Kết nối bạn đọc

Kỳ 93: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

DDVN • 17-05-2019 • Lượt xem: 10229
Kỳ 93: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

Một ban nhạc khác cũng qua những chương trình “Hippies À GoGo” để trở thành nổi tiếng. Ban nhạc này quy tụ những tay đàn tên tuổi của nhạc trẻ Việt Nam sau này. Trong số có tay lead guitar Trung Nghĩa - được mệnh danh là “Mười Ngón Tay Vàng” sau này tại hải ngoại – và Lý Được, hiện là một trong những tay bass cừ khôi ở Việt Nam, từng cộng tác với nhiều vũ trường ở Sài Gòn sau năm 75.

Vào đầu thập niên 60, Trung Nghĩa vẫn chỉ là một cậu học sinh mê nhạc trẻ, không bao giờ vắng mặt trong những chương trình dành cho loại nhạc có sức quyến rũ mạnh mẽ này. Không những thể anh còn tìm cách tham dự những buổi tập dượt của các ban nhạc đàn anh để say sưa với những ngón đàn guitar ngọt ngào hay kích động của những người đi trước, trong số có tay guitar Thụy Ái của ban nhạc The Teddy Bears và sau này của The Vibrations và The Top 5. Vào đầu thập niên 70, Trung Nghĩa kết hôn với nữ ca sĩ trong ban nhạc The Enterprise là Thanh Tuyền, con gái cố tài tử Đoàn Châu Mậu. Thanh Tuyền là một trong những nghệ sĩ nhạc trẻ nổi tiếng thời đó, nhờ có một căn bản nhạc lý vững vàng và một tiếng hát khá vững nên cô đã tạo được cho mình một tên tuổi. Thêm vào đó, tính tình dễ mến và cách cư xử khéo léo của cô nên đã được anh chị em trong giới dành cho nhiều cảm tình. Có một thời gian, cô hợp với Đức Huy thành cặp song ca Đức Huy - Thanh Tuyền với những nhạc phẩm “folk songs” cùng với những sáng tác của Đức Huy. Hình ảnh Đức Huy và Thanh Tuyền với cây đàn guitar thùng tại cà phê Hầm Gió hay tại những chương trình “Hippies À GoGo” đã là một hình ảnh khó quên trong trí nhớ mọi người.

 

Guitar bass Lý Được

 

Nhắc đến the Enterprise, không thể nhắc đến Kasim, một nam ca sĩ gốc Ân có nước da đen như cột nhà cháy. Sự có mặt của Kasim trong ban nhạc này đã đóng góp một phần không nhỏ trong sự thành công của The Enterprise. Với mái tóc dài quăn tít và những bộ y phục rất hippy, Kasim đã tạo cho mình một chỗ đứng cao trong làng nhạc trẻ với những nhạc phẩm kích động.

 

Kasim bề ngoài trông rất “ngầu” với mái tóc dài quăn tít và nước da đen thui lui, nhưng lại là một người có tính tình hiền lành và dễ mến. Anh cư ngụ ngay trong hẻm dẫn lên quán cơm Bà Cả Đọi nên chúng tôi vẫn thường xuyên gặp nhau. Sau biến cố tháng Tư năm 75, người ta không còn được nghe nhắc tới anh, chỉ được biết anh đã định cư ở một quốc gia Âu Châu. Nhắc đến Kasim, tôi chợt nhớ đến một nam ca sĩ gốc Ân khác là Paul, có một khuôn mặt đẹp trai và một tướng tá cao ráo. Paul ít xuất hiện trước các khán giả Việt Nam, nhưng lại là một trong những nam ca sĩ ăn khách nhất tại các clubs Mỹ, và một thời từng có liên hệ tình cảm thắm thiết với “con gà” Kim Dung của tôi trong thời gian cả hai đi hát tại các căn cứ quân sự Hoa Kỳ. Paul nổi tiếng với những nhạc phẩm tình cảm êm dịu ngoại quốc, trong số có những nhạc phẩm của the Platters như "Only You", “Smoke Gets In Your Eyes" hay “The Great Pretender”. Trước năm 75, Paul đã rời Việt Nam và nghe nói hiện nay anh đang sống ở Pháp và không còn hoạt động gì về ca nhạc. Một thời kỳ ban nhạc The Enterprise có mặt một nữ ca sĩ tên Kim Oanh với cách trang phục rất hoa lá cành cũng được các khán giả trẻ ưa thích mỗi khi cô xuất hiện trong những chương trình “Hippies À GoGo” cùng với “ông xã” của cô là tay trống Mạnh Tuấn, hiện cư ngụ tại Úc. Cũng sau năm 75, không ai còn nghe nhắc nhở đến cô nữa.

