Kết nối bạn đọc

Kỳ 86: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

DDVN • 10-05-2019 • Lượt xem: 9607
Kỳ 86: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

Sau biến cố Mậu Thân, tình hình trở nên căng thẳng ghê gớm, nhất là từ khi lệnh Tổng Động Viên được ban hành. Anh nào anh đó rét không chịu được, nhất là trong giới sinh viên. Trước đó thi rớt 2, 3 niên mới phải lên đường “ắc ê”. Với lệnh Tổng Động Viên, anh nào rớt đài chỉ một niên là bảo đảm có đường vào Thủ Đức lãnh “cánh gà chiên bơ”. Nếu may mắn cứ tà tà đầu năm một, nhưng sau khi vớ được cái bằng Cử Nhân cũng không tránh khỏi cảnh “lên đường nhập ngũ tòng quân, một lòng vì nước vì dân” vì cánh cửa quân trường Thủ Đức luôn luôn rộng mở.

Chỉ trừ sinh viên các ngành Nha, Y, Dược là được bổ sung vào ngành quân y để cứu nhân độ thế. Các ngài thuộc ngành Sư Phạm hay Khoa Học may ra có thể được biệt phái đi dạy tại các trường trung học. Sổ còn lại, “a lê hấp” vào Thủ Đức tuốt luốt. Mấy ông khôn lỏi, muốn thủ thân và nhất là cảm thấy khó lòng thi đậu liên tiếp để còn được hoãn dịch cho đến khi nào xong cử nhân thì tình nguyệt vào binh chủng được coi là sáng giá nhất là Không Quân, Võ Bị Đà Lạt... Một số anh khác thì vào trường Chiến Tranh Chính Trị để được phần nào đỡ phải va chạm với súng đạn.

 

Trước tình trạng căng thẳng như vậy, “khứa lão" tôi cũng cuống cuồng lên vì không mấy tin tưởng ở khả năng của cậu quí tử có thể thi đậu dài dài cho đến khi chớp được mảnh bằng cử nhân. Được lên đến năm thứ hai là phúc đức lắm rồi, hơn nữa cậu quý tử đã có ý định giã từ sách vở để theo con đường nhạc nhõng, hippy thì con đường đưa đến quân trường quả là gần gũi. Thế là “ông bố” tôi quýnh quáng cả lên, chạy đôn đáo khắp nơi kiếm “tuy-ô” để ông con thoát cảnh đương đầu với mũi tên, hòn đạn. Tôi thì... “teo” thấy rõ vì biết chắc sẽ nằm trong thành phần hát bài “quân trường vui tiếng ca”. Mấy ông mãnh bạn tôi cũng đã rục rịch nộp đơn thi vào Không Quân là ngành tôi không bao giờ dám mơ tưởng tới để làm người hùng không gian. Vừa không đủ thước tấc, vừa mắt mũi cận thị làm nhèm, không cách chi làm người hùng cho được. Không tuân hành lệnh Tổng Động Viên thì chỉ có cách trốn lính. Nghĩ đến cảnh trốn chui, trốn nhủi không dám ló mặt ra ngoài đường cũng đã thấy ớn. Là chân khoái giang hồ vặt, ngồi một chỗ không yên mà phải tối ngày nằm miết trong nhà, hoặc có khi bị bố ráp phải trốn trên trần nhà hay leo nóc nhà sang bên hàng xóm như đã từng xảy ra, thật không khoái chút nào. Lớ vớ ra đường, bị mấy ngài cảnh sát hay Quân Cảnh vồ thì cuộc đời coi như đi điện.

 

Tình trạng trốn quân dịch lan tràn tại Sài Gòn, những cuộc bố ráp xẩy ra dài dài làm náo loạn từng khu phố, từng ngõ hẻm. Tôi cầm chắc là sẽ phải chuẩn bị để vào Trung Tâm Nhập Ngũ Số 3 để làm thủ tục đi Thủ Đức như bất cứ thanh niên nào ở trong tình trạng này. Nghĩ tới ngày lên đường sao buồn quá mạng. Làm gì còn có “Hippies A GoGo” cho nổi, sao còn có dịp “trà đình tửu quán” như xưa. Điều này mấy chị đào nhí chắc chắn sẽ chuồn hết ráo, để “tôi với trời bơ vơ” một mình với cái đầu húi theo kiểu nhà binh. Tôi tưởng tượng ra cái đầu kiểu này thay vì mái tóc dài hippy mà buồn cười không chịu nổi với cái vẻ ngô nghê, bà cả thộn.

 

Ta đành phải xa rời những “ngày tháng rong chơi thanh nhàn” hay sao đây? Nếu như vậy thì cái ông thầy tử vi ở Chợ Đồng Xuân coi dở thấy mẹ. Đang tuổi hoa niên phơi phới thế này, đang ăn diện gồ nghề như thế với nhạc nhõng um xùm trời đất mà nay phải ca bài “ò e con ma tuýnh đu” để cầm súng, cầm ống thì không chán mớ đời sao được, Anh nào ở trong tình trạng như tôi mà cho là mình khoái đi lính chỉ là một anh nói phét, cóc dám nói sự thật. Đang quíu lên chưa biết tính toán ra sao thì “ông via” tôi hớn hở chạy đến khách sạn Catinat báo cho tôi biết để sửa soạn thi vào trường Chiến Tranh Chính Trị, hình như là khóa 1. Lý do theo ông là ngành này không phải là ngành tác chiến nên sau khi ra trường cũng đỡ nguy hiểm rất nhiều và tương đối nhàn hạ hơn những ngành khác. Ngoài ra thấy tôi có máu văn nghệ, văn gừng nên ông chọn cho tôi ngành này.

