ĐỜI SỐNG

Lợi ích của trích lục hộ tịch không phụ thuộc vào nơi đã đăng ký

Diệu Huyền • 03-08-2022 • Lượt xem: 606
Lợi ích của trích lục hộ tịch không phụ thuộc vào nơi đã đăng ký

Trong mỗi chúng ta, bạn hay tôi hay bất kỳ ai cũng điều có sự kiện hộ tịch tối thiểu đầu tiên là khai sinh. Nhưng ngoài khai sinh còn có kết hôn; giám hộ; nhận cha, mẹ, con, thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, bổ sung thông tin hộ tịch khai tử. Do đó, chúng ta càng quan tâm đến những lợi ích cần thiết nhất của việc cấp bản sao hộ tịch không phụ thuộc vào nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây.

Sơ lược về hộ tịch và cấp bản sao hộ tịch

Hộ tịch là bao gồm các việc đăng ký khai sinh; đăng ký kết hôn; đăng ký giám hộ; đăng ký nhận cha, mẹ, con; đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, bổ sung thông tin hộ tịch; đăng ký khai tử.

Trích lục hộ tịch là việc cấp bản sao giấy khai sinh, bản sao trích lục kết hôn, bản sao trích lục khai tử và bản sao trích lục đăng ký nhận cha, mẹ, con.

Lợi ích của việc trích lục hộ tịch không phụ thuộc vào nơi đã đăng ký trước đây:

Hiện tại, không phải ai ai cũng đều ở đúng một nơi để sinh sống và phát triển. Do có sự dịch chuyển về nơi sinh sống so với trước đây. Cụ thể như: đi lao động, đi học, lập gia đình, đi lập nghiệp xa nơi sinh ra và lớn lên... Khi cần trích lục khai sinh để bổ sung hồ sơ, giấy tờ như đi đổi chứng minh nhân dân qua căn cước công dân mà thông tin hộ tịch về cha, mẹ được cập nhật trên cơ sở dữ liệu của công an có sai sót so với thực tế, để chứng minh sự kiện đầu tiên là khai sinh. Đi làm khi cần chốt sổ bảo hiểm xã hội cũng cần bổ sung khai sinh để đối chiếu dữ liệu.

Trước đây, nếu như ở xa thì phải xin nghỉ làm, nghỉ học vài ngày để di chuyển về quê xa so với nơi làm việc hay học hành. Nhưng hiện nay tại Thành phố Hồ Chí Minh có triển khai thí điểm khai thác, sử dụng dữ liệu số hóa sổ bộ hộ tịch trên 22 quận, huyện, thành phố đã tổ chức tiếp nhận yêu cầu cấp bản sao trích lục kết hôn, bản sao giấy khai sinh, bản sao trích lục khai tử và bản sao trích lục đăng ký nhận cha, mẹ, con từ dữ liệu số hóa sổ hộ tịch tại Kho dữ liệu dùng chung thành phố (thông qua hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch của Bộ Tư pháp) của cá nhân, không phụ thuộc vào nơi đã đăng ký, nơi lưu trữ sổ hộ tịch và nơi cư trú của người yêu cầu theo quy định tại Khoản 1 Điều 13 Nghị định số 87/2020/NĐ-CP ngày 28/7/2020 của Chính phủ về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến.

Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, thành phố trực thuộc trung ương và có nguồn lao động lớn, cũng là nơi có số lượng dân nhập cư đông của nhiều tỉnh thành trên cả nước. Từ ngày 15/6/202,2 Sở Tư pháp, phòng Tư pháp, Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn tiếp nhận yêu cầu cấp bản sao trích lục kết hôn, bản sao giấy khai sinh, bản sao trích lục khai tử và bản sao trích lục đăng ký nhận cha, mẹ, con từ dữ liệu số hóa sổ hộ tịch tại Kho dữ liệu dùng chung thành phố (thông qua hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch của Bộ Tư pháp) của cá nhân, không phụ thuộc vào nơi đã đăng ký, nơi lưu trữ sổ hộ tịch và nơi cư trú của người yêu cầu. Đây cũng là bước đầu đã nhận được phản hồi tích cực, phấn khởi của người dân đang sinh sống, làm việc và cư trú trên địa bàn thành phố.

Một vài hình ảnh tiêu biểu khi cấp bản sao không phụ thuộc vào nơi đăng ký trước đây:

(Bản sao trích lục kết hôn)

Nơi đăng ký kết hôn từ UBND thị trấn Ma Đa Guôi, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng, người dân đến UBND xã nơi đang cư trú trên địa bàn xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh để trích lục bản sao sử dụng mà không cần về nơi đăng ký trước đây.

(Bản sao khai sinh)

Nơi đăng ký khai sinh từ UBND xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh, người dân đến UBND xã nơi đang cư trú trên địa bàn xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh để trích lục bản sao để sử dụng mà không cần về nơi đăng ký trước đây.

Với những phấn khởi ban đầu khi áp dụng trích bản sao từ cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử. Nhưng tại Hội nghị sơ kết tình hình thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh đã đề nghị Cục Công nghệ thông tin (CNTT), Bộ Tư pháp có giải pháp cải tiến, nâng cấp, tăng cường năng lực cho hệ thống quản lý, đăng ký hộ tịch để đảm bảo mục tiêu giải quyết nhanh chóng, thuận lợi việc đăng ký hộ tịch trên môi trường điện tử. Do dữ liệu chưa đầy đủ, hệ thống thông tin quản lý đăng ký hộ tịch thường xuyên bị chậm, từ chối truy cập, dữ liệu hiển thị không đầy đủ, không trích xuất dữ liệu in ra phôi theo mẫu quy định nên nhiều trường hợp chưa giải quyết được ngay theo yêu cầu của người dân.

Với những kiến nghị của sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh thì Cục CNTT, Bộ Tư pháp đã có trả lời: Hiện tại Bộ Tư pháp đang có kế hoạch triển khai nâng cấp hạ tầng phục vụ cho các phần mềm, hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu, trong đó sẽ ưu tiên hạ tầng cho hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch.