ĐỜI SỐNG

Lâu đài Bojnice nổi tiếng và truyền thuyết ít người biết đến

Lan Hương • 20-07-2023 • Lượt xem: 1179
Lâu đài Bojnice nổi tiếng và truyền thuyết ít người biết đến

Lâu đài Bojnice được xây dựng vào thế kỷ 12 là một trong những địa điểm đón tiếp hàng trăm ngàn du khách ghé thăm mỗi năm. Nơi đây không chỉ thu hút bởi vẻ đẹp như trong truyện cổ tích mà còn là câu chuyện về nỗi oan khuất của người phụ nữ bất hạnh từng sống trong lâu đài cổ này.

Slovakia – một quốc gia nằm trong lục địa Đông Âu tuy có diện tích nhỏ bé nhưng chứa đựng nhiều điều thú vị với thiên nhiên trù phú, với những công trình kiến trúc đồ sộ. Đặc biệt hơn cả, được biết đến là đất nước có mật độ lâu đài dày đặc nhất thế giới, Slovakia chính là nơi tọa lạc của lâu đài Bojnice cổ kính với thăng trầm lịch sử qua nhiều thế hệ.

Lâu đài nằm trên ngọn đồi đá ở thị trấn Bojnice, cách thủ đô Bratislava của Slovakia khoảng 270 km về hướng Đông Bắc. Đây là di tích lâu đời và quan trọng của Slovakia, được xây dựng theo phong cách kiến trúc Roman và một số yếu tố của kiến trúc Gothic.

Lâu đài nổi bật với những ngọn tháp màu xanh và những bức tường cổ kính.

Lâu đài được sở hữu của nhiều gia đình quý tộc

Lâu đài được nhắc đến đầu tiên trong một tài liệu tại Tu viện Zobor vào năm 1013. Ban đầu nó được xây dựng bằng gỗ như một pháo đài, và dần được thay thế bằng đá vào thế kỷ 13 bởi gia đình Poznan.

Cuối thế kỷ 13, lãnh chúa Matus Cak Trenciansky chiếm giữ Bojnice và lâu đài thuộc về ông cho đến năm 1321. Sau đó vào thế kỷ 14, 15 lâu đài thuộc sở hữu của các gia đình quý tộc Gileths và Leustach.

Năm 1489, Jan Korvin con trai của vua Matej Korvin nắm quyền sở hữu lâu đài. Sau khi nua Matej chết, lâu đài đã bị chiếm giữ bởi quân đội Zapolsky cho đến năm 1526. Năm 1527, lâu đài được vua Ferdinand I trao lại cho Alexej Thurzos và được tái thiết thành nơi ở trong thời Phục hưng.

Trải qua nhiều thế kỷ với nhiều chủ sở hữu, chủ nhân cuối cùng của lâu đài là Bá tước Jan Frantisek Palfi. Với sự trợ giúp của kiến trúc sư Jozef Hubert, Palfi đã tái thiết lại tòa lâu đài mang vẻ đẹp lãng mạn theo kiến trúc tân Gothic. Công cuộc xây dựng kéo dài 22 năm (từ 1889 đến 1910), tuy nhiên Palfi đã qua đời vào 1908 trước khi lâu đài kịp hoàn thành.

Được biết Bá tước Palfi không có bất kể người thừa kế nào trong gia đình, vì vậy sau khi ông qua đời, mâu thuẫn đã nổ ra giữa người thân của ông vì tranh chấp tài sản. Sau các cuộc tranh chấp và đấu giá, đến năm 1950 lâu đài đã trở thành một phần không thể thiếu của Bảo tàng Quốc gia Slovak.

Nhìn từ ngoài, lâu đài Bojnice với những ngọn tháp màu xanh teal, những bức tường đá tông màu ấm khiến bao du khách phải trầm trồ. Đi vào bên trong, đại sảnh vàng kim hiện ra với những thiên thần xinh đẹp bằng vàng lá trên trần nhà. Lâu đài còn sở hữu cả một kho vũ khí gồm giáo, kiếm và áo giáp. Hầu như các nội thất cổ trong lâu đài vẫn được bảo tồn nguyên vẹn.

Đại sảnh vàng kim nguy nga tráng lệ.

Bên trong lâu đài với các đồ nội thất được bảo quản dường như nguyên vẹn.

Cảnh quan bên ngoài lâu đài còn có công viên thiên nhiên, sở thú và cây bồ đề của vua Matthias tuổi thọ 700 năm, đây là một trong những cây cổ thụ lớn tuổi được ghi nhận tại Slovakia.

Cây bồ đề của vua Matthias có tuổi thọ khoảng 700 năm tuổi.

Truyền thuyết về nỗi oan khuất ít được biết đến

Lâu đài là nơi thường xuyên diễn ra lễ hội quốc tế về ma được tổ chức hằng năm vào cuối tháng 4, đầu tháng 5 bởi câu chuyện huyền thoại ít người biết đến.

Truyền thuyết kể lại rằng, lâu đài Bojnice từng có một vị chủ nhân là tướng lĩnh quân sự, ông và phu nhân của mình (mọi người kính trọng gọi bà là Black Lady) trải qua cuộc sống vô cùng hạnh phúc trong lâu đài. Bà là người đức hạnh, xinh đẹp, và sở hữu tất cả những gì mà người khác mong muốn. Tuy nhiên vì lòng ghen ghét và đố kỵ, họ hàng của vị tướng lĩnh này đã tung tin đồn phu nhân của ông không chung thủy.

Trong cơn tức giận, vị tướng lĩnh đã quyết định thử thách sự trong trắng của vợ mình bằng cách yêu cầu bà nhảy từ tòa tháp cao nhất xuống con hào bên dưới cùng người con mới sinh của họ, nếu còn sống sót, sẽ chứng minh được sự trong sạch của bà.

Rồi ngày đó cũng đến, mọi người trong làng tập trung đến để xem vị tướng có đổi ý không, nhưng phu nhân ngài đã không do dự mà bế con nhảy xuống vì bà biết mình vô tội. Trước khi chạm nước, bà đột nhiên lơ lửng trên không trung rồi bay lên ngay sau đó, còn những người tung tin đồn lập tức biến mất như một làn khói. Cho đến bây giờ, Black Lady vẫn lang thang khắp nơi trong tòa lâu đài cùng chiếc áo choàng đen và kể câu chuyện oan khuất, những nỗi bi thương của mình trong quá khứ.

Cho đến nay, lâu đài Bojnice vẫn được xem là công trình kỳ vĩ, lãng mạn, ẩn chứa cảm xúc vượt thời gian và trở thành một trong những địa điểm du lịch được yêu thích hàng đầu.