Kết nối bạn đọc

Kỳ 87: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

DDVN • 11-05-2019 • Lượt xem: 10061
Kỳ 87: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

Đang trong lúc bắt buộc phải chấp nhận cuộc đời nhà binh, mặc dù chỉ theo học ngành Chiến Tranh Chính Trị để được hoãn dịch sau khi ra trường thì một tia sáng lóe lên trong đầu trong khi một mình rầu rĩ ngồi ở quán Bà Cả Đọi. Tôi nghĩ ngay đến cặp mắt cận thị của mình, không biết có đủ tiêu chuẩn để được hoãn dịch hay không. Quý hóa quá! Quý hóa quá! Biết đâu lại đủ tiêu chuẩn để được hoãn dịch thì mừng lắm thay. Trước đó tôi còn hy vọng nằm trong trường hợp được hoãn dịch bởi lý do gia cảnh vì mình là con một. Nhưng với lệnh Tổng Động Viên mới thì hình như lý do gia cảnh chỉ áp dụng cho ai có mẹ già trên một số tuổi ấn định nào đó, tôi không còn nhớ rõ.

Tôi trình bày sự việc với chồng chị Tuyết, tức anh rể của Jo Marcel, là thiếu tá Hoàng Cao Đàm đế nhờ anh vấn kế. Sau khi thăm hỏi tiêu chuẩn để được hoãn dịch về mắt, anh Đàm cho biết là tôi rất có hy vọng được hoãn dịch vì lúc đó độ cận đã lên tới 7 rưỡi. Tôi báo tin này cho ông bố biết. Ông mừng quá xá để sau đó đi thăm dò mọi nơi về điều kiện được hoãn dịch vì mắt bị cận nặng. Cuối cùng ông cho biết rất có hy vọng vì theo tiêu chuẩn thì 8 độ mới được hoãn dịch. Tôi chỉ thiếu có nửa độ nên với sự giao thiệp của ông có thể sẽ được “du di”, Anh Đàm cũng hy vọng rằng sẽ “ngoại giao” nơi Hội Đồng Giám Định Y Khoa để tôi được hưởng cái sự “du di” này. Cũng bởi nuôi một niềm hy vọng nơi sự “du di” quý hóa này tôi đã không nhập khóa Chiến Tranh Chính trị vào năm 68 để sửa soạn hành trang vào Trung Tâm 3 Tuyển Mộ Nhập Ngũ. Đối với người khác thì câu “thánh nhân đãi kẻ khù khờ” rất đúng, nhưng với tôi lại là “thánh nhân đãi kẻ lèm nhèm” cận thị như tôi. Tin tưởng nơi tài ngoại giao của anh Đàm, tôi đã hăng hái lên đường đến Trung Tâm Nhập Ngũ Số 3. Những mỗi lần ra đến Hội Đồng Giám Thị Y Khoa cũng không tránh khỏi sự hồi hộp. Chả may nhân vật có thể du di cho tôi hôm đó không có mặt hay đúng lúc đến phiên tôi mà lại đi... tè thì bỏ mẹ. Chỉ một tích tắc, số phận con người ta cũng có thể thay đổi một cách quan trọng. Cũng may phước, tôi đã nhận được sự “du di” cho nửa độ cận thị ngay lần đầu tiên khám mắt trước hội đồng giám thị y khoa. Trong cái rủi có cái may là thế, rủi vì bị cận thị nặng nề, nhưng lại may nhờ vậy mới được hoãn dịch. Trung Tâm 3 Tuyển Mộ Nhập Ngũ là nơi tôi đã ra vào cả thẩy 3 lần để được hoãn dịch: 2 lần được 6 tháng và 1 lần 9 tháng. Qua đến lần thứ tư thì được hoãn dịch vĩnh viễn vì lúc đó độ cận thị đã tăng vượt quá cả tiêu chuẩn ấn định. Những khoảng thời gian đi trình diện thường kéo dài hai, ba tuần Trung Tâm Nhập Ngũ Số 3, nhưng đã lưu lại nơi tôi rất nhiều kỷ niệm cùng với sự quen biết một số đông bạn bè mới.

 

