ĐỜI SỐNG

Lời khuyên giúp bạn vượt qua những chấn thương tâm lý

Yellowly • 01-03-2023 • Lượt xem: 858
Lời khuyên giúp bạn vượt qua những chấn thương tâm lý

Mỗi người khi trải qua một sự kiện đau thương sẽ có những phản ứng khác nhau, nhiều người mau chóng quên đi các cảm xúc tiêu cực và hồi phục không lâu sau đó. Tuy nhiên, một số người sau khi trải qua một cú sốc tâm lý sẽ tiếp tục duy trì những phản ứng ngay cả khi sự kiện đó đã kết thúc vài tháng.

Chấn thương tâm lý hoặc cảm xúc là tổn thương tâm lý sau khi trải qua một sự kiện cực kỳ đáng sợ hoặc đau buồn và có thể dẫn đến những khó khăn trong hoạt động hoặc phản ứng thông thường sau sự kiện đó. Chấn thương tâm lý có thể khiến bạn phải vật lộn với những cảm xúc, ký ức khó chịu và sự lo lắng không nguôi. Nó cũng có thể khiến bạn cảm thấy tê liệt, mất kết nối và không thể tin tưởng người khác.

Mỗi người khi trải qua một sự kiện đau thương sẽ có những phản ứng khác nhau, nhiều người mau chóng quên đi các cảm xúc tiêu cực và hồi phục không lâu sau đó. Tuy nhiên, một số người sau khi trải qua một cú sốc tâm lý sẽ tiếp tục duy trì những phản ứng ngay cả khi sự kiện đó đã kết thúc vài tháng. Thậm chí, khi không được chữa lành đúng cách, những chấn thương tâm lý sẽ theo bạn đến nhiều năm sau này.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến chấn thương tâm lý ở một người

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến chấn thương tâm lý. Các cú sốc tâm lý thường liên quan đến các sự kiện đe dọa đến tính mạng, tuy nhiên bất kỳ tình huống nào khiến một người cảm thấy đau buồn, sợ hãi đều có thể gây sang chấn - ngay cả khi không có tổn hại về thể chất. Đặc biệt nếu một đứa trẻ trải qua nhiều nghịch cảnh và sự kiện đau thương, chúng sẽ dễ gặp tổn thương sâu sắc về tâm lý hơn cả người trưởng thành. Điều quan trọng cần nhớ là không phải chỉ các tác động khách quan của sự kiện mới quyết định mức độ đau buồn của nó; mà còn có cả những trải nghiệm cảm xúc chủ quan của cá nhân.

Có thể dễ dàng liệt kê các nguyên nhân phổ biến như: Thiên tai như hỏa hoạn, động đất, bạo lực học đường, xâm hại, lạm dụng trẻ em hoặc việc một người thân, bạn bè tự tử,… Ngoài ra, một số nguyên nhân bị xem nhẹ và bỏ qua như: Chia tay hoặc ly hôn trong một mối quan hệ quan trọng; Ngã hoặc chấn thương do chơi thể thao;…cũng có thể gây nên chấn thương tâm lý.

Những vết thương tâm lý nếu diễn ra thường xuyên và kéo dài thì sẽ dẫn đến những hậu quả cực tồi tệ. Một số tác động phổ biến nhất của chấn thương tâm lý kéo dài như: lạm dụng chất kích thích, xa lánh xã hội, tự hủy hoại bản thân, mất các hệ thống niềm tin,...

Nếu bạn vẫn đang trên hành trình cố gắng chữa lành những cú sốc tâm lý, đưới đây là những lời khuyên có thể sẽ hữu ích với bạn:

Cố gắng tham gia vào các hoạt động thể chất

Tập thể dục là một phương pháp điều trị chống lo âu tự nhiên và hiệu quả. Nó làm giảm căng thẳng và stress, tăng cường năng lượng thể chất và tinh thần, đồng thời nâng cao sức khỏe thông qua việc giải phóng endorphin.

Tập thể dục là một phương pháp điều trị chống lo âu tự nhiên và hiệu quả

 Bất cứ điều gì khiến bạn di chuyển đều có ích, nhưng bạn sẽ nhận được lợi ích lớn hơn nếu bạn chú ý kỹ hơn đến các phản ứng của cơ thể trong lúc tập. Ví dụ, khi chạy bộ, cố gắng để ý cảm giác bàn chân chạm đất, nhịp thở, hoặc cảm giác gió mơn man trên da. Bằng cách thực sự tập trung vào cơ thể của bạn và cảm giác khi bạn tập thể dục - bạn sẽ không chỉ cải thiện tình trạng thể chất của mình nhanh hơn mà còn có thể làm gián đoạn những suy nghĩ lo lắng liên tục chạy trong đầu.

