Kết nối bạn đọc

Kỳ 98: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

DDVN • 22-05-2019 • Lượt xem: 12629
Kỳ 98: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

Thời kỳ đó tôi đang được báo chí mệnh danh là “Vua Hippy”, trong khi Phạm Duy được gọi là “Hippy Già” do bản tính chịu chơi và phóng khoáng của ông, một người luôn lên tiếng bênh vực nhạc trẻ. Cũng với bản tính đó, “Hippy Già” Phạm Duy không sao tránh khỏi những búa rìu của dư luận, nhưng ông không coi đó là quan trọng, cứ tỉnh bơ như không.

Trước đó không lâu, tôi đã đến gặp ông tại nhà để thực hiện một cuộc phỏng vấn. Qua cung cách của ông trong những lần đến chơi với Duy Quang và các em của anh hoặc thỉnh thoảng gặp ông tại phòng thu thanh trong Chợ Lớn, tôi đã nhận biết ngay ông là một người bất cần đời trong một tâm hồn rất ư nghệ sĩ. Tôi mến phục tài của ông từ lâu, nhưng ít có dịp nói chuyện mặc dù vẫn thường gặp và còn mang mặc cảm là một anh nhóc, đáng tuổi con ông. Cuối cùng do sự đòi hỏi của nghề nghiệp tôi đánh bạo nhờ Duy Quang đề nghị với ông dành cho tôi một cuộc phỏng vấn mà tôi nghĩ là khó khăn lắm mới được ông nhận lời. Tôi đã thật sự vui mừng khi được Duy Quang cho biết ông sẵn sàng tiếp tôi riêng tại nhà. Với một tên tuổi lớn như “bố già” Phạm Duy lúc đó, anh ký giả nhí cũng hơi khớp khi thi hành nhiệm vụ. Nhưng tất cả đã diễn tiến hoàn toàn tốt đẹp nhờ ở tính tính dễ dãi và xuề xòa của ông trong bộ quần áo mầu nâu, tiếp tôi một cách rất cởi mở coi như không có vấn đề cách biệt tuổi tác. Trong lúc nói chuyện với ông, tôi chợt nhớ đến quyển sách có tựa đề “Phạm Duy Đã Chết Như thế Nào” của tác giả Vũ Hạnh với nội dung mạt sát ông hết cỡ. Đặc biệt hơn cả, trong đó có câu “Phạm Duy là một con đĩ già biết chiều khách”, hàm ý cho rằng ông thường hay chiều theo thị hiếu của người nghe, tùy theo từng giai đoạn và hoàn cảnh xã hội như ông đã sáng tác những loạt ca khúc mang tên “Vỉa Hè Ca”, “Tâm Ca”, “Thiền Ca”, “Bình Ca”, “Tục Ca”...

 

Nhạc sĩ Phạm Duy

 

Nhiều lúc trong khi nói chuyện muốn bật miệng ra hỏi ông nghĩ sao về lời nhận xét kia, nhưng vẫn còn e ngại vì sợ nhận được những phản ứng không thuận tiện, nhưng cuối cùng đánh bạo hỏi đại ông một phát thì Phạm Duy vừa cười vừa gật gù trả lời: “Đúng! đúng! nó nói đúng lắm! Tôi không có gì thắc mắc cả”. Tôi đã thật sự ngạc nhiên khi thấy ông không nổi giận hay bất mãn trước lời phê phán có tính cách nhục mạ đó. Tôi phục ông sát đất trước thái độ tỉnh bơ như vậy. Phạm Duy luôn cho rằng nhạc của ông nổi trôi theo vận mệnh của đất nước, do đó thường là sự phản ánh của từng thời kỳ, từng giai đoạn xã hội trong đó ông đã sống, đã cảm nhận một cách rõ ràng. Ông đã sống thật sự với con người của mình. Với một tâm hồn lãng mạn, nhạc tình của Phạm Duy có thể nói đã nuôi dưỡng tình yêu đôi lứa nơi lớp trẻ trong những thập niên 60 và 70. Nhưng đó là những lúc ông thả hồn trong mộng mơ. Nhưng khi quay về với thực tại trong một đất nước bị xâu xé bởi chiến tranh thì ông làm “Bình Ca”. Khi trở về với chính mình, ông làm “Tâm Ca”, “Đạo Ca”. Khi đi vào với những thực tế thường ngày trong cuộc sống ngoài xã hội, ông làm “Vỉa Hè Ca” với những ngôn từ bình dân như “Sức mấy mà buồn, buồn ơi bỏ đi tám!”, v,v... Và khi và chạm với thực tế, đầy rẫy những trái tai, gai mắt; ông tức mình văng tục chơi bằng “Tục Ca” với những “Cầm C,.. cho nó đái, nó đái trên đầu bay! Cầm c... cho nó chơi, nó chơi trên đầu mày?”. Xả ra được như vậy là ông thấy khoái, chả cần biết trời đất gì hết ráo.

 

Tóm lại Phạm Duy là một người sống thật, dám sống thật, thích sao nói vậy. Nói “phăng xi lô” ra cho nó sướng. Với nhạc trẻ, ông nhận ra có những sắc thái mới lạ thích hợp với nếp sống của giới trẻ thời đó nên đã tỏ ra hết sức bênh vực. Ông từng nói với tôi: “Cậu cứ yên trí! Có tôi đứng bên cậu” khi gặp phải những sự chống đối. Với phong trào Hippy, ông cho là một phong trào thích hợp với tuổi trẻ, bộc phát từ một xã hội cần có sự thay đổi về mặt văn hóa cũng như tư tưởng. Bởi vậy ông được mệnh danh là “Hippy Già”.

 

Ban nhạc The Dreamers

 

Tôi còn nhớ rất rõ hình ảnh những tiết mục trình diễn của The Dreamers tối hôm đó, đặc biệt là phần trình diễn của Duy Cường, lúc đó còn là một cậu bé con mười mấy tuổi. Với mái tóc cắt theo kiểu “stone”, tiếng hát mặc dù không vững vàng lắm nhưng dễ thương của cậu đã được những vị khách sồn sồn tại Ritz vỗ tay tán thưởng nhiệt liệt mỗi khi cậu cất cao giọng khởi đầu một đoạn hát bằng câu “Oh! Darling!”, cũng là tựa đề một nhạc phẩm thịnh hành của The Beatles thời đó. Thật sự tài nghệ của The Dreamers chưa được điêu luyện cho lắm nhưng những nét trẻ trung của họ với những nhạc phẩm ngoại quốc trình bày đã thu hút được toàn thể khách hàng của vũ trường Ritz, đến với chương trình nhạc của Jo Marcel. Trong số những nhạc sĩ của The Dreamers, chỉ có mình Duy Quang là người đã có đôi chút kinh nghiệm trình diễn khi đã từng đi làm tại các club Mỹ từ năm 68 với ban nhạc The Starling Show. Jo Marcel rất hài lòng với sự thành công trong đêm trình diễn “thử lửa” này nên đã ký giao kèo ngay sau đó để The Dreamers trình diễn thường trực tại Ritz trong một thời gian. Từ đó trở đi, hàng đêm người ta thấy Phạm Duy dẫn theo đàn con cùng với đàn địch lên trình diễn trước khán giả trong phần “thay đổi không khí” của một chương trình nhạc khiêu vũ nặng về đơn ca.

(Còn tiếp)