Những ai đã từng vào Trung Tâm 3 trong thời kỳ này không sao quên được trung úy Lâm, người được anh em dành cho rất nhiều cảm tình. Hình ảnh thượng sĩ Mân, trung sĩ Tiết vẫn còn hiện rõ mồn một trong trí nhớ của tôi như những hàng cây bã đậu là nơi chúng tôi thường ngồi chuyện vãn khi không chịu nổi sức nóng như thiêu như đốt trên mái tôn của nhà ngủ tập thể tỏa xuống. Những hàng cây bã đậu thật sự là những hình ảnh quen thuộc và gần gũi nhất với những anh em từng đặt chân đến Trung Tâm 3 hay Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, cách đó không bao xa. Làm thủ tục và khám sức khỏe tại Trung Tâm 3 hoặc Tổng Y Viện Cộng Hòa xong xuôi, không đủ điều kiện sẽ khăn gói quả mướp qua bên Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung để hát bài “ngày bao hùng binh tiến lên” tức thì. Lần đầu tiên va chạm với cuộc đời gần như là lính, tôi đã không tránh khỏi những bỡ ngỡ và ngượng ngập, nhất là khi phải cởi bỏ “y” và “quẩn” để tồng ngồng tắm chung. Mới đầu còn mắc cỡ, vừa tắm vừa bụm của quí hoặc e lệ quay mặt tránh né. Nhưng dần dần đâu cũng vào đó, hiên ngang phơi bầy và triển lãm bửu vật chẳng còn chi là xấu hổ. Hàng hàng, lớp lớp tồng ngà tồng ngồng, đủ cỡ, đủ size tha hồ mà ngắm. Riết cũng phát... ớn, chẳng còn hơi sức đâu để ý.

 

Chỉ tội nghiệp nhiều anh quá mắc cỡ, đỏ mặt rần rần mỗi khi tắm chung, bị anh em nhào vô vạch ra xem chơi cho rõ sự tình. Những buổi cơm nhà bàn đối với tôi không hấp dẫn chút nào. Vốn tính lè phè, ăn uống chậm chạp nên và chưa hết nửa chén cơm thì anh em đã xong từ khuya. Cứ điều này chắc là chết đói sớm, hơn nữa ăn uống kiểu này vừa chẳng ngon lành gì lại còn có đường đau bao tử triền miên. Lại một lần nữa, bần cùng tắc... thông. Tôi liền trổ tài ngoại giao với ông trung sĩ già nhà bếp, mò mẩm xuống cùng ông chuyện trò nên chỉ vài ngày đầu tiên đã trở nên thân thiện vô cùng. Với chủ trương sống để mà... ăn, mà đớp hít nên tôi luôn tìm cách tạo tình hữu nghị thắm thiết với những tay hỏa đầu quân hay những anh chị em chạy bàn ở những tiệm ăn sau này.

 

Vì có lộc ăn nên gần như luôn luôn được ưu đãi và nhận được thêm nhiều “bonus” khác với thiên hạ. Với ông thượng sĩ già nhà bếp cũng vậy. Biết ông khoái món thịt chó là một trong những món tôi ưa thích nhất, tôi đưa tiền cho ông để nhờ thằng con ra chợ Trung Chánh gần đó mua dồi, thịt về để ông trổ tài nấu nướng. Qua mấy buổi “mạn đàm” quanh những đĩa dồi chó, dựa mận và thịt luộc thơm phức cùng vài ly đế Bà Điểm, sau đó kéo thêm vài điếu thuốc lá “Con Mèo” thì tình hữu nghị giữa tôi và ông trở nên muôn đời bền vững. Đáp lại tấm thạnh tình của một anh nửa thường dân, nửa lính tráng đang ở ngưỡng cửa quân trường, ngài trung sĩ luôn để phần cho tôi một số thức ăn hậu hĩnh để sau bữa cơm nhà bàn, tôi sẽ lủi xuống bếp thơ thới hân hoan quất một bữa thoải mái.

 

Nhờ có sao... đớp hít chiếu mạng nên con đường ăn uống của tôi ít khi nào bị trục trặc, nên những bữa cơm nhà bàn chung với anh em chỉ để chứng tỏ tinh thần “huynh đệ chi binh”. Mặc dù ăn uống tà tà không sao địch lại với các “huynh đệ” đập nhanh thấy bà, nhưng sau đó yên chí nhớn sẽ được bổ túc bằng một bữa khác  ngon lành dưới nhà bếp. Thấy thương tình cho tôi phải sống cuộc đời... bán quân ngũ ở Trung Tâm Tuyển Mộ Nhập Ngũ, nên khi có thịp “thăm nuôi” là bạn bè mang lên cho đủ thứ, quan trọng hơn cả là những gói thuốc lá Con Mèo Craven “A” loại 10 điếu, đến bây giờ không còn tìm đâu thấy. Những lần “thăm nuôi” như vậy, anh em đều kéo nhau ra Vườn Tao Ngộ tán dóc và chiêm ngưỡng những “em gái hậu phương” vào ra tấp nập. Bèn tưởng tượng một ngày nào đó trở thành một ông nhà binh, đồn trú ở một nơi xa xăm, lâu lâu có “em gái hậu phương” lên thăm để tỉ tê tâm sự thì thú vị ra gì. “Anh chiến trường, tôi nơi hậu tuyến” là thế. Lại còn tưởng tượng ra cảnh “ba lô làm bàn nên nét chữ không ngay” để gửi về cho em những lá thư mùi mẫn khi ở trong cảnh “đón giao thừa một phiên gác Xuân, chào xuân đến súng xa vang rền”.

(còn tiếp)