tranh. Họ không biết sống chết ngày nào, luôn luôn bị ám ảnh bởi bom đạn, chết chóc và tang thương nên đã có một số không ít sống theo chủ trương hưởng được lúc nào hay lúc ấy, muốn ra sao thì ra. Lỡ bất tử có chết cũng đã được hưởng rồi, không có gì phải ân hận. Họ đã từng tâm sự với tôi như thế với tất cả sự thành thật và kết luận rằng họ chỉ là nạn nhân của một hoàn cảnh xã hội trong thời chiến. Trước những sự buông thả trong những lúc gần gũi với họ như vậy, đã nhiều lần tôi xém bị “sai chước cám dỗ” tuy nhiên cũng có đôi lần cầm lòng không đặng. Tôi phải thành thật khai báo như vậy vì đó là sự thật, nếu có giả dối mà cho rằng mình đạo đức, mình thánh thiện cũng chả có ma nào tin. Hơn nữa còn có thể bị coi là ngu, là dại. Hoặc cũng có thể bị coi là đồ bất lực giữa lúc tuổi trẻ đang trong thời kỳ sung mãn như điên. Chắc chắn sẽ có người lên án đó là một sự trác táng, bê tha. Nhưng nếu ở trong một hoàn cảnh tương tự, không biết họ sẽ xử trí ra sao, không biết có thể ngoảnh mặt làm ngơ được không hay là luôn luôn bị “sa chước cám dỗ” hơn tôi không biết chừng.

 

 Cũng trong thời gian này, đạo diễn Lê Hoàng Hoa đến gặp tôi và đề nghị tôi thực hiện một chương trình Nhạc Trẻ trên đài Truyền Hình Việt Nam. Lời đề nghị này khiến tôi hồ hởi vô cùng và thấy mình quan trọng hẳn lên. Mới ngoài 20 mà được đứng ra thực hiện một chương trình truyền hình riêng thì hách quá đi thôi. Sau nhiều lần trao đổi với anh Lê Hoàng Hoa, tôi đặt tên cho chương trình của mình là “Giờ Nhạc Trẻ”.

(còn tiếp)