ĐỜI SỐNG
Làm thế nào khi trẻ nghiện game quá đà?
Lan Hương • 29-05-2022 • Lượt xem: 500

Cuộc sống càng hiện đại thì việc vui chơi giải trí của giới trẻ ngày càng đa dạng. Đặc biệt khi ngập chìm trong thời kỳ công nghệ số, trẻ ngày càng có cơ hội tiếp xúc nhiều với các thiết bị điện tử thì việc nghiện game rất dễ xảy ra. Khi trẻ sa đà vào game, nếu không được nhận biết và kiểm soát kịp thời sẽ dẫn đến những ảnh hưởng nghiêm trọng cho cuộc sống của trẻ về trước mắt và lâu dài.
Theo thống kê của tổ chức Y tế thế giới (WHO) vào năm 2019 cho thấy rằng có đến 70 - 80% trẻ em trong độ tuổi 10 - 15 thích chơi game online hơn là các hoạt động giải trí khác. Trong đó, số trẻ em nghiện game chiếm khoảng 10 -15%. Theo WHO, nghiện game là một hành vi thuộc nhóm rối loạn tâm thần, với các biểu hiện cũng như hậu quả giống như các hội chứng nghiện khác. Nghiện game là hành vi chơi các trò chơi điện tử thời gian dài (ít nhất 12 tháng), làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, công việc, học tập và các mối quan hệ hàng ngày trong xã hội.
Với tình hình cuộc sống hiện tại, việc học tập và vui chơi của trẻ đòi hỏi tương tác nhiều với internet thì khả năng trẻ tìm đến các trò giải trí bằng game online lại càng dễ dàng. Nhiều nghiên cứu cho thấy độ tuổi trẻ em ham mê trò chơi điện tử càng ngày có xu hướng trẻ hoá, đặc biệt là ở các bé trai.
Không phải bất cứ game nào cũng xấu, đôi khi chơi game để thư giãn, có những game giúp tăng khả năng nhanh nhạy, kích thích khả năng tư duy... Tuy nhiên, ranh giới giữa chơi game để giải trí và nghiện game rất mong manh. Khi trẻ sa đà, dành quá nhiều thời gian cho game, càng chơi càng ghiền dẫn đến không kiểm soát được và nghiện game lúc nào không hay.
Nghiện game đem đến nhiều hậu quả nặng nề cả thể chất lẫn tinh thần, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của trẻ. Các hệ luỵ được kể đến như mất ngủ, chán ăn, giảm trí nhớ, ít vận động, sức khoẻ yếu, kém tập trung, hay cáu kỉnh hoặc có lúc không kiểm soát được thái độ, hành vi của bản thân.
Rất nhiều trẻ vì mê game dẫn đến học hành chểnh mảng, không hứng thú với các hoạt động thể chất, thiếu hụt kỹ năng sống, và nhiều vấn đề rối loạn hành vi cần được can thiệp. Về lâu dài, khi rơi vào nghiện game quá đà, đặc biệt với những trẻ đang trong giai đoạn hình thành nhân cách rất dễ bị ảnh hưởng theo chiều hướng xấu. Trẻ dễ dàng bị lây nhiễm, thể hiện các hành vi bạo lực, hung hăng và có nguy cơ trở thành nạn nhân hoặc thủ phạm của các vụ việc nghiêm trọng ngoài đời.
Rất dễ để nhận biết một đứa trẻ nghiện game bởi tâm trí chúng lúc nào cũng để tâm đến trò chơi điện tử. Chúng có thể chơi liên tục, thậm chí bỏ ăn bỏ ngủ và chơi game ở bất cứ đâu vào nhiều giờ liền. Trẻ có khuynh hướng thu mình không muốn tiếp xúc với mọi người xung quanh, lười tham gia các hoạt động vui chơi để có thời gian cho game nhiều hơn. Trẻ chán học, chểnh mảng việc học hành, nói dối và thậm chí bỏ học. Hoặc trẻ có hành động, lời nói giống các nhân vật trong game do nhập tâm quá đà và không kiểm soát được hành vi của mình.
Nghiện game cũng đam mê dai dẳng giống như các loại nghiện khác, bởi game có một sức hút mãnh liệt mà khi đã bị cuốn vào chỉ muốn chơi mãi không thể dừng lại. Chính vì vậy, việc cai nghiện game cần có thời gian và người đồng hành thấu hiểu, để có thể giúp trẻ thoát khỏi tình trạnh này một cách kịp thời. Hơn ai hết, bố mẹ chính là những người tốt nhất để hướng con cái đến điều tích cực và dần thoát khỏi sự u mê khi cơn nghiện game lấn chiếm con trẻ.
Phân tích để trẻ hiểu rõ tác hại của việc nghiện game
Hãy cho trẻ hiểu rõ những tác hại của việc nghiện game, đây là điều cần thiết bởi trẻ cần nhận thấy được vấn đề nghiêm trọng của việc chơi game quá đà. Rất nhiều bố mẹ thường không kìm được nóng giận khi phát hiện con mê game. Tuy nhiên đa phần trẻ ở cái tuổi nhạy cảm và dễ bốc đồng, khi nhận được thái độ cấm đoán gay gắt quá lại dễ bị phản tác dụng, trẻ có thể sẽ phản kháng và không hợp tác. Hãy khéo léo trò chuyện để con lắng nghe và tiếp thu, cùng nhau thảo luận để trẻ nhận biết đâu là tốt xấu và có thể cùng nhau lựa chọn cho trẻ loại game phù hợp.
Lập kế hoạch rõ ràng để con giảm thiểu thời gian chơi game
Không thể phủ nhận game là hình thức giải trí giúp giải toả căng thẳng, tăng khả năng tư duy, tăng sự nhanh nhạy. Chơi game còn giúp trẻ cải thiện nhiều kỹ năng tin học và thành thạo máy tính hơn các trẻ khác. Tuy nhiên, nghiện game quá đà thì lại đen đến vô vàn hệ luỵ khôn lường.
Không thể cai nghiện game bằng cách bắt trẻ dừng game đột ngột, hãy giảm thời gian từ từ để trẻ quen dần từ 30 - 45 phút mỗi ngày hoặc 1 - 2 giờ vào cuối tuần. Hãy thảo luận và thống nhất thời gian, đồng thời đưa ra lý do hợp lý để trẻ vui vẻ hợp tác. Bên cạnh đó nên có những hoạt động khác lấp đầy khoảng trống để trẻ nguôi cơn ghiền.
Hướng trẻ tiếp xúc nhiều hơn các hoạt động thể chất
Hãy nhấc con ra khỏi ghế game để hoà mình bơi lội trong dòng nước mát, sải bước trên sân cỏ, đạp xe, chơi cầu lông hay nhiều môn thể thao khác. Bố mẹ hãy cùng con tham gia tất cả các hoạt động để trẻ có động lực nhiều hơn.
Các hoạt động thể chất sẽ giúp trẻ phát triển khoẻ mạnh, trẻ được giao lưu với bạn bè đồng trang lứa, được hoà nhập với môi trường xung quanh, gia tăng kỹ năng sống và có thêm nhiều mối quan hệ xã hội. Từ đó sẽ quên dần hứng thú và sự quyến rũ của game online.
Dành thời gian cho trẻ nhiều hơn
Bố mẹ hãy dành thời gian bên con nhiều hơn, quan tâm và chia sẻ nhiều hơn để trẻ cảm thấy tin tưởng và sẵn sàng chia sẻ mọi thứ. Cùng con làm việc nhà, cùng nhau trồng cây, cùng đi dạo hay cùng thảo luận về một bộ phim vừa xem. Đây cũng là một cách để giúp con giảm bớt thời gian rảnh và không còn nghĩ đến các trò chơi trực tuyến. Hãy cùng con trải nghiệm những chuyến du lịch gần xa, khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động cộng đồng, phát triển năng khiếu để giúp con cân bằng cuộc sống.
Thời gian đầu chắc chắn sẽ rất khó khăn và không mấy suôn sẻ. Tuy nhiên việc gì cũng cần sự cố gắng và kiên trì từ nhiều phía. Quan trọng hơn hết, muốn hướng con rời xa cơn ghiền game vô bổ thì chính bố mẹ hãy là những tấm gương tích cực và có một cuộc sống lành mạnh để con trẻ noi theo.