Cứ đến khoảng những ngày đầu năm, mọi người sẽ bước vào công cuộc lập kế hoạch cho một năm mới. Hàng loạt gạch đầu dòng được kể ra, từ chăm lo cá nhân, sửa sang nhà cửa, phát triển sự nghiệp đến cải thiện năng lực tài chính. Thế nhưng để thực hiện kế hoạch một cách thành công nhất vẫn là bài toán khó của nhiều người.
Hầu như những dự định đã liệt kê lại có nguy cơ sụp đổ ngay sau quãng thời gian ngắn. Theo nghiên cứu của N26, ít nhất 80% mục tiêu năm mới sẽ bị loại bỏ trong tháng 2, ngay sau Tết.
Đâu là nguyên nhân khiến chúng ta ít khi theo kịp các kế hoạch đã đặt trước? Sau một năm, chúng ta hay nhìn về những gì đã và chưa thể làm được. Nhiều người cảm thấy thất vọng với các kế hoạch thất bại hoặc dự định bỏ lỡ. Tuy nhiên, bạn nên biến sự thất bại của năm cũ trở thành mục tiêu năm mới. Thay vì bỏ cuộc, chúng ta hãy luôn cố gắng thực hiện các dự định đã đặt ra.
Tâm lý muốn xác định nhiều mục tiêu cho năm mới
Nhiều bạn trẻ tin khi lập kế hoạch sẽ dễ dàng nhìn ra những con số cụ thể của sự tiến bộ và thành công. Họ có thể thấy được điểm khởi đầu và cái kết. Cảm giác hạnh phúc khi thấy tốc độ phát triển hàng tháng của bản thân cũng là một sự khích lệ.
Ngoài ra, năm mới khiến con người nghĩ xa hơn nữa tới tương lai và đến một phiên bản hoàn thiện của riêng mình. Các viễn cảnh xuất hiện trong não sẽ cực kỳ hấp dẫn và có khả năng kích thích cao, nhưng chúng chỉ tồn tại trong thời gian tương đối ngắn ngủi.
Nhiều người có sự tham lam khi lập kế hoạch. Theo họ, thành công chỉ thực sự tồn tại ở chiến thắng cuối cùng. Nếu không, tất cả sẽ là đống lộn xộn thất bại. Vì vậy, họ không được phép thực hiện sai lầm, cho dù là những việc nhỏ bé.
Thoáng nghe, nhiều người sẽ nghĩ rằng họ đang có nỗ lực cao để đạt và thực hiện mục tiêu. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu tại N26 thì đây lại là lý do quan trọng nhất khiến các bạn bắt đầu chán nản và từ bỏ dự định khi bắt đầu tháng 2.
Suy nghĩ "hoặc có tất cả hoặc không có gì" dễ dàng khiến bạn trẻ tự hủy hoại mình. Chẳng hạn, chỉ cần một thất bại cơ bản là cá nhân nhanh chóng nghĩ mình kém cỏi và không xứng đáng với thành công. Trong tiềm thức, họ quay ra ngờ vực với bản thân mình và ngăn cản việc thực hiện mục tiêu ban đầu.
Nhiều bạn trẻ tin khi lập kế hoạch sẽ dễ dàng nhìn ra những con số cụ thể của sự tiến bộ và thành công
Thích nghĩ những kế hoạch to tát
Trong niềm hứng khởi đầu năm mới, bạn dễ dàng đề ra rất nhiều kế hoạch không hề thực tế so với đời sống của mình. Vấn đề nằm ở chỗ, bạn đang mong muốn có một kế hoạch thật sự ấn tượng mà không nghĩ về việc thực hiện chúng. Mải nghĩ rằng kế hoạch quá xa xôi khiến bạn không thể thoát được cái kết cục thất bại, tốn nhiều thời gian và sức lực.
Kế hoạch thiếu tính logic cụ thể
Đôi khi, những mục tiêu năm mới khó thành công là bởi chúng rất chung chung. Đọc sách nhiều hơn, ăn thực phẩm lành mạnh hay tiết kiệm tiền bạc là những dẫn chứng của việc thiếu sự rõ ràng, logic trong thực tế.
Cần làm gì để có được một kế hoạch đúng?
