Được xem là cặp đôi vàng của làng cải lương từ những thập niên 70 cho đến nay, khi nhắc đến Thanh Điền - Thanh Kim Huệ là bao ký ức về các vai diễn trong các vở cải lương kinh điển như: Đường gươm nguyên bá, Người tình trên chiến trận, Bao công xử án, Nghêu, Sò, Ốc, hến, Tình Xuyên biên giới… hiện về như một ký ức ngọt ngào khiến nhiều người nhớ mãi.
Tin, bài liên quan:
Thanh Điền, Kim Tử Long ôn chuyện xưa
Nghệ sĩ Thanh Kim Huệ tiết lộ lý do 'sợ' diễn lại vở Lan và Điệp
Duyên với nghề
Với NSƯT Thanh Kim Huệ, từ 8 tuổi cô đã đi theo ba mẹ (làm nghề cho thuê âm thanh) đến các sân khấu. Đến 10 tuổi, Thanh Kim Huệ đã ca hát ở hậu trường rồi đóng vai tỳ nữ. Thuở ấy, cô hát không có gì xuất sắc nên mỗi lần đi thi ở các hãng dĩa là bị… rớt hết.
Đến năm 1970 cô gặp NSƯT Thanh Điền, nhưng chính ba Thanh Điền mới là người giới thiệu cho “bé Huệ” về đoàn Kim Chung năm 1972. Lúc đó cô chỉ mới 14 tuổi. Thanh Kim Huệ nhớ mãi bài ca đầu tiên trong đời là “Yêu lầm”, từ bài hát này, cô được khán giả biết đến nhiều hơn. Lúc đó, cô được xem là người may mắn, được nhiều người giúp đỡ và ở gần sân khấu để luyện nghề.
Trong khi đó, Thanh Điền gần như là ngôi sao xấu, số khổ, khổ lắm luôn! Dù thời đó, ba của Thanh Điền là nhạc sĩ đờn ca tài tử, mẹ là võ sư, dù “chú nhóc” Điền mê như điếu đổ, nhưng đều bị cha mẹ từ chối, cấm học cả hai bộ môn này vì sợ con trai mình sẽ khổ!
Nhưng với anh, cái máu đam mê hát cải lương và đánh võ cứ ngấm ngầm, cứ mỗi lần thấy đánh võ, nghe ca hát là chịu không nổi. Thời bấy giờ không có trường lớp để học, nên “bé Điền” chấp nhận làm đệ tử cho người ta, cực lắm. Mỗi lần vãng hát là phải đấm bóp cho sư phụ, rồi lau xe, giữ xe, ngủ ngoài xe… Nhớ nhất là thời đi hát ở Huế 16 tuổi, một thân một mình, bệnh hoạn sống chết ra sao khó lường trước, nên sợ lắm.
Duyên với… người
Hỏi NSƯT Thanh Điền cơ duyên nào mà hai người gặp nhau? Anh bật mí: “Biết cô bé này lúc 12 tuổi, nhỏ xíu. Bé Huệ lúc đó ngang lắm, lì lắm, cứng đầu nữa, nhưng cá tính dữ dội như thế lại làm mình thích, nhưng chỉ là thích thôi chứ hổng có yêu nha. Lúc đầu hổng nghĩ gì cả, nhưng dần dần nó thấm. Tình yêu ngày xưa trân trọng nhau lắm, không ai dám làm điều gì ẩu, nếu không phải là báo chí đưa lên 1 bài thôi, xem như phủi sạch hết… sự nghiệp. Cho nên mỗi nghệ sĩ đều giữ hình tượng cho mình dữ lắm, dễ áp lực”.
Thanh Kim Huệ chia sẻ thêm: “Báo chí ngày xưa còn đặt danh xưng cho mình là Búp bê sàn gỗ, tới giờ khán giả vẫn còn nhớ, thậm chí buồn bực cũng hổng dám nói ra, phải nuốt lệ làm vui… không ai dám tạo scandal đâu!”.
Với Thanh Kim Huệ, ấn tượng về Thanh Điền là “một anh kép to cao, đầu trọc lóc, da đen xì… nhìn ghét lắm. Nhưng ảnh trồng cây si ghê lắm, thường xuyên ga lăng tặng bài hát để mình tập hát. Có lẽ, mưa dầm thấm lâu, cả hai đến với nhau cũng rất tự nhiên và hạnh phúc mãi đến giờ”.
