ĐỜI SỐNG

Lâu đài Heidelberg - Một kiến trúc tuyệt mỹ từng tồn tại

Bài và ảnh: Hà Thành • 29-06-2023 • Lượt xem: 1870
Lâu đài Heidelberg - Một kiến trúc tuyệt mỹ từng tồn tại

Dù là một phế tích, song lâu đài Heidelberg vẫn là một điểm đến du lịch nổi tiếng ở nước Đức vì những giá trị văn hóa, lịch sử. Bản thân những gì còn sót lại vẫn cho thấy một kiến trúc huy hoàng và tuyệt mỹ từng tồn tại.

Bất kỳ một khách du lịch nào khi tới thăm nước Đức đều khó có thể bỏ qua điểm du lịch rất đặc biệt này. Lâu đài cổ Heidelberg tọa lạc trên một ngọn đồi cao của thung lũng Neckar thuộc vùng Baden-Württemberg. Mặc dù công trình kiến trúc này vẫn đang được trùng tu, xây dựng lại nhưng nó vẫn có một giá trị lịch sử và giá trị kiến trúc đặc biệt. Nơi đây không chỉ ghi lại những dấu tích lịch sử hào hùng của nước Đức trải dài từ thế kỷ 13 đến cuối thế kỷ thứ 18, mà còn là công trình mang đậm nét tiêu biểu cho những hình thái kiến trúc đã hình thành và phát triển rực rỡ trong thời kỳ này.

Toàn cảnh lâu đài Heidelberg

Theo nhiều tài liệu còn ghi lại thì tòa lâu đài được bắt đầu xây dựng từ khoảng năm 1214. Ban đầu nó chỉ là một pháo đài của vùng. Từ đó cho tới thời kỳ phục hưng, nó đã được nâng cấp từ pháo đài lên thành một lâu đài với kiến trúc kiên cố và tiện nghi. Trong suốt thế kỷ thứ 16, kiểu dáng kiến trúc của lâu đài cũng thay đổi, từ kiến trúc Gothic trung cổ chuyển dần sang kiến trúc phục hưng. Từ thời vua Elector Ludwig V (1508-1544), tòa lâu đài đã mang dáng dấp như những phần còn tồn tại cho tới ngày nay. Đó là những ngôi tháp tròn kiên cố xây dựng liền với tường lâu đài, khu thư viện…Tới thời vua Elector Otto Heinrich (1556-1559), tòa thành một lần nữa được mở rộng và trở thành kiến trúc phục hưng tiêu biểu nhất cho vùng  bắc Alpes.

Một lối vào lâu đài

Những khung cửa sổ còn sót lại của khu thư viện

Lâu đài Heidelberg cũng cho thấy sự hiện diện của kiến trúc Baroque trước khi kiến trúc này trở thành phổ biến ở Đức. Vua Elector Friedrich IV (1592-1610) đã kết hợp kiến trúc Phục hưng - Baroque bằng việc xây dựng thêm khoảng sân rộng phía trước lâu đài, từ đó có thể nhìn toàn cảnh thành phố Heidelberg.

Những tháp tròn với kết cấu rất kiên cố ở các góc của lâu đài

Mặc dù bị vây khốn trong suốt 30 năm của cuộc chiến tranh 1618-1648, tòa lâu đài vẫn không hề bị hư hại đáng kể. Tuy nhiên trong cuộc chiến ly khai phục hưng, còn được biết đến với tên khác là cuộc chiến Orleans vào năm 1688-1689, quân đội kỵ binh Pháp đã phá hủy tòa lâu đài cũng như thành phố Heidelberg và thêm một lần nữa vào năm 1693. Việc xây dựng lại lâu đài cũng như thành phố bị trì hoãn và cho tới năm 1720, chính quyền thời đó đã quyết định dời đến Mannheim, nơi có một công trình kiến trúc Baroque lớn nhất của nước Đức. Năm 1764, sét đánh và hoả hoạn tiếp tục phá huỷ lần nữa toàn lâu đài mới được tu sửa. Nhưng phế tích  lâu đài đã trở thành biểu tượng cho tinh thần yêu nước chống lại sự đàn áp của Napoléon.

Một số tổ hợp kiến trúc của lâu đài cho thấy sự pha trộn, chuyển đổi trong phong cách kiến trúc

Trong suốt thế kỷ 19, một phần của tòa lâu đài đã được xây dựng lại và công việc này vẫn còn tiếp tục cho đến ngày nay. Tuy vậy,  những thông điệp của thời gian mà tòa lâu đài mang trong mình vẫn được truyền tải nguyên vẹn tới khách tham quan.

Thung lũng Neckar nhìn từ lâu đài

Toàn cảnh thành phố Heidelberg nhìn từ lâu đài