ĐỜI SỐNG

Món ăn gốc Pháp được người Việt sáng tạo thành công

Cẩm Chi • 07-07-2022 • Lượt xem: 635
Món ăn gốc Pháp được người Việt sáng tạo thành công

Bánh mì, bò bít tết, bánh flan, cà phê, sữa chua... là những món ăn gốc Pháp, được Việt hóa theo khẩu vị của người bản xứ để trở thành đặc trưng ẩm thực không thể thiếu trong đời sống.

Bánh mì

Bánh mì là một trong những món ăn gốc Pháp nổi tiếng nhất, không chỉ với người dân trong nước mà còn đối với du khách nước ngoài. Từ khi bánh mì Hội An được đưa vào danh sách những món ăn ngon nhất thế giới, và từ điển Oxford phải thêm định nghĩa "banh mi" thì có thể thấy, món ăn này đã hoàn toàn thuộc về Việt Nam, làm lu mờ đi phần nào xuất xứ của nó. Khi nhắc đến bánh mì ở hiện tại, người nước ngoài sẽ nói rõ ràng là "bánh mì Việt Nam", hoặc gọi thẳng luôn là "bánh mì" chứ không dùng từ tương đương như "Vietnamese sandwich" hay "Vietnamese bread". 

Đây là một điều đặc biệt bởi trước khi người Pháp đến thì gần như không có tài liệu nào nói đến bánh mì hoặc loại bánh tương tự như bánh mì. Bánh mì Pháp có đặc điểm giòn, dài (gọi là baguette), khác với các chủng loại bánh mì khác trên thế giới, và Việt Nam đã thành công biến món bánh này thành một phiên bản đặc sắc của riêng mình chỉ với một chút chấm phá.

Bò bít tết/bò lúc lắc

Chữ bít tết được phiên âm từ chữ beesteak (tiếng Anh) hay bifteck (tiếng Pháp), được người Pháp mang vào Việt Nam từ thế kỷ 18. Nói đến bò bít tết, người ta thường hình dung ra miếng thịt bò chín mềm với phần thịt bên ngoài cháy cạnh thật thơm ngon nằm trên chiếc đĩa gang hình con bò.

Trước đây, bò bít tết chỉ có mặt trong các nhà hàng, quán ăn sang trọng. Tuy nhiên, không biết từ khi nào, bò bít tết đã cởi bỏ lớp áo khoác sang trọng của mình để trở thành món ăn bình dân, gia nhập vào đội ngũ những món ăn đường phố được ưa thích của người Sài Gòn. Một phần bít tết đầy đủ gồm có thịt bò, khoai tây, patê, trứng ốpla, bánh mì, ăn kèm với tương ớt cùng nước tương.

Ngoài ra, bò lúc lắc cũng được người Việt cắt nhỏ ra thành khối rồi cho vào chảo đảo đều, sau đó cho thêm rau củ, hành tây vào cùng.

Súp

Có nguồn gốc từ Pháp, khi mới vào Việt Nam, món ăn này chỉ được bán trong các nhà hàng ở Sài Gòn. Dần dà, súp được Việt hóa cho phù hợp với khẩu vị và cuộc sống của người dân bản địa. Ngày nay, súp là món ăn rất phổ biến. Bạn có thể dễ dàng thưởng thức món ăn này trên các con đường ở Sài Gòn.

Súp kết hợp từ nhiều nguyên liệu nên thường được đặt thành các tên gọi khác nhau như súp cua, súp gà, súp nấm, súp cá, súp hải sản..., chế biến theo hai cách là súp đặc và súp loãng. Hương vị thơm ngon, lành tính nên súp làm món điểm tâm, món ăn vặt hay món ăn nhẹ đều thích hợp.

Cà phê

Người Pháp đã giới thiệu cà phê cho Việt Nam vào những năm 1800, và kể từ đó nó đã trở thành một trong những phần không thể tách rời của văn hóa người Việt. Văn hoá cà phê Việt Nam phát triển nhiều đến mức thức uống này được bán mọi nơi và được già trẻ lớn bé yêu thích. Bạn có thể nhâm nhi một li cà phê trong nhà hàng sang trọng hoặc trong một hàng quán nhỏ ven đường chỉ vỏn vẹn một chiếc bàn và vài cái ghế nhựa. Người lớn có thể uống cà phê đen không đường, còn trẻ con thì có thể uống "bạc sỉu", nhiều sữa ít cà phê. Mặ khác, cà phê Việt Nam còn có nhiều phiên bản độc đáo nổi tiếng không nơi nào sánh được như cà phê trứng, cà phê vợt, cà phê cốt dừa…

Bánh flan

Kể từ khi người Pháp mang vào Việt Nam, món ăn dần thịnh hành tại các đô thị như một món tráng miệng thơm ngon, hấp dẫn. Bánh flan hay còn gọi là caramen (tiếng Pháp: flan và crème caramel) là kết tinh từ hỗn hợp trứng, sữa và đường thắng (nước caramen) và được hấp chín.

Ở Việt Nam, mọi người thường cho thêm sữa dừa vào nên có mùi vị ngon hơn hẳn. Món này có ở hầu hết khắp nơi, có thể mua hoặc tự làm đều rất đơn giản. Ở miền bắc gọi là bánh caramel hoặc kem caramel, miền nam gọi là bánh flan hoặc kem flan. Hiện tại, bánh flan có nhiều phiên bản đếm không xuể như flan nước cốt dừa, flan lá dứa, flan rau câu... So với phiên bản Pháp thì chỉ có đa dạng hơn chứ không kém chút nào.

Sữa chua

Sữa chua, hay còn gọi là "da ua" ở Việt Nam rất khác so với sữa chua phương Tây. Theo như trang Washinton's Top News thì da ua được người Pháp mang vào Việt Nam từ những năm 1884, tuy nhiên do thiếu thốn sữa tươi nên người Việt Nam đã dùng sữa đặc đóng hộp thay thế - đây cũng đồng thời là điểm khiến da ua khác với sữa chua phương Tây. Chính vì điều này mà da ua của chúng ta có vị ngọt và béo đậm hơn những loại khác.

Thậm chí, người nước ngoài cũng phải phân biệt sữa chua Việt Nam với phiên bản phương Tây, bằng chứng là nhiều trang web nấu ăn phải có riêng công thức gọi là "Vietnamese yogurt" để phân biệt. Chỉ cần gõ từ khoá này vào các công cụ tìm kiếm cũng có thể tìm được vô số các công thức làm món này trên các trang nước ngoài.