Hãy mở lòng

Khi bạn gặp một vấn đề tâm lý và bị nhấn chìm trong những cảm xúc tiêu cực, có thể bạn sẽ tự cô lập mình với môi trường xung quanh. Mọi người cảm thấy bạn kỳ quặc còn bạn thì nghĩ rằng không một ai hiểu mình. Sẽ tới lúc bạn nhận thấy rằng, chúng ta không ai có thể sống mà không cần những người xung quanh cả.

Đừng tự cô lập bản thân khi đang gặp phải tổn thương tâm lý 

Hãy chia sẻ vấn đề của mình với gia đình, bạn bè thân thiết, hoặc những người đã có kinh nghiệm trải qua các hoàn cảnh tương tự. Những người xung quanh sẽ rất sẵn lòng lắng nghe và họ có thể cho bạn những lời khuyên hữu ích. Khi ở tận cùng đau đớn, có thể nhiều người cảm thấy như bị vây quanh bởi 4 bức tường, ngột ngạt và bế tắc. Nhưng mong bạn có thể nhận ra, ở đâu có bức tường, ở đó có thể xây nên những cánh cửa. Chỉ cần bạn mở cửa lòng mình, ánh sáng ấm áp sẽ chiếu đến.

Đối mặt với những vấn đề của bản thân (Đừng trốn tránh nó)

Hãy nghĩ đến khi bạn ngã và bị một vết thương ở chân. Thay vì vệ sinh vết thương và chăm sóc nó, bạn phớt lờ và nghĩ rằng nó sẽ ổn thôi. Ở một số trường hợp sẽ ổn thật, nhưng một số khác vết thương sẽ nhiễm trùng, sưng tấy, thậm chí nặng hơn là hoại tử. Tương tự như vết thương về thể xác, vết thương tâm hồn cũng cần được chăm sóc và chữa lành.

Cách để vượt qua nỗi sợ là phải đối diện với nó

Như chúng ta đã từng nghe “Cách để vượt qua nỗi sợ là phải đối diện với nó”. Điều quan trọng là phải nhìn nhận ra vấn đề của bản thân, thừa nhận rằng mình đang cảm thấy không ổn, từ đó mới có thể tự giúp mình vượt qua. Nhiều người nghĩ rằng chỉ cần né tránh những vấn đề liên quan đến chấn thương tâm lý mà mình gặp phải vậy thì sẽ không sao, chỉ cần mình không lặp lại trường hợp cũ. Nhưng họ không biết rằng những vết sẹo trong tâm hồn có thể âm thầm tàn phá và xâm nhập vào gần như mọi khía cạnh trong cuộc sống từ khi nào mà đến cả bản thân mình cũng chưa chắc nhìn ra được.

Học cách yêu bản thân

Một người khi trải qua một chấn thương tâm lý, có xu hướng thu mình, tự ti, dằn vặt bản thân. Một khi không biết cách yêu thương bản thân đúng cách, họ có xu hướng càng tập trung những điều tiêu cực vào bản thân hơn nữa. Trong bất kỳ những dạng tổn thương tâm lý nào, tình yêu thương đều giống như một vị thuốc có sức mạnh chữa lành kỳ diệu. Cốt lõi của tình yêu bản thân là sự chấp nhận bản thân về con người thật của bạn, những mặt tốt và chưa tốt của con người bạn. Giống như cách bạn thể hiện tình yêu với một ai đó, hãy thể hiện với bản thân rằng bạn cũng trân trọng và yêu thương nó.

Tình yêu đối với bản thân sẽ giúp chữa lành những tổn thương

Nhiều nghiên cứu cho thấy, tình yêu đối với bản thân sẽ giúp xây dựng khả năng phục hồi khi đối phó với nghịch cảnh, giúp mọi người hồi phục nhanh hơn sau chấn thương hoặc sự chia ly. Tình yêu, bất kể ở dạng nào, đều giúp mọi người cảm thấy an toàn hơn trong cuộc sống hàng ngày, giảm bớt lo lắng, căng thẳng và giảm nguy cơ mắc trầm cảm hoặc các dạng bệnh tâm thần khác.