Có ai từng nghĩ về việc những ngày cuối đời của mình sẽ như thế nào không? Mà, ai biết được khi nào là cuối đời? Vậy thì, hãy cố gắng có một hành trình ý nghĩa và sống một cuộc đời không hối tiếc đến tận lúc cuối cùng.
Tiến sĩ Kendal Maxwell, bác sĩ tâm lý thần kinh tại một trung tâm liên ngành dành cho những người được chẩn đoán mắc bệnh xơ cứng teo cơ một bên (ALS)*, đã chứng kiến nhiều bệnh nhân của mình ra đi. Khi nói về việc đồng hành cùng bệnh nhân trong giai đoạn cuối đời, tiến sĩ Kendal Maxwell chia sẻ rằng cô đã học được rất nhiều điều về cách giúp họ ra đi nhẹ nhàng và thanh thản - và đồng thời sống một cuộc đời có ý nghĩa. Những bài học sau đây có thể là kim chỉ nam giúp hành trình sắp tới của bạn sẽ không hối tiếc.
1. Cho phép mục đích cuộc đời bạn được thay đổi
Chúng ta đang ở trong thời đại mà từ "mục đích sống" mang nhiều sức nặng. Nó gần như đồng nghĩa với việc phải tìm cho bằng được thứ tình yêu to lớn nhất cuộc đời. Hãy nhớ rằng bạn không cần thiết phải có duy nhất một mục đích, bởi năm 20 tuổi sẽ rất khác so với năm 30 tuổi, năm 40 lại càng khác. Thêm nữa, đối với nhiều người thì mục đích sống cũng không hẳn chỉ là về công việc hay sự nghiệp. Làm sao để tìm ra mục đích sống? - Hãy thu gọn danh sách những điều quan trọng nhất của bạn xuống còn khoảng 3 đến 5 mục, sau đó tự hỏi bản thân làm sao để dẫn dắt bản thân đi đúng hướng.
2. Cho đi tình yêu một cách vô điều kiện
Sự tự do tuyệt đối là khi biết yêu thương mọi người mà không lo lắng về việc người khác sẽ nhận nó như thế nào. Một người càng có nhiều cơ hội để yêu và được người khác yêu thương thì họ sẽ càng thấy cuộc sống bình yên. Vì vậy, hãy cố hết sức để buông bỏ cơn giận dữ khi có ai đó làm sai, tử tế và đồng cảm bất cứ khi nào có thể.
3. Hãy tập trung vào hiện tại, dù là chỉ đôi khi
Hầu hết nỗi buồn của tuổi già đều bắt nguồn từ sự luyến tiếc với quá khứ. Ta tin rằng mọi thứ đáng lý phải khác đi, và đau buồn về một tương lai mà lẽ ra mình xứng đáng được có. Một thực tế là, những điều tồi tệ vẫn sẽ xảy ra với những người tuyệt vời nhất. Thật không công bằng. Ta chỉ còn cách làm an lòng mình bằng cách sống trọn vẹn từng khoảnh khắc với đôi mắt mở to, trân trọng tất thảy những gì đang có, thiền định và thực hành lòng biết ơn để nuôi dưỡng nhận thức của mình về hiện tại này.
4. Giúp đỡ người khác bất cứ khi nào bạn có thể
Có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng lòng vị tha giúp cuộc sống hạnh phúc và ý nghĩa hơn. Sẽ rất đáng giá khi mỗi ngày, mỗi tuần hoặc thậm chí là mỗi tháng bạn đều làm một việc gì đó để đền đáp bất cứ ai từng gặp trong đời. Một cách nhỏ để khiến việc này trở nên thường xuyên nhất có thể, là hãy thầm nói những từ yêu thương với những người đi ngang qua bạn, đơn giản như "Mong bạn tìm thấy sự bình yên và hạnh phúc", "Mong bạn được yêu thương", "Mong bạn thoát khỏi buồn đau"…
5. Quyết tâm tạo thói quen lành mạnh
Nhiều người vật lộn với cách sử dụng phần thời gian còn lại của mình, có người buồn chán đến mức không biết cách tạo ra một lịch trình cho bản thân. Phải có thói quen tốt để con người được phát triển, và một lịch trình cụ thể thường có ý nghĩa rất quan trọng. Rất nhiều người đến khi về già vẫn có một danh sách kế hoạch cho các chuyến du lịch, gặp gỡ bạn bè và các trò giải trí. Dù là bắt đầu sống hay đang dần kết thúc cuộc đời thì bản kế hoạch đó đều quan trọng như nhau.
6. Học cách buông bỏ bản ngã.
Buông bỏ bản ngã có thể có nhiều nghĩa và một cách hiểu về nó là "không bám víu vào cơ thể hoặc danh tính mà bạn đang sử dụng hàng ngày". Bất cứ lúc nào, một phần cơ thể của bạn sẽ ngừng hoạt động, danh tính cũng sẽ không còn thuộc về bạn nữa. Thế nên hãy tìm một hoạt động không đòi hỏi về thể chất để tách rời khỏi bản ngã và học cách linh hoạt với nó, ví dụ như thiền định.
7. Khai thác khía cạnh tâm linh của bạn
Nghiên cứu chứng minh rằng những người có đời sống tâm linh rõ ràng sẽ ít sợ cái chết hơn và cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn. Quan điểm về tâm linh không nhất thiết phải được nhìn nhận cụ thể, nhưng bạn có thể tìm thấy sự kết nối vô hình của mình đối với một niềm tin nào đó mà bạn hình dung ra được.
8. Hãy trò chuyện với chính mình về cái chết
Những người sống thoải mái nhất là những người không sợ cái chết. Họ thường coi đó là một mặt khác của cuộc sống hoặc là một chuyến phiêu lưu mới. Tự nhủ với bản thân hàng ngày rằng "Một ngày nào đó tôi sẽ chết" sẽ giúp bạn ít sợ hãi hơn khi đối diện với cái chết và luôn tập trung vào việc sống thật trọn vẹn.
Đúc kết lại:
Cuộc đời là một chuyến đi dài và nó có ý nghĩa khác nhau đối với mỗi người. Hy vọng những điều trên sẽ là hoa tiêu giúp bạn nhìn thế giới sáng rõ hơn. Sẽ không bao giờ là quá sớm hay quá muộn để tìm ra con đường của mình, nhưng nên nhớ: cách nhanh nhất để tìm thấy ý nghĩa và niềm vui là cởi mở với khoảnh khắc hiện tại. Hãy thư giãn, bạn đang làm rất tốt rồi!
Ảnh: Elly Fairytale - Pexels
*Thông tin bổ sung: Amyotrophic lateral sclerosis (ALS)được gọi là bệnh xơ cứng teo cơ một bên. Đây là một rối loạn thoái hóa thần kinh tiến triển, ảnh hưởng đến các tế bào thần kinh trong não và tủy sống. ALS gây ra sự suy yếu và teo dần các cơ, dẫn đến khó khăn trong việc vận động, nói, nuốt và cuối cùng là hô hấp. Bệnh thường dẫn đến liệt toàn thân và có thể gây tử vong do suy hô hấp. Hiện tại, chưa có cách chữa trị dứt điểm cho ALS.