ĐỜI SỐNG

Mặt trái từ sự phát triển quá nhanh của công nghệ

Minh Trung • 13-08-2022 • Lượt xem: 1597
Mặt  trái từ sự phát triển quá nhanh của công nghệ

Không thể phủ nhận sự phát triển của công nghệ đã giúp cuộc sống thuận tiện hơn, thậm chí nó còn được coi là một cuộc cách mạng. Tuy nhiên, song song với lợi ích luôn là những thách thức, và công nghệ cũng không nằm ngoài nguyên tắc này. 

Công nghệ có tác động đến các vấn đề về sức khỏe 

Công nghệ và sức khỏe

Đây là thông tin được các phương tiện truyền thông chia sẻ rất nhiều, điều đó càng thể hiện sự nghiêm trọng của vấn đề đúng không? Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng: Ánh sáng xanh từ màn hình máy tính và điện thoại có ảnh hưởng đến chất lượng của giấc ngủ, sự áp lực do tốc độ xử lý từ não bộ ảnh hưởng đến việc tiêu hóa, cách chúng ta ngồi và ít vận động ảnh hưởng tới cột sống và tim mạch, cường độ làm việc quá lâu của mắt ảnh hưởng tới các tật khúc xạ.

Bạn có thể đọc thêm về những nghiên cứu và tham khảo từ các nguồn uy tín để đúc kết những thói quen tốt khi sử dụng các thiết bị công nghệ, nhằm hạn chế tối đa việc ảnh hưởng tới sức khỏe của bản thân nhé.

Công nghệ phát triển làm gia tăng nguy cơ thất nghiệp

Công nghệ và nguy cơ thất nghiệp

Minh chứng rõ nhất cho điều này là sự thống trị của các hãng xe công nghệ. Thay vì phải kì kèo, trả giá, chỉ với những cú chạm, cuốc xe đã được đặt với giá cả phải chăng, dịch vụ rõ ràng, minh bạch. Bên cạnh đó, sự phát triển ngày càng nhanh của tự động hóa và AI đang đe dọa đến việc làm của nhiều người. Cửa hàng phục vụ tự động bởi nhân viên là các người máy đang được thí điểm ở nhiều quốc gia. Vậy chúng ta có thể làm gì?

“Làm chủ công nghệ” là lời khuyên được nhiều chuyên gia khuyến khích. Đầu tiên, các ngành nghề liên quan tới Công nghệ thông tin được ưu tiên cho việc học và phát triển. Bên cạnh đó, một cách “làm chủ công nghệ” khác là giỏi nhất trong lĩnh vực nào đó, hoặc cố gắng học một ngành liên quan đến cảm xúc và có độ kỹ xảo cao mà công nghệ khó thay thế, ít nhất là trong 50 năm tới. Tóm lại, nếu không thể “làm chủ công nghệ” thì chúng ta sẽ bị công nghệ thay thế.

Rác thải từ những sản phẩm công nghệ lỗi thời

Công nghệ và rác thải

Việc các thiết bị thông minh (như điện thoại, máy tính) ra đời cũng kéo theo những hệ lụy về môi trường. Chu trình sử dụng và sản xuất ngắn hơn đồng nghĩa với việc nhiều rác thải về công nghệ sẽ đi vào môi trường nhiều hơn. Bên cạnh đó, việc sản xuất quá nhiều các thiết bị công nghệ là một trong những nguyên nhân làm trái đất nóng lên. Vậy đây chỉ là nguyên nhân từ các nhà sản xuất?

Không thể phủ nhận, đòi hỏi của con người ngày càng cao và đó là một mặt tích cực, nó là động lực thúc đẩy sự sáng tạo của con người. Tuy nhiên, chính sự đòi hỏi đó khiến các nhà sản xuất cạnh tranh hơn để cho ra các sản phẩm mới. Thay vào đó, nếu các thiết bị vẫn phục vụ tốt cho công việc, chúng ta có thể gìn giữ và tái sử dụng để vừa tiết kiệm tiền, lại vừa giảm bớt một lượng rác thải công nghệ ra môi trường nhé.

Ảnh hưởng tới đời sống xã hội

Công nghệ ra đời giúp mọi thứ được truyền thông nhanh hơn, trong đó có tin giả. Chúng ta chỉ có thể cẩn thận, sàng lọc nguồn tin để tránh sa vào những “cái bẫy truyền thông” được dựng nên nhằm thu hút sự tò mò từ đám đông.

Ông chủ của mạng xã hội lớn nhất hành tinh nói rằng: “Chúng tôi tạo ra Facebook để con người đến gần nhau hơn”. Vậy điều đó có trở thành sự thật? Hay thứ chúng ta thấy vẫn là những bữa cơm vội với mỗi người một thiết bị thông minh, bạn bè gặp nhau trong im lặng, những vụ công kích nhau trên mạng xã hội. Chúng ta có thể nhìn lại cách mỗi người xử dụng mạng xã hội để tự trả lời câu hỏi đó cho chính mình.

Lợi ích luôn đi kèm với thách thức, nếu công nghệ đang giúp thay đổi thế giới, cải thiện cuộc sống hằng ngày, phần lớn các tác động xấu của công nghệ bắt nguồn từ cách mà chúng ta sử dụng chúng. Hành vi từ con người sẽ quyết định đến ảnh hưởng của công nghệ đối với chúng ta. Do đó, hãy để công nghệ làm đúng với sứ mệnh của nó, biến cuộc sống của chúng ta ngày càng tuyệt vời hơn nhé.