 

Vấn đề quan trọng nhất là ông bảo đảm tôi sẽ đậu, không phải lo lắng gì vì đã “chạy chọt” được. Thấy con đường của ông vạch ra, tôi cũng thấy có lý vì dù sao cũng sẽ không thoát khỏi cuộc đời binh nghiệp. Ngành Chiến Tranh Chính Trị coi vậy mà có vẻ nhàn hạ nhất. Trong khi đó cũng có khối gì con của những ngài tai to, mặt lớn chạy chọt để vào làm “lính kiểng” trong đủ mọi binh chủng. Anh nào có tí tài như khẩy đờn, đánh trống, hát hò đều đã hùa nhau chen chân vào những chỗ nào có hơi hám văn nghệ. Elvis Phương và vài nhạc sĩ trong ban Les Vampires gia nhập Lực Lượng Hải Thuyền, sau đó chuyển qua đoàn Văn Nghệ Hoa Tình Thương, Ngọc Chánh và bạn nhạc Shotguns cũng là ban nhạc nòng cốt của đoàn này.

 

Ông bạn Jo Marcel của tôi cũng bày đặt gia nhập Biệt Động Quân, sau đó chuyển qua ban văn nghệ Phủ Tổng Thống, sau đó còn có mặt ở trong Văn Nghệ Không Quân. Nam Lộc sau đó cũng gia nhập sư đoàn 5 Bộ Binh. Jimmy Tòng cũng bay vào Biệt Động Quân làm văn nghệ. Một số nhạc sĩ trong ban The Rising Sun thì gia nhập Thủy Quân Lục chiến. Tay trống Tony Cẩm của Les Tridents nhẩy vào sư đoàn 1 Bộ Binh, tay trống Vinh (một thời cộng tác với ban Phượng Hoàng sau này) thì nhẩy vô làm lính nhẩy dù. Nhạc Trẻ Việt Nam trong thời kỳ này nhiều người đã khóc lên mình bộ quân phục thuộc đủ binh chủng. Nhóm Trương Công Định phần lớn gia nhập Không Quân nên sau đó “trụ sở” này vào những dịp họp mặt cứ như là một... đại hội Không Quân vui đáo để.

 

Phần tôi, theo lời khuyên của “khứa lão”, tà tà đi thi vào trường Chiến Tranh Chính Trị. Bố khỉ, thi Luật không nổi mà sao thi lần này lại dễ dàng thế. Tôi đậu một cái rụp, ngon lành mặc dù bây giờ không còn nhớ gì đến bài thi, dù là lờ tờ mờ. Thấy ông con thi đậu vào trường Chiến Tranh Chính Trị, ông bố tôi mừng lắm vì biết rằng ít nhất trong một thời gian nào đó ông quí tử chưa gặp phải những cảnh gian nan, cực nhọc hay nguy hiểm đến tính mạng.

 

Như vậy rõ ràng là tôi đã cầm chắc “binh nghiệp” trong tay, không cách chi thoát khỏi vòng kiểm tỏa. Chỉ còn khoảng một tháng nữa là lên đường, giã từ ánh đèn mầu, giã từ những âm thanh Psychedelic của phong trào Hippy đang hồi mạnh mẽ. Cũng may là thời kỳ này tôi chẳng có thương yêu chị đào nào một cách ra rít nên cũng đỡ gặp cảnh lâm ly bi đát, chia tay chia chân một cách bịn rịn. Nói một cách dễ hiểu, hình như năm đó sao Đào Hoa không nằm trong tiểu hạn nên tôi không có chị “đào ruột” nào để thủ thỉ hú hí, chỉ tối ngày say mê với ca nhạc trong những buổi “Hippies À GoGo”, mê man với những đĩa nhạc và posters, bên cạnh một vài chị đào nhóc, thỉnh thoảng dung dăng dung dẻ đỡ buồn hoặc hôn hít tí đỉnh mà chẳng hề có tí xíu tình ý nào hết ráo. Tôi chẳng hiểu sao trong thời kỳ này tâm hồn mình lại nguội lạnh như vậy, mặc dù có rất nhiều sự “sa chước cám dỗ” vây quanh. Tin cậu Kỳ đi lính là cả một biến cố cho cả gia đình tôi. Bà tôi chỉ sợ thằng bé yếu đuối thế này mà phải dạn dầy sương gió, phải tuân theo kỷ luật gắt gao thì chịu sao thấu. Bố tôi phải an ủi là không có sao hết, Chiến Tranh Chính Trị nhàn hạ lắm, đâu có phải cầm súng uýnh giặc đâu mà lo. “Giêsu Ma, lạy Chúa tôi, thế thì may cho nó quá !”

(còn tiếp)

Tag: