Gặp nghệ sĩ Mạc Can ngay quán cà phê đẹp ở Tân Bình, vẫn cứ tưng tửng qua những câu chuyện kể. Ông tự nhận mình chỉ mới 45 tuổi và đang tập tạ, nên đừng thấy ông đi chầm chậm mà nghĩ ông già, yếu đuối…
Nếu là dân Sài Gòn chính hiệu, nhất là giới làm nghệ thuật thì ai cũng phải biết về Mạc Can, một người đàn ông có gương mặt khắc khổ nhưng luôn có nụ cười hiền khiến người đối diện… nhìn là cười và nhớ về ông rất lâu.
Tuổi thơ cơ cực
Ông cũng tự nhận mình nghèo nhưng chưa một lần than thở. Ông bảo lúc sinh thời cha ông dạy 3 điều và ông đã khắc cốt nhớ đến già, đó là: Không than thở. Không nói láo. Không hại ai.
Ông sinh ra ở Mỹ Tho. Cả nhà có cuộc sống ở dưới ghe hát nên không có giấy khai sanh. Cha mẹ ông có một gánh hát xiệc (xiếc), ảo thuật (cách gọi của người miền Tây) và ba ông là một ảo thuật gia Lê Văn Quý thuộc hàng quái kiệt thời bấy giờ.
Gia đình ông trên chiếc ghe cứ dọc ngang sông nước miền Tây mà diễn, đến năm 60 lên Sài Gòn tá túc ở đường Nguyễn Biểu - Chợ Quán. Ông nhớ, lúc đó có nhiều phòng trà ca nhạc dữ lắm, và ông được mời biểu diễn mưu sinh. Đến thập niên 90 được lân la vào các đoàn phim, ông tập viết báo với những tin nho nhỏ, lúc đó ông được nhiều người gọi là ký giả cà phê kịch trường mà bây giờ người ta hay gọi là phóng viên văn hoá văn nghệ.
Lúc bấy giờ phòng trà Queen Bee gần bệnh viện Sài Gòn, khách đến nghe ca hát và lâu lâu cũng cần có màn gì vui vui, thế là ông được mời đến làm hề… ảo thuật. Ông bảo, nghề này phải cần người tướng tá nghiêm trang, cao lớn đẹp trai để hớp hồn khán giả và người ta sẽ tin đó là những trò hấp dẫn. Còn tướng ông cứ lèo bèo, lúc nào cũng lăng xăng nên buộc lòng ông chuyển hướng phải làm hề lúc ảo thuật.
Ông luôn chọn những màn nào có kịch tính, lâu lâu để lộ ra làm khán giả giật mình và cười khoái chí… Ông bảo: “Cái này hỏng phải mình phá đám ảo thuật của người ta, mà đây được gọi là xiệc hài. Tuy nhiên tôi không bao giờ lấy tiết mục của người ta để bật mí ra như vậy, mà chỉ toàn lấy tiết mục của chính mình ra diễn, để không làm phiền đến ai”.
Cũng ở Sài Gòn có rạp hát Cathay, cứ mỗi lần rạp chờ phim đem về ráp nối để chiếu tiếp là chủ rạp mời nghệ sĩ về biểu diễn để câu giờ chờ… phim chiếu. Ông và nghệ sĩ Trần Văn Trạch thường xuyên biểu diễn. Nhắc đến nghệ sĩ này, ông dành rất nhiều lời khen, bởi ông Trạch được mệnh danh là… “Quái kiệt”, biết rất nhiều nghề, từ giả giọng người, giả tiếng thú, rồi ca hát… cứ mỗi lần ông xuất hiện là khán giả khoái chí vô cùng vì không khí cứ tưng bừng như ngày hội.
Đi diễn nhiều năm, hỏi ông tiền bạc kinh phí như thế nào, ông cười: “Lương bổng với tôi xưa giờ không quan trọng lắm, vì tôi ăn đạm bạc, uống thì chỉ cần trà đá thôi, nên không có đòi hỏi gì nhiều, cũng không có nhu cầu gì lớn nên rất dễ sống. Tôi vốn là con nhà nòi, dù không được học nghề nhiều, thậm chí cái chữ cũng ít lắm, đa phần tôi học nghề từ cánh gà, cứ nhìn theo cha diễn mà bắt chước và học lỏm, sau đó sáng tạo thêm để có vài món ảo thuật khác với người ta mà kiếm sống, cứ thế ngày qua ngày mà sống thảnh thơi…”.
Viết kịch bản từ lời xúi
Ngoài việc làm nghệ sĩ ảo thuật, diễn viên, nhiều người còn biết Mạc Can với vai trò biên kịch, hỏi thì ông tếu táo: “Tôi bị xúi mà, vì trong lần gặp ông đạo diễn Thế Ngữ ở Đài Truyền hình, thấy mặt tôi ngộ ngộ, ổng nói: “Ê Can, ông lăn lộn nhiều thứ quá, viết kịch bản “Trong nhà ngoài phố” đi, tôi nghĩ ông viết hay lắm đó. Thế là, chỉ cần một câu của ổng thôi, tôi “rị mọ” riết cũng viết ra được kịch bản đầu tiên ở Đài truyền hình với tên gọi: Cục gạch của ai. Câu chuyện nói về cái thời kỳ xăng nhớt cực kỳ hiếm, xảy ra khá nhiều câu chuyện bi hài, thấy đề tài cũng hấp dẫn, ông Thế Ngữ cũng viết thêm để cho tôi đóng một vai… không ngờ ăn khách quá trời.
Tôi nhớ thời đó, cứ đến tối thứ năm, đường phố vắng hoe ai cũng tập trung xem Trong nhà ngoài phố, (vì lúc đó chương trình ít lắm). Cứ tối chương trình phát sóng là sáng hôm sau người ta nhận ra mặt tôi liền, có người còn la lớn: “Ê, thằng cha mua xăng mắc dịch tối qua kìa… nói xong họ nhìn tôi cười nắc nẻ. Đây có thể xem là lần đầu tiên tôi được… nổi tiếng, vì cái bản mặt mình đã được nhận ra, vui lắm chứ bộ..
Thừa thắng xông lên, tôi viết thêm lai rai vài ba kịch bản, nhưng công lớn phải nhờ đến ông Thế Ngữ, bởi ông như là thầy của mình, ổng biến ảo thêm nhiều tình tiết hay tôi mới có thể trở thành người viết kịch bản ngon lành”.
Hành trình với các vai diễn trên phim
Phải nói là nhờ chương trình Trong nhà ngoài phố nên nhiều đạo diễn cũng biết đến tôi, trong số này có ông cố đạo diễn Lê Hoàng Hoa, ông này mê ảo thuật lắm nên ưu tiên mời tôi một vai. Lúc đó oai lắm, nhưng khi phim chiếu ra, nếu không chăm chú thì sẽ không nhìn thấy được tôi, bởi vì xuất hiện có chút xíu hà, phân đoạn đó Nguyễn Thành Luân mới là vai chính…”.
Đến phim Đất phương Nam, có ông đạo diễn Vinh Sơn là bạn của tôi, ông này người Huế nhưng rành miền Tây lắm, nên giao tôi vai Bác Ba Phi vì biết tôi thường ngày hay tếu táo cùng bạn bè, có khiếu kể chuyện tỉnh bơ, có lẻ hợp vai nên tôi diễn ngon lành.
Đặc biệt trong phim có nhiều đoạn ông võ sư người Tiều (cố nghệ sĩ Minh Ngọc) biểu diễn mãi võ sơn đông để bán thuốc, trong đó có tiết mục phóng dao rất gây cấn, đây là nghề của nhà tôi mà, thế là tôi cũng góp ý để đạo diễn “pha chế” thêm cho phim hấp dẫn, chứ thật ra kịch bản của ông Đoàn Giỏi đâu có mấy cảnh như vậy.
Đến phim Xích Lô tôi được diễn với tài tử Lương Triều Vỹ, vai này tuy ít nhưng oai lắm nha. Đến phim cổ tích Phượng Hoàng thì quá vui, vì mình được hoá thân thành bà phù thuỷ, ồn ào, độc ác nhưng người xem khoái vì cười hoài. Nhớ nhất trong cảnh bay thì đạo diễn “chơi kỹ xảo”, bắt tôi cứ ngồi trên ghế, cây quạt máy to đùng thổi từ ngoài cho quần áo nó bay rồi về ghép cảnh lại, chỉ vậy thôi mà tôi về nhà bị cảm lạnh suốt mấy ngày trời”.
Qua vai ông trưởng thôn Hai Đừng ở Xóm suối sâu, được đạo diễn Quang Đại mời tôi lên Bảo Lộc suốt cả tháng trời. Vai này tôi tận dụng tối đa sự hiều biết đem vào vai diễn của mình, nhân vật cũng gần gũi dễ thương được báo chí khen dữ lắm.
Đến phim Cải ơi, có đoạn tôi xuống tắm sông tắm trâu, tôi bị trâu đạp cái chân đau thấu trời, cái chân sưng vù may nhờ cô chủ nhiệm băng bó, tôi cảm ơn quá trời.
Cú sốc giải thưởng và tấm lòng Mạc Can
Cuộc đời quanh quẹo lên xuống, nhưng có lẽ không bao giờ nghệ sĩ Mạc Can ngờ được cái ngày ông có được giải thưởng lớn từ sách: Tấm ván phóng dao. Ông kể: “Lúc nghe tin đoạt giải A, run quá tôi tấp xe vô lề, nép vô gốc cây mà khóc, tôi nghĩ mình chỉ là hạng “tép riu” trong cái nghề viết mà thôi.
Khi ra Hà Nội lảnh thưởng, tôi phải đi với cố nhà văn Quang Sáng thì mới tự tin. Lúc nhận 50 triệu tiền thưởng, tôi nhớ lại: Từ thời ông nội tôi, rồi ba tôi và tôi đều nghèo, nên giờ cầm trên tay số tiền lớn như vậy, mừng quá tôi xin gởi lại cho các bạn sinh viên nghèo 20 triệu… xem như các cháu học thêm giùm tôi, vì tôi học ít quá”.
Về tới Sài Gòn, mấy anh trên Uỷ Ban Thành phố, nghe tin tôi đoạt giải đã quyết định trao thêm tôi giải thưởng tác phẩm văn học gì đó rồi kèm thêm 30 triệu đồng. Sau đó, nhà văn Lê Lựu kêu tôi ra Hà Nội tặng thêm cuốn sách Thời xa vắng, có chữ ký và ghi rõ: Tặng nhà văn Mạc Can. Cái này tôi gọi là vô giá, bởi dễ gì được một bậc thầy như Lê Lựu ưu ái với mình như vậy. Giờ ngẫm lại, những chuyện mà người ta khen tôi thành công, tôi thấy mình hỏng là gì, nhưng trong lòng tôi, lúc nào cũng lo âu: Mình đi nhiều, thấy nhiều mà viết không được, cảm thấy bức bối vô cùng”.
Hỏi ông vì sao nghệ sĩ thời của ông ai cũng tài giỏi, nhưng khi về già thường gặp khó khăn trong cuộc sống, liệu ông có tiếc nuối gì không?
Trầm ngâm một lúc, ông bảo: “Tôi không tiếc điều gì cả, có nhiều ăn nhiều có ít ăn ít, nếu có ít nữa thì mình ăn cơm với chuối cũng đâu có sao. Nếu vì khó khăn quá mà bỏ nghề chắc hỏng bỏ đâu, vì khán giả còn thương mình nhiều lắm, làm sao mà bỏ đây. Đúng là nghề của mình, nhất là nghề xiếc, ảo thuật còn rất nh hẩm hiu, nhưng nghệ sĩ mình còn nhiều người tài năng lắm. Từ ông bạn tôi là ảo thuật gia Z 27, Bảo Thu, Tonny Quang, Nguyễn Khuyến… Ai cũng tài năng hơn người, chỉ tiếc là không có đất diễn để trổ tài, tôi biết khán giả vẫn còn yêu thích bộ môn này lắm. Riêng bản thân tôi, xin hứa còn sức khoẻ là còn diễn, nghề không bỏ được đâu”.
