Kết nối bạn đọc

Kỳ 84: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

DDVN • 08-05-2019 • Lượt xem: 14340
Kỳ 84: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

Sự uy tín của báo Sống đã khiến cho Đại Hội Nhạc Trẻ tại rạp Đại Nam vào năm 68 đã không gặp phải một sự chống đối nào, Nhất là với một mục đích từ thiện như vậy khiến không có anh chị nào thích phá thối trước đó lên tiếng đả kích như xưa. Sau kỳ đại hội gây được nhiều tiếng vang rộng lớn này, chúng tôi cũng đã tổ chức thành một nhóm đi lạc quyên tiền bạc cũng như tặng phẩm để gửi đến đồng bào nạn nhân bão lụt qua sự chuyển giao của báo Sống.

Nhận thấy sự lên cao của phong trào nhạc trẻ cùng với sự hưởng ứng của giới thanh thiếu niên nên Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị đã mời tôi đến để thảo luận về việc tổ chức một đại hội nhạc trẻ khác với mục đích yểm trợ cho Cây Mùa Xuân Chiến Sĩ vào đầu năm 69. Việc tổ chức đại hội này nếu tôi không lầm đã được giao cho đại tá Cao Tiêu, cũng là một nhà thơ quân đội nổi tiếng. Đại hội được diễn ra tại rạp Thống Nhất với sự tham dự của rất nhiều ban nhạc, trong đó có the Dreamers, The Uptigh, CBC, Les Fourmis, the Mavericks, The Rising Sun, The Sunshine, The Enterprise... Về phía chủ tọa có vợ chồng trung tướng Trần Văn Trung và cô con gái, cũng thuộc vào hàng ngũ “yéyé” thời đó. Một số sĩ quan thuộc Tổng Cục chiến tranh Chính trị, một số dân biểu quốc hội mà tôi chỉ còn nhớ tên một người là bà nghị sĩ Phan Nguyệt Minh. Kết quả của đại hội nhạc trẻ tại rạp Thống Nhất dĩ nhiên là cũng rất khả quan. Tất cả anh chị em nghệ sĩ nhạc trẻ có mặt đều được trao một huy chương lưu niệm và một bằng khen thưởng đối với sự đóng góp của họ trong việc yểm trợ Cây Mùa Xuân Chiến Sĩ.

 

Cũng do hậu quả của biến cố Mậu Thân, trong năm 68 chương trình “Quân Sự Học Đường” ra đời. Tôi cũng như các anh em bạn bè thuộc đủ mọi phân khoa khác bắt đầu làm quen với súng ống, với bộ quần áo kaki. Phần lớn được huấn luyện ở Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung trong vài tuần. Riêng tôi và một số người khác lại được huấn luyện ngay tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn. Tôi không còn nhớ rõ lý do tại sao. Nhưng thế nào đi nữa thì Thảo Cầm Viên đối với tôi là một nơi quen thuộc. Giám đốc Thảo Cầm Viên không ai xa lạ mà chính là ông Vũ Ngọc Tân, chú của ông bạn Jo Marcel của tôi, lúc đó thường được gọi quen là giám đốc sở thú. Trước khi tham gia chương trình Quân Sự Học Đường, bọn ông mãnh chúng tôi vẫn thường kéo đến nhà ông giám đốc tụ họp vì quen biết với 2 cô con gái của ông, trong số có một cô rất dễ thương tên Nhan.

 

Mặc bộ đồ và cái mũ kaki của chương trình Quân Sự Học Đường trông cũng hay hay, làm cứ như mình đã là một ông lính thật sự, có thể làm le được với mấy em gái hậu phương. Những ngày huấn luyện và sau đó được đi canh gác quanh vòng đai Sài Gòn chỉ là dịp để chúng tôi tụ họp tán phét và nhậu nhẹt. Chạm trán với mấy ông VC chả thấy đâu, mà thỉnh thoảng lại đụng chạm với các ngài dân vệ phe ta, cãi nhau ỏm tỏi để có khi đưa đến tình trạng “cố tình đả thương trí mạng”.

