ĐỜI SỐNG

Lương và cuộc sống ở thành phố, vấn đề không của riêng ai

Khai Luân • 30-06-2022 • Lượt xem: 289
Lương và cuộc sống ở thành phố, vấn đề không của riêng ai

Vấn đề lớn nhất bạn cần quan tâm khi bước ra khỏi vùng an toàn, để cảm nhận được một bước tiến mới, một hành trang mới trong công việc, cuộc sống là gì? Điều đầu tiên bạn nghĩ đến đó có phải là lương?

Nơi nhiều người lựa chọn để mưu sinh

TP.HCM hay Hà Nội là một trong những điểm đầu tiên được nhắc đến và nhiều người lựa chọn để làm ăn, sinh sống. Nhiều người còn ngầm hiểu đây chính là thành phố của... nhà quê. Vì hầu như khắp các tỉnh thành trong cả nước người dân đều kéo về đây để sinh sống và tìm việc làm.

Đây là nơi có những khu nhà chọc trời, khu đô thị triệu đô, khu thương mại sầm uất. Bên cạnh đó, cũng sẽ có không ít địa điểm, khu vực nơi được gọi là chỗ tựa lưng sau giờ tan ca, làm việc vất vả của người dân lao động nghèo.

Vì sao nhiều người chọn nơi đây để sinh sống và làm ăn? Vì nghe anh này nói, chị kia kể, chú đó bảo… nơi đây dễ sống, dễ kiếm việc làm, dễ kiếm tiền lắm... Vậy có khi nào bạn từng suy nghĩ đến việc, cái gì cũng dễ thì lương bao nhiêu là đủ hoặc dư dả sống thoải mái tại nơi này chưa?

Nhắc đến đây, điều các bạn đang thắc mắc, mong đợi, quan tâm nhất nãy giờ để nghe phân tích đó là lương phải không?Lương bao nhiêu là đủ, như nào gọi là không đủ khi sống tại TP.HCM, Hà Nội? Khách quan để nói thì bao nhiêu là đủ là câu hỏi vô chừng. Dù nhiều cũng khó dư mà dù ít cũng vẫn sống được.

Thế hệ 8X, 9X, GenZ nhu cầu sống vô cùng khác nhau. 

Những người ở thế hệ 8X đa số đều có gia đình nên có xu hướng hướng nội, chăm sóc con cái, chi tiêu tiết kiệm, sắm sửa, sửa sang nhà cửa… rất nhiều điều cần sử dụng tiền. Nhiều khi lĩnh lương xong, chỉ vèo một cái tuần sau số tiền đi làm cả tháng đã "bay" theo bỉm, sữa, đồ dùng, ăn uống... và học hành của con cái.

Còn thế hệ 9X một phần đã có gia đình, công việc ổn định. Phần khác vẫn đang vùi mình tìm kiếm công việc với mức lương mong muốn. Và cũng có người xem việc học là niềm đam mê vô tận để nâng cao kiến thức.

Quan tâm nhiều nhất đó là thế hệ Gen Z. Từ rất sớm các bạn đã được tiếp xúc, biết đến sự phát triển của công nghệ,... nên các bạn ấy sẽ có khuynh hướng hướng ngoại nhiều hơn, luôn muốn khám phá tìm tòi cái mới.

Cho dù là thế hệ nào đi chăng nữa đều có những nhu cầu chi tiêu cần thiết, sự tăng mức tiền chi tiêu cho cuộc sống của họ cũng tỷ lệ thuận với sự phát triển của xã hội. Khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bớt căng thẳng, cuộc sống trở lại nhịp sống cũ nhưng vật giá leo thang và công việc trở nên khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp nhiều hơn. Trong khi đó ăn ngủ đi lại vẫn cần tới tiền nhất là khi bạn sống ở một thành phố lớn và chật chội bậc nhất cả nước như TP.HCM. Làm sao để giữa lương và nhu cầu cuộc sống không bị "lệch pha" nhau.

Cuộc sống luôn có những bất ổn và bất ngờ mà ta không thể đoán trước. Có thể bạn đã vạch ra một bảng chi tiêu hợp lý cho một tuần, thậm chí là một tháng. Nhưng chi phí phát sinh với mức lương nhiều hay ít cũng sẽ làm bạn lao đao và đau đầu.

Ngoài những vấn đề khách quan đó thì cũng sẽ ảnh hưởng rất nhiều từ biến đổi khí hậu, dịch bệnh… một vấn nạn đang rất nhức nhối, không thể không nhắc đến trong thời điểm này, đó là lạm phát ngày càng gia tăng dẫn đến nền kinh tế bị đảo lộn. Người dân đang trong tình cảnh vật giá leo thang, xăng dầu đắt đỏ ám ảnh người tiêu dùng mỗi ngày.

Chính điều đó, tâm lý sống và bối cảnh của từng thế hệ, từng thời điểm sẽ có một mức chấp nhận khác nhau. Để trả lời cho câu hỏi “lương bao nhiêu là đủ sống ở Sài Gòn” thì chính bản thân bạn sẽ trả lời cho điều đó. Đủ hay thiếu là do chính bản thân bạn phân bổ, cân nhắc. Xem đủ là sẽ là đủ, còn không điều tiết được bản thân, luôn có nhu cầu sử dụng cao thì sẽ không bao giờ được xem là đủ.

Làm sao để cân bằng chi tiêu và lương?

"Mức lương của tôi là 12 triệu đồng/tháng sau thuế (thuộc hàng khá trong khối văn phòng), cộng thêm tiền lương của vợ là vào khoảng 10 triệu/tháng chỉ vừa đủ chi tiêu cho vợ chồng cùng một đứa con nhỏ”. Anh Chí, một người dân sống ở TP..HCM chia sẻ.

Chị Ngọc Hương, một phụ nữ đã gắn bó với công việc văn phòng hơn 10 năm ở quận Một, cho biết: "Mọi thứ đều lên giá chóng mặt, ngoài xăng tăng thì nhiều khi mua một ly cà phê cũng phải đắn đo vì giá cà phê cũng tăng theo trong khi lương thì không tăng. Chính vì thế, có lúc tôi cảm thấy cuộc sống nơi đây thật ngột ngạt".

Nhiều người chỉ nghĩ tới việc đi làm và đủ tiền chi trả sinh sống đã là may, chứ không nghĩ tới việc mua nhà, vì nếu tiết kiệm để dành sau công việc làm bình thường thì bao giờ mới có 1, hay 2 tỷ để mua một căn nhà ở TP.HCM.

Vì vậy để việc chi tiêu chủ động, không rơi vào tình cảnh chưa tới ngày lương đã hết tiền tiêu, bạn cần có sự ghi chép và chuẩn bị kỹ lưỡng, tránh chi tiêu mua sắm tùy hứng. Bạn có thể ghi chép các khoản chi của mình hàng ngày để lên kế hoạch cho một tháng và điều chỉnh cho phù hợp vào những tháng sau. Sau một tháng, hãy phân loại các khoản chi cho phù hợp. Cuối cùng hãy lên kế hoạch chi tiêu.