Từng làm chủ nợ bất đắc dĩ
Có người hỏi đùa ông: "Dạo này đã hết nghèo chưa?, ông đáp ngay: "Sao biết tôi nghèo. Tiền tôi có nhưng tại bị thiếu thôi". Rồi ông ''khai" có hãng phim đang thiếu tiền cát xê nửa năm mà ông vẫn không đòi, vì nghĩ họ làm ăn thua lỗ. Ngay cả tiền nhuận bút tôi cũng có lai rai, nhưng ít đi lãnh vì ngại, khi nào toà soạn kêu thì mới chịu xuất hiện.
Có lần gặp lại Mạc Can, đạo diễn Phương Điền chợt nhớ tiền cát xê ông lồng tiếng cho phim Cải Ơi đã hơn 10 năm mà chưa thanh toán, dù chỉ khoảng 200 – 300 ngàn, đây là lỗi của bộ phận lồng tiếng, có lẽ vì số tiền nhỏ, lại lu bu nên quên. Thế là đạo diễn đưa ngay cho ông 2 triệu đồng, kèm theo lời xin lỗi rất chân thành. Cầm tiền ông nói nhỏ: “Vậy là tôi dư sống được cả tháng rồi”. Với ông điều sợ nhất là không có phim để đóng nhưng sợ hơn là đóng phim xong rồi mà chờ hoài không thấy người ta trả tiền. Cái này đau lắm, tủi lắm chứ chẳng chơi.
Chuyện cái lap-top
Sau khi trở thành nhà văn trẻ, nghệ sĩ Mạc Can lầm lũi viết chăm chỉ bất kể ngày hay đêm, ở nhà trọ hay quán cóc… Cứ rảnh là ông viết, nhớ đoạn nào ông viết đoạn đó, có khi một lúc ông viết tới ba đề tài khác nhau, không có đoạn sau mà cũng có khi không có đoạn đầu. Đến giờ sách của Mạc Can nằm trang trọng trong các nhà sách lớn với đủ đề tài: Phóng viên mồ côi, Tờ 100 đô la âm phủ, Người nói tiếng bồ câu, Bầy mèo vô sinh, Cuộc hành lễ buổi sáng…
Nhiều người khen ông là người có bút pháp nội lực, ông cười khoe tiếp: “Có người còn đòi mua luôn ý tưởng của tôi, tức là chỉ cần tôi nghĩ ra cái gì hay cứ viết, họ sẽ biến những ý tưởng trên thành tiểu thuyết với thương hiệu Mạc Can, nghe cũng hấp dẫn hen…”.
Có lần máy tính hư, ông ngõ ý mượn một người bạn 300 ngàn để sửa, người đó dẫn ông gặp một người bạn để sửa miễn phí. Tới ngày hẹn, anh chủ mời Mạc Can ngồi chờ phòng khách. Chờ lâu quá, ông có vẻ bực mình định bỏ về thì thấy anh giám đốc xuất hiện. Anh ta nói: “Xin lỗi vì chú Can, tại bên kỹ thuật phải cài các phần mềm cho cái máy mới nên hơi lâu, máy này mới 100% bên con tặng, còn máy cũ chú cứ để làm kỷ niệm nhe. Nghe xong tưởng ông mừng, ai dè ông vẫn tỉnh bơ: “Anh làm giám đốc mà hỏng có uy tín, anh hứa sửa máy cho tôi, vậy mà bây giờ anh “lật giọng” tặng cái máy mới tinh, làm tôi… vui quá, xin cảm ơn nhiều lắm nhe…”. Câu nói giỡn y như thật của ông làm chàng giám đốc lúc đầu hoảng hồn, nhưng biết ông giỡn chơi nên rất vui vẻ.
Hỏi ông “dự án” công bố câu chuyện tình già của lão Mạc Can tới đâu rồi, ông lại cười: “Chuyện này hay lắm nhưng để già hãy viết, chứ giờ nói sớm mất hay. Tôi đã lên ý tưởng hết rồi, viết thành tiểu thuyết đàng hoàng, dày cỡ 500 trang. Ông thấy tôi khô khan đúng không nhưng khi yêu tôi cũng ngọt ngào lắm à, bảo đảm lúc phát hành, cũng ăn khách chứ chẳng chơi”.
Tôi hỏi tiếp: “Sao không viết liền mà để già mới chịu viết, bộ ông tưởng còn trẻ lắm sao? Ông lại cười: “Tôi mới bảy mấy chứ nhiêu mà… già!”.