Bất kỳ sự hy sinh nào đến từ bên ngoài cũng đều khiến chúng ta cảm thấy khó hiểu. Nhưng nó thậm chí còn khó hiểu hơn khi những người ấy chọn hy sinh vì có thể họ cảm thấy vui khi thực hiện điều ấy. Ví dụ dễ dàng nhất mà chúng ta có thể đưa ra ở đây chính là những người mẹ. Đối với họ, sự hy sinh không bao giờ là quá to lớn hay quá khó khăn. Thậm chí những người mẹ nuôi những đứa con không mong muốn của người khác và yêu thương chúng nhiều như chính con ruột của mình còn tuyệt vời hơn. Lou Xiaoying chính là một người phụ nữ như vậy, một người phụ nữ giản dị đến từ Trung Quốc - người đã chọn giải cứu những đứa trẻ bị bỏ rơi.
Lou và chồng bà, Li Zin, đã luôn kiếm sống bằng nghề tái chế rác thải, và cuộc sống của họ chưa bao giờ là dễ dàng. Từ sáng sớm đến tối mịt, họ phải lùng sục khắp các con phố ở tỉnh Chiết Giang, một vùng nông thôn ở miền đông Trung Quốc, tìm kiếm rác thải để bán. Vào năm 1972, Lou lần đầu tiên tìm thấy trong thùng rác một thứ gì đó mà bà chắc chắn rằng thứ đó không thuộc về nơi này - đó là một bé gái. Cô bé chỉ ngồi đó, trên đống rác, bị bỏ rơi.
Lou Xiaoying và chồng bà, Li Zin (Ảnh: Internet)
Lou không thể để mặc cô bé chết nên đã đưa cô bé về nhà. Thực sự không dễ dàng gì khi nuôi một đứa trẻ, nhưng niềm vui đã giúp Lou vượt qua những khó khăn ấy. Bà ấy nhận ra rằng mình thích chăm sóc trẻ con. Và vì yêu chúng nên bà ấy không muốn chỉ dừng lại ở một đứa trẻ.
Năm 1979, nhà nước Trung Quốc đã thông qua một đạo luật làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của Lou, Li Zin và hàng triệu người Trung Quốc khác. Để hạn chế sự gia tăng dân số, nhà nước đã cấm các gia đình sinh nhiều hơn một con. Trong nhiều năm, mặc dù có nhiều ngoại lệ, chẳng hạn như cho phép sinh con thứ hai nếu đứa con đầu lòng là con gái - trường hợp này xảy ra ở gần một nửa số gia đình Trung Quốc - nhưng đạo luật vẫn có tác động rất lớn. Người ta ước tính rằng hơn 400 triệu ca sinh nở đã bị ngăn chặn do chính sách này, và số trẻ em bị giết hoặc bị bỏ rơi thậm chí còn không được báo cáo đầy đủ.
Lou đã tìm thấy những đứa trẻ khác ở bãi rác. Thật khó để bà hiểu được tại sao ai đó lại có thể làm một hành động như vậy, nhưng bà đã chọn không phán xét. Mặc cho sự nghèo khó của bản thân, bà đưa chúng về nhà và cố gắng nuôi dạy chúng tốt nhất có thể. Hầu hết những đứa trẻ đều là con gái, chúng bị cha mẹ bỏ rơi để họ có cơ hội sinh người thừa kế. Trong khi đó, Lou cũng có một cô con gái và một ngôi nhà, vốn đã nhỏ bé, nay lại trở nên nhỏ bé hơn.
Ngôi nhà nhỏ bé của Lou (Ảnh: Internet)
Đến khi đứa trẻ thứ tư được giải cứu, Lou nhận ra rằng bà ấy không thể nuôi tất cả những đứa trẻ mà mình tìm thấy. Vì vậy, bà đã tìm đến những người mà mình biết trong cộng đồng, những người giống như bà ấy - những người không thể đối xử tồi tệ với cuộc sống này.
