ĐỜI SỐNG

Lễ Chol Chnam Thmay - nơi tình người được gắn kết

T.H • 15-04-2021 • Lượt xem: 3097
Lễ Chol Chnam Thmay - nơi tình người được gắn kết

Lễ Chôl Chnăm Thmây là Tết cổ truyền của người Khmer. Đó là những ngày thật tưng bừng được diễn ra tại chùa và các phum sóc. Trong tiếng Khmer, “Chol Chnam Thmay” có nghĩa là “Mừng năm mới”. Và đây chính là thời điểm để mọi người gắn kết nhau hơn.

Theo tác phẩm “Chân Lạp Phong Thổ Ký” của tác giả Châu Đạt Quan, Tết Chol Chnam Thmay là một trong những ngày lễ trọng đại nhất trong năm của người Khmer. Tết Chol Chnam Thmay cũng là ngày tết quan trọng nhất trong năm của đồng bào Khmer Nam Bộ (Việt Nam) và thường được tổ chức vào trung tuần tháng 4 dương lịch hàng năm.

Người Khmer dùng Phật lịch để tính ngày tháng, và ngày bắt đầu năm mới sẽ được tổ chức khoảng đầu tháng Chét (tháng 4 dương lịch), đây cũng chính là thời điểm thu hoạch mùa màng trong năm, sau một vụ mùa bội thu, người dân vui mừng hớn hở tạ ơn Phật đã phù hộ và tổ chức hàng loạt các hoạt động vui chơi giải trí và cầu mong cho vụ mùa bội thu trong năm tới.

Người Khmer là tín đồ sùng đạo của Phật giáo Tiểu thừa (Phật giáo Nam Tông), do sự tương đồng về địa lý và lịch sử, văn hóa và dân tộc của người Khmer vùng đất Nam Bộ (Việt Nam) có sự tương đồng với các nước Phật giáo Nam Tông láng giềng như Cambodia, Lào, Thái Lan, Myanmar là những nơi mà Phật giáo được lan truyền, bén rễ một cách tự nhiên, sâu sắc trong tâm thức văn hóa cộng đồng người Khmer nơi đây.

Tết Chol Chnam Thmay hay còn gọi là Tết đón năm mới của người Khmer là lễ lớn và được mong đợi nhất trong năm. Người Khmer chờ đón 3 ngày Tết để đến chùa cầu nguyện mọi người trong gia đình được an vui, mùa màng trong năm mới được tươi tốt bội thu và cũng là dịp để thể hiện lòng hiếu kính đối với ông bà, cha mẹ.

Hoạt động của ngày tết này kéo dài liên tiếp trong 3 ngày: Ngày thứ nhất gọi là “Maha Songkran”, đây là ngày mọi người đến chùa dâng hương, cúng tế tổ tiên. Vào ngày này, người Khmer sẽ dùng nước thơm để rửa mặt buổi sáng, tắm rửa thân thể vào buổi chiều và rửa chân vào buổi tối. Ngày thứ hai gọi là “Virak Wanabat”, đây là ngày mọi người sẽ bố thí cho những người bất hạnh, cơ nhỡ. Ngày thứ ba gọi là “Tngay Leang Saka”, đây là ngày mọi người dung nước thơm để tắm Phật, trẻ nhỏ dùng nước thơm để rảy lên người các bậc trưởng bối, họ cho rằng làm như thế sẽ đem đến sự trường thọ và hạnh phúc.

Cơ hội để tăng tình kết nối

Do đại dịch COVID-19 diễn ra phức tạp, các sinh viên Campuchia đã 2 năm không được về quê đón tết cùng gia đình và người thân, Chol-Chnam-Thmay năm nay cũng vậy. 

Vì thế, nhân dịp Tết cổ truyền Chol-Chnam-Thmay 2021, Trường ĐH Y dược Cần Thơ đã tổ chức các hoạt động văn nghệ, trò chơi dân gian sôi nổi ngay tại trường, giúp sinh viên dân tộc Khmer và học viên Campuchia theo học có một cái tết đầm ấm.

Bà Nguyễn Minh Phương - chủ tịch Hội đồng Trường đại học Y dược Cần Thơ - nói: "Chúng tôi mong muốn Tết Chol-Chnam-Thmay trong mái nhà chung Trường đại học Y dược Cần Thơ diễn ra thật đầm ấm, vui vẻ. 

"Chol-Chnam-Thmay sẽ là tết của sự gắn kết - tết của sự yêu thương và che chở. Với tinh thần đó, nhà trường mong các sinh viên quốc tịch Campuchia và sinh viên Khmer đón Tết Chol-Chnam-Thmay trong tinh thần nêu cao sự an toàn sức khỏe và phòng chống dịch bệnh COVID-19", bà Phương cho biết.

Trong khi đó tại TPHCM, sáng 14/4, tại chùa Phổ Minh, quận Gò Vấp, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TPHCM (HUFO) cùng Ban Phật giáo Quốc tế, Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM tổ chức Lễ hội Tết cổ truyền Campuchia - Lào - Myanmar - Thái Lan năm 2021, nhân dịp Tết năm mới - Tết Chôl Chnăm Thmây của Campuchia, Bun-pi-may của Lào, Thing-yang của Myanmar và Song-kran của Thái Lan.

Tham dự buổi lễ có đại diện Tổng Lãnh sự quán các nước Campuchia, Lào, Thái Lan tại TPHCM; đại diện lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM; Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TPHCMcùng đại diện cộng đồng doanh nhân, sinh viên, học sinh người Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan đang làm ăn, sinh sống và học tập tại TPHCM.

Tại buổi lễ, bà Ratiwan Bonprakhong, Trưởng đại diện Văn phòng du lịch Thái Lan tại TPHCM bày tỏ niềm vinh dự, vui mừng tham dự Lễ hội Tết cổ truyền Campuchia - Lào - Myanmar - Thái Lan tổ chức tại TPHCM và cho rằng, việc tổ chức Lễ hội Tết cổ truyền này đưa các người dân các nước Campuchia - Lào - Myanmar - Thái Lan - Việt Nam đến gần nhau hơn, thể hiện tình cảm, sự đoàn kết và thống nhất cùng chung tay phòng, chống dịch COVID-19 để xây dựng, phát triển đất nước.