 

Tôi và một số bạn có thời gian được “biệt phái” canh gác ở Chợ Cầu Ông Lãnh, gần nhà một cậu em tên Bằng trên đường Cô Giang. Bằng là một trong những khán giả choai choai trung thành nhất của những chương trình “Hippies A GoGo”. Do sự gặp gỡ thường xuyên nên trở thành thân thiết với tôi, để rồi luôn theo sát  tôi như một “đệ tử”, luôn sẵn sàng phục vụ đại ca hết mình” như  lời Bằng thường nói. Gia đình Bằng rất giầu có, nhờ việc cung cấp thực phẩm cho quân đội thời đó nên các anh chị em trong nhà có quyền tiêu xài vung vít. Bởi vậy trong thời kỳ đi gác ở Cầu Ông Lãnh, chúng tôi đã không bỏ lỡ cơ hội để tụm năm, tụm ba tại ngôi nhà 3 tầng lầu to lớn này để chén chú, chén anh. Lâu lâu lại còn rủ đào địch đến tổ chức nhẩy đầm, vui như ngày hội. Việc canh gác trong chương trình “Quân Sự Học Đường” chỉ là chuyện phụ, chuyện nhỏ, và chỉ là dịp để bọn chúng tôi “yến tiệc linh đình”. Vốn đã khoái đớp hít, nay được rơi trúng vào nơi cung cấp thực phẩm thì còn gì bằng. Cũng trong thời gian đó, tôi có thêm một “đệ tử” khác là con trai của tiệm ăn nổi tiếng Tài Nam ở Chợ Cũ với những món ăn Tây độc đáo. Nhà hàng này cũng là nơi thường lui tới của những sĩ quan cao cấp thời đệ nhị Công Hòa, trong số có ông tướng râu kẽm Nguyễn Cao Kỳ. Tôi có cái số được ăn, được uống nên quen biết toàn với những nơi phân phối thực phẩm hay nhà hàng thì khoái kể chi. Cậu “đệ tử” – anh em thường gọi là “Sáu Lé” vì có hai con mắt... chửi nhau dữ dội – chiều chuộng “đại ca” và những bạn bè của “đại ca” cũng hết mình. Khi nào thèm thèm cơm tây, chỉ cần ngỏ lời một cách rất... tế nhị là cậu “Sáu Lé” mang tới đủ thứ hầm bà làng do cậu ra lệnh cho “Chief cook” thi hành. Nào là “Nghêu đút lò fromage”, “Poussin Cocotte”, “Chateaubriand”... còn nóng hổi, vì từ Tài Nam đến hotel Catinat không bao xa.

 

Tôi khoái nhất món đuông của tiệm này. Đuông chiên bơ béo ngậy vô cùng, và ăn sống cũng rất là khoái khẩu. Cắn một phát, phọt ra những chất béo ngậy và thơm tho vô cùng tận. Cái chậu thủy tinh trong đó có những con đuông béo tròn trùng trục ngâm trong nước mắm, để ngay trên quầy tính tiền đã có một sức hấp dẫn tôi ghê gớm. Đó là loại đuông chà là, mỗi cây chỉ có một con nên lúc đó rất quí nên được bán với giá đắt đỏ so với những món ăn khác. Được 2 “đệ tử” cung phụng và bồi dưỡng trong những lần đi gác đêm, nên những ngày ở trong “Quân Sự Học Đường” trở nên quá ư lè phè và thoải mái. Hai cậu đệ tử sợ rằng để “đại ca” cầm súng đi gác vòng vòng ngoài đường, chả may bị mấy ông “Vi Xi” chơi cho một phát bắn xẻ thì lấy đâu ra người tổ chức “Hippies À GoGo” cho các cậu ấy nhẩy đầm, nghe nhạc và tán đào, tán địch. Nhất là sau khi tình thầy trò trở nên đậm đà thì 2 đệ tử chắc chắn là được vào... chùa, hơn nữa còn được đào địch nể nang vì là những người thân cận của “đại ca”. Không những chỉ có đám ông mãnh chúng tôi mà hầu như tất cả những anh em tham gia “Quân Sự Học Đường” thời ấy đều rất lơ là với chương trình này, chỉ coi đó như một cái cớ để có dịp gặp gỡ nhau chuyện trò, tán phét nên chẳng có ma nào lập được một kỳ công hay công trạng nào trong việc bảo vệ vòng đai Sài Gòn. Tình trạng không đi đến đâu đã đưa đến việc giải tán chương trình “Quân Sự Học Đường” – do đại tá Nguyễn Linh Chiểu làm “thủ lãnh” với sự phụ tá của thiếu tá Bạch, nổi tiếng với bộ râu “sư phụ” – một thời gian ngắn sau đó.

(còn tiếp)