Kết nối bạn đọc

Kỳ 94: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

DDVN • 18-05-2019 • Lượt xem: 10349
Kỳ 94: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

Không những chương trình “Hippies À GoGo” chỉ có những ban nhạc Việt Nam trình diễn mà còn có cả những ban nhạc Mỹ và Phi Luật Tân. Những ban nhạc này vào Việt Nam để đáp ứng sự đòi hỏi của các clubs Mỹ có mặt khắp mọi nơi. Họ đi nhan nhản ngoài đường. Gặp họ, tiến tới làm quen và cho biết có một chương trình ca nhạc như vậy. Thế là xong, hẹn ngày thảo luận giá cả là đâu vào đó.

Trong suốt những tháng thực hiện “Hippies À GoGo” ở Queen Bee, ít nhất đã có hơn 10 ban nhạc Phi và 3 ban nhạc Mỹ đến trình diễn. Mỗi lần như vậy, do sự chuộng của lạ nơi lớp khán giả trẻ, chương trình nào cũng không còn một chỗ đứng. Phải công nhận phần lớn các ban nhạc Phi có trình độ cao hơn những ban nhạc trẻ Việt Nam, tuy nhiên không phải vậy mà không có những ban đã phải lác mắt khi được thưởng thức tài nghệ của các tay đàn, tay trống Việt Nam.

 

 

Trong năm 69, ban nhạc trẻ Việt Nam nổi bật hơn cả và được coi như một ban nhạc thần tượng đối với giới trẻ là The Strawberry Four. Ban nhạc này qui tụ một số ca nhạc sĩ của những ban nhạc nổi tiếng trước đó như The Spotlights và The Top 5 sau khi tan rã đã kết hợp lại với nhau để trình diễn trong các club Mỹ. Tại những nơi này The Strawberry Four được coi như những “cục cưng” của các khán giả trong giới sĩ quan Mỹ, là lớp khán giả có trình độ thưởng thức cao. Được sự ưu ái như vậy, chứng tỏ The Strawberry Four đã tạo cho mình được một khả năng vững vàng trong nghệ thuật trình diễn trẻ trung nhưng lịch sự, tươi vui nhưng không “quậy” quá đà như những ban nhạc chuyên về loại nhạc Psychedelic. Loại nhạc do The Strawberry Four trình bày phần lớn là loại nhạc Pop thịnh hành hay loại Folk Rock hoặc Easy Listening êm dịu. Thành phần của The Strawberry Four gồm có: Đức Huy (lead guitar). Tuấn Ngọc (rythm guitar), Billy Shane (bass) và người sử dụng trống là Tùng Giang. Đức Huy bước vào làng nhạc trẻ từ thời kỳ đầu tiên với ban nhạc Les Vampires. Sau khi ban nhạc này tan rã với sự ra đi của tay trống De Pollack, gốc người Đức và nam ca sĩ Jacky. Đức Huy một thời gian sau gia nhập ban nhạc The Spotlights cùng với Tiến Chỉnh, Billy Shane, Mario Cruz và Hồng Hải. Sau một thời gian tạo cho mình được một chỗ đứng cao chót vót, The Spotlights chia tay nhau trong sự luyến tiếc của nhiều người. Cùng thời gian này sau những chuyến lưu diễn xa ở Đà Nẵng, khi trở về Sài Gòn, ban nhạc The Top 5 – một ban nhạc mà tên tuổi ngang ngửa với The Spotlights – cũng lâm vào tình trạng tan rã. Từ đó đưa đến sự kết hợp một số nhạc sĩ của ban nhạc này thành The Strawberry Four. Ngay từ năm 69, Đức Huy đã bắt đầu đi vào con đường sáng tác với nhạc phẩm đầu tiên mang tựa đề “Cơn Mưa Phùn” với ý định đưa một làn gió mới cho nền tân nhạc Việt Nam, nếu không muốn nói là một chuyển hướng cho làng nhạc trẻ với những ca khúc nhạc trẻ thuần túy Việt Nam để đánh tan đi quan niệm nhạc trẻ chỉ là nhạc ngoại quốc. Một nhạc phẩm khác của Đức Huy là “Nếu Xa Nhau” cũng rất được ưa thích trong những chương trình nhạc trẻ qua tiếng hát của Vân Trung sau đó, Vân Trung, trong những năm - đầu thập niên 70 được coi là một trong những giọng ca nam được nhiều người biết đến qua những ca khúc trình bày bởi ban nhạc The Bee Gees. Sau năm 75, người ta không còn được nghe nhắc tới tên tuổi của anh.

