ĐỜI SỐNG

Lời khuyên từ ba trường Đại học danh tiếng về một phương pháp hiệu quả giúp trẻ thông minh hơn

Minh Trung • 25-10-2022 • Lượt xem: 282
Lời khuyên từ ba trường Đại học danh tiếng về một phương pháp hiệu quả giúp trẻ thông minh hơn

Cha mẹ nào cũng muốn con mình sinh ra đều trở nên dễ thương, đáng yêu, và hơn hết là thông minh. Trong bất kì nền văn hóa nào cũng vậy, cha mẹ cho rằng, trí thông minh sẽ giúp con mình có nhiều lợi thế và cơ hội trong cuộc sống. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, thông minh về trí não (IQ) chỉ chiếm phần nhỏ trong sự thành công và hạnh phúc của con cái, trí thông minh cảm xúc (EQ) mới đóng góp phần lớn vào sự thành công của mỗi người.
 

Ngạc nhiên thay, qua nhiều năm nghiên cứu, các chuyên gia tâm lý học và thần kinh não bộ đã khám phá ra một phương pháp cực đơn giản để con thông minh hơn mỗi ngày mà không cần phải mất quá nhiều tâm sức. 

Nghiên cứu giữa các trường Đại học 

Các chuyên gia trong các lĩnh vực tâm lý học, thần kinh, não bộ, nhân chủng học tại Hoa Kỳ đã cùng nhau nghiên cứu trong 2,5 năm và cho ra một kết quả về sự phát triển trí thông minh ở một đứa trẻ. Theo đó, 42 gia đình được khảo sát cho ra kết quả, những đứa trẻ thông minh hơn (cả IQ và EQ) có thời gian giao tiếp với cha mẹ nhiều gấp 2 - 4 lần những đứa trẻ khác. Nhằm khẳng định và bổ sung cho nghiên cứu trên, các Đại học danh tiếng (như Đại học Pennsylvania, MIT, Harvard) đã kiểm định một lần nữa trên 30 đứa trẻ từ 4 - 6 tuổi và rút ra kết quả, những đứa trẻ được giao tiếp nhiều hơn với cha mẹ thông qua các câu chuyện kể, các trò chơi, các câu nói thường ngày có vùng não về ngôn ngữ (bán cầu não phải) phát triển và linh hoạt hơn, không liên quan tới sự giàu nghèo hay khu vực sinh sống của gia đình. 

Từ hai nghiên cứu trên và một số những khảo sát nhỏ khác, các chuyên gia rút ra kết luận, việc giao tiếp với con trẻ dù qua bất kỳ hình thức nào (truyện kể, trò chuyện, tham gia hoạt động) đều tác động rất lớn đến khả năng phát triển não bộ của trẻ.

Thường xuyên nói chuyện cùng con, giúp trẻ nâng cao được nhiều kỹ năng, nhận thức, cảm xúc...

Những lợi ích khi cha mẹ giao tiếp với trẻ 

Đầu tiên, việc giao tiếp kích thích trí tưởng tượng của trẻ. Albert Einstein đã từng nói: “Sự logic đưa chúng ta từ điểm A đến điểm B, sự tưởng tượng đưa chúng ta đến mọi nơi”. Câu nói này đã thể hiện được tầm quan trọng của sự tưởng tượng trong cuộc sống này, và cũng nhờ đó mà Albert Einstein mới có những phát minh vĩ đại cho nhân loại. Việc trò chuyện với trẻ đang trực tiếp kích thích trí tưởng tượng trong trẻ qua những hình ảnh, từ ngữ, sự mô tả. Với đứa trẻ lên hai hoặc lên ba, vốn hiểu biết của chúng còn giới hạn trong khuôn khổ gia đình. Do đó, sự giao tiếp sẽ khiến chúng tưởng tượng ra nhiều thứ mà chúng chưa bao giờ được thấy. Đây là một tác động tốt tới sự phát triển vùng tưởng tượng (bán cầu não phải) ở trẻ. 

Thứ hai, giao tiếp thường xuyên giúp trẻ cải thiện khả năng tư duy. Với những đứa trẻ còn non nớt, việc định hình về tư duy cho trẻ là rất cần thiết, vì tư duy là thứ khó thay đổi nhất trong mỗi cá nhân khi đã trưởng thành. Cách cha mẹ đặt câu hỏi, ra mệnh lệnh, thương lượng điều kiện là những lúc não trẻ vô tình học được những tư duy của người lớn. Việc phát triển về tư duy là một yếu tố để củng cố trí thông minh IQ (bán cầu não trái) của trẻ. Song song với việc phát triển về tư duy, trẻ còn có thể phát triển khả năng về ngôn ngữ và giao tiếp, thứ sẽ góp phần lớn vào sự thành công trong sự nghiệp của đứa trẻ sau này. 

Cuối cùng, trẻ học được sự thấu hiểu khi nói chuyện cùng cha mẹ. Thay vì đánh trẻ, cha mẹ có thể nói những câu nhằm mô tả cảm xúc của mình để trẻ học được thói quen thấu hiểu và cảm thông với cảm xúc của người khác trong hành động. Ví dụ, thay vì nói: “Con không được làm như thế, như thế là hư”; Ba mẹ có thể nói: “Cha mẹ rất buồn khi con đã làm như vậy”. Cảm xúc đồng cảm là thứ ai cũng có sẵn, sự khác nhau là cách mà mỗi người nuôi dưỡng và tận dụng chúng mà thôi. Adam Khoo (tác giả của cuốn sách “Con cái chúng ta đều giỏi”) đã nói: Việc nói chuyện bằng cảm xúc với trẻ sẽ khiến trẻ có xu hướng ngoan và nghe lời hơn, đồng thời kích thích trí thông minh cảm xúc ngay từ khi trẻ còn nhỏ để hạnh phúc và thành công hơn trong cuộc sống sau này. Đồng thời, việc trò chuyện, thấu hiểu sẽ giúp cho mối quan hệ giữa cha mẹ và con trẻ gắn bó hơn.  

Tóm lại, giao tiếp là một phương pháp đơn giản mà hiệu quả để giúp phát triển và cải thiện sự thông minh của mỗi đứa trẻ. Do đó, cha mẹ cần dành nhiều thời gian hơn để giao tiếp cùng con, không chỉ phát triển trí thông minh mà còn tăng cường sự gắn bó trong mối quan hệ gia đình.