Chấp nhận sự thất bại
Một số người thường không muốn suy nghĩ đến các mục tiêu chưa đạt được của năm trước. Họ không dám thú nhận bản thân đã thất bại vì nghĩ đơn giản đó là dấu hiệu của sự yếu kém. Sự mặc cảm và tự ti sẽ che mờ đi bài học quý giá trong mỗi cú vấp ngã, thất bại. Để dũng cảm thừa nhận thất bại, bạn cần bỏ qua cái tôi và can đảm đối diện với nó.
Khi nhớ về những điều bản thân chưa làm được, bạn sẽ nhận thấy giới hạn của chính mình. Từ đấy, bạn có thể cân nhắc điều chỉnh mục tiêu thích hợp với bản thân và môi trường sống. Đón nhận thất bại là khởi đầu trên đường tích lũy kiến thức và học hỏi.
Hình dung về tương lai và đối chiếu bản thân hiện tại
Bạn có thể sử dụng trí tưởng tượng phong phú để phác họa chân dung bản thân trong 6 tháng hoặc một năm tiếp theo. Nhờ đó, bạn sẽ có nhiều cảm hứng hành động để xây dựng một phiên bản hoàn hảo hơn nữa của chính mình.
Chúng ta hay phá vỡ lời cam kết với bản thân khi đang đối diện với khó khăn. Mỗi lần đối mặt thách thức, bạn cần ngay lập tức nghĩ đến sự thành công có thể đạt tới nếu quyết tâm và nỗ lực hơn nữa.
Chúng ta hay phá vỡ lời cam kết với bản thân khi đang đối diện với khó khăn
Phá vỡ rào cản
Chấp nhận thất bại và bắt đầu thách thức bản thân là hành động cần có nhằm hoàn thành mục tiêu. Sức mạnh tiềm ẩn của bạn là vô tận. Bạn có năng lực làm nhiều điều phi thường và bước lên ranh giới tự đặt ra bản thân. Chiến thắng bản thân chính là điều bạn nên tự hào nhất.
Biết mình muốn như thế nào
Hãy cố gắng đặt mục tiêu cá nhân và công việc cùng một lúc bởi chúng sẽ tác động đến nhau rất chặt chẽ. Bạn có thể tự hỏi bản thân: “ Sự nghiệp và cuộc sống của mình sẽ ra sao? Một cuộc sống lý tưởng mình muốn là gì?“ sau đó đặt ra những mục tiêu công việc cụ thể.
Một số mục tiêu công việc quan trọng nhất là để tăng thu nhập hay có công việc mới. Nếu đây là một trong nhiều mục tiêu của bạn thì nên xem xét các kĩ năng bạn cần có nhằm đạt đến điều đó.
Hãy luôn biết mình muốn gì trước khi lập kế hoạch
Tập trung đề ra mục tiêu cụ thể
Có nhiều người đặt mục tiêu bởi vì họ nghĩ chính bản thân cần phải hành động như thế hoặc họ đang so sánh mình với người ta chứ không hề nghĩ đến kết quả đằng sau các mục tiêu đó.
Hãy nghĩ tới lý do bạn cần đặt mục tiêu này và nó sẽ thay đổi cuộc sống của bạn như thế nào, ảnh hưởng lên nhiều người chung quanh bạn ra làm sao và mục đích đằng sau chúng là gì. Điều này sẽ giúp bạn đặt thêm nhiều các mục tiêu rõ ràng khác đối với bản thân và để bạn có cảm hứng làm việc trong cả năm.
Luôn bám sát tiến độ
Hãy kiểm tra lại tiến độ và những mục tiêu đã đặt ra sau mỗi một quý hoặc mỗi tháng. Đừng ngại chỉnh sửa lại tiến độ công việc hay kéo dài thời gian nếu có ưu tiên những kế hoạch.
Tạo một thư mục lưu trữ bất kỳ lời khen tặng, thành tựu hay chiến thắng nho nhỏ nào mà bạn đạt được trong các hoạt động sẽ cho phép bạn giám sát tiến độ của bản thân. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể sử dụng những phần mềm quản lý dự án để cùng chia sẻ mục tiêu của mình với một người bạn thân, người sẽ cùng theo dõi và nhắc nhở bạn.