Theo WHO, thế giới hiện có khoảng 280 triệu người bị trầm cảm. Cứ mỗi năm, 700 ngàn người tự tử có các biểu hiện liên quan đến trầm cảm. Triệu chứng tâm lý này không phân biệt giới tính hay độ tuổi, giàu nghèo hay giai cấp. Trầm cảm không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe cá nhân mà còn tác động xấu đến gia đình và xã hội.
Hiểu đúng về trầm cảm
Bệnh trầm cảm tên tiếng Anh là depression. Đây là triệu chứng rối loạn tâm trạng. Người bệnh thường có biểu hiện buồn bã, tiêu cực; không thiết tha gì cả với sở thích hay đam mê trước đây. Trường hợp tệ hơn, bệnh nhân sẽ có những hành động tiêu cực gây tổn thương đến sức khỏe bản thân (tự hại) và những người xung quanh.
Một thống kê cho biết 80% dân số thế giới đã (hoặc sẽ) bị trầm cảm ít nhất một lần trong đời.
Trên thực tế, trầm cảm khá phổ biến. Tuy nhiên vì là bệnh về tâm thần (tâm lý) nên khó phát hiện. Nhiều người cho rằng chỉ khi trải qua các biến cố lớn (phá sản, bị phụ bạc, ước mơ tan vỡ...) thì mới bị trầm cảm. Thế nhưng thực tế những sự kiện lẽ ra là chuyện vui cũng có thể gây ra trầm cảm (kết hôn, sinh con, thăng chức...).
Mối liên hệ giữa giấc ngủ và trầm cảm
Cả hai gắn bó chặt chẽ với nhau. Bởi một trong những dấu hiệu của trầm cảm chính là rối loạn giấc ngủ. Người có giấc ngủ chập chời, khó ngủ, thức đêm ngủ ngày, mất ngủ... rất có thể đã bắt đầu bị trầm cảm. Và người bị trầm cảm ở mức độ càng nặng thì giấc ngủ càng không tốt.
Tuy vậy, rối loạn giấc ngủ chỉ là một trong những dấu hiệu để phát hiện trầm cảm. Những biểu hiện khác cả về thể chất lẫn tâm lý đều có thể là manh mối. Cơ thể người bị trầm cảm có thể thường xuyên bị đầy hơi hoặc có những cơn đau nhức không rõ nguyên nhân.
Đau lưng, đau khớp, hay mệt mỏi... cũng là những biểu hiện đáng ngờ của trầm cảm.
Người bệnh cũng thường xuyên biểu hiện mất tập trung trong công việc, học tập hoặc thậm chí cả khi đang giải trí. Điều này làm giảm hiệu quả công việc và dễ phạm sai lầm hay gặp sự cố hàng ngày.
Một dấu hiệu khác cho thấy bệnh tình nặng hơn là tâm lý khó chịu, cau có, hoặc buồn rầu ủ rủ. Người bệnh dễ nổi giận vì những điều nhỏ nhặt (đồ ăn không ngon, tiếng ồn, sự chờ đợi). Vì vậy, người trầm cảm dễ xảy ra xung đột với môi trường xung quanh.
Không chỉ thể chất hay tâm lý, cả việc ăn uống cũng trở thành vấn đề: có người ăn nhiều hơn nhưng cũng có người không hứng thú gì với những món yêu thích. Điều này dẫn đến sự sụt giảm cân thất thường của người bị trầm cảm. Họ có thể ốm yếu gầy gò hoặc tăng cân béo phì nhanh chóng.
Nhìn thẳng vào cơn trầm cảm chính là bước điều trị đầu tiên
Trầm cảm là một triệu chứng rối loạn tâm lý. Và người bị trầm cảm sẽ có xu hướng bài trừ tiếp xúc với người khác. Do đó, một khi đã bị trầm cảm thì người đáng tin cậy nhất có thể dựa vào chính là bản thân mỗi người. Sự trợ giúp đến từ bên ngoài nếu có thì hiệu quả cũng rất hữu hạn.