 

 

Ngoài Đức Huy chuyên về những ca khúc Pop thịnh hành hay loại nhạc Folk Rock, The Strawberry Four còn có Billy Shane là một trong những giọng ca nam nổi bật nhất của làng nhạc trẻ Việt Nam, được để ý tới nhiều qua những nhạc phẩm đòi hỏi một giọng cao như của The Archies (Sugar, Sugar”), Jay & The Americans (“Cara Mia"), The Beach Boys ("Barbara Ann") hay The Four Seasons ("Big Girl Don't Cry"). Đặc biệt hơn nữa, Billy Shane còn có khả năng trình bầy những nhac phẩm lời Pháp rất vững vàng, với cách phát âm rõ nét vì đã theo học chương trình Pháp trong suốt thời kỳ tiểu và trung học. Cho đến nay khó ai qua mặt được anh với những nhạc phẩm Love Me. Please Love Me (mặc dù mang tựa đề tiếng Anh, nhưng là một nhạc phẩm lời Pháp nổi tiếng của Michel Polnareff), Tombe La Neige, Maman... Người được các bạn bè người Mỹ gọi là “Mouse” (con chuột) chính là tay trống Tùng Giang, một người nhỏ con nhưng lại là người lớn tuổi nhất trong ban nhạc.

 

Nhờ sự nhanh nhẹn của anh trong vấn đề giao tế với những người Mỹ có thẩm quyền trong việc thu nhận các ban nhạc trình diễn, The Strawberry Four đã trở thành một tên tuổi quen thuộc - nơi các clubs Mỹ. Cũng trong năm 69, chương trình ca nhạc được theo dõi nhiều nhất trên đài truyền hình của quân đội Mỹ tại Việt Nam là chương trình của ban nhạc Hoa Kỳ The Monkees, một ban nhạc được những tay có máu mặt trong giới “show business” của Mỹ dựng lên với mục đích đối chọi với tứ quái The Beatles của Anh Quốc đến từ sự “tự ái dân tộc” Người Mỹ muốn dựng lên một ban nhạc thần tượng cho chính quốc gia họ để đương đầu với ban nhạc lẫy lừng tên tuổi của xứ Hồng Mao. Kết quả như ai cũng biết là 4 “anh khỉ” The Monkees không tài nào địch lại tứ quái tóc dài the Beatles, đã lên đến đỉnh cao chót  vót trước đó. Tuy nhiên do sự “lăng xê” hết mình của những tay (phù thủy trong làng ca nhạc Hoa Kỳ, The Monkees cũng đã có được một thời gian nổi đình nổi đám, nhất là vào năm 69. Chương trình 30 phút dành cho The Monkees trên đài truyền hình của quân đội Mỹ do đó đã trở thành một trong những chương trình thu hút được nhiều người xem nhất, trong số có những khán giả trẻ người Việt. Một thời gian sau đó, chương trình của The Monkees ngưng trình chiếu và được thay thế bằng chương trình dành cho ban nhạc The Strawberry Four. Sự kiện này là một vinh dự cho làng nhạc trẻ  Việt Nam, đã nói lên được tài năng của 4 ca nhạc sĩ trẻ tuổi Đức Huy, Billy Shane, Tuấn Ngọc và Tùng Giang.

(Còn tiếp)