Luôn khổ luyện với nghề
Với Thanh Kim Huệ, hát cải lương khó lắm, muốn ca hay phải khổ luyện. Cách nhã chữ, lấy hơi phải tập luyện kiên trì, không phải một ngày một buổi là được đâu. Cái khó nữa là thời đó, tác giả không có ghi nốt nhạc, ca diễn làm sao phải đạt được cái ý của đoạn hát đó thì thôi, điều này, ngay cả quốc tế phải nể trọng, hành văn cũng phải đúng từng câu nếu sai là xem như hư hết cả câu luôn…
Nhưng chính cái khó đó mới giúp mình khổ luyện và tồn tại được đến bây giờ. Thời đó vô đoàn hát khó lắm, làm cái gì cũng được miễn sao được hát là xem như… trúng số. Với ước mơ được làm nghệ sĩ, mà người ta cho đi theo đã là một hạnh phúc ghê gớm lắm.
Thanh Điền bồi hồi kể lại: “Cứ mỗi lần nghe tiếng trống lúc đoàn đi vòng vòng quảng cáo, khi cầm tờ quảng cáo trên tay, cứ nhìn các gương mặt nghệ sĩ là xem như mình tê tái luôn, quý lắm. Còn nhớ lúc đó mê hát quá, phải ẳm thằng em trai bên người, ẵm đến nổi lở luôn cái ba sườn mà vẫn cố để xin vào cửa xem ké, vì lúc đó đâu có tiền mà mua vé. Có lần ba biết chuyện, ổng chạy xe đạp tới cầm cây roi quất tới tấp, đau lắm nhưng sau đó vẫn cứ trốn để đi coi hát”.
Riêng Thanh Kim Huệ thuở nhỏ thường xuyên đi “coi cọp” ở rạp hát Hưng Đạo. Thời đó mỗi lần vào cửa, người lớn được quyền dẫn theo một em bé, thế là “bé Huệ” cứ rà rà theo các cô, chú, năn nỉ dẫn vào cửa để xem cải lương. Mỗi lần vào rạp xem là y như rằng đang lạc vào xứ sở thần tiên.
Theo lời Thanh Kim Huệ: “Hồi xưa muốn có một chỗ đứng vững chắc thì phải tôi luyện dữ lắm, nội việc hát một bài Lý giao duyên bằng giọng Huế phải tập một tháng trời, đặc biệt phải có sự sáng tạo của riêng mình thì mới mong có chỗ đứng. Nhớ nhất lúc tập và thu đĩa vở Lan và Điệp năm 1974, qua tuồng này khán giả ái mộ Thanh Kim Huệ rất nhiều, giúp mình nổi tiếng luôn.
Thanh Kim Huệ cùng Chí Tâm trong vở Lan và Điệp
Sự nổi tiếng này phải nhờ vào cô Sáu Liên và chú Loan Thảo chủ hãng đĩa giao vai, Chú Loan Thảo bảo: “Con cứ diễn theo cảm xúc của mình…”. Lúc đó, Thanh Kim Huệ lo lắng dữ lắm, vì mới 14 tuổi, đâu biết yêu đương là gì, vậy mà vào phòng thu, tới đoạn buồn vì anh Điệp đi lấy vợ, thế là khóc thật, khóc dữ dội đến nỗi không hát được luôn, phải thu 2 – 3 lần mới xong, dù đánh giá giọng hát lúc đó không hay lắm nhưng lớp diễn này rất thật…”.
Thanh Điển trong vở Tình ca biên giới
Thanh Điền chia sẻ thêm: “Khi Huệ vào phòng thu, tôi hổng dám ở gần, cũng hổng dám nghe kịch bản đó luôn, vì mỗi lần nghe hát, tự nhiên trong bụng trào ra cảm xúc nó làm mình dằn không được, nước mắt cứ rơi…”.
Sau khi thu vở đó xong, Thanh Kim Huệ "bật mí" không dám nhận lời bất kỳ hãng đĩa nào, "mãi đến sau này Gia Bảo mời, mình nghĩ nên để lại cái gì đó cho khán giả biết đến vở này. Khi diễn không ngờ khán giả khen quá, nhiều người nhận xét: Ca thì vẫn phong độ, diễn thì đậm đà hơn vì có hình thể… điều này khiến mình hạnh phúc quá trời”.
Kỷ niệm với cố NSND Giang Châu
Nếu ở Lan và Điệp, vai diễn của Thanh Kim Huệ là cô gái ngây thơ, trong sáng, hiền hậu, thì vai cô Hến ở vở Ngao sò ốc hến lại hoàn toàn khác, bởi Thị Hến quá ư từng trải, đanh đá… “Lần đầu đóng vai này, tôi suy nghĩ dữ lắm, phải có sự khác biệt mới mong thành công. Vở công diễn suốt 2 năm, đêm nào cũng diễn, riêng thứ bảy chủ nhật diễn 2 suất. Đến khi về tỉnh diễn, một đêm có đến 5 – 10 ngàn người trải chiếu ngồi xem, lúc đó có cả người lớn tuổi vào sớm từ lúc 4 giờ chiều, đứng chờ, có người hổng ăn cơm luôn. Cái này được xem là thời hưng thịnh của cải lương. Mình là nghệ sĩ, nên rất là hãnh diện với điều này.