Chỉ bạn mới có thể giúp được chính bản thân mình khi bị trầm cảm.
Do đó, việc nhìn thẳng vào chính bản thân, thừa nhận bản thân đang bị trầm cảm là một việc cực kỳ quan trọng. Và một khi làm được điều này thì việc tự chữa lành đã thành công một nửa.
Làm sao để có thể nhận ra bản thân đang trầm cảm?
Có một số cách thức cực kỳ hữu hiệu như: viết nhật ký, thiền, yoga, hay thậm chí ngồi một mình mỗi tối 30 phút để tự nhìn vào chính mình. Nếu chưa có một trong những thói quen trên, hãy bắt đầu tập luyện một trong số đó càng sớm càng tốt. Ít ra, bạn sẽ nhận biết bản thân đang không ổn, đang có vấn đề, đang có những triệu chứng bất thường gì? Sau đó có thể đưa ra được những biện pháp phù hợp với nó.
Dành thời gian cho bản thân
Một nghịch lý hiện nay là mọi người thường dành quá nhiều thời gian ngoài xã hội, cho sự nghiệp, cho thăng tiến, cho những mối quan hệ bên ngoài... trong khi bản thân mình thì lại hiếm khi quan tâm đến. Sự mất cân bằng này có thể đã diễn ra trong một thời gian rất dài. Và do đó, trầm cảm đến như một kết quả tất yếu. Đó là sự phản ứng một cách đầy bất lực của cơ thể. Bởi bạn đã không dành đủ thời gian quan tâm đến chính mình.
Triệu chứng đặc trưng nhất của trầm cảm là không thích giao tiếp với mọi người xung quanh. Nếu bạn đã không chịu dành thời gian quan tâm tới chính mình thì cơ thể sẽ bắt bạn làm điều đó thông qua cơn trầm cảm.
Hãy làm bạn với nó
Sai lầm phổ biến của rất nhiều người là họ sẽ tìm đến những giải pháp bên ngoài để che lấp cơn trầm cảm: đi “quẩy”, bù khú với bạn bè, vùi đầu vào công việc... Tuy nhiên đây chỉ là biện pháp tạm thời bởi cơn trầm cảm sẽ trở lại nhanh chóng.
Hãy cho bản thân đủ chất liệu bình yên để làm bạn với cơn trầm cảm.
Biện pháp tốt hơn là làm bạn với cơn trầm cảm. Nhìn thẳng vào tâm trí bản thân để biết và thừa nhận bản thân bị trầm cảm; thừa nhận rằng cơn trầm cảm đang tồn tại. Và hãy cho bản thân ở một mình ở một không gian bình yên để có thể làm bạn với cơn trầm cảm. Khi bạn đã chấp nhận bản thân mình trầm cảm, nhìn thẳng vào cơn trầm cảm thì rất ngạc nhiên là cơn trầm cảm sẽ khó có thể gây nguy hại như trước.
Dĩ nhiên nó vẫn ở đó, thế nhưng đã “hiền” đi rất nhiều. Bởi bạn dành đủ tâm trí “canh chừng”, không cho nó chạy lung tung phá phách như trước nữa. Qua thời gian, cơn trầm cảm sẽ dần dần suy yếu và biến mất khi bạn đã làm chủ tâm trí, làm chủ bản thân được tốt hơn.
Nghĩ theo một chiều hướng tích cực thì cơn trầm cảm chính là một cơ hội để mỗi người nhìn lại bản thân. Nó là hồi chuông cảnh báo khi mọi người bị cuốn vào những hoạt động bên ngoài quá nhiều. Đừng sợ hãi hay trốn tránh, hãy lắng nghe cơn trầm cảm và xem bạn có thể làm gì để chăm sóc bản thân tốt hơn.