Theo thời gian, số lượng trẻ em được tìm thấy trong bãi rác ngày càng tăng, nhưng Lou không bao giờ nghĩ đến việc bỏ chúng lại đó. "Tôi nhận ra rằng nếu chúng ta có đủ sức để thu gom rác thì tại sao chúng ta không thể tái chế một thứ quan trọng như mạng sống con người?". Suy nghĩ đó đã giúp bà cứu được hơn 30 trẻ em trong bốn thập kỷ.
Bà đã cứu được hơn 30 trẻ em trong bốn thập kỷ (Ảnh: Internet)
Câu chuyện của Lou đã không được ai biết đến cho đến cuối cuộc đời bà, vào năm 2012, khi một trong những người con gái nuôi của bà viết thư cho một tờ báo. Zhang Juju, người con gái 33 tuổi của bà, đã viết thư cho các nhà báo xin hỗ trợ tài chính để chi trả cho viện phí của mẹ cô. Lou lúc ấy đã 88 tuổi, bà bị suy thận và suy tim, và việc điều trị thì quá tốn kém so với thu nhập hạn hẹp của bà.
Các nhà báo tìm thấy Lou trên giường bệnh, được các con gái và cháu của bà giúp đỡ. Trong số đó có Zhang Qilin, có một cậu bé chỉ mới bảy tuổi, đó là đứa trẻ cuối cùng mà Lou cứu được. Bà đã 82 tuổi khi tìm thấy cậu bé trong thùng rác, và đúng vậy, người phụ nữ này lúc ấy vẫn đang tìm kiếm rác thải tái chế để mưu sinh. Mặc dù chồng bà đã mất mười năm trước và bà phải vật lộn để tự chăm sóc bản thân, nhưng Lou đã không thể để cậu bé ở đó. "Cậu bé trông thật ngọt ngào và rất cần sự giúp đỡ. Tôi phải đưa cậu bé về nhà với tôi.". Bà đặt cho cậu bé một cái tên có nghĩa là "hiếm có và quý báu" trong tiếng Trung.
Lou trên giường bệnh, được các con gái và cháu của bà giúp đỡ (Ảnh: Internet)
Nằm trên giường bệnh, bà nghĩ đến đứa con trai nuôi nhỏ bé của mình, đứa con mà bà đang cố gắng kiếm tiền để chu cấp việc học. Bà đã không thể cho ba cô con gái đầu của mình cơ hội đó, nhưng bà đã cố gắng làm việc chăm chỉ để đảm bảo hai đứa con cuối học đến cấp 3. Mong muốn cuối cùng của Lou là Zhang Qilin cũng được đi học. "Tôi không còn nhiều ngày nữa [nhưng] điều tôi muốn thấy nhất chính là...[thằng bé] được đi học. Chỉ cần như vậy, thì sau khi mất, tôi mới không còn hối tiếc gì trong cuộc đời này nữa", bà nói.
Như dự đoán, câu chuyện của Lou đã chạm đến trái tim của nhiều người Trung Quốc. Và trên thực tế, nó cũng đã lan truyền đến khắp nơi trên thế giới. Mong muốn của bà đã được thực hiện nhờ khoản quyên góp đến từ mọi người để chu cấp việc học cho Zhang và chi trả viện phí cho bà.
Lou đã truyền cảm hứng cho những người khác tiếp tục "công việc" của bà (Ảnh: Internet)
Hơn nữa, tấm gương của bà cũng đã truyền cảm hứng cho những người khác tiếp tục "công việc" của bà tại Trung Quốc hiện đại, nơi mà câu chuyện về những đứa trẻ được Lou cứu không phải là duy nhất. Và giống như bà vẫn nói, "Những đứa trẻ này cần tình yêu thương và sự chăm sóc. Chúng đều là những sinh mạng con người quý giá".