 

Trung Nghĩa trong 50 năm kỷ niệm chơi guitar

 

Cùng thời kỳ xuất hiện những bản nhạc đã nhắc tới ở trên, còn có ban nhạc The Hammers, rất được cảm tình của khán giả nhờ giọng hát của nữ ca sĩ trong ban là Cathy Huệ. Tên “Cathy” cũng do tôi khai sinh cho cô nữ ca sĩ có thân hình mảnh khảnh, nhưng lại có một giọng ca cao vút này. “Thủ lãnh” của The Hammers không ai xa lạ mà chính là giám đốc trung tâm Kim Lợi ở San Jose hiện nay là Nguyễn Thành. Thành kết hôn với Cathy Huệ vào khoảng đầu thập niên 70 nhưng đã chia tay nhau khi Cathy Huệ sang Úc cư ngụ, trong khi Thành “Hammer” còn ở Việt Nam. Nhờ có đầu óc buôn bán và tổ chức, Nguyễn Thành một thời gian dài sau mới sang đến hải ngoại, thành lập ban nhạc New Look và trung tâm Kim Lợi, là trung tâm đầu tiên “thử nghiệm” việc đưa những nhạc phẩm trong nước ra hải ngoại mặc dù gặp phải nhiều chống đối lúc ban đầu.

 

Cũng không thể không nhắc đến ban nhạc The Jay Cees – đa SO ca nhạc sĩ trong bạn là người Trung Hoa – một thời gian đã là một sự thu hút lớn đối với những khán giả của “Hippies À GoGo” với loại nhạc Psychedelic. Ra đến hải ngoại ban nhạc này không còn hoạt động, trừ tay đàn Quốc Thắng, hiện là một nhạc sĩ soạn hòa âm rất nổi tiếng, thường thực hiện hòa âm cho những nhạc phẩm thu thanh trong những CD của trung tâm Khánh Hà.

 

Ban nhạc The Teen Sound cũng hoạt động mạnh trong thời kỳ này dưới sự dìu dắt của ông bầu Henri Thưởng, thân phụ của phần đông các ca nhạc sĩ trong ban, trong số có nữ ca sĩ Ngọc Hương hiện nay, thời đó còn bé xíu nhưng cũng đã từng cùng với gia đình xuất hiện trên sân khấu.

 

Nếu nói về một trong những ban nhạc xuất hiện nhiều lần nhất trong các chương trình “Hippies A GoGo” phải là The Flintstones, sau đó đổi tên là The New Flintstones Corporation và sau cùng là The Magic Stones. Ngoài việc đóng đô ở Cà Phê Hầm Gió của ông bầu Nam Lộc – là nơi các anh em nhạc sĩ trong ban gần như “ăn dầm, ở dề” từ tháng nay qua tháng nọ – ban nhạc The Flintstones đã trở nên ban nhạc “nhà” của những chương trình “Hippies À GoGo”. Vì là chỗ thân tình như vậy, The Flintstones còn là bạn nhạc “phòng bị” của tôi, mỗi khi kẹt đạn, không mời được đủ số ban nhạc tham dự. Chỉ cần nhờ người ra Hầm Gió hú một phát là anh em sẵn sàng vác đàn, ôm trống lên ứng chiến tức thì. Ca sĩ chính của ban nhạc này là Đức Vượng, hiện vẫn còn đi hát tại Việt Nam, chuyên trị những nhạc phẩm của Creedence Clearwater Revival như “Who’ll Stop The Rain", "Have You Ever Seen The Rain”, “Bad Moon Rising”, vv... Thời kỳ này the Flintstones đang trong tình trạng “đói kém” trầm trọng nên rất thông cảm” trong vấn đề “cát sê”. Đại khái là được rồi, không cần phải năn nỉ lôi chi cả. Riêng Đức Vượng có vẻ “no nê” hơn những anh em khác vì cặp bồ với một cô bán cơm tấm tên Loan trên đường Nguyễn Cư Trinh, thường được anh em gọi là “Loan Cơm Tấm”. Mối tình giữa Đức Vượng và “Loan Cơm Tấm” cứ thế mà trôi đi một cách rất êm đẹp, trong khi anh chàng ca sĩ nhà ta tha hồ “cơm tấm no, bò cưỡi”. Trung Hành khi đó cũng là một ca nhạc sĩ tên tuổi của ban này. Ngoài Trung Hành và Đức Vượng, The Flinstones còn có sự cộng tác của Cao Giảng (hiện ở Úc) và Tứ Đệ.

 

Mặc dù không phải là một ban nhạc lừng danh vào thời đó, chỉ ở thường thường bậc trung, nhưng The Flintstones đã trở thành mộ ban nhạc rất quen thuốc với khán giả choai choai.

(Còn tiếp)