ĐỜI SỐNG

Lễ khai giảng đơn sơ tại trường vùng cao

Lan Hương • 05-09-2022 • Lượt xem: 425
Lễ khai giảng đơn sơ tại trường vùng cao

Hòa nhịp với không khí rộn ràng trong lễ khai giảng năm học mới trên cả nước, các bạn học sinh vùng cao cũng vô cùng hân hoan với buổi khai giảng đơn sơ nhưng ấm cúng của riêng mình.

Lễ khai giảng năm học mới 2022 – 2023 đã diễn ra trong sự háo hức của hàng triệu học sinh sau thời gian dài gián đoạn vì dịch bệnh. Ở một số nơi vùng cao thuộc các huyện miền núi, các điểm trường xa xôi cũng đã ghi nhận những hình ảnh cô trò đón mừng ngày hội đến trường trong bầu khí thiêng liêng và đầy cảm xúc.

Có những buổi khai giảng đơn sơ như thế

Điểm trường thôn 5 Tu Nấc thuộc xã Trà Cang, huyện Nam Trà My hiện có tất cả 54 học sinh, tất cả đều là con em người đồng bào Xơ Đăng. Hầu hết người dân nơi đây đều thuộc diện khó khăn, chưa có nước sạch, chưa có điện lưới, đời sống nhân dân phụ thuộc vào nương rẫy là chủ yếu.

Chỉ với một tấm phông đơn sơ với dòng chữ lễ khai giảng năm học 2022 – 2023 dựng tạm giữa triền đồi, các em bé đồng bào tay cầm cờ Tổ quốc cùng cô thầy nghiêm trang dự lễ chào cờ khai mạc năm học mới.  

Điểm trường Tu Nấc là một trong 15 điểm trường khó khăn, chưa có đường giao thông. Để đến được trường từ trung tâm huyện Nam Trà My, phải trải qua 1 giờ đi xe máy và 2 giờ đi bộ vượt qua những đoạn đường núi cheo leo vất vả.

Cô Nguyễn Thị Têu, giáo viên tại điểm trường chia sẻ: “Với điền kiện cơ sở vật chất vô cùng khó khăn, thức ăn giáo viên phải tự mua dưới huyện mang lên. Mọi sinh hoạt đều hết sức khiêm tốn thế nhưng các thầy cô vẫn hết lòng bám bản để mang con chữ đến với các học trò của mình”.

Điểm trường Tắk Pổ thuộc xã Trà Tập, huyện Nam Trà My cũng có một lễ khai giảng đơn sơ không kém. Cô và trò học tạm trong ngôi nhà bằng gỗ lợp tôn trong khi chờ điểm trường mới đang xây dựng.

Tuy là trường tạm, điều kiện thiếu thốn nhưng lễ khai giảng ở đây cũng được chuẩn bị chu đáo và tươm tất. Với chiếc bàn nhỏ đặt di ảnh Bác Hồ, trên bục lễ cô giáo mặc áo dài, hân hoan đọc thư chúc mừng khai giảng năm học mới. Lớp học trang trí bóng bay, các em học sinh nghiêm túc hát Quốc ca chào mừng năm học. Đến tham dự buổi lễ có đại biểu là trưởng nóc Tắk Pổ người Ca Dong.

Điểm trường Tắk Pổ năm nay có 2 bậc học gồm mẫu giáo và tiểu học với số lượng 37 học sinh. Do trường mới đang xây dựng dang dở nên tạm thời các em sẽ học tại dãy nhà gỗ. Dự kiến nếu không có gì thay đổi, vào cuối tháng 9/2022 trường sẽ hoàn thành và các em sẽ được di chuyển đến trường mới để học. Nhìn những khuôn mặt ngây thơ, lấm lem bùn đất trong lễ khai giảng khiến ai cũng ngậm ngùi xúc động.

Khó khăn của các điểm trường vùng cao

Tại điểm trường xa xôi nhất của cả nước thuộc miền biên giới xã Pa Ủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Địa phương này nổi tiếng với nhiều cái nhất hơn cả với đói nghèo, lạc hậu, khó khăn… đa số người dân ở đây là đồng bào La Hủ sinh sống trong những chiếc lều lợp bằng lá, bao giờ lá vàng thì bỏ đến vùng khác để sinh sống.

Con em ở đây đều ít được phụ huynh quan tâm đến việc học hành nên sau mỗi quãng thời gian dài nghỉ học, các em quên cả đường đến trường. Các thầy cô lại phải đến từng bản, vào từng nhà để vận động các gia đình cho con em đi học.

Mùa tựu trường cũng là mùa “gom trò” của các thầy cô giáo nơi này. Những ngày bắt đầu năm học cũng gắn liền với những trận mưa rừng, thế nhưng những con đường trơn trượt vì mưa cũng không giảm đi nhiệt huyết của các thầy cô giáo. Nhờ sự vận động của các thầy các cô, các em học sinh đã chăm chỉ đến lớp và phấn khởi chào đón năm học mới.

Khó khăn rất lớn của các lớp học vùng cao chính là cơ sở vật chất, ngoài việc sửa chữa, nâng cấp từ nguồn ngân sách, ngành giáo dục ở đây còn kêu gọi sự quyên góp của các tổ chức, các mạnh thường quân góp sức, góp của để sắm sửa bàn ghế, dụng cụ học tập, cải thiện cơ sở vật chất, tạo điều kiện tốt hơn cho con em vùng cao thuận tiện trong việc tìm tòi con chữ.

Nguồn ảnh: Facebook