Cũng từ năm 69, nhạc trẻ đã có được một chỗ đứng tại các phòng trà ca nhạc, điển hình với sự xuất hiện của The Strawberry Four trong chương trình ca nhạc Jo Marcel tổ chức hàng đêm tại Queen Bee. Sự xuất hiện của ban nhạc này đã tạo được một sinh khí mới lạ, trẻ trung cho những chương trình dạ vũ với các tiết điều quen thuộc cố hữu của nhạc “tour.
Đây là một sáng kiến của Jo Marcel từ năm 68, khi còn khai thác vũ trường “Chez Jo Marcel” ở hotel Catinat. Là một người có rất nhiều sáng kiến, Jo Marcel đã thí nghiệm việc đưa nhạc trẻ vào phòng trà và vũ trường với ban nhạc The Spotlights, Ngoài chương trình thường xuyên với nhạc khiêu vũ, Jo đã mời The Spotlights góp mặt trong phần trình diễn đặc biệt trong khoảng nửa tiếng để thay đổi không khí. Với tiết mục trình diễn này, mọi người đã ngưng khiêu vũ để theo dõi phần trình bày những ca khúc nhạc trẻ của The Spotlights trong thời kỳ huy hoàng nhất. Đặc biệt ngoài những nhạc phẩm ngoại quốc, khán giả đã rất thích thú theo dõi nhạc phẩm “Mộng Dưới Hoa”, nhạc phẩm ruột của Jo Marcel được The Spotlights phụ họa cùng với một nghệ thuật hòa âm hoàn toàn mới lạ. Nhạc phẩm này đã được Jo thu thanh trên một đĩa nhựa 45 vòng đầu tiên của Việt Nam – trước đó ở Việt Nam chỉ có những đĩa nhạc 78 vòng – với mặt sau là nhạc phẩm “Et Maintenant” do anh trình bầy qua sự phụ họa piano của ban nhạc Henry Morgan.
Nhận ra được sự thành công trong phần trình bấy những ca khúc Việt Nam, The Spotlights đã đưa thêm vào chương trình của họ một nhạc phẩm khác là “Chiều” được trình bày dưới hình thức hòa ca và lối hòa âm trẻ trung hơn. “Chiều” sau đó đã trở thành một trong những nhạc phẩm được yêu cầu nhiều nhất trong những lần xuất hiện của The Spotlights tại vũ trường Chez Jo Marcel. Qua đến Queen Bee, The Strawberry Four cũng đã tạo được nhiều thích thú cho khán giả. Jo Marcel sau đó còn đi mạnh hơn nữa khi anh mời được nữ ca sĩ Tiny Yong ở Pháp về trình diễn trong những chương trình của anh tại Queen Bee. Tiny Yong, có tên Việt Nam là Thiên Hương, là một ca sĩ đã từng được mời thu thanh trên đĩa nhựa tại Pháp và là một giọng ca quen thuộc của nhà hàng La Table Du Mandarin ở Paris, nơi từng có sự góp mặt của những Bạch Yến, Bích Chiêu. Năm trước đó, Tiny Yong đã từng chiếm được hạng 3 trong giải tranh tài ca nhạc lớn ở Âu Châu là Eurovision và tên tuổi từng được nhắc nhớ trên báo chí và đài phát thanh Pháp quốc, trong số có những tạp chí ca nhạc giá trị như Salut Les Copains và Mademoiselle Age Tendre. Ngoài ra một vài nhạc phẩm do Tiny Yong trình bầy từng được liệt kê trong bảng sắp hạng Top 40 của Pháp, do đó ít nhiều cô đã mang lại cho người Việt Nam một niềm hãnh diện.
Khi Tiny Yong đến với chương trình ca nhạc của Jo Marcel tại Queen Bee cũng là lúc Lệ Thu được Jo Marcel mời cộng tác. Do sự quảng cáo rầm rộ về sự có mặt của một nữ ca sĩ có tầm vóc quốc tế là Tiny Yong đến từ Paris, số khách đến với Queen Bee thật đông đảo. Nhưng một điều không ngờ là Tiny Yong đã không đáp ứng đúng cho sự náo nức lúc đầu của những người đến vì tên tuổi của cô, trong đó có những chương trình được tăng cường với ban nhạc nữ The Blue Stars phụ họa cho cô. Chính Jo Marcel đã phải thú nhận là nhờ nơi Tiny Yong mà Lệ Thu được khán giả chú ý với những ca khúc tình cảm Việt Nam đậm đà và một nghệ thuật diễn tả đầy tình cảm. Tên tuổi Lệ Thu bắt đầu nổi lên mạnh từ đó trong khi Tiny Yong không ghi được một ấn tượng nào nơi những người đến với Queen Bee. Tại các phòng trà hay vũ trường khác cũng bắt đầu có sự hiện diện của nhạc trẻ trong những chương trình ca nhạc và khiêu vũ hàng đêm với sự xuất hiện của những ban tam ca nữ là The Apple Three và The Cats’ Trio thường được gọi là “3 Trái Táo” và “3 Con Mèo”. Việc thành lập The Apple Three đã mang lại một sắc thái mới mẻ cho nhạc trẻ Việt Nam trong thời kỳ được coi là cực thịnh này. Bộ ba Vy Vân, Tuyết Hương và cô cháu Tuyết Dung đã được báo chí nhắc nhở đến thật nhiều nhờ hình thức trình diễn sống động và nhịp nhàng và lối trang phục đẹp mắt. The Cats’ Trio xuất hiện một thời gian ngắn sau cũng đã tạo được tên tuổi không kém với 3 nữ ca sĩ Mỹ Hòa và 2 chị em Uyên Ly và Kim Anh. Con Mèo đầu đàn Mỹ Hòa tách khỏi “3 Con Mèo” trong khi tên tuổi ban tam ca này đang được biết đến nhiều. Minh Xuân được mời vào thay thế sau đó để The Cats’ Trio vẫn giữ được một chỗ đứng vững vàng tại các chương trình ca nhạc ở nhiều vũ trường Sài Gòn. Tiếng hát của Minh Xuân đã khiến The Cat’s Trio tạo thêm được sự thành công nhờ ở tiếng hát vững vàng và trong sáng của cô.
Ngoài phần được biết đến tên tuổi trong thời gian cộng tác với The Cat's Trio, Minh Xuân sau đó còn là một giọng ca được nhiều người mến mộ khi kết hợp với Minh Phúc thành cặp song ca dưới tên Minh Xuân - Minh Phúc. Minh Phúc là một trong những nhạc sĩ kỳ cựu trong làng nhạc trẻ Việt Nam. Anh từng là thành viên của ban nhạc The Black Caps từ đầu thập niên 60 trong vai trò xử dụng bass guitar. Là một nhạc sĩ kiêm ca sĩ có tài, tuy nhiên có tính tình nóng nẩy và quá thẳng thắn khi đưa ra nhận xét về tài nghệ những anh em khác trong giới nên đôi khi đưa đến sự mất lòng. Cũng vì vậy có dạo trên báo chí, tôi thường hay gọi đùa anh là ông... “Đạo Chê”. Không đúng ý anh là bị chê ngay tức thì. Tên “Đạo Chê” từ đó đã dính liền với Minh Phúc. Thoạt đầu anh chửi nhặng cả lên, nhưng sau đó chắc cũng thấy... hay hay nên dần dần bớt đi sự phản đối kịch liệt lúc đầu. Nhiều anh em bị anh... chê cũng tỏ ra bất mãn, nhưng tất cả đều đã thông cảm cho một người chơi với bè bạn rất chí tình như anh.
(Còn tiếp)