Thanh Kim Huệ - Thanh Điền trong vở "Ngao sò ốc hến"
Còn nhớ vở này có có chú Giang Châu đóng vai Trùm Sò, vai này được xem là kinh điển của chú. Mỗi đêm chú phăng một kiểu, đêm nay lạy kiểu này, đêm sau lạy kiểu khác, râu cũng vậy, có lúc gắn râu, có lúc vẽ râu, mắt kính lúc thì đeo, lúc nào quên, vẽ luôn mắt kính trên mặt, ra diễn khiến Quan Huyện Thanh Điền không nhịn được cười phải diễn cương luôn: “Trùm Sò, hôm nay mắt kính mày đâu? Vậy mà chú Châu trả lời tỉnh bơ: Mắt kính đeo hoài nó mòn, con vẽ vầy cho đỡ hao! Khán giả bên dưới cười quá trời”, Thanh Kim Huệ nhớ lại.
Gặp fan cuồng trên đường diễn
Thanh Điền kể lại: “Lúc đi diễn ở miền Trung bằng chiếc xe ca 50 chỗ ngồi, đến một đoạn đường tự nhiên thấy bàn ghế, tủ… che chắn bít cả đường xe chạy. Một ông lão bước ra hỏi thẳng: “Đoàn này có Thanh kim Huệ phải không? Tại sao không hát ở xã tôi trước mà đi hát ở xã đó, tính khi dễ bà con trong làng hay sao, giờ không cho đi đâu hết, hát ở đây trước rồi mới cho đi?". Cả đoàn xanh mặt, ai nấy cũng run… Thế là Trưởng đoàn xuống năn nỉ, đích thân Thanh Kim Huệ xuống nhỏ nhẹ phân trần phải trái, hứa hẹn sẽ trở lại diễn đàng hoàng. Nghe bùi tai, sau đó họ mới chịu cho qua.
Riêng chuyện chạy show, ngày xưa nghệ sĩ không được quyền chạy show đâu. Khi ký hợp đồng là mình phải ký một năm, ký hát đĩa thì 2 năm…, nhưng bù lại người ta lo cho mình dữ lắm, tiền bạc cũng thoả đáng nên mình cũng toàn tâm mà hợp tác”.
Thanh Điền chia sẻ thêm: “Thời đó ai đi hát cũng muốn làm kép chính, nhưng phải có giọng ca đặc biệt thì mới được. Riêng bản thân tôi, tự thấy mình hát cũng được nhưng hát hoài sao hổng thấy lên. Thôi thì nhảy qua làm kép diễn, đánh đấm rất ngon lành, riêng màn bay dây trên sân khấu, tôi sáng tạo liên tục nên khán giả thích lắm. Tôi nghiên cứu riết nên giỏi và nhảy qua kịch, rồi nhảy luôn qua phim rất ngọt. Ví như bộ phim Phiên toà không chánh án của đạo diễn Việt Linh hay phim Đất Phương Nam của đạo diễn Vinh Sơn, được khán giả đón nhận rất nhiều.
Thanh Điền trong phim "Đất phương Nam"
Vai diễn ông Đạo này, tôi có một kỷ niệm không thể quên: Lúc truyền đạo cho dân chúng để chống Tây rất hùng hồn, nhưng khi bị Tây bắn phải ngã gục xuống cái ghế mà chết. Lúc đó tự dưng trời mưa đổ xuống, tiếng đạo diễn vang lên: Anh Điền, anh nằm yên đó, nằm yên nhe… Thử hỏi, khi diễn sắp chết thì trời nắng chang chang, giờ gục xuống chết, mình phải nằm cho hết cơn mưa, đạo diễn mới chịu cắt cảnh, ta nói đuối như trái chuối luôn!”.
Thanh Kim Huệ kể lại: “Ngày xưa, muốn gặp nghệ sĩ thì cứ đến ngã tư quốc tế nằm ngay giao lộ giữa đường Bùi Viện và Đề Thám, có quán cafe bên ngoài rất bình thường, như lại quy tụ tất cả các nghệ sĩ nổi tiếng thời đó. Huệ thường đến để xem mặt cô Út Bạch Lan. Có lần nhìn thấy cô Lan từ từ trên xe hơi bước xuống, phải nói, rất ư là say mê”.