Kết nối bạn đọc

Kỳ 89: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

DDVN • 13-05-2019 • Lượt xem: 9229
Kỳ 89: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

Cuối cùng, trong lần đi trình diện thứ 4, tôi đã được hoãn dịch vĩnh viễn vì độ cận thị càng ngày càng gia tăng. Tôi không tránh khỏi bùi ngùi khi xa rời những hàng cây bã đậu, những lần chén chú chén anh với ông thượng sĩ hỏa đầu quân cùng những lần túm năm tụm ba kể chuyện tiếu lâm hay lưu hành những báo chí, hình ảnh thuộc loại quốc cấm!

Một trăm anh trong lớp tuổi này bảo đảm có đến 99 anh khoái nghe chuyện... dâm, thích coi hình ảnh loại 36 kiểu, thời đó được chụp bằng phim đen trắng, chụp đi chụp lại nên rất mù mờ, nhìn lũ mắt ra mới biết được “chỗ ấy” nó nằm ở vị trí nào. Như thế cũng là quí hóa lắm rồi! Lại còn những dâm thư in roneo được lưu hành tùm lum, tà la. Lục ở trong túi xách, chém chết sẽ bắt gặp ngay được “Cô Giáo Thảo” hay “Bẩy Đêm Khoái Lạc”... Vì số độc giả quá nhiều nên những “tác phẩm” loại này đã trở thành những “cổ thư nhàu nát và vàng ố do sự ham đọc và.. hiếu học một cách triệt để!

 

Mừng thì mừng trong bụng thật vì sẽ không phải đi lính, nhưng tôi không hiểu sao trong lòng lại bồi hồi đến thế. Sẽ làm gì bây giờ? Học hành thì đã lỡ bỏ rồi nên cho... lỡ luôn. Làm ăn thì biết làm gì bây giờ, trong khi đầu óc không bao giờ nghĩ đến việc tính toán. Đi buôn, đi bán thì chỉ có nước bị chúng gạt. Một khúc quanh mới đến với cuộc đời tôi từ đó sau khi lững thững từ trong Trung Tâm Tuyển Mộ Nhập Ngũ Số 3 leo lên xe lam về nguyên quán, lúc đó vẫn ở Hotel Catinat. Bạn bè thân thiết đã bắt đầu lục tục đi lính hết ráo rồi, chẳng còn ma nào để tụ họp, đàn đúm như xưa. Tôi cảm thấy bơ vơ, lạc lõng lạ thường. Suy đi, tính lại để cuối cùng cứ đi theo con đường sẵn có là hoạt động trong lãnh vực báo chí và tổ chức những chương trình nhạc trẻ. Biết là bấp bênh, nhưng thôi kệ xác, đến đâu hay đến đó. Lại một lần nữa tin tưởng cái số rong chơi thanh nhàn vì đã nghiệm thấy những gì xảy ra trước đó đều trúng y bóc.

 

Đối với gia đình, tin cậu Kỳ được hoãn dịch vĩnh viễn đã trở thành một biến cố trọng đại. Mặt mày ai cũng hớn hở, vui mừng như ngày hội lớn. Biết bao nhiêu người chạy chọt nọ kia cũng chưa chắc đã được cầm trong mảnh giấy quí hóa, chứng nhận được miễn dịch vĩnh viễn. Nhưng đôi khi trong đầu nấy lên câu hỏi có nên coi đây là một điều may mắn hay không trong khi anh em mình thằng nào đã cũng như sắp sửa sống đời quân ngũ. Mặt khác, biết bao nhiêu người đã tình nguyện lên đường cứu nước mà mình an tâm hưởng thụ an nhàn với mảnh giấy nhỏ xíu cầm trên tay này hay sao? Ít ra hoàn cảnh của một thanh niên trong thời kỳ đó cũng đã tạo nơi tôi một phần nào lý tưởng, được hô hào và kêu gọi ngày này qua tháng nọ.

 

Có những lúc tôi như bị dằn vặt nhưng kết luận cũng đã tự an ủi bằng cách để cho cái số. Định mệnh đã an bài như vậy, thì cứ thế mà theo, lằng nhằng nghĩ quanh nghĩ quẩn chả đi đến đâu. An tâm với cái định mệnh này, tôi lại thấy yêu đời hẳn lên, nhất là khi được gặp lại các cô cậu choai choai trong những lần tổ chức nhạc nhõng, những bè bạn trong làng ca nhạc hay trong giới báo bổ để được sống cuộc đời phóng khoáng, tự do. Thế là một lần nữa tôi đạp mạnh ga chiếc xe định mệnh để lăn xả vào cái nghiệp dĩ, đã nhiều lần muốn đào thoát nhưng đành phải bó tay. Sau này lấy vợ, thấy những cái nghề đeo đuổi của tôi nó bếp bênh quá sức, nhất là những năm sau 75. Khi thì rủng rỉnh ra gì, khi thì  rách như sơ mướp. Những lần tơi tả như cái mền tôi thường an ủi bà vợ rằng “chẳng lẽ ta đâu mãi thế này?” thì bà ấy họa lại nhanh như chớp là “mãi thế này thì chỉ có nước đi ăn mày!”. Cũng may cũng nhờ cái số tà tà nên sau cơn bỉ cực lại đến những hồi thái lai ra phết. Cứ trồi sụt bất thường như vậy nên riết vợ cũng quen. Hơn nữa chưa bao giờ phải bỏ vốn đầu tư để sắm một cái gậy và một cái bị để gia nhập vào làng cái bang!

 

 Khi về tới Hotel Catinat thì chỉ vài ngày sau tôi được Jo Marcel cho biết là sẽ dời chương trình ca nhạc của anh về vũ trường Queen Bee vì anh đã điều đình mướn được địa điểm này với ông chủ tên Tuất. Như vậy có nghĩa là những chương trình “Hippies À GoGo” cũng sẽ di tản theo luôn, đúng như giao ước lúc đầu. Tôi rất vui khi nghe được tin như vậy vì biết được sức chứa của Queen Bee có thể lên tới gấp 3 sức chứa hiện nay ở “Chez Jo Marcel”. Tạm thời, chỗ ở của tôi cũng sẽ vẫn như cũ, vẫn ở trên lầu Hotel Catinat như thường lệ để vấn đề di chuyển qua Queen Bee được gần gũi và dễ dàng hơn. Tôi cho sự thay đổi này là một sự thăng tiến trên con đường “sự nghiệp”, mà cho đến nay với những nghề theo đuổi, cái được gọi là “sự nghiệp” của tôi cho đến nay tôi vẫn không biết đặt tên cho nó là gì! Cứ gọi là cái sự nghiệp... tự do cho xong chuyện. Thích gì làm nấy cho tiện việc sổ sách.

 

Trong khi anh em sửa soạn chuyển đồ nghề “dọn nhà” sang Queen Bee với những ampli, hệ thống âm thanh, ánh sáng công kềnh và nặng chình chịch thì tôi lên lầu Hotel nằm chèo queo một mình, mơ tưởng đến những ngày huy hoàng và tưng bừng, nhộn nhịp sắp tới khi những chương trình “Hippies À Go” sẽ được tố chức ở Queen Bee một ngày rất gần. Với những sự khuân vác nặng nề, nhất định là không có tội vì cái số... lè phè đã định như vậy. Thôi thì ta lên nằm suy nghĩ về những chuyện nặng nề khác về mặt... tinh thần cho chắc ăn. Dọn dẹp, khuân vác không khéo tay lại bị anh em sỉ vả là... thợ vịn, nên phải “tránh... khuân chẳng xấu mặt nào”.

 

Đến đầu năm 69, toàn bộ chương trình ca nhạc của Jo Marcel cũng như chương trình “Hippies À GoGo” của tôi được dời về vũ trường Queen Bee trên đường Nguyễn Huệ, sau những màn điều đình giữa Jo và ông chủ vũ trường. Với địa điểm lý tưởng này ai cũng tỏ ra phấn khởi với những viễn ảnh tốt đẹp diễn ra trước mặt. Địa điểm tốt, sân khấu lớn, nhiều chỗ ngồi hơn trước thì còn gì bằng. Trong thời gian đầu tiên dời về Queen Bee, những chương trình Hippies À GoGo được diễn ra ở tầng lầu dưới, với sức chứa cố nhồi, cố nhét có thể lên đến khoảng 400 người, gấp gần 4 lần “Chez Jo Marcelo” ở dưới Hotel Catinat trước đó. Bạn bè của tôi cũng như các nghệ sĩ nhạc trẻ thời gian này đã lên đường “ắc ê” gần hết, tuy nhiên đa số giới nghệ sĩ đều ở trong ban văn nghệ của nhiều binh chủng, do đó vào cuối tuần vẫn còn có dịp vác đàn, vác trống đến trình diễn với những mái tóc cao gọn ghẽ, Trong số này có ban nhạc mang tên The Traubo's, qui tụ một số anh em ca nhạc sĩ thuộc trường Sinh Ngữ Quân Đội như Lê Trí, Phan Kiên, Hải, v.v... Có lần ban nhạc này mặc nguyên cả quần áo nhà binh lên trình diễn trong chương trình “Hippies A GoGo” tạo nên một hình ảnh rất lạ mắt trong bầu không khí tưng bừng này. Một thời gian sau, do ảnh hưởng của phong trào Hippy, The Traubo's đổi tên  thành The Flowers với những bộ quần áo họa hoét, sặc sỡ, Duy chỉ có mái tóc không được phép để dài cho lắm vì vi phạm luật lệ nhà binh, The Flowers chính là tiền thân của ban nhạc The Family Love sau đó, khi trưởng ban nhạc là Lê Trí hợp cùng các em và “bà xã” là Christiane Marbec (với tên gọi thân mật là “Bế”, từng hợp tác với ban nhạc The Blue Stars một thời gian) kết hợp lại với nhau và hoạt động liên tục ngay cả sau khi ra tời hải ngoại